Friday, August 16, 2019

CUỘC SỐNG AN DẬT CÒN NGUY HẠI HƠN CẢ ĐỘC DƯỢC

Sống nơi thế gian này, mỗi cá nhân đều hy vọng có được một cuộc sống hạnh phúc. Điều này đương nhiên không sai, nhưng thiết nghĩ ‘cuộc sống hạnh phúc’ và ‘cuộc sống an dật’ là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Cuộc sống hạnh phúc là khi đạt được tiêu chuẩn về tâm linh, còn an dật, hưởng lạc là để chỉ sự hưởng thụ về thân thể. Tâm và thân con người có mối liên hệ chặt chẽ cũng như rễ và cành của một cái cây. Việc duy trì một tâm trí bình hòa là hết sức quan trọng. Còn không ngừng truy cầu lạc thú thân thể thì sẽ chẳng bao giờ thỏa mãn.
Chúng ta hãy tìm hiểu câu chuyện “Cuộc sống an dật còn nguy hại hơn cả rượu độc.


Ông Đào Khản là một viên quan nổi danh ở Dương Quận (tỉnh Giang Tây ngày nay), Trung Quốc dưới triều đại Đông Tấn (317–420). Ông đã giành được nhiều công trạng trên chiến trường và trở thành thống sứ của Kinh Châu.
Vài kẻ ganh ghét đã vu cáo ông. Kết quả là ông đã bị giáng chức và chuyển đến một nơi rất xa xôi ở Quảng Châu.
Ở Quảng Châu có rất ít việc phải lo, nhưng ông Đào không bao giờ tận hưởng sự an nhàn hay truy cầu thoải mái. Ông khiêng 100 viên gạch từ phòng đọc sách ra sân mỗi buổi sáng, và sau đó đến tối lại khiêng số gạch ấy quay vào phòng đọc sách.
Người ta rất tò mò vì hành động này. Và khi được hỏi, ông Đào trả lời: “Tôi có ý định phục hồi lại chức quan ở Kinh Thành. Nếu tôi sống quá an dật và trở nên tự mãn, tôi e rằng mình sẽ không thể thực hiện được mục đích này.”


Sau đó, ông Đào đã được chuyển về lại Kinh Châu. Mặc dù bận rộn hơn hồi ở Quảng Châu, ông vẫn hàng ngày khiêng gạch để tăng sức mạnh ý chí. Người ta gọi ông là “ông già khiêng gạch”.
Ông Đào Khản thường kể rằng: “Đại Vũ, vị thánh nhân đã sáng lập nên triều đại nhà Hạ (năm 2100 TCN), là một nhà hiền triết, mà ông vẫn biết trân quý từng phút. Chúng ta là những người bình thường thôi, do đó chúng ta nên biết quý trọng từng giây. Làm sao chúng ta có thể phóng túng bản thân và say mê các trò tiêu khiển hoặc khoái lạc mà quên đi nhiệm vụ của mình?”
Ngày nay, có những nơi được gọi là Tích Âm Lý (khoảng thời gian đáng quý) ở quận Khai Phúc, thành phố Trường Sa, tỉnh Hồ Nam. Người ta nói rằng cái tên đó được đặt theo câu nói nổi tiếng của ông Đào về việc quý trọng thời gian.
Ông Đào giữ một vị trí rất quan trọng và chịu đựng nhiều gian khó. Ông không hề truy cầu sự an dật. Ông bền bỉ đến nỗi trong khi đang làm quan ở Kinh Châu, ông lại được nhậm chức Đại Nguyên Soái thống lĩnh chiến trường phía Tây. Ông đã trở thành một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử.


Trong thời Xuân Thu (770 – 476 TCN), Quản Trọng, danh tướng nước Tề đã từng khuyên răn Tề Hoàn Công: “Con người không nên truy cầu thức ăn ngon, sự thoải mái và rượu chè”.
Các bậc tiền bối đã thấy rằng sự an nhàn là thứ có hại hơn cả rượu độc bởi vì sự an nhàn làm xói mòn ý chí của của con người. Có một câu ngạn ngữ cổ rằng: “Người ta thường sống sót qua khổ nạn, nhưng lại bỏ mạng trong sung túc”, cũng có ý nghĩa tương tự.
Trong Hán Thư (những ghi chép lịch sử về triều Hán) có nói: “Người xưa coi sự an nhàn như là rượu độc, và việc đánh đổi nhân cách đạo đức để được giàu sang là sự bất hạnh”. Ngay từ thuở sơ khai của triều Hán (từ năm 1 đến năm 5 TCN), trong số hàng trăm Vương hầu, Hoàng đế, hầu hết họ đều bại hoại, suy đồi nhân phẩm.
Tại sao lịch sử lại diễn ra như thế? Đó là vì môi trường sống và địa vị của họ đã làm họ chìm đắm trong tình trạng buông thả bản thân. Đây thực sự là một bài học để chúng ta, những thế hệ theo sau học hỏi.
Cổ nhân có câu: “Vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân”. Phẩm hạnh đạo đức tốt và hành vi cao thượng là đi đôi với nhau. Người có phẩm hạnh qua lao động cần cù mà thấy trân quý cuộc sống, vạn vật và sản sinh thiện tâm. Còn cuộc sống an nhàn thì sẽ nảy sinh tâm phóng đãng và sản sinh ý niệm tà ác. Do vậy mong cầu an dật hưởng lạc mà không có đức thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho con người.


Nhìn từ góc độ người tu luyện, một người trong nhân thế này đã từng làm rất nhiều điều xấu trong vô số kiếp và sản sinh ra rất nhiều nghiệp lực. Những sự việc không mong muốn đều là kết quả của nghiệp lực luân báo. Nếu chỉ lấy mà không trả thì một người sẽ tích rất nhiều nghiệp mà không hoàn trả, và kiếp sống kế tiếp của người đó sẽ cực kỳ khổ sở. Xét từ giác độ tu luyện cao tầng của Phật gia và Đạo gia, mục đích sống trên thế gian này không phải để hưởng lạc mà là để phản bổn quy chân.

Tịnh Liên

No comments: