Tôi đọc xong bài viết, rất cảm động nên post lại. Một người lính dù ở phía bên nào, khi họ hy sinh đều sẽ là một mất mát, đau khổ cho gia đình của họ như nhau.(LKH)
Cô gái nhỏ và người lính.
Rich kể lại “từ khóe mắt, bỗng thấy một động đậy và nhận ra một binh sĩ CS ngồi tựa vào khẩu AK 47.” Rich đã lọt vào tầm đạn của địch và cái chết chỉ còn cách một nhịp tim. Rich thấy toàn thân như đóng băng khi nhìn thẳng vào mắt người lính CS và “Dường như chúng tôi đã chăm chú nhìn nhau.” Đó là lúc ngón tay Rich tự nhiên kéo cò súng, và kẻ địch gục xuống.
Liền ngay đó là cả khu rừng rung chuyển giữa cơn mưa đạn và Rich đã được một đồng đội nhiều kinh nghiệm xô nằm xấp xuống. Một ý nghĩ hiện đến với Rich là kẻ địch có thể nổ súng trước và chắc chắn Rich đã chết trước khi nhìn thấy anh ta. Ý nghĩ này khiến Rich không ngừng thắc mắc “Tại sao hắn không bắn?” Nhưng thắc mắc này không dày vò Rich mà là một thứ khác – một tấm hình.
Khi trận đánh chấm dứt, những người lính tỏa ra đi tìm kỷ vật trên xác địch quân. Một người rút ví của tên địch vừa bị Rich bắn hạ, một mẩu giấy rơi ra. Rich cúi xuống lượm, nhận ra một tấm hình chỉ lớn bằng con tem chụp người lính và một cô gái nhỏ.“Họ là ai?” Rich không thể biết. Rich đã ngồi xuống nhìn mặt kẻ chết để coi có phải hình anh ta không nhưng vẫn không biết chắc. Tuy nhiên hai người trong hình chắc chắn là hai cha con. Hai người trong hình quá trang nghiêm, quá buồn. Phải chăng họ chụp tấm hình này ngay trước khi từ giã nhau?
Rich cảm thấy đau đớn và quyết định giữ tấm hình. Đã hơn một lần Rich được hỏi về lý do quyết định như thế và chỉ có thể trả lời: “Tôi không biết. Tôi đã suy nghĩ cả triệu lần rồi. Cái phần đầu tiên tôi trông thấy trong tấm hình là cô gái, và cô ta có một cái gì buồn bã lắm.”
Sau trận đánh đầu tiên ấy, Rich mau chóng thành chiến binh thiện chiến. Tuy nhiên, Rich vẫn không tránh khỏi tai họa chiến trường khi chỉ còn 20 ngày nữa là hết hạn phục vụ để hồi hương. Ngày đó, đơn vị của Rich bị phục kích và trong lúc lao lên cứu một đồng đội, Rich bị trúng đạn vào lưng. Lúc được trực thăng tải thương bốc đi, Rich cảm thấy như có lỗi vì đã bỏ rơi đồng đội… Nhưng rồi Rich cũng quen với nhịp sống êm ả tại quê nhà, nhất là sau khi lập gia đình và có hai đứa con gái. Những người thân của Rich không hề nghe Rich kể về cuộc chiến nhưng đều biết Rich có một tấm hình trong ví và có một ràng buộc đặc biệt với tấm hình ấy: Tấm hình không nặng tới một gam nhưng luôn đè nặng trái tim Rich cho tới khi Rich đã qua tuổi tứ tuần và ý nghĩ luôn nổi lên trong đầu Rich là “tội nghiệp con bé không còn cha nữa.”
Năm 1989, khi đi thăm đài kỷ niệm tử sĩ trận vong Việt Nam tại Washington D.C., Rich quyết định tự giải thoát bằng cách bỏ tấm hình dưới chân Bức Tường. Rich ngồi đối diện với tấm hình, ngắm kẻ đã bị mình bắn hạ hơn 20 năm trước, viết một lá thư ngắn:
“Thưa ông,
Suốt 22 năm nay, tôi giữ hình ông trong ví. Hôm ấy tôi mới 18 tuổi, khi chúng ta trông thấy nhau trên con đường mòn gần Chu Lai, Việt Nam .Xin tha thứ cho tôi đã giết ông. Ðã nhiều lần trong những năm qua, tôi nhìn hình ông và người con gái mà tôi đoán là con ông. Mỗi lần tim tôi bừng cháy với nỗi đau tội lỗi. Xin ông tha thứ cho tôi.”
“Dear Sir,
For 22 years, I've carried your picture in my wallet. I was only 18 years old that day we faced one another on that trail in Chu Lai, Vietnam. Forgive me for taking your life. So many times over the years, I've stared at your picture and your daughter, I suspect. Each time, my heart and guts would burn with the pain of guilt. Forgive me sir.” - Rich Luttrell
Rich đặt tấm hình và lá thư tại chân Bức Tường ghi tên 58 ngàn binh sĩ Mỹ tử trận tại Việt Nam và cho biết “hành động ấy tương tự như cách thế đứng nghiêm chào lần cuối cùng. Người lính ấy chết vì chiến đấu cho niềm tin của anh ta. Và đây là một cách vinh danh và bày tỏ lòng tôn kính anh ta.”
Rich cho biết cảm giác lúc ấy: “Anh ta không còn là kẻ thù nữa, mà là một người bạn. Giống như chào vĩnh biệt một người bạn. Lúc đó, tôi như vừa chấm dứt một trận đánh, buông ba lô xuống để nghỉ ngơi. Cái gánh nặng tôi mang nay không còn nữa.”
Rich cho biết cảm giác lúc ấy: “Anh ta không còn là kẻ thù nữa, mà là một người bạn. Giống như chào vĩnh biệt một người bạn. Lúc đó, tôi như vừa chấm dứt một trận đánh, buông ba lô xuống để nghỉ ngơi. Cái gánh nặng tôi mang nay không còn nữa.”
Nhưng thực tế không hoàn toàn như thế.
Bảy năm sau, năm 1996, khi Rich gần như đã quên tấm hình thì một người quen là dân biểu Ron Stephens đột ngột tìm gặp. Stephens đặt lên bàn của Rich một cuốn sách và nhắc: “Mở trang số 53.” Trên trang sách đó là tấm hình kèm theo nguyên văn lá thư ngắn mà Rich đã viết.
Tấm hình do Rich bỏ dưới chân tường đã lọt vào mắt một cựu chiến binh khác là Duery Felton. Là người quản lý phòng sưu tập tại đài kỷ niệm Duery lập tức bị thu hút bởi tấm hình cùng bức thư và đã quyết định giữ lại. Duery không thể nói rõ tại sao lại có quyết định đó mà chỉ diễn tả như một hành động vừa tự nhiên vừa kỳ bí không thể hiểu nổi.
Cô gái bé bỏng rời khỏi Rich lại ám ảnh Duery cho tới khi một nhà xuất bản yêu cầu Duery giúp hoàn thành một cuốn sách về Bức Tường Tưởng Niệm. Duery đưa tấm hình và lá thư vào cuốn sách với lời ghi: “Tấm ảnh này ám ảnh tôi nhiều năm, dù tôi không biết cô bé là ai.” Cuốn sách tình cờ tới tay người bạn của Rich. Do đó, 7 năm sau, tấm hình lại trở về với Rich khi ông theo lời nhắc của bạn mở trang sách số 53.
Nỗi ám ảnh cũ bỗng thành mạnh mẽ hơn khiến Rich liên lạc với Duery xin lại tấm hình. Duery bay từ Hoa Thịnh Ðốn tới Illinois gặp Rich. Hai người đàn ông không hề quen, chưa từng gặp nhau đã ôm nhau khóc vì tấm hình một cô bé mà cả hai đều không biết là ai.
Sau đó, Rich thấy cần công khai cho mọi người biết rằng ông đang tìm cô gái kia. Vì thế Rich trả lời một cuộc phỏng vấn của tờ báo St. Louis Post Dispatch, và câu chuyện được đăng lên trang nhất tờ báo.
Rich cắt bài báo, nhét vào một bao thư cùng với một lá thư gửi cho đại sứ Hà Nội tại Hoa Thịnh Ðốn, cho biết cần được giúp đỡ để tìm người con gái và gia đình người lính trong tấm hình. Đương nhiên người nhận thư phải chuyển về Hà Nội, nhưng chuyện vẫn như mò kim đáy biển khi sự giúp đỡ chỉ là một tờ báo tại Hà Nội in lại tấm hình và câu chuyện như một bài báo bình thường. Bài báo không thu hút người đọc và câu chuyện cũng không được một cơ quan công quyền nào của Hà Nội lưu tâm.
Nhưng tờ báo ấy may mắn được dùng làm vật gói đồ và bay về một làng quê do một người con ở Hà Nội gửi đồ về quê biếu mẹ. Khi mở gói đồ của con, bà mẹ lưu ý tới tờ báo nhàu nát in hình một người bộ đội. Thật kỳ lạ là bà nhận ra ngay người trong hình và lập tức cầm tờ báo đi tới một xóm nhỏ, báo cho chị em một gia đình ở đó biết tấm hình là cha của họ.
Rồi Rich nhận được lá thư thứ hai mà ông phải đi kiếm người thông dịch để biết đó là thư của cô bé trong hình, viết như sau:
“Kính gửi ông Richard,
Đứa nhỏ mà ông đã chăm sóc qua tấm hình hơn 30 năm bây giờ đã trưởng thành rồi. Đứa nhỏ ấy đã trải qua nhiều đau khổ trong tuổi thơ ấu vì mất bố và nhớ thương bố. Tôi hy vọng ông sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình tôi.”
Thế là ba mươi năm sau khi thấy tấm hình lần đầu, Rich biết đứa bé trong hình còn sống tên là Lan, đã 40 tuổi và đã có con cái.
Nhưng tin vui vừa nhận được lại như rơi vào tuyệt vọng, khi cơ quan điều tra nội bộ của chính quyền Hà Nội cho rằng cha của Nguyễn Thị Lan không thể là người trong hình, vì hồ sơ quân đội chứng minh ông ta tử trận tại nơi khác so với địa điểm Rich nói. Tình hình rối ren hơn khi có 3 gia đình khác lên tiếng nhận tấm hình là hình cha của họ. Rich không còn biết tin ai, nhưng rồi một đồng đội của người chết là bạn cùng đơn vị xác nhận đây là bạn đồng đội của ông ta và là cha của Nguyễn Thị Lan.
Kết quả cuối cùng đã có: Rich quyết định bay qua Việt Nam, đích thân đặt tấm hình vào tay “cô bé.” Lúc này đã là mùa Xuân năm 2000 và là năm thứ 33 kể từ khi Rich nhìn thấy tấm hình. Ðó là một ngày Thứ Tư u ám tại Hà Nội. Trời có vẻ sắp mưa trong lúc Rich bước lên chiếc xe Van để làm một chuyến đi hai giờ rưỡi tới làng của Lan. Chiếc xe chạy qua một vùng xa lạ, qua những khu chợ đầy các khuôn mặt ngạc nhiên khi thấy một đám du khách và một người Mỹ tóc bạc.
Rồi Rich hoang mang bước qua một bức tường đá, trông thấy người phụ nữ. Hai người đối diện, và Rich lập lại câu tiếng Việt mà ông đã học thuộc lòng: “Hôm nay tôi trả lại tấm hình của cô và cha cô mà tôi đã giữ 33 năm.”
Cuối cùng tất cả tuôn ra như một sự giải thoát đau đớn kinh hoàng, Lan ôm lấy Rich và khóc. Lan ôm Rich như thể Rich chính là người cha đã trở về từ cuộc chiến. Người em trai cho biết cả hai chị em dị đoan tin rằng linh hồn cha sống qua Rich. Ðối với họ, ngày hôm nay linh hồn cha của họ đã trở về. Cả làng dồn tới xem tấm hình trả lại và tấm hình đã gây xúc động cho mọi người. Rich đã nghĩ tới một nghi thức trang trọng, nhưng cuối cùng chỉ là một câu nói đơn giản với người thông dịch: “Nói cho cô ấy biết đây là tấm hình tôi lấy từ ví của cha cô ấy cái ngày tôi bắn chết ông ta, và hôm nay tôi mang trả lại.”
Cô bé đã 40 tuổi, lần đầu cầm được hình mình và cha trong tay. Cô vùi mặt vào hình cha. Ðây là lúc cô có thể nhìn cha gần nhất kể từ khi cô lên 6 tuổi và cha ra đi. Ðây cũng là tấm hình duy nhất và đầu tiên của người lính Nguyễn Trọng Ngoạn.
Lan và người em trai tên Huệ đặt tấm hình lên bàn thờ cha mẹ. Rich cùng tham dự nghi lễ cầu nguyện trước bàn thờ. Rich nói: “Cha của họ là một người can đảm, và ông chết như một chiến sĩ can trường. Ông ta không bị đau đớn…Tôi rất tiếc…”
Những giờ sau đó, Rich gần như trở thành một người trong gia đình, có dịp gặp lại bạn đồng đội của người đã chết; và những kẻ thù xưa trao đổi các kỷ niệm chiến tranh như thể họ chính là đồng đội cùng chiến đấu bên nhau. Đã quá khó cho Rich tìm được tới nơi đây, và cũng quá khó cho Rich từ giã nơi đây. Rich và Lan ôm nhau từ biệt và Rich đã bật khóc khi bước lên xe.
Ba mươi ba năm trước, Rich tới quốc gia này để tham chiến. Hôm nay ông trở lại để đem niềm vui tới cho một cô bé tội nghiệp, một niềm vui luôn gợi nhắc nỗi buồn. Ông đã không thể rũ bỏ nỗi tội nghiệp của cô bé suốt hơn ba mươi năm và có thể không bao giờ rũ bỏ nổi – như Turner, như James Webb… – Rich biết ông sẽ còn tiếp tục liên hệ với Lan và những người thân của cô.
Khi về tới Mỹ, ông nhận được thư của người em trai Huệ, nhắc lại ngày gặp gỡ vừa qua: “Trong thời gian ông viếng thăm gia đình tôi, mọi người trong làng nhận thấy ông là người rất tốt và tử tế. Khi ông rời Việt Nam, tôi cảm thấy như cha tôi đã trở về.”
Rich đã trở thành niềm an ủi cho một nỗi đau giữa hằng hà sa số nỗi đau (vẫn còn) đang bị vùi lấp giữa lãng quên trên khắp đất nước Việt Nam. Cùng với thời gian chắc chắn sẽ còn không ít câu hỏi trỗi lên từ những nỗi đau như thế để hiểu rõ về nguyên do thực sự đã dẫn đến những nỗi đau, cũng như những tấm lòng chia sẻ.
Uyên Thao
Link tham khảo tiếng Anh:
Emotional return to Vietnam