Âm hôn hay Minh hôn (đám cưới ma) là một hủ tục ghê rợn của người Trung Quốc. Đám cưới này là sự kết duyên giữa hai người đã mất hoặc 1 người vừa mất và một người... còn sống.
1. Nguồn gốc Âm hôn (Minh hôn)
Theo sách “Tam Quốc chí - Ngụy chí - Bỉnh Nguyên chí” ghi chép, năm Kiến An thứ 13, Tào Xung, con trai được yêu thương nhất của Tào Tháo chết bệnh, Tào Tháo đau khổ vô cùng, nhất là về việc chưa cưới vợ cho con khi còn sống.
Vừa vặn, con gái Tư không Bỉnh Nguyên cũng mới chết yểu cách đó không lâu, Tào Tháo bèn đề nghị hai nhà làm thông gia, cho hai trẻ hợp táng, kết nghĩa vợ chồng dưới âm phủ. Bỉnh Nguyên không đồng ý.
Minh hôn phát triển mạnh nhất vào thời nhà Tống. Theo ghi chép trong "Tạc mộng lục", những nam nữ thanh niên chưa kết hôn không may chết sớm thì cha mẹ bắt buộc phải tổ chức âm hôn cho họ. Tuy nhiên, phong tục này đã chính thức bị cấm từ sau năm 1949. Hiện nay, âm hôn chỉ còn tồn tại ở một số nông thôn Trung Quốc.
2. Lý do người ta phải tổ chức Âm hôn
- Đối với phụ nữ
Người Trung Quốc rất quan trọng việc thờ cúng tổ tiên, mặt khác họ quan niệm “con gái không phải con mình”. Vậy nên, khi con gái chết đi mà chưa lấy được chồng, thì sẽ không có người thờ phụng. Bố mẹ thương xót con, thường tìm một mối duyên âm lẻ bóng khác để kết đôi, và việc thờ phụng, nhang khói của con họ sẽ được bên chồng chăm lo.
Hoặc cũng có trường hợp ngược lại, các cô gái còn sống kết duyên âm cùng người đàn ông đã khuất. Trường hợp này thường sẽ rơi vào cô gái quá lứa lỡ thì, nếu cô gái đến tuổi lập gia đình mà không ai cưới sẽ khiến bố mẹ xấu hổ. Vì vậy, cô gái đó có thể phải chấp nhận kết hôn với một người con trai đã chết rồi dọn đến ở nhà người chồng quá cố, làm nhiệm vụ chăm sóc gia đình nhà chồng giống như con dâu thực sự.
- Đối với đàn ông
Theo quan niệm dân gian, nếu người sống khi chết vẫn độc thân thì sang thế giới bên kia họ vẫn cô đơn. Vì vậy họ sẽ "bắt" một thành viên trong gia đình mình cùng sang cõi âm để bầu bạn.
Đặc biệt, những thanh niên trẻ đã có hôn ước nhưng không may đột ngột qua đời thì người nhà phải tổ chức "đám cưới ma", nếu không linh hồn của họ sẽ quấy nhiễu khiến gia đình gặp nhiều xui xẻo.
Thầy cúng thực hiện nghi lễ âm hôn (Ảnh minh họa)
Trong "đám cưới ma", họ hàng và bạn bè của người quá cố đều được mời
đến chung vui với "cô dâu, chú rể" (Ảnh minh họa)
Trong văn hóa Trung Quốc, em trai không thể kết hôn trước anh trai. Trong trường hợp người anh trai đã qua đời thì gia đình phải làm "đám cưới ma" cho anh trai trước rồi mới tổ chức lễ cưới cho người em để tránh vong linh của người anh không hài lòng, khiến gia đình lục đục.
Nghi lễ âm hôn (Ảnh minh họa)
Một lý do khác được đưa ra để hợp thức hóa Minh hôn là do người xưa thường tin vào phong thủy mồ mả, họ cho rằng những ngôi mộ cô độc sẽ ảnh hưởng tới sự hưng thịnh của hậu duệ sau này. Vậy nên, Minh hôn là cách hóa giải những điềm xui, vận hạn cho hậu thế.
3. Quy trình tổ chức Âm hôn
Đầu tiên, cha mẹ bắt buộc phải nhờ “quỷ mai mối” đi dạm hỏi cưới xin, sau đó tiến hành xem quẻ. Nếu quẻ đồng ý cho cưới thì hồn ma của đôi nam nữ sẽ được may áo cưới rồi cử hành hôn lễ, chôn cất hai người cùng một mộ.
Một "đám cưới ma", chú rể lấy cô dâu đã chết ở Chương Châu , Phúc Kiến, Trung Quốc vào năm 2010
Chú rể cầm ảnh cô dâu đã chết
Trong thời gian làm lễ, các hình nhân sẽ được đối xử, trò chuyện như với người còn sống. Sau này, hai gia đình sẽ chọn ngày lành tháng tốt để tiến hành bốc mộ. Cô gái sẽ được chôn cạnh chàng trai mà mình được gả cưới.
Thậm chí, một số người Trung Quốc còn cho rằng "đám cưới ma" là một cuộc hôn nhân trường tồn, vĩnh cửu. Hai người ở cõi âm sẽ sống hạnh phúc mãi mãi bên nhau, không hề có chuyện ly dị như các đôi vợ chồng trên dương gian.
4. Âm hôn ngày nay và nạn buôn xác chết
Trong xã hội hiện đại, dù pháp luật ngăn cấm, song tập tục cổ hủ này dường như vẫn còn tồn tại chui lủi ở một số vùng quê hẻo lánh. Chủ yếu là vùng nông thôn các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc và Quảng Đông vẫn thường diễn ra mua xác phụ nữ thậm chí là trộm xác, cướp xác để làm đám cưới ma.
Môt số kẻ lợi dụng phong tục này để đào mồ (Ảnh minh họa)
Ông Zhou Peng, một nhà báo làm việc cho tờ Tin tức buổi tối Tây An, tiết lộ rằng bọn tội phạm tìm đủ mọi cách qua mặt cảnh sát địa phương thậm chí chúng sẽ nhờ bác sĩ lành nghề để tiến hành phẫu thuật chỉnh hình ngay trên các xác chết vừa đào được, nhuộm tóc người chết để xác chết trông trẻ hơn nhằm bán kiếm lời.
Khi Đông Tiên không đồng ý với mức giá 10.000NDT (hơn 34 triệu đồng), người đàn ông này đã gợi ý về việc bán xác chết nữ ở Sơn Tây có giá hơn. Sáng sau, người đàn ông dẫn Đông Tiên qua sông, sang huyện Thấp ở Sơn Tây, gặp một người khác được gọi là “ông Lý”, cuối cùng thỏa thuận nếu có xác chết nữ sẽ trả 16.000NDT (hơn 54 triệu đồng). Ngay hôm sau Đông Tiên dẫn cô gái đến khe núi, giết chết rồi nhét xác trong túi du lịch, trao cho người đàn ông lạ mặt.
Mỗi xác chết nữ ông ta thường mua với giá 8.100NDT (gần 28 triệu đồng), sau đó bán lại cho gia chủ khoảng 30.000NDT (hơn 100 triệu đồng). Sau khi bắt giữ Lý Long Sinh, Lưu Sinh Hải (người đàn ông lạ mặt đến gặp Đông Tiên), công an tiếp tục điều tra ra các vụ án mạng khác do chúng thực hiện.
Theo lời khai của Đông Tiên, sau khi nhận được tiền, chợt nghĩ nếu một năm làm mấy vụ như thế này, tiền tiêu không hết. Tình cờ khi về đến nhà, lại gặp người bạn cũ là Huệ Bảo Hải. Nghe Huệ Bảo Hải nói gần đây không có việc làm, chỉ đi trộm cắp vặt, Đông Tiên liền nói có việc hái ra tiền: tìm xác chết nữ.
Chúng thỏa thuận với nhau, từ nay nếu gặp được những cô gái thiểu năng, sẽ giết chết mang xác bán. Tháng 11-2006, chúng đến Diên An, giết chết một cô gái bán hoa đã quen từ trước. Tháng 12, Lý Long Sinh tiếp tục nhận được một xác chết nữa, trả cho Đông Tiên 8.000NDT (hơn 27 triệu đồng).
Âm hôn, không những tốn kém mà còn gây ra nhiều tệ nạn, chính vì vậy chính phủ Trung Quốc vẫn đang nỗ lực để dẹp bỏ hủ tục này.
ChuHanie
No comments:
Post a Comment