Tuesday, January 14, 2020

GIẢI MÃ KUMANTHONG

Giải mã Kumanthong - Bùa chú "búp bê ma" Thái Lan đầy những chuyện rợn người

Nếu bạn tìm hiểu về người Thái, bạn sẽ biết rằng họ sợ ma một cách vô cùng nghiêm túc. Những câu chuyện về thế giới tâm linh của họ là vô cùng phong phú. Theo đó, Thái Lan cũng là một đất nước rất thịnh hành những loại bùa chú. Và trong số đó, Kumanthong là một loại bùa rất được ưa chuộng và theo lời nhiều người là có độ linh nghiệm cực kỳ cao.


1. Kumanthong là gì?

Kumanthong (กุมารทอง): trong tiếng Thái Lan, "Kuman" ám chỉ em bé, trẻ nít, con nít còn sơ sinh, còn nhỏ tuổi; còn "Thong" có nghĩa là "vàng".

Kumanthong là tên gọi chung cho những loại bùa là bức tượng nhỏ bằng đồng hoặc gốm dát vàng hình một đứa trẻ đang mỉm cười. Nhưng người ta nói rằng loại Kumanthong quyền năng và "cấp cao hơn" nhất định phải là một con búp bê trẻ con xinh đẹp được yểm bằng bùa luyện bởi xác thai nhi. Đây cũng là loại bùa chú "thông dụng" đang được rất nhiều người tin tưởng và "thỉnh" về nuôi.

2. Câu chuyện nguồn gốc của Kumanthong

Nói về nguồn gốc vì sao Kumanthong được tạo ra, phải đề cập tới một câu chuyện xa xưa.

Truyền thuyết về Kumanthong bắt nguồn từ câu chuyện bi thảm được một nhà thơ nổi tiếng sống ở thế kỷ 19 của Thái Lan - Sunthon Phu kể lại trong tác phẩm của ông, cuốn tiểu thuyết Khun Chang Khun Phaen.

Trong câu chuyện, Khun Phaen là một vị tướng trẻ tài ba rất thân thiết với nhà vua, đồng thời cũng nhận được sự sủng ái từ một thầy phù thủy quyền uy trong vương quốc. Vị phù thủy nọ yêu mến Khun Phaen đến nỗi đã quyết định gả con gái yêu của lão cho chàng.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi người vợ xinh đẹp của Khun mang thai, mối quan hệ của chàng và bố vợ bắt đầu rạn nứt. Nguyên nhân xuất phát từ những bất đồng và mâu thuẫn ngày càng gay gắt trong việc giúp nhà vua điều hành đất nước. Đỉnh điểm của sự việc là khi tay phù thủy độc ác quyết định mưu hại con rể của mình. Ông ta đã xúi con gái đầu độc người chồng mới cưới. Thế nhưng sự việc đã bị Khun Phaen phát hiện, và một thảm kịch ghê rợn hơn đã bắt nguồn từ đó.

Cơn điên dại vì bị phản bội cộng với khao khát báo thù đốt cháy tâm can, Khun Phaen đã biến thành quỷ dữ. Khun giết vợ, rồi mổ bụng lấy con ra ngoài. Khun chạy tới một ngôi đền thiêng, thắp lửa và sấy khô cho đến khi thai nhi tội nghiệp đó quắt queo lại còn cỡ một nắm tay. Suốt đêm đó Khun đã cầu nguyện không ngừng. Sáng hôm sau khi nghi lễ man rợ hoàn thành, linh hồn của đứa trẻ tội nghiệp đã hóa thành một bóng ma, một dạng “Thiên thần hộ mệnh” luôn đi theo bảo vệ và mang lại may mắn cho người đã chính tay giết nó.


Bên cạnh truyền thuyết xưa cũ không được chứng minh rõ ràng, thì cũng có một lý giải nguồn gốc Kumanthong đáng tin và hợp lý hơn. Đó chính là những người đầu tiên tạo ra Kumanthong chính là các nhà sư hoặc thầy bùa.

Động lòng trắc ẩn với những đứa trẻ chết non, các nhà sư hay thầy bùa sẽ giúp đỡ những đứa trẻ đáng thương này bằng cách đưa chúng vào một nơi tạm thời để trú ẩn, chẳng hạn như mặt dây chuyền họa tiết hoặc bức tượng nhỏ hình em bé.

Họ sẽ lấy xác chết của trẻ sơ sinh và sử dụng xương hoặc lông, tóc của chúng để tạo thành các mẫu bùa hộ mệnh. Đối với những em bé chưa sinh (có nghĩa là chết trong bụng mẹ) sẽ được đưa vào hình tượng em bé đang nằm và mút núm vú giả (rất dễ thương), những đứa bé ở độ tuổi từ 2 đến 8 tuổi, hình dáng thông thường là đứng hoặc ngồi và bạn cũng có thể thấy chúng mang theo một số vũ khí như cung tên hoặc giáo mác.

Một số linh hồn hung dữ sẽ được pháp sư bịt mắt bằng tấm vải màu đỏ, những loại này sẽ mất nhiều năm để rửa sạch nghiệp chướng và cũng rất khó khăn để chế ngự chúng.

3. Cách chế tạo Kumanthong

Từ hàng trăm năm trước, người ta đã tìm thấy những bản hướng dẫn chi tiết cách làm một Kumanthong. Theo nguyên bản, để làm nên bùa này, người ta phải ra nghĩa địa tìm xác chết một người phụ nữ đang có mang và mới chết được 21 ngày.


Sau khi bày đồ lễ vật cúng, ông thầy xin người phụ nữ đứa con trong bụng rồi đào xác lên mổ bụng lấy đứa bé. Lấy được xác về, thầy phù thủy phải đem ngay đến một lò thiêu gần đó để thực hiện công đoạn thứ hai là sấy xác chết.

Khi xác đứa bé đã khô quắt queo và nhỏ gần bằng nắm tay thì ông thầy dùng vải quấn lại, và phủ một lớp sơn mài, sau đó dát bằng vàng lá rồi để lên bàn thờ và thực hiện nghi thức ma giáo.

4. Tại sao người ta lại nuôi Kumanthong?

Ban đầu, búp bê Kumanthong được tạo ra với mục đích giúp các linh hồn bé nhỏ có cơ hội siêu thoát, bằng cách giúp đỡ chủ nhân của mình, nghe kinh Phật thường xuyên để tạo nghiệp lành, xoá bỏ nghiệp ác trong quá khứ thông qua đó chúng sẽ được tái sinh vào cõi tốt hơn. Đó cũng là cơ hội để chúng tích lũy nghiệp lành và giúp đỡ "cha mẹ" (chủ nhân của Kumanthong), chúng sẽ được tái sinh trong cõi tốt hơn sau khi hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Bởi vậy người ta tin rằng hồn ma con trẻ được yểm trong những con búp bê đáng yêu có quyền năng rất ghê gớm và sẽ "độ" được những mong muốn của "cha mẹ". Kumanthong được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau: Tăng ích (chiêu tài, câu khách, buôn may bán đắt), Kính ái (tạo tình cảm), Tức tai (bảo hộ thân chủ trong những trường hợp gặp nguy hiểm, mách bảo trước những chuyện nguy hiểm), Hàng phục (phá phách đối thủ, gây bệnh), Câu triệu (gọi người đi xa).


Niềm tin vào Kumanthong phổ biến và mạnh mẽ đến nỗi thậm chí cả các đền chùa cũng bày bán những bức tượng nhỏ mang hình dáng của một hài nhi ngồi chắp tay cầu nguyện, như là một dạng Kumanthong thô sơ nhất.

5. Cách chăm sóc Kumanthong

Người ta nói rằng Kumanthong chỉ là những đứa trẻ nhỏ và tâm trí mong manh của chúng bị ảnh hưởng bởi hành động xấu xa hoặc tốt đẹp theo ý chủ nhân. Nếu chủ sở hữu dạy Kumanthong làm những điều tà ác thì họ sẽ chịu ảnh hưởng bởi luật nhân quả và họ sẽ nhận quả xấu trong chu kỳ tái sinh của mình.

Khi đưa một Kumanthong về nhà, người nuôi phải lập một ngôi đền cho đứa bé đó và thờ cúng nó như một đứa con của mình. Người ta cho rằng Kumanthong có thể ban ân huệ cho ông chủ của mình nhưng chỉ khi đứa bé ấy cảm thấy hạnh phúc, vậy nên phải rất cận trọng trong việc thờ cúng nó. Người chủ cần phải xem nó là số một, dành mọi sự cung phụng, quan tâm cho nó, nếu không nó sẽ ghen tị, giận dữ và gây ra nhiều chuyện không kiểm soát được.

Nhưng sự giúp đỡ của các thứ tâm linh luôn có giá của nó. Nếu đã chọn mang Kumanthong vào nhà thì người đó phải chịu trách nhiệm chăm sóc nó tử tế bởi vì nó là một đứa trẻ ma, nếu bị bỏ rơi, nó có thể giận dữ lên và "trả đũa" chủ nhân. Người nuôi phải thừa nhận sự hiện diện của nó, nói chuyện, yêu thương chăm sóc nó và sau đó nó sẽ mang lại những thứ tốt cho người nuôi và bảo vệ họ khỏi kẻ thù hay những việc không may.


Vì Kumanthong là một đứa trẻ nên người nuôi bày đặt rất nhiều đồ chơi xung quanh. Việc chăm sóc cho Kumanthong được xem là vất vả và có phần quái dị. Nguời chủ phải đặt nó trên một chiếc bàn riêng, nơi kín đáo và “nuôi” dưỡng nó hằng ngày bằng một ly sữa hay nước ngọt. Đối với đồ uống Kumanthong thích Nam-Daeng. Nam-Daeng có nghĩa là “nước đỏ” là một loại thức uống có đường được pha chế với màu nhân tạo đỏ tươi và hương liệu từ cây sala (Salacca wallichiana).

Những người giữ Kumanthong ở nhà thường gặp những điều kỳ lạ xảy ra như nghe thấy âm thanh cười nói của một đứa trẻ hoặc những tiếng bước chân nhỏ chạy quanh như một đứa trẻ đang chơi đùa điển hình như mở hoặc đóng cửa.

Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, đôi khi Kumanthong cũng có thể nghịch ngợm, phá phách chủ nhân. Những lúc đó, người chủ cũng phải trừng phạt bằng cách đánh nó nhẹ nhàng với một cây gậy gỗ, đồng thời trách mắng bằng một giọng điệu nghiêm khắc, giống như cách mà họ dạy dỗ trẻ con vậy.

Và cuối cùng khi một người nào đó không còn khả năng chăm sóc cho một Kumanthong được nữa, họ phải đưa nó đến một ngôi chùa rồi lặng lẽ ra về, chứ không phải là quăng nó đi hay cố tình phá hủy nó.


6. Những câu chuyện đáng sợ về Kumanthong

Người ta lưu truyền rất nhiều câu chuyện về quyền nặng mạnh mẽ của Kumanthong. Bên cạnh đó cũng là những chuyện về cái giá mà chủ nhận phải nhận lấy nếu như làm Kumanthong phật lòng. Không ai kiểm chứng được những câu chuyện đó, nhưng có những điều hết sức chân thật xuất phát từ bùa chú Kumanthong này, đó chính là việc liên quan đến những thi thể thai nhi.

Quyền năng thực sự của Kumanthong vẫn chưa được kiểm định. Luật pháp Thái Lan nghiêm cấm việc “chế tạo” và sử dụng Kumanthong, song những đồn thổi truyền tai nhau về quyền năng siêu phàm khiến cho nó vẫn luôn là một thứ hàng chợ đen đắt giá. Và ở những bệnh viện Thái, thai nhi sinh non liên tục bị đánh cắp. Mộ các bà mẹ đang mang thai cũng thường xuyên bị ăn trộm.

Năm 2012, cảnh sát Thái bắt một người Đài Loan tên Chow vì mang theo trong va li 6 thai nhi chết non nhằm mục đích bán lại cho các thầy để làm bùa Kumanthong. Các thi thể này đều được sấy khô và dát bằng vàng lá.

Kẻ buôn lậu thừa nhận đã mua những "mặt hàng" này với giá hơn 4.000 bảng Anh. Sau khi trở về Đài Loan, hắn có thể bán lại với giá gấp 6 lần cho những người giàu có. Wiwat Kumchumnan, một nhân viên cảnh sát thuộc ban bảo vệ bà mẹ và trẻ em Thái Lan cho biết:

Những thi thể này khoảng từ 2 đến 7 tháng tuổi. Chow nói rằng anh ta đã lên kế hoạch bán chúng cho những người giàu mê tín, vốn tin rằng bào thai sẽ mang lại may mắn và thịnh vượng. Một số xác còn được dát bằng vàng lá.

Vụ việc này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tháng 6/2010, 14 cái xác của trẻ sơ sinh đã được phát hiện tại một ngôi nhà hoang ở nông thôn thuộc tỉnh Ubon Ratchathani. Và một cựu y tá bị buộc tội đã bán những cái xác này với giá 30USD.


Nghiêm trọng hơn, vào tháng 10/2011, có đến 348 xác thai nhi bị phá đã được tìm thấy bọc trong các túi nhựa và đang thối rữa tại một tu viện Phật giáo tại Wat Phai Ngoen, ngay giữa trung tâm Bangkok. Những cái xác này được thu gom từ năm phòng phá thai bất hợp pháp khác nhau với mục đích là bán lại cho những tay thầy pháp để làm thành bùa hộ mệnh.

Mỗi bùa Kumanthong được bán với giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn USD. Thậm chí có nơi nó được bán với giá tới gần 70 triệu đồng. Đắt là vậy nhưng niềm tin vào khả năng đặc biệt của loại bùa này khiến giới doanh nhân, người làm ăn buôn bán ở Thái Lan, các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, và thậm chí cả Đài Loan, HongKong vẫn ra sức săn lùng. Còn giới showbiz ở Thái Lan, dù không công khai nhưng thực sự luôn xem Kumanthong là “bí quyết” để thăng tiến trong sự nghiệp và dành nhiều tài lộc.

ChuHanie