Ghé lại, không phải vì ham muốn lưu lại ở một vài đêm chốn nghỉ dưỡng đắt đỏ này mà đa phần vì những câu chuyện ma quái...
Kiến trúc hoành tráng của Grand Hyatt Taipei. Ảnh: TG
Hành trình vào "thế giới ma quỷ"
Năm 2011, Hotels.com - một trang web uy tín chuyên về cố vấn du lịch quốc tế đã liệt Grand Hyatt Taipei vào danh sách 10 khách sạn "ma quái" nổi tiếng nhất thế giới. Dĩ nhiên, trong phần giới thiệu của mình, hotels.com không quên kể lại vắn tắt câu chuyện rùng rợn liên quan đến khu nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế này. Hotels.com cũng tin rằng sau khi làm lễ trừ tà, Grand Hyatt sẽ là địa chỉ lý tưởng cho các khách hàng muốn thử cảm giác khám phá mạo hiểm.
Đài Bắc vào những ngày cuối năm, cả thành phố bị bao trùm dưới màn mưa kéo dài lê thê qua nhiều ngày. Những hoạt động vui chơi hầu như bị đình lại. Nhiều người muốn du lịch khám phá các địa điểm nổi tiếng như Khách sạn Grand hotel (còn gọi là khách sạn Tống Mỹ Linh), bảo tàng Đài Loan (nơi lưu giữ 700.000 hiện vật) hay vườn chim... đều trở nên ngại ngần. Tôi đã cảm nhận được tâm trạng ấy, mỗi khi bước chân ra phố là đối mặt cảnh ướt át đến khó chịu và cái lạnh tê người. Nhưng trước câu chuyện mang đầy màu sắc liêu trai về Grand Hyatt hotel, thì quả thực là trí tò mò của tôi đã chiến thắng được cái cảm giác ngại ngùng, lười biếng.
Hành trình từ khu phố cổ Yong kang, nơi tôi lưu ngụ đến Hyatt không quá phức tạp. taxi ở Đài Bắc đủ phục vụ cho nhu cầu của người dân bản địa và du khách 24/24h. Chỉ cần chấp nhận cái giá "mắc" hơn Việt Nam một chút, bạn có dịp ngắm nhìn những tòa nhà chọc trời, những công trình đồ sộ đã trở thành biểu tượng của người dân Đài Loan như tháp Taipei 101 hay Internacional World trên hành trình đến Grand Hyatt. Nhưng trên con đường 8 làn xe chạy được mệnh danh "đẹp nhất Đài Bắc", tôi không có thời gian để thưởng thức những công trình đẹp đẽ trước mặt. Toàn bộ tâm trí của tôi đã chìm theo câu chuyện đầy chất liêu trai về Grand Hyatt. Bằng thứ tiếng Anh bồi lơ lớ, tôi thúc bác tài xế (phần lớn lái xe ở Đài Bắc sử dụng tốt cả tiếng Anh lẫn tiếng Trung - PV) nhanh nhanh đưa cả đoàn đến "bến cuối" của hành trình.
15 phút xe chạy cho cảm giác chờ đợi tưởng như lâu lắm. Grand Hyatt đã hiện ra trước mắt. Dường như, không có khung cảnh nào hợp hơn để khám phá về một địa danh ma quái thích hợp hơn bầu trời xám xịt ảm đạm và màn mưa huyền ảo như thế này. Chợt nhận ra, Grand Hyatt quả xứng là một công trình kiến trúc tuyệt đẹp với thiết kế như người khổng lồ cùng đôi tay dang rộng về phía trước. Bước vào thế giới nghỉ dưỡng xa hoa này, bạn có thể được phục vụ như những "ông hoàng, bà chúa" với các dịch vụ quốc tế hoàn hảo bậc nhất. Tuy nhiên, khi ngắm nhìn Grand Hyatt từ bên ngoài sảnh, tôi có thể lý giải phần nào lời chỉ dẫn của Norika - một người bạn Nhật đồng hành: "Cậu có biết vì sao đến ngày nay số đông du khách ưa cảm giác mạnh vẫn đổ về Hyatt không?"
Dĩ nhiên, lý do thôi thúc họ không phải vì những phòng ngủ đẹp như mơ, của những bữa ăn kèm món bánh mỳ do chính tay đầu bếp Pháp tự nướng bằng loại bột thượng hạng hay đơn thuần là bởi vị trí đắc địa (nằm lọt thỏm giữa khu trung tâm thương mại, vui chơi sầm uất nhất Đài Bắc) của Grand Hyatt. Nhiều người đến khách sạn quốc tế này, bởi có lẽ cũng như tôi, họ muốn được nghe tận tai về câu chuyện ma quỷ đầy ly kỳ...
Hình hai lá bùa lớn được trấn yểm trước sảnh khách sạn.
Câu chuyện kinh dị
"Ở khách sạn này, quy định kỷ luật rất nghiêm ngặt và một trong những điều cấm kỵ là nói cho khách nghe về câu chuyện về những linh hồn từng theo ám khách sạn". Paul - một nhân viên làm việc ở sảnh lớn của Grand Hyatt đã bắt đầu câu chuyện, kèm theo yêu cầu tôi giữ kín những gì anh tiết lộ bằng giọng điệu đầy nghiêm trọng. Nó chỉ càng khiến tôi cảm thấy bị mê hoặc hơn, khát khao tìm hiểu hơn vì chuyện gì thực sự đã xảy ra trong những đêm khuya thanh vắng ở khách sạn này.
Câu chuyện Paul kể cho tôi bắt đầu từ mảnh đất mà Grand Hyatt ngày nay tọa lạc. Từ xa xưa, mảnh đất này là nơi giam giữ hàng ngàn tù nhân trong thời kỳ chiến tranh thế giới. Họ đã bị tra tấn, đánh đập dã man và nhiều người có thể đã bị hành quyết. Sau khi kết thúc chiến tranh, nhà tù trên mảnh đất đã bị phá hủy. Một vài công trình nhỏ được thế vào trước khi chính quyền thành phố quyết định cho phép Hyatt xây dựng khách sạn 5 sao quốc tế hoành tráng có quy mô lên đến 850 phòng. Tuy nhiên, khi động thổ xây dựng, những nhà lãnh đạo của tập đoàn này đã không được cho biết về "lịch sử" đáng sợ của mảnh đất.
Vài năm sau khi Grand Hyatt đi vào hoạt động, nhiều du khách đến đây nghỉ ngơi đã nói với quản lý khách sạn rằng họ không thể ngủ được vì tiếng rên(?!). Bên ngoài hành lang phòng ngủ, thi thoảng lại xuất hiện bóng người vật vờ đi lại trước khi hóa thành làn khói đen sẫm hòa vào khoảng không. Quản lý khách sạn đã làm mọi cách để trấn an các vị khách, nhưng tình hình sau đó dường như không có dấu hiệu tốt lên. Những tiếng hét giữa đêm vì cảm giác có ai đó đứng ngay góc phòng vẫn tiếp tục. Một vài người thậm chí còn tiết lộ, họ thấy như mình bị đè xuống ghế khi đang ngồi đọc báo ở phòng nghỉ của khách sạn.
Vì những chuyện quái quỷ không thể giải thích, lượng khách đến nghỉ tại Grand Hyatt Taipei đã từng sụt giảm nghiêm trọng trong một thời gian ngắn. Rất ít người còn muốn bỏ ra vài trăm đến hàng ngàn USD cho mỗi đêm nghỉ ngơi tại một khách sạn bị ma ám, khiến hoạt động kinh doanh trở nên đình trệ. Trước cơn khủng hoảng đó, lãnh đạo Grand Hyatt buộc phải bắt tay vào tìm hiểu nguyên nhân. Họ cuối cùng đã tìm ra sự thực kinh hoàng về lịch sử mảnh đất xây dựng khách sạn của mình. Một cuộc trấn yểm ly kỳ ngay sau đó đã khẩn cấp được thực hiện.
Lễ trừ tà hy hữu
Paul nói với tôi rằng khi anh vào làm việc, thì lễ trừ tà cho khách sạn đã được thực hiện từ rất lâu trước đó, anh biết về buổi lễ đặc biệt này qua lời kể của các đồng nghiệp.
Ngày đó, sau khi xác tín được chuyện "khách sạn bị hồn ma" của những người tù trước đây theo ám, lãnh đạo Grand Hyatt đã phải bàn bạc rất kỹ về việc mời một pháp sư cao tay tới lập đàn trấn yểm. Nhưng tìm khắp Đài Loan, họ không thể chọn ra một gương mặt ưng ý nào. Cực chẳng đã, lãnh đạo Grand Hyatt Taipei đã phải lặn lội sang tận Trung Hoa đại lục để "cầu cứu". Chuyện kể rằng phải mất rất nhiều ngày thuyết phục, họ mới thuyết phục được một vị pháp sư cao tay đồng ý vượt biển.
Ngày lành tháng tốt được chọn cho lễ trấn yểm, trừ tà. Hôm ấy, mọi hoạt động của Grand Hyatt đều ngừng cả lại. Paul bảo: "hình như đó cũng là một ngày mưa gió rất lớn". Vị pháp sư đi một vòng, dán những lá bùa chằng chịt bên ngoài khách sạn. Đàn tràng được lập và buổi lễ đầy không khí liêu trai kéo dài gần trọn một ngày, một đêm. Không ai biết, vị pháp sư đã làm gì với "phần âm" tồn tại bên trong Grand Hyatt. Chỉ biết, sắc mặt vị pháp sư thay đổi liên tục, chốc chốc lại thấy ông thở dốc. Xong buổi lễ trừ tà đầy căng thẳng, một bức tượng đã được làm phép trấn yểm để đặt trước sảnh lớn khách sạn. Bên cạnh đó, vị pháp sư còn tự tay họa hai lá bùa rất lớn. Ngày nay khi đến thăm Grand Hyatt, du khách không còn thấy bức tượng trấn yểm trước sảnh nữa. Nhưng hai lá bùa, với nội dung chính xua đuổi và bảo vệ tòa nhà khỏi sự ám ảnh của quỷ dữ, bảo hộ cho sự hưng vượng, phát đạt của Grand Hyatt thì vẫn ngự trên tường phía trong sảnh lớn khách sạn.
Chẳng biết câu chuyện trên mức độ xác thực là bao nhiêu phần trăm, chỉ biết giờ có rất nhiều du khách đổ về Grand Hyatt
Mạnh Cường