Wednesday, January 8, 2020

KẸO RÂU RỒNG (龍鬚糖)

ĐỘC ĐÁO MÓN KẸO RÂU RỒNG Ở TRUNG QUỐC

Hẳn du khách sẽ thắc mắc tại sao gọi là kẹo râu rồng (龍鬚糖) trong khi kẹo lại được cấu tạo từ nhiều sợi mảnh như sợi chỉ? Điều này phải nói đến xuất xứ cùng nguồn gốc của kẹo.


Tương truyền ngày xưa món kẹo râu rồng chỉ có Vua (thời nhà Hán) mới được ăn, và cũng là một trong những món tráng miệng yêu thích của nhà vua. Mỗi khi nhà vua thưởng thức thì những sợi kẹo dính quanh miệng vua và những đại thần đều trêu đùa nhà vua mới mọc thêm râu. Từ đó mới có tên gọi là "kẹo râu rồng". Nếu như từ khi mới ra đời, kẹo râu rồng chỉ được lưu hành trong cung cấm và phục vụ tầng lớp quý tộc thì cho đến năm 1911, khi chế độ nhà Thanh ở Trung Quốc sụp đổ thì món kẹo này bắt đầu lan truyền và phổ biến trong tầng lớp bình dân, sau đó tồn tại cho đến ngày nay.


Nếu như có cơ hội xem cách mà người ta làm kẹo râu rồng du khách phải ngạc nhiên và thích thú. Kẹo râu rồng không chỉ đơn thuần là một món tráng miệng mà còn là cả một nghệ thuật thủ công truyền thống của Trung Quốc. Cách người làm kẹo râu rồng cũng hơi giống với cách mà người Việt mình làm kẹo chỉ, nhưng với kẹo râu rồng du khách sẽ thấy đã mắt hơn và có thêm nhiều trải nghiệm thú vị.

Nguyên liệu làm kẹo râu rồng khá đơn giản bao gồm đường mật maltose (mạch nha), bột, lạc rang... nhưng bí quyết làm nên món này mới chính là trọng điểm thu hút nhiều sự quan tâm của các thực khách. Bởi để làm được món kẹo này, người thợ không chỉ cần sự kiên nhẫn mà còn cần sự khéo tay rất nhiều.


Đầu tiên, người đầu bếp phải thắng đường cho đặc dính lại rồi nặn thành từng khoanh tròn với độ lớn vừa phải. Sau đó họ sẽ bắt đầu kéo giãn kẹo trong bột khô để có thể tạo ra những sợi chỉ dễ dàng mà không bị dính vào nhau. Công đoạn công phu nhất trong việc làm kẹo này chính là việc gấp và kéo sợi. Việc quấn đôi vòng kẹo hay kéo sợi được thực hiện lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Thậm chí có nơi người thợ làm kẹo còn cho biết quy trình quấn đôi vòng kẹo này vượt quá cả 16.000 vòng. Biết được số lượt vòng kẹo phải gấp đôi thì chắc chắn du khách sẽ không còn ngạc nhiên khi thấy các thớ kẹo bắt đầu tơi ra như sợi chỉ mảnh mai.


Sau khi kẹo tơi ra thì người ta chỉ việc cắt kẹo thành từng khúc vừa phải rồi cho hỗn hợp đậu phộng nghiền, mè, đường hoặc dừa vào rồi dùng nĩa/tay để se kẹo lại như một cái kén trắng.

Kẹo râu rồng sau khi hoàn thành thường được cho vào hộp nhựa và bán cho các khách hàng. Màu sắc phổ biến nhất của kẹo râu rồng chủ yếu là màu trắng nhưng sau này nếu muốn kẹo trông bắt mắt và nổi bật hơn thì đôi khi người ta còn cho màu vào nhuộm kẹo thành màu hồng, xanh, vàng... Khi thưởng thức, du khách sẽ thấy kẹo tan ra ngay khi chạm vào đầu lưỡi, tan tỏa vị ngọt ngào của mạch nha kèm theo nhân đậm đà trong miệng.


Mặc dù có màu trắng tinh khôi tưởng chừng rất đơn điệu nhưng thật ra kẹo râu rồng lại thu hút người qua lại bởi không chỉ các công đoạn thực hiện đẹp mắt và công phu mà đây còn là món ăn vặt khá ngon miệng, hợp khẩu vị của nhiều người, nhất là đối với người hảo ngọt. Có lẽ chính vì thế mà kẹo râu rồng ngày nay không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà còn lan sang nhiều nước lân cận và được rất nhiều bạn trẻ bản địa lẫn khách du lịch ưa chuộng.

Theo: Viet Viet Tourism