Wednesday, January 15, 2020

CHỢ THỦ ĐỨC CỦA ÔNG TIỀN HIỀN

Người dân cố cựu sống ở Thủ Đức không gọi người có công lập nên chợ là ông Thủ Đức mà kính trọng gọi là ông Tiền hiền. Ông Tiền hiền Tạ Dương Minh có tên hiệu Thủ Đức – một thủ lĩnh thiểu số người Hoa trong phong trào “phản Thanh phục Minh” bị nhà Thanh truy đuổi chạy lánh nạn sang Việt Nam xin thần phục nhà Nguyễn và được cho định cư ở vùng đất An Ngãi thuộc tỉnh Biên Hoà. Theo lịch sử địa dư, năm 1868 khi Pháp chiếm xong Gia Định, tên gọi Thủ Đức mới xuất hiện từ việc tách huyện An Ngãi thành một khu độc lập sáp nhập vào tỉnh Gia Định, mang tên khu thanh tra Thủ Đức.

Hai mặt tiền Chợ Thủ Đức xây dựng đơn giản Ảnh: Manhhaiflickr

Như vậy tên gọi Thủ Ðức chỉ mới có cách nay một trăm năm mươi năm và ngôi chợ mang tên Thủ Ðức cũng có chừng ấy tuổi. Chuyện lấy tên một vùng đất đặt tên cho một ngôi chợ là chuyện bình thường theo thói quen gọi địa danh của cư dân địa phương trước khi nó trở thành tên chính thức trong văn bản hành chánh của vùng đất. Nhưng tại sao người Pháp lại lấy tên Thủ Ðức mà không phải là một cái tên địa danh khác. Cũng có thể trước đó đã có cái tên này nhưng trước khi có tên Chợ Thủ Ðức thì ngôi chợ này từng mang tên Linh Chiểu do ông Tạ Dương Minh lập nên như đã nói ở trên. Vậy thì, Thủ Ðức là ai? Tên hiệu của ông Tạ Dương Minh hay tên chức quan thủ ngự của một vùng đất có tên Ðức như cách lý giải địa danh Thủ Thiêm, Thủ Thừa, Thủ Dầu Một.

Theo Ðại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của diễn giải “trại thủ” là đồn bảo vệ an ninh do dân làng lập ra. “Trại” canh giữ đường bộ, còn “thủ” canh giữ đường sông. Ðể nhớ công của ông quan thủ ngự canh làng, người dân gọi tên địa danh bằng cách lấy chức quan “trại thủ” ghép với tên của người thủ lãnh hay đặc điểm địa hình, cây cối có quanh doanh trại. Chẳng hạn Thủ Dầu Một thì chẳng có ông quan nào tên Dầu Một mà là ở vùng trại thủ đó có duy nhất một cây dầu.

Phần mộ của ông Tiền hiền Tạ Dương Minh tại phường Linh Chiểu – người có công lập nên Chợ Thủ Đức sau khi được trùng tu. Ảnh: saigontrongtoi.net

Nói chuyện địa dư để có thể hiểu thêm đôi chút về một vùng đất mà con người gắn bó cuộc đời mình trên đó và để gợi nhớ cố hương đối với những người rời xa quê hương nhiều năm như người bạn định cư cùng thành phố với tôi. Người bạn của tôi quê ở Thủ Ðức ngay tại phường Linh Chiểu (xưa gọi là làng) nhớ lại ngay bên hông chợ Thủ Ðức thuộc phường Trường Thọ hồi trước có từ đường ông Tạ Dương Minh. Rồi sau năm 1984 từ đường được dời về Ðình Linh Ðông thuộc phường Linh Chiểu, nơi đây có ngôi mộ của ông Tiền hiền. Theo anh biết, con cháu họ Tạ cất nên ngôi từ đường này từ năm 1930. Bên trong hương khói được giữ gìn cho đến khi địa phương có kế hoạch dùng mảnh đất từ đường cất lại thành trường mẫu giáo. Ngôi từ đường được tháo dỡ nhưng rồi chẳng thấy trường mẫu giáo đâu, lúc gia đình người bạn đi xuất cảnh năm 1992, mảnh đất trụi lủi kia trở thành bãi gởi xe đạp cho người đi chợ.

Mặc dầu vậy, việc dời “thần hồn” ông Tiền hiền về gần mộ phần của ông có ý nghĩa hơn là để từ đường nằm ngay bên hông chợ ồn ào không còn tĩnh lặng và tâm linh như ngày xưa nữa. Ngày di dời từ đường dân chúng tổ chức cúng Ðình lớn lắm. Ngày ấy anh cùng cha mẹ có đi dự lễ cúng Ðình. Người dân tổ chức lập hương án, khánh thờ rất trang trọng để ghi nhớ công ơn người mở đất phương Nam, lập ra Chợ Thủ Ðức phồn vinh cho dân chúng trong vùng có nơi mua bán.

Cúng Ðình xong, dân chúng kéo nhau ra ngôi mộ của ông Tạ Dương Minh cúng bái, quét dọn sạch sẽ, cây cối chung quanh khi ấy còn nhiều tàn cây mát rượi. Nhưng chỉ được vài năm, dân chúng từ đâu kéo đến mua đất cất nhà bao bọc quanh khiến khu mộ không còn thoáng đãng. Khu mộ rộng trên trăm thước vuông, mả xây hình voi phục tức phần dưới nhô cao và to tròn kiểu hình con voi nằm quỳ (đây là một dạng mộ của người Quảng Ðông). Mộ có chạm khắc, phía sau có bình phong, nền lát đá ong, chung quanh bốn phía tường tô. Nghe người am hiểu nói mộ xây bằng ô dước một loại vật liệu xây dựng cứng chắc thời xưa khi chưa có xi măng. Tiếc rằng qua hơn trăm năm, ngôi mộ xuống cấp rêu phong, vữa hồ bong tróc lộ ra những tảng đá ong lởm chởm vết tuổi đời phải cần tu sửa. Anh nhớ lần đầu trở về thăm nhà sau nhiều năm xa quê, đi lòng vòng trong xóm xem sự thay đổi đến mức nào. Và anh ngỡ ngàng cho việc đô thị hoá đã biến phần mộ của ông Tiền hiền trở nên hoang phế từ bao giờ.

Một góc Chợ Thủ Đức vào thập niên 1960. Ảnh: Manhhailfickr

Nghe anh nhắc đến mộ ông Tiền hiền lập nên Chợ Thủ Ðức, tôi nhớ không lâu tình cờ nhận thông tin trên facebook của anh Võ Thế Hưng một người dân phường Linh Tây, Thủ Ðức kêu gọi việc trùng tu mộ ông Tạ Dương Minh. Ban đầu tôi cứ nghĩ mồ mả ai con cháu họ phải có nhiệm vụ lo toan mắc gì cái ông láng giềng đồng hương ở phường Linh Tây ngó sang Linh Ðông la toáng lên thế này. Nhưng nghĩ lại tôi thấy mình sai. Anh viết: “Là con cháu Người Sài Gòn xưa, tôi thấy rằng phải có trách nhiệm ‘gìn giữ cho muôn đời sau’ và ‘ăn quả nhớ người trồng cây’, thành kính người đã có công lập dựng để có vùng đất Thủ Ðức trù phú ngày nay. Không vì mục đích vụ lợi nào khác”.

Tất nhiên anh được chính quyền và người dân địa phương chấp thuận cho anh đại diện đứng ra kêu gọi sự đóng góp của các nhà hảo tâm, đồng hương, các tiểu thương Chợ Thủ Ðức cùng con cháu họ Tạ, theo dạng xã hội hoá mộ phần Tiền hiền Tạ Dương Minh. Theo tôi được biết hiện nay việc trùng tu được hoàn tất, mồ mả ông Tạ hiền trông cổ kính như xưa. Việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của anh Võ Thế Hưng như thế mà hay. Công trình trùng tu mộ phần được hoàn tất và ông Tạ hiền có thể ngậm cười nơi chín suối vì người đời còn nhớ đến ông.

Theo Bảo tàng Lịch sử, hồi năm 1890, người dân Thủ Ðức cùng hương chức trong làng tìm được mộ ông ở vùng đất Linh Chiểu. Chẳng biết ông mất năm nào chỉ biết ngày 19 tháng 6 Âm lịch. Mộ phần của ông được hương chức dân làng xây cất lại giữ gìn hương khói. Ông Nguyễn Liên Phong viết trong “Nam kỳ phong tục diễn ca” xuất bản hồi năm 1909 rằng:

“Thuở xưa ông Tạ Dương Minh
Lập chợ Thủ Ðức tại Linh Chiểu rày
Mả người cải táng nơi đây
Bởi làng xin bạc đổi thay mộ phần
Quan trên niệm nghĩa thi ân
Cho ba trăm rưỡi trùng tân giai thành…”

Nem Thủ Đức được bán rất nhiều quanh chợ Ảnh: Panoramio

Chợ Thủ Ðức trải qua hơn một thế kỷ rưỡi, chắc chắn hình dáng có đổi thay. Tuy nhiên, người bạn quê ở Thủ Ðức nói rằng, hồi nhỏ vẫn thường nghe ba má anh nói chợ Thủ Ðức từ nào giờ vẫn vậy, hai đầu chợ xây bằng gạch trang trí đơn giản có ba cổng vòm, mái chợ lợp ngói vẩy cá. Nếu nói đây là một ngôi chợ lớn ở Thủ Ðức thời trăm năm trước thì đúng nhưng Thủ Ðức giờ đây trở thành vùng đô thị hoá nhanh chóng nhường một phần đất cho quận 2 và quận 9. Vùng trung tâm Thủ Ðức nơi có chợ Thủ Ðức đã thay đổi diện mạo khá nhiều. Riêng ngôi chợ với diện tích khiêm tốn vẫn như xưa và nét sinh hoạt mua bán cũng không thay đổi nhiều.

Người Sài Gòn hoặc các tỉnh thành biết đến Chợ Thủ Ðức là bởi nơi này nổi tiếng món nem đặc sản. Chung quanh các dãy phố và các sạp mặt tiền chợ bên đường Linh Chiểu xưa (nay là Kha Vạn Cân) nem được bày bán, treo lủng lẳng từng chùm to hấp dẫn khách thập phương tới lui Thủ Ðức. Người bạn của tôi sống ngay Chợ Thủ Ðức xem ra rất tự hào khi nghe tôi nhắc đến món nem đặc sản. Anh vui miệng ngân nga:

“Ở đâu mà chẳng biết ta,
Ta ở Thủ Ðức, vốn nhà làm nem”.

Nghề nem ở Thủ Ðức ngày xưa tập trung quanh vùng Linh Chiểu, Linh Ðông, Trường Thọ, Hiệp Bình Phước. “Nem Thủ Ðức, rượu Gò Ðen” coi như trở thành thương hiệu đặc sản vùng Nam kỳ lục tỉnh khi được người đời nhắc đến. Ông Tản Ðà hồi còn làm cho tờ Ðông Pháp thời báo đã từng vào Nam kỳ, ghé Thủ Ðức mê tít cái thứ nem chua gói lá vông rồi đi xuống Gò Ðen nhắm rượu đế cay nồng lại còn đích thân ngâm mình trong làn nước xanh mát của suối Xuân Trường gần làng Linh Chiểu. Trở về Bắc ông thi sĩ nổi danh này cũng chẳng nhắc tới Tiền hiền Tạ Dương Minh hiệu danh Thủ Ðức mà trong đầu chỉ còn vương vấn cái thú ăn uống no say của khách tiêu dao. Ông đề thơ rằng:

“Sài Gòn – Chợ Lớn ai qua lại
Thủ Ðức – Xuân Trường khách vắng đông”.

Riêng tôi cũng từng có dịp ghé qua Chợ Thủ Ðức, nếm đủ loại nem chua. Tôi có nhận xét thế này: “Nem ngon thì cũng có ngon, thịt nem thì ít, lá nem thì nhiều”.

Trang Nguyên
Nguồn: Báo Trẻ Online

No comments: