Chiếc Bánh Vua, galette des Rois
Suốt tháng Giêng, kể từ lễ Hiển Linh (tại Pháp, được tính là Chủ Nhật đầu tiên sau ngày 01/01 nhưng nhiều nước vẫn giữ ngày 06/01), gia đình, bạn bè hoặc đồng nghiệp cùng chia nhau chiếc Bánh Vua ngọt ngào, lâng lâng trong hương vị rượu vang hoặc champagne, tùy theo loại bánh.
Không như nhiều người vẫn nghĩ, dù mang tên Bánh Vua, nhưng bánh không liên quan đến Ba Vua, khi cả ba cùng đến Bethléem thăm và tặng chúa hài đồng Giê-su “vàng, nhựa trám hương và nhang hương”, tượng trưng cho sự trù phú của ba châu lục được biết đến lúc đó là châu Âu, châu Phi và châu Á.
Giải thích với RFI tiếng Việt, nhà sử học Nadine Cretin, chuyên về lịch sử phong tục tôn giáo, cho biết Bánh Vua không mang ý nghĩa tôn giáo dù được ăn vào buổi tối trước lễ Hiển Linh, mà liên quan đến đông chí :
“Đúng là suốt tiết đông chí, có nghĩa là khoảng thời gian giữa Giáng Sinh và lễ Hiển Linh, thường kéo dài khoảng 12 ngày, trong thời gian này, người ta ăn rất nhiều và cũng từ dịp này, ngày bắt đầu dài hơn một chút. Vì vậy người ta liên tục đưa ra những điềm báo để có được một năm mới hạnh phúc, ví dụ như họ chơi bài, ăn uống nhiều hơn để thể hiện sự sung túc, hoặc trong những chiếc “bánh tiên tri”, có nghĩa là người nào tìm được tượng nhỏ (“fève”) trong nhân bánh, thì đó là dấu hiệu gặp may, là bước khởi đầu tốt cho năm mới”.
Sự tích “làm vua một ngày” trong xã hội La Mã
Chuyện “làm vua một ngày” có lẽ xuất hiện từ thời La Mã. Vào dịp lễ Thần Nông Sature (đông chí tháng 12) đã xuất hiện truyền thống chủ và nô lệ ăn chung một bàn. Tất cả cùng tham gia một bữa tiệc mang tính chất gia đình để hồi tưởng Thời đại Hoàng kim (còn được gọi là Mùa Xuân Vĩnh hằng), theo đó, mọi người đều bình đẳng và nô lệ không còn là nô lệ nữa. Trong bữa tiệc, người ta “bầu” một ông vua tưởng tượng có quyền ra lệnh, sai bảo người khác trong ngày đó. Tuy nhiên, chuyện chọn vua này không liên quan đến chiếc bánh galette.
Tại Pháp, trước thế kỷ XIV, chưa thấy tài liệu nào nhắc đến việc cùng chia sẻ một chiếc Bánh Vua, như giải thích của nhà sử học Nadine Cretin:
“Đến năm 1311, pháp điển của Robert II de Fouilloy, giám mục Amiens, nói về một chiếc “bánh lá” mà người ta cùng chia sẻ nhân dịp lễ Hiển Linh. Chiếc “bánh lá” có lẽ được làm từ “bột ngàn lớp” (pâte feuilletée).
Truyền thống tìm hạt đậu trong bánh galette dường như bắt đầu xuất hiện trong chiếc Bánh Vua vào khoảng thế kỷ thứ XIV. Đến thế kỷ thứ XVI thì được kể lại qua câu chuyện trong buổi lễ Thần Nông, một đứa trẻ trốn dưới bàn và trả lời câu hỏi : “Thưa chủ nhân, đậu tằm thuộc về ai?”. Đứa trẻ ngây thơ đưa ra một cái tên lướt qua đầu, mà không phân biệt tước vị của ai, và phần bánh được đưa cho người đó”.
Chiếc bánh được chia phần theo đúng số lượng khách mời và một phần giành cho người nghèo. Người nào có được miếng bánh có hạt đậu tằm sẽ được “phong” làm vua.
Chiếc Bánh Vua, galette des Rois
Hạt đậu tằm (fève) : Biểu tượng tái sinh và sung túc
Trong tiếng Pháp, “fève” có nghĩa là “hạt đậu tằm”, là một trong những biểu tượng của tiết đông chí vì đây là loại rau đầu tiên mọc vào mùa xuân. Nhà sử học Nadine Cretin giải thích:
“Đậu tằm có ý nghĩa từ xa xưa. Giống như quả trứng, đậu tằm chứa mầm sống ở bên trong, khi “già đi” lại hình thành sự sống. Vì vậy mà từ thế kỷ VI, thế kỷ V-TCN, người Hy Lạp luôn gắn đậu tằm với biểu tượng tái sinh. Còn người Ai Cập thì quan niệm rằng để linh hồn được tái sinh, thì họ phải được chôn trong một cánh đồng đậu tằm. Có thể thấy là đậu tằm đóng vai trò quan trọng, như trong xã hội Hy Lạp cổ đại, các quan tòa từng sử dụng hình thức rút thăm để bầu ra những người đại diện, tùy theo mầu đen hay trắng của hạt đậu tằm”.
Tuy nhiên, có được hạt đậu không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với may mắn. Câu chuyện “Vua uống” có từ khoảng thế kỷ XIV vẫn được kể đến bây giờ, theo đó người nào rút trúng hạt đậu sẽ phải thanh toán đồ uống cho cả bàn. Một số người bị cho là hà tiện đã nuốt luôn hạt đậu để khỏi phải chi tiền. Có lẽ vì thế mà hình nộm bằng sứ đã ra đời để tránh việc “vua nuốt chửng”, nhưng vẫn giữ nguyên từ “fève”.
“Những tượng nhỏ bằng sứ dần dần xuất hiện và những mẫu đầu tiên là sứ vùng Saxe (Đức) vào năm 1875. Sau đó, sản xuất tượng sứ nhỏ trở thành một ngành công nghiệp thực sự. Thành phố Limoges (Pháp) cũng nổi tiếng về những xưởng sản xuất như vậy từ năm 1913. Thậm chí, có rất nhiều người đam mê sưu tập “fève” cổ”.
Ban đầu, đó là những hình nộm búp bê, em bé rồi đến biểu tượng may mắn, động vật. Ngoài bằng sứ, còn có những hình nộm bằng ngà voi, bằng xương, bằng bạc cũng xuất hiện trong thế kỷ XIX. Đến đầu thế kỷ XX, một người tên là Lion đã đưa ra mẫu fève hình mặt trăng, sau lưng ghi tên và địa chỉ tiệm bánh của ông. Đây là loại “fève” quảng cáo đầu tiên tại Pháp.
Một mẫu tượng nhỏ (Titeuf) được đặt trong Bánh Vua, galette des Rois.
“Galette” miền bắc và “gâteau” miền nam
Về nguồn gốc của từ “galette” và thành phần của bánh, nhà nghiên cứu Nadine Cretin giải thích :
“Bánh galette có nguồn gốc từ chữ “galet” trong tiếng Pháp để chỉ hòn đá tròn mà người ta thường thấy trên bãi biển. Sau này, người ta cũng nói là bánh tròn như Mặt Trời.
Ngoài ra, còn có loại Bánh Vua dạng brioche tròn (gâteau des rois), nhưng được đục lỗ ở giữa, và được gắn thêm rất nhiều hoa quả khô ở trên. Ở một số vùng, như Cévennes, chiếc bánh rất đơn giản, không có hoa quả khô, mà người ta vẫn gọi là “vương miện của người nghèo”.
Lớp nhân hạnh nhân “frangipane” xuất hiện vào khoảng năm 1850. Nhưng trước đó, chỉ đơn giản là một chiếc bánh nhiều lớp, có thể được làm từ "bột ngàn lớp" (pâte feuilletée), còn thực ra người ta không biết là có gì ở trong hay không. Điều mà người ta biết rõ là các chủ tiệm bánh thường tặng bánh này cho những khách hàng quan trọng nhất để cảm ơn họ chẳng hạn. Vì thế mà ta có thể đoán là bánh không có nhiều thành phần”.
Dưới thời Cách Mạng Pháp, không còn chuyện bầu vua, nhưng truyền thống chia sẻ chiếc bánh galette vẫn còn đó. Vì vậy mà xuất hiện loại “Bánh Tự do” hay “Bánh Bình đẳng”, không có tượng cũng chẳng có vua. Cũng dựa trên nguyên tắc này, điện Elysée giữ truyền thống cùng chia Bánh Vua từ thời tổng thống Valéry Giscard d’Estaing. Tùy theo loại Bánh Vua “galette” hạnh nhân (miền bắc Pháp), người ta chọn loại rượu vang trắng hoặc champagne phù hợp, còn với loại Bánh Vua “gâteau” (miền nam) đậm vị ngọt của hoa quả khô, người ta lại chọn một loại rượu muscat để uống cùng.
Ngày nay, để tăng thêm lượng Bánh Vua tiêu thụ trong tháng Giêng, các cửa hàng đưa ra nhiều chiến lược makerting khác nhau. Như vào dịp lễ Hiển Linh năm 2013, để đề cao chất lượng và bí quyết thủ công ngày càng bị các siêu thị cạnh tranh gay gắt, bẩy tiệm bánh Fournil des Provinces ở thành phố Brest đã tung chiến dịch “Bánh Vua của chúng tôi giá trị như vàng” và đặt 10 lá vàng (5 gr mỗi lá, trị giá 280 euro) trong một số chiếc bánh. Không trở thành vua, nhưng một năm mới bắt đầu đầy may mắn với người có được lá vàng này.
Bánh Vua (Brioche des Rois) điểm mứt hoa quả.
Thu Hằng / RFI Tiếng Việt
No comments:
Post a Comment