Thursday, January 16, 2020

ANH TƯỞNG GIẾNG SÂU

“Tưởng giếng sâu anh nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây”


Hồi còn cắp sách đến giảng đường học văn chương, mình mê văn học dân gian tít mít, mê nhất vẫn là những câu ca dao nghe có vẻ nôm na, giản dị mà sâu sắc quá trời quá đất của cha ông. Mình nhớ hoài cái buổi học tới câu ca dao:

“Anh tưởng giếng sâu anh nối sợi gàu dài
Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây”

được thầy cô giải thích rằng “chàng trai tưởng cô gái lòng dạ chung thủy, đong đầy yêu thương nên anh cũng dành cho cô lòng dạ yêu thương đong đầy, nào ngờ em hời hợt, phụ tình nên anh tiếc cái tình anh đã dày công vun đắp”. Rồi đọc trong sách, các nhà nghiên cứu cũng phân tích y chang vậy, đến lượt mình dạy học trò, mình cũng giảng y chang vậy luôn. Cho đến khi đọc đến cái giếng làng Ngọc trong truyện Mỹ Nhân làng Ngọc của nhà văn Trần Thanh Cảnh, mình mới biết mình đã sai quá sai khi nghĩ câu ca dao của ông cha mình đơn giản dữ vậy. Thì ra cái giếng chẳng phải là cái giếng và sợi dây cũng chẳng phải sợi dây, chưa kể cái gàu cũng còn là một cái gì đó khác.

Ngẫm, làm trai như anh chàng trong câu ca dao kia cũng sướng, có sợi dây đem đo hết giếng này giếng khác, cạn hay sâu không biết, nhiều nước hay ít nước không biết, anh cứ đo cái đã, rồi muốn đi… đo chỗ khác thì lại cứ lu loa lên “anh tưởng giếng sâu, anh tưởng giếng sâu!” rồi “anh tiếc, anh tiếc!”. Mà tiếc là tiếc cái gì, mất gì của anh mà anh tiếc? ngắn dài gì thì sợi dây của anh, cái gàu của anh cũng còn nguyên đó, anh cứ rút gàu lên mà đem thả giếng khác, chừng nào anh thấy vừa gàu, vừa dây anh thì thôi chứ? Có tiếc là tiếc cho những cái giếng mà anh “tưởng là sâu” kia, tự nhiên mất toi đi vài gàu nước, mà hỏng chừng là bị cái gàu anh múc cho cạn khô luôn rồi ấy chứ.


Cái giếng đúng là một hình ảnh rất gợi hình, cái giếng trong veo chứa đầy nước mát có thể thỏa mãn ngay lập tức cơn khát khô cổ họng, thì…cái sự ăm ắp tràn trề lúc nào mà chẳng giúp người ta thỏa nỗi khát khao? Có lẽ khi tìm kiếm hình ảnh ẩn dụ để so sánh với cái giếng như trong câu đố “Vừa bằng cái nong cả làng đong chẳng hết?”, cha ông chắc cũng chẳng có ý định dính dấp gì đến cái tỉnh tỉnh tinh của đấng hồng nhan. Nhưng khi liên hệ đến câu ca dao: “Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn, Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ”, mình tự dưng khoái chí quá trời, ờ thì cha ông ta ngày xưa đâu có vừa, đã chọn đối tượng để so thì phải so cho tới ngọn nguồn lạch sông, so cho ra nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thì cái “giếng” đó có khác chi cái nong mà cả làng đong hoài đong hủy cũng không bao giờ cạn, chẳng bao giờ mòn. Cái giếng chung của cả làng, nguồn nước sinh hoạt chung của cả làng, mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát mẻ, cứ ăm ắp và trong vắt như vậy cung cấp nước cho mọi nhu cầu ăn uống tắm giặt của người dân trong làng từ già chí trẻ, từ đàn ông cho chí đàn bà, có bao giờ vơi bớt đâu, có bao giờ cạn khô đâu. Dẫu vào mùa khô mực nước có hụt xuống sâu bên dưới mấy tầng đá ong thì đến mùa đông lại dâng cao tràn trề ăm ắp như cũ thôi mà.

Có khi không phát biểu thẳng thừng như trong câu “Tiếc bông hoa lài cắm bãi phân trâu”, mà dân gian lại ý nhị hơn, tinh tế hơn nhưng lại rất đời hơn khi dùng hình ảnh cái giếng trong vắt làm vật so sánh trong câu nhận xét đầy xót xa cho thân phận người con gái đẹp:

Tiếc thay cái giếng nước trong
Để cho bèo tấm bèo ong lọt vào


Ừ thì là đang nói chuyện cái giếng, cái giếng đẹp, cái giếng trong vắt, cái giếng mát lành thế kia, chỉ xứng với những cánh hồng hay những loài hoa quý phái sang trọng và nho nhã, nào đâu phải để dành cho họ nhà bèo “lọt vào” hưởng thụ. Nói đi rồi phải nói lại, cũng có cái giếng sâu trong vắt, cũng có cái giếng cạn khô, cái giếng sâu cho bèo bọt lượn lờ thì phí quá phí, nhưng con cá diếc tươi ngon lại nằm còng queo trong cái giếng cạn khô thì cũng là tội nợ mớ đời:

Tiếc con cá diếc đang bơi
Nhảy vô giếng cạn để người cười chê

Vậy thì nào có khác chi vung tròn mà úp nồi méo hay vung méo mà úp nồi tròn, được bơi trong lòng giếng sâu trong vắt thì đối với con diếc đang tươi còn gì hợp ý bằng, sung sướng bằng, môn đăng hộ đối bằng. Còn cái giếng cạn khô chỉ nên dành cho họ nhà bèo ong, bèo tấm mới gọi là xứng đôi vừa lứa. Nhưng đời mà, mấy khi là mơ, mấy khi như ý.

Trong nhóm ca dao thuộc chủ đề “than thân” rất phổ biến trong kho tàng ca dao dân ca nước ta, hình ảnh cái giếng cũng được đem ra ví von không ít:

“Thân em như giếng giữa đàng
Người khôn rửa mặt, người phàm rửa chân”

lời ca là tiếng lòng của những người phụ nữ trong xã hội phong kiến, bị động trước tương lai mình, số phận họ gắn liền với những bài học tam tòng, tứ đức “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”. Những người phụ nữ ấy tự nhận mình là hạt mưa sa, là cánh bèo trôi, là dải lụa đào, là giếng giữa đàng, là bông hoa dại, là thân gái 12 bến nước. Nói chung là đời người phụ nữ trong những câu ca dao ấy rất…hên xui, hạnh phúc hay khổ đau đều phụ thuộc vào tương lai “trong nhờ đục chịu”. Ừ thì đã mang phận giếng chứa đầy nước mát, lại nằm giữa đường mà không dùng để tắm rửa thì còn đòi dùng vào việc gì? Nhưng mà các vị quân tử người khôn người phàm các kiểu ạ, làm ơn học cách buông gàu, sao cho cái giếng tưởng là cạn khô mà qua tay quân tử có trình cao cũng sẽ khơi được mạch nguồn tràn trề ăm ắp. Và cứ thong thả mà vục nước lên rửa mặt, rửa xong cái mặt rồi thì đằng nào cũng đủ nước cho anh rửa đến cái chân. Đừng học thói người ngu hồ đồ, hấp tấp, cứ kéo hết gàu này đến gàu khác, cứ vục gàu khuấy cho bùn lên trong lòng giếng rồi lại đổ thừa “anh tưởng giếng sâu”.


Nếu chàng trai ở trên lu loa đổ thừa giếng cạn và tiếc cái sợi dây dài của mình buông nhầm nơi không tương xứng, thì các nàng cũng đâu vừa, dễ gì mà im lặng để chịu xài xể coi khinh. Nàng cũng phải nói ngay, phân bua ngay cho người ta biết cái oan ức của mình:

Trách từ nỏ trách ai đâu,
Trách đài kia ngắn chạc, trách giếng sâu nỗi gì

A ha, thì ra là vậy, thì ra cái chạc (dây) không đặng dài, buông hoài mà đài (gàu) không đặng tới, để mặt nước giếng sâu lăn tăn chờ đợi, chờ mãi mà nào có được gặp người quân tử, đợi mãi mà nước trong đâu có được chạm gàu. Nàng nhẹ nhàng hờn dỗi “trách đài kia ngắn chạc”, trách gàu kia ngắn dây. Bảo người quân tử đừng nghĩ sai mà oan cho giếng.

Hoặc còn thẳng thắn hơn, chua chát hơn, nàng buông lời trách móc trực tiếp đối tượng, chẳng cần tế nhị vòng vèo:

Trách chàng chẳng trách ai đâu
Bởi chưng dây ngắn giếng sâu không vừa.

Hay:

Giếng sâu dây ngắn lỡ chừng
Bởi anh bạc trước, sau đừng trách em.


Ờ, là lỗi tại anh đấy nhé, là tại anh bạc lòng bạc dạ chứ nào phải tại tôi, lòng giếng vẫn sâu, tình nghĩa vẫn như nước trong đong đầy ăm ắp. Tại giữa chừng anh thu dây ngắn lại, tại giữa chừng anh đổi lòng thay dạ, tại giữa chừng anh không muốn cho gàu vào trong đáy nước nữa chứ nào phải tại tôi? Có khi còn ghê gớm hơn, cô nàng dưới đây không những một mực khẳng định chất lượng “giếng sâu”, mà còn đanh đá mỉa mai, chẳng nể nang chi người quân tử:

Giếng sâu, gàu nhỏ anh ơi
Anh múc không đặng, tội đời giếng em

Haiza, biết đâu là cạn là sâu, là khô là ướt, là nhiều nước hay ít nước… chung quy lại cũng còn phụ thuộc vào sợi dây dài hay ngắn, cái gàu nhỏ hay to và trên hết cũng là do kỹ thuật của cái đứa buông gàu. Sao người quân tử cứ mở lời là than thở “anh tưởng giếng sâu” làm gì cho thiên hạ hàng trăm năm nay cứ đổ hàm oan cho giếng?

La Mai Thi Gia
Nguồn: Kiến thức ngày nay, số 979, ngày 20.10.17

No comments: