NUNG CHẢY CHÌ - ĐỨC
Phong tục nung chảy chì của người Đức có tên tiếng Anh là Bleigiessen. Không chỉ người Đức, ai cũng tò mò muốn biết những gì sẽ xảy ra trong năm mới. Ở các vùng nông thôn Đông Đức cũ, vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, người dân có tục lệ đổ chì nóng lên một chiếc thìa rồi ném xuống nước. Sau khi vớt chì lên, căn cứ theo hình dáng, màu chì, người ta tiên đoán trong năm làm ăn phát đạt hay thất bại.
NÉM BÁT ĐĨA - ĐAN MẠCH
Truyền thống đêm giao thừa của người Đan Mạch là ném bát đĩa vào cửa chính nhà bạn bè, hàng xóm. Tuy để lại một đống đổ nát, vỡ vụn trong phố vào sáng ngày đầu tiên trong năm mới, người Đan Mạch lại không bận tâm về điều đó. Họ quan niệm số nhà mà họ chọn ném bát đĩa càng nhiều, năm mới càng thêm may mắn. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại ở Đan Mạch đã khiến tục lệ này ngày mai một.
ĐỐT BÙ NHÌN RƠM - ECUADOR
Người Ecuador gọi những con bù nhìn rơm là ano viejo, với ý nghĩa là năm cũ. Những con bù nhìn được làm từ quần áo cũ nhồi giấy báo hoặc mùn cưa và đeo mặt nạ. Truyền thống này xuất phát từ thành phố Guayaquil vào năm 1895 với quan niệm rằng đốt đi những điều không may mắn, tiêu diệt chuyện xấu xa trong năm cũ để chào đón năm mới.
MẶC ĐỒ LÓT - BRAZIL
Ảnh: Fiveprime.
Ở Brazil và các quốc gia Trung Mỹ, Nam Mỹ khác như Ecuador, Bolivia, Venezuela, để mang lại sự may mắn, người dân sẽ mặc đồ lót đặc biệt vào đêm giao thừa. Trong đó, màu đỏ với ý nghĩa sẽ mang lại tình yêu trong năm mới, màu vàng tượng trưng cho tiền bạc, sự giàu có.
ĐỒ VẬT HÌNH TRÒN - PHILIPPINES
Ảnh: Wikimedia.
Tiền bạc thường xuyên được nhắc đến vào dịp đầu năm ở Philippines. Người dân nước này tin rằng những đồ vật gắn bên mình có hình tròn như đồng xu sẽ mang lại sự sung túc về tiền bạc trong năm mới. Do đó, người ta thường mặc đồ có họa tiết chấm bi, chọn thức ăn có hình tròn, mang đồng xu bên người... để cầu may mắn, giàu có.
TREO HÀNH TÂY TRƯỚC CỬA - HY LẠP
Ảnh: TNT Review.
Theo truyền thống, một củ hành tây thường được treo trên cửa trước của các ngôi nhà ở Hy Lạp. Hình ảnh đó mang ý nghĩa là biểu tượng của sự tái sinh trong năm mới. Ngoài ra, vào ngày Tết, cha mẹ sẽ đánh thức con cái bằng cách dùng củ hành tây, gõ nhẹ vào đầu chúng.
ĐIỆU MÚA MẶT NẠ MUÔNG THÚ - ROMANIA
Đất nước giàu truyền thống Romania nổi tiếng với những điệu múa mặt nạ trong dịp năm mới. Đặc biệt ở các vùng nông thôn, đêm giao thừa rộn ràng với các điệu múa mặt nạ và nghi lễ tái sinh. Các vũ công mặc trang phục lông thú và đeo mặt nạ bằng gỗ mô phỏng con dê, ngựa hoặc gấu, sau đó nhảy từ nhà này sang nhà khác để xua đuổi tà ma.
CHUẨN BỊ NHỮNG TẤM THIỆP Ý NGHĨA - BỈ
Ảnh: Rdldrukpl.
Ở Bỉ, đêm giao thừa trong năm mới được gọi là Sint Sylvester Vooranvond. Lúc đó, trẻ em sẽ bận rộn chuẩn bị những tấm thiệp bằng giấy, được trang trí lạ mắt với hình ảnh những thiên thần và hoa hồng để gửi đến cha mẹ hoặc người đỡ đầu. Sau đó, vào buổi họp mặt gia đình đêm giao thừa, chúng sẽ đọc to những lời chúc gửi gắm trong tấm thiệp đến người thân của mình.
NÉM TÀI SẢN CŨ - ITALY
Ảnh: Luigi Silipo.
Ném đi những gì cũ kỹ là phong tục lâu đời của người dân ở vùng Naples (Italy). Người dân ở đây ném mọi thứ từ lò nướng bánh đến tủ lạnh ra khỏi ban công của họ. Người địa phương cho rằng loại bỏ những tài sản cũ tượng trưng cho một khởi đầu mới trong năm mới.
ĐÀN ÔNG XÔNG NHÀ - SCOTLAND
Trong văn hóa Scotland dịp năm mới, xông nhà được gọi là quaaltagh hoặc qualtagh. Truyền thống này bắt nguồn từ tộc người Viking xưa. Người Scotland quan niệm, người đàn ông cao, tóc đen với những món quà như tiền xu, than đá, bánh mì, muối và chai rượu whisky, là người đầu tiên bước vào nhà trong thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới sẽ đem lại may mắn cho gia đình. Ảnh: Reddit.
ĂN 12 QUẢ NHO - TÂY BAN NHA VÀ MỘT SỐ NƯỚC MỸ LATINH
Ở các quốc gia này, truyền thống năm mới là ăn 12 quả nho, mỗi quả tượng trung cho một tháng trong năm, để mong cầu sự thịnh vượng. Điều đặc biệt là mỗi lần ăn một quả nho, bạn phải nhấn chuông cửa một lần vào lúc nửa đêm. Truyền thống bắt nguồn từ năm 1909, khi những người trồng nho ở Alicante nghĩ ra ý tưởng này để bán thêm nho sau một vụ thu hoạch đặc biệt.
108 HỒI CHUÔNG - NHẬT BẢN
Trong đêm giao thừa, các ngôi chùa khắp Nhật Bản sẽ đồng loạt đánh 108 hồi chuông để xua đi 108 thói hư tật xấu tồn tại trong mỗi con người. Nghi lễ này bắt nguồn từ tín ngưỡng Phật giáo. Tục lễ này được gọi là Joyanokane. Người Nhật tin rằng khi tiếng chuông ngân vang, tội lỗi của họ trong năm cũ sẽ được thanh tẩy. Theo truyền thống, 107 tiếng chuông được rung vào ngày cuối cùng của năm và hồi chuông thứ 108 sẽ vang khi bước sang năm mới.
Nga Nguyễn (tổng hợp)
No comments:
Post a Comment