Tuesday, January 4, 2022

CÓ NÊN "ĂN MIẾNG TRẢ MIẾNG" HAY KHÔNG?

Cuộc sống càng hiện đại thì những mâu thuẫn và xung đột càng nhiều, càng gay gắt và khốc liệt. Vậy trước những bất công, mâu thuẫn và thù oán, chúng ta nên lựa chọn cách ứng xử thế nào để cuộc sống luôn bình yên hạnh phúc?

Lịch sử là tấm gương, người trí tuệ là người biết lấy những tấm gương trong lịch sử để soi mình, từ đó lựa chọn thái độ đối nhân xử thế, thái độ với cuộc sống để cuộc đời có ý nghĩa nhất có thể. (Ảnh minh họa).

Khổng Tử viết: "Bá Di, Thúc Tề bất niệm cựu ác, oán thị dụng hi".

Nghĩa là: "Bá Di, Thúc Tề không nghĩ đến điều ác, điều xấu của người khác đối với mình, đó là vì họ hiếm khi oán hận người khác". (Luận Ngữ - Công Dã Tràng).

Bất niệm cựu ác: Không nghĩ đến cái xấu của người khác

Con người sống trong xã hội không tránh khỏi mâu thuẫn, bất đồng với những người xung quanh, thậm chí vì lợi ích cá nhân mà làm hại người khác, hành hung, thậm chí sát hại lẫn nhau. Thế là họ oán hận, thù ghét nhau, thậm chí có những mối thâm thù truyền kiếp từ đời này sang đời khác khiến tội ác chất chồng. Đời người trăm năm thoáng qua đi mà mối thù vẫn thiêu đốt tâm can, cả đời sống trong thù hận vẫn chưa dứt lại còn trao mối căm hờn này cho con cháu đời sau. Thử xem nhà nào, dòng họ nào sống trong thù hận thì có thể vui vẻ hạnh phúc không, sự nghiệp, gia tộc có thể phát đạt thịnh vượng được hay không?

Lịch sử là tấm gương, người trí tuệ là người biết lấy những tấm gương trong lịch sử để soi mình, từ đó lựa chọn thái độ đối nhân xử thế, thái độ với cuộc sống để cuộc đời có ý nghĩa nhất có thể.

Chuyện cũ kể rằng: Sở Trang Vương mở đại tiệc thết đãi quần thần, mọi người đang cao hứng thì bỗng nhiên có một cơn gió lớn thổi tới khiến đèn đuốc tắt hết. Lúc đó có người lợi dụng kéo y phục ái phi của vua Sở. Ái phi kinh sợ giật đứt dây mũ của người đó, và nói cho vua Sở biết chuyện, muốn vua mau chóng thắp đuốc tra xét xem ai không còn dây mũ.

Trang Vương không những không nghe theo mà còn cho người truyền lệnh: “Hôm nay các khanh và ta uống rượu, không giật dây mũ xuống thì có nghĩa là uống chưa thỏa thích”.

Khi đó quần thần tham gia yến tiệc hơn trăm người, ai nấy đều giật đứt dây mũ của mình, uống rượu thỏa thích.

Sau này nước Sở và nước Tấn nổ ra cuộc chiến tranh ngôi bá chủ, chiến sự vô cùng ác liệt. Mỗi lần giao chiến, phía trận tuyến của vua Sở luôn luôn có một võ tướng hăng hái quên mình xung phong hãm trận, đánh quân giặc tơi bời, khiến chúng hốt hoảng, tan tác tháo chạy.

Không vì thê tử được sủng ái bị phạm thượng mà trách phạt, Trang Vương được quần thần vô cùng biết ơn, xông pha trận mạc, lập công báo đáp. (Ảnh: Shutterstock).

Sau khi thắng trận, Trang Vương triệu kiến võ tướng đó hỏi: “Ta có đức gì có tài gì mà khiến khanh vào sinh ra tử vì ta như vậy? Hơn nữa ta cũng chưa có chiếu cố biệt đãi gì đối với khanh, vậy nguyên nhân là gì?”

Vị võ tướng đó trả lời rằng: “Thần chính là người bị giật đứt dây mũ trong đêm yến tiệc năm xưa, luận về tội thì đáng chết, nhưng đại vương lại nhẫn nhịn, đã bảo toàn thể diện và sinh mệnh của hạ thần. Từ thời khắc đó, thần đã thời thời khắc khắc có lòng quyết tâm tưới máu trên chiến trường, nguyện tan xương nát thịt vì đại vương, để báo đáp ân đức của ngài”.

Không nghĩ đến cái xấu, đến lỗi của người khác là thể hiện của tấm lòng bao dung, là biểu hiện của chữ Thiện, lấy thiện đối xử với người khác. Sức mạnh của Thiện khiến người ta cảm động, tự biết hối cải, sửa sai mà không cần một biện pháp cưỡng ép, không cần hình phạt nào. Bởi vì hình phạt nghiêm khắc cũng chỉ trừng trị cái tâm người ta, chứ không chỉnh sửa được cái tâm họ, trái lại còn gây oan kết oán, sớm muộn cũng tự rước họa vào thân.

Trong xã hội nhân loại từ cá nhân, gia tộc đến quốc gia, người ta thường có xu hướng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, và ít người thoát được vòng xoáy ấy. Đó có lẽ là nguyên nhân lý giải việc xã hội càng phát triển thì càng thấy cuộc sống căng thẳng, càng nhiều mâu thuẫn, tranh giành, đấu đá, lừa dối. Bạo lực ngày càng phổ biến từ trong gia đình đến nơi công sở, chốn học đường, cho đến ngõ ngách, hè phố; từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thị thành, từ nước nghèo đói đến nước phát triển... đâu đâu cũng thấy con người xử lý nhau bằng bạo lực. Xung đột giữa các sắc tộc, giữa các quốc gia cũng không ngừng tăng lên.
 
Oán thị dụng hi: Hiếm khi oán hận người

Khi đã bị cuốn vào vòng xoáy bạo lực thì xã hội đại loạn. Vì vậy, người có trí tuệ là người biết buông bỏ oán hận, xóa bỏ hận thù. Khi bị người khác làm tổn thương, bị công kích, thậm chí bị mưu hại, nếu có thể nhẫn nhịn, không oán không hận, vẫn đối xử tốt với người ta thì đó chính là biểu hiện của Đại Thiện, tức lòng Nhân. Mà để có được lòng nhân thì trước tiên phải biết Nhẫn.

Khi Thuấn còn rất nhỏ thì mẹ qua đời, người cha là Cổ Tẩu bị mù hai mắt lấy vợ kế, sinh được người em tên là Tượng. Cha của Thuấn là người ngoan cố không đếm xỉa gì đến nghĩa lý, cộng thêm mẹ kế tính tình hung dữ thô bạo, em trai ngang ngược. Mẹ kế và Tượng được Cổ Tẩu sủng ái, 3 người đều ghét Thuấn, thường xuyên nghĩ cách hạ sát ông.

Một lần, Cổ Tẩu gọi Thuấn sửa kho thóc, đợi đến khi Thuấn leo lên đỉnh kho, Cổ Tẩu liền châm lửa đốt kho thóc. Thuấn cầm hai cái nón lá như con chim nhỏ hạ xuống, Cổ Tẩu không thể hại chết được ông.

Sau này, Cổ Tẩu lại bảo Thuấn đi đào giếng. Khi Thuấn ở sâu trong giếng, Cổ Tẩu và Tượng hợp sức lấp đất vào giếng. Tượng vốn cho rằng lần này không thể có sơ suất, sẽ độc chiếm gia sản của Thuấn. Không ngờ Thuấn rất thông minh, khi đào giếng đã đào trước một đường thông ở bên nên đã thoát được ra ngoài. Khi thấy Thuấn trở về nhà, mọi người sợ hãi lắm. Nhưng Thuấn khoan hồng độ lượng vẫn dùng đức báo oán, vẫn hiếu kính cha mẹ, yêu thương em trai như cũ.

Cha và em trai lập mưu sát hại Thuấn nhưng không thành. Dù biết lòng dạ của họ, Thuấn vẫn nhẫn chịu tha thứ và một lòng hiếu thuận. (Ảnh: Pxhere).

Năm 20 tuổi, Thuấn nổi tiếng khắp thiên hạ bởi hiếu hạnh. Năm Thuấn 30 tuổi, vua Nghiêu tìm người hiền tài, quần thần khắp nơi đều tiến cử Thuấn. Sau đó Thuấn được vua Nghiêu gả con gái và nhường ngôi cho.

Có người cho rằng, người ta sỉ nhục mình, làm tổn hại đến mình mà nhẫn thì đó là yếu đuối hèn nhát, cho rằng người mạnh mẽ có bản lĩnh là phải biết 'chiến đấu', rằng "Thất phu bị sỉ nhục thì tuốt kiếm tương đấu".  Thực ra, chỉ những người có nội tâm kiên cường, ý chí mạnh mẽ mới nhẫn được. Nhẫn được nỗi khó chịu trong tâm, khi bị sỉ nhục, bị ức hiếp thì nghiến răng chịu đựng, thì đó chỉ là cái nhẫn của kẻ thất phu, chỉ là Tiểu Nhẫn. Chỉ khi đối diện trước mọi bất công, bất bình mà tâm bất động thì như thế mới là cái nhẫn của bậc trượng phu, mới là Đại Nhẫn.

Khổng Tử nói: “Việc nhỏ không nhẫn được thì hỏng việc lớn” (nguyên văn: “Tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu”). Chỉ những người có chí hướng cao xa, tấm lòng rộng lớn, hướng tới sự nghiệp to lớn thì mới coi những bất bình, bất công đối với mình là những thứ nhỏ không đáng để bận tâm, không đáng hao tâm tổn trí. Từ đó họ dành toàn bộ thời gian, tâm huyết và trí tuệ cho việc tu dưỡng đạo đức, thành tựu đại nghiệp.

Khổng Tử ca ngợi Bá Di, Thúc Tề ở thái độ của hai ông dùng bản tính Thiện để đối nhân xử thế, tránh bị rơi vào vòng xoáy "lấy ác trị ác", "ăn miếng trả miếng", "dùng bạo lực chống bạo lực", "oan oan tương báo". Khổng Tử ca ngợi thái độ đối nhân xử thế của Bá Di, Thúc Tề vì đó là thể hiện của bậc trí tuệ, của người có lý trí.

Người có trí tuệ, có tầm nhìn cao xa hơn thì hiểu rõ đạo lý "Thiện có thiện báo, ác có ác báo", thế nên đối với người hành ác với mình thì họ biết tự khắc có quy luật nhân quả trừng trị, họ cũng không cần phải lập mưu tính kế hay ra tay động thủ làm gì, trái lại lấy đức báo oán, ấy mới là đạo lý của những bậc trượng phu.

Theo: ntdvn

No comments: