Tuesday, January 11, 2022

NHỮNG LOẠI GIA VỊ "BÍ TRUYỀN" TẠO NÊN MỘT BÁT PHỞ CHUẨN VỊ

Sở dĩ chúng ta luôn nhớ đến vị thơm ngon của phở cũng là nhờ hương vị khó quên của nước dùng.


Dù bạn là một người sành ăn, biết ăn ngon thì cũng sẽ cảm thấy rất hồ hởi, vui vẻ, bừng lên trong lòng một mối hạnh phúc vì nêm được một nồi phở ngon để chiêu đãi gia đình. Để mọi người trong nhà nhớ mãi tay nghề nấu phở của bạn như một tinh túy từ tháng nọ sang tháng năm kia thì đừng quên những gia vị dưới đây.

1. Đại hồi (bát giác hồi hương)

Đại hồi hay còn gọi là hoa hồi, bát giác hồi hương, tai vị. Hoa hồi khô là loại thảo mộc phổ biến trong ẩm thực châu Á nói chung và người Việt nói riêng. Ngoài việc được biết đến là vị thuốc nam giàu công dụng, đại hồi còn là món gia vị không thể thiếu cho món phở.

Mỗi món ăn đều có đặc trưng của riêng mình và có thể coi nước dùng là linh hồn của bát phở. Vị cay nhè nhẹ, thơm nồng, ngọt dịu tinh tế của hoa hồi dùng nấu nước dùng phở sẽ tạo nên hương vị thơm ngọt, đọng lại mãi trong lòng người thưởng thức.


2. Tiểu hồi hương (hạt thì là)

Tiểu hồi hương tuy là loại thảo dược quen thuộc nhưng không phải ai cũng biết đến công dụng trong ẩm thực của chúng. Gọi là tiểu hồi hương cho mĩ miều, dễ hiểu hơn thì chúng chính là hạt cây thì là.

Tiểu hồi có vị ngọt, thơm giống như hương vị của cam thảo đen. Mùi của tiểu hồi khá nồng nên khi nấu nước dùng phở sẽ cần một lượng nhỏ để giữ cho vị của đại hồi thơm lâu hơn.


3. Thảo quả

Được mệnh danh là nữ hoàng của các loại gia vị, ướp đậm sương gió của núi rừng, thảo quả chứa vị cay nồng, gọt dịu. Để nước dùng phở dậy mùi, không thể thiếu thảo quả. Chỉ một vài quả thảo quả khô nướng sơ cũng đủ mùi hương quấn quít sâu vào khoang mũi.


4. Đinh hương

Người Bắc nấu phở ít khi sử dụng đinh hương mà ưu ái thảo quả hơn. Đinh hương được người Nam tin dùng cho hương vị phở của mình hơn, điều này có lẽ do ảnh hưởng nền ẩm thực Hoa kiều.

Đinh hương là loại thảo mộc có hương thơm tinh tế. Mùi thơm của thảo mộc này khử mùi hoi của xương bò, lại tạo nên vị the nhẹ và ấm nồng cho nước phở.


5. Hạt mùi

Hạt mùi khô có mùi thơm dễ chịu, có tác dụng chính là khử mùi hôi, mùi hoi trong nước dùng. Sử dụng một lượng nhỏ hạt mùi có thể hỗ trợ nồi nước dùng thơm lâu hơn.


6. Quế chi

Để bạn nấu được nồi nước dùng hấp dẫn, thơm ngon không thể bỏ qua quế. Vỏ quế khô là hương vị quen thuộc giúp cân bằng mùi thơm của nồi phở. Nếu như đại hồi, đinh hương, tiểu hương và mùi tạo nên mùi thơm rực, nóng ấm thì vị cay của quế chung hòa hơn vị thơm này. Một thanh quế nhỏ cũng đủ mang lại sự dễ chịu mà không hề làm giảm bớt vị đậm đà của nồi nước dùng.


7. Hành, gừng

Cũng giống như quế khô, hành và gừng nướng không chỉ giúp khử mùi mà còn tăng thơm hương vị thơm ngon, dậy mùi của nhúm gia vị khô. Hành củ còn giữ nguyên vỏ lụa bên ngoài, nướng cháy xém và chín tận đến lõi hành bên trong.

Nướng bằng bếp từ, lò nướng hoặc nồi chiên không dầu thì tốt hơn. Nhiều người nướng bằng than sẽ khiến hành nướng bị hôi dầu. Phần vỏ hành nướng cháy rất quan trọng, chúng giúp nước dùng có màu vàng sáng mà không phải do màu váng mỡ.


Nếu bạn dùng hành tây, khía múi cau mà không cắt rời để nướng thì hành mau chín hơn.

Cũng như hành nướng, gừng nướng sẽ giúp gia tăng hương vị. Nếu như dùng gừng nướng, bạn có thể không cần dùng đến tiểu hồi hương và ngược lại.

8. Sá sùng

Sá sùng khô được mệnh danh là "mì chính nhà giàu" vì sự đắt đỏ của chúng. Sá sùng có vị ngọt đậm đà, cũng là bí quyết nấu ra các nồi phở hảo hạng.

Ngoài việc bánh phở phải mỏng và dẻo, thịt mềm thì nước dùng phải ngọt. Ngọt ở đây là kiểu ngọt chân thật, ngọt vì nhiều xương, tẩy vừa vặn không nồng, không phải dùng mì chính, hạt nêm hay đường như nhiều bát phở công nghiệp của ngoài hàng.


Thế nên, khi không có nhiều thời gian hầm xương, nhiều người cũng lựa chọn sá sùng để tạo vị ngọt thật cho nước phở.

Theo: Pháp luật và bạn đọc

No comments: