Tấn Thư có ghi chép: "Thiên tử nhà Hán lên ngôi được 1 năm thì xây lăng, thu thuế cống 1 phần 3 tài sản trong thiên hạ, (trong đó) 1 phần để thờ cúng, 1 phần để tiếp đãi tân khách, 1 phần để xây lăng".
Đoạn ghi chép này có thể thấy rất rõ rằng Lưu Bang sau khi lên ngồi hoàng đế nhà Tây Hán, năm thứ 2 đã bắt đầu dùng 1 phần 3 thu nhập tài chính quốc gia để phục vụ các công việc như thờ cúng, tiếp đãi tân khách và xây lăng mộ. Ông làm theo tập quán của Tần Thủy Hoàng, xuất phát từ góc độ phong thủy xây lăng mộ để cầu linh hồn bất diệt, giang sơn vững bền, coi việc xây lăng là đại sự quốc gia.
Ngày 2 tháng 2 năm 202 TCN (Âm lịch), trong tiếng reo hò như dời non lấp biển, Lưu Bang xưng đế lập ra nhà Hán. Sau khi dời đô về Trường An, Lưu Bang bắt đầu xây dựng lăng mộ Trường Lăng của mình ở bình nguyên Hàm Dương phía bắc sông Vị (cách Trường An 10km về phía bắc). Dưới Trường Lăng cao lớn là địa cung, nơi Lưu Bang yên nghỉ. Trong địa cung Trường Lăng, "bên trong là quan tài của hoàng đế, xung quanh là kết cấu xếp bằng gỗ bách, có thể chứa được bá quan. Lăng có 4 cửa thông, chứa 6 xe 6 ngựa, đều ẩn tàng. 4 phía bên ngoài có suối nước bao quanh, phía ngoài vách đá phía đông có cửa kiếm, trong có kiếm Dạ long và Mạc tà, có cung nỏ và lửa ẩn phục". "Khi nhập quan có rất nhiều châu ngọc, nối với nhau bằng dây vàng".
Đoạn ghi chép trong Sử Ký này cho thấy sự xa hoa của địa cung Trường Lăng. Địa cung rộng rãi như vậy được xây dựng như thế nào thì đến tận ngày nay, tức hơn 2.000 năm sau vẫn còn đang suy đoán.
Trong các lăng mộ các hoàng đế thời Tây Hán thì lăng mộ bồi táng nhiều nhất chính là Trường Lăng. Phía đông Trường Lăng hiện còn hơn 60 mộ bồi táng, đại bộ phận đều là các công thần, nguyên lão vào sinh ra tử cùng Lưu Bang năm xưa, có cống hiến to lớn trong việc lập ra nhà Hán, các phi tần của Lưu Bang và các gia tộc lớn ở Quan Đông, trong đó có Chu Bột, Chu Á Phu, những trọng thần được bồi táng cùng Lưu Bang.
Tượng binh mã thời Tây Hán: Tượng kỵ binh
Một ngày hạ tuần tháng 8 năm 1965, người dân thôn Dương Gia Loan, làng Chính Dương, khu Vị Thành, thành phố Hàm Dương san đất như thường lệ, đến khi đào sâu khoảng 1m thì phát hiện ra mấy người gốm và ngựa gốm. Người dân trong thôn đều biết vùng này thuộc khu lăng mộ hoàng đế, thôn này cách Trường Lăng của Hán Cao Tổ về phía đông chưa đầy 2km. Ở dưới khu đất này nhất định có mộ táng, người dân lập tức thông báo với ngành văn hóa. Các nhân viên khảo cổ tiến hành dọn dẹp hiện trường và khai quật, quả nhiên phát hiện ra 11 đường hầm chôn tượng binh mã chạy theo chiều bắc nam và đối xứng qua hai phía đông tây.
Tượng kỵ binh chôn ở 6 đường hầm có kích thước lớn nhỏ khác nhau, chia làm 2 loại: tượng kỵ binh loại lớn cao 68cm, loại nhỏ cao 50cm, ngựa có 4 loại là màu đen, đỏ, tía và trắng. Tượng kỵ binh mặc y phục có các màu đỏ, trắng, lục và tím, một tay cầm dây cương, một tay cầm vũ khí, uy vũ truyền thần, giống như chiến sự sắp xảy ra. Dây cương, hàm thiếc, đầu dây cương, yên ngựa, dây đai của chiến mã, tất cả đều tinh xảo rực rỡ. Chiến mã to béo lực lưỡng, ức nhô ra, cơ bắp cuồn cuộn, thân hình tráng kiện, tứ chi to khỏe. Đầu ngựa hơi ngửa lên, môi miệng máy động, phần dưới mũi căng lên, hai tai dựng đứng, hai mắt rừng rực rất thần thái, trông như là tập hợp trong giây phút trước cuộc chiến hoặc trước lúc khải hoàn trở về. Mỗi chiến mã đều uy vũ dũng mãnh, lại có đủ sắc thái tình cảm. Tạo hình tổng thể đơn giản, tinh tế, rõ ràng, đường nét trôi chảy, linh hoạt truyền thần, sống động như thật.
Tượng binh mã thời Tây Hán: Khai quật mộ bồi táng ở Trường Lăng của Hán Cao Tổ Lưu Bang
Tượng bộ binh chôn ở 5 hầm to nhỏ khác nhau, cũng có 2 loại, loại lớn cao 48.5cm, loại nhỏ cao 44.5cm. Đại đa số tượng binh sĩ mặc y phục màu đỏ, vàng, trắng và da cam. Tượng võ sĩ mặc giáp, lưng đeo túi tên, cầm mộc và binh khí, dáng vẻ như lâm chiến, ý chí tất thắng. Có tượng võ sĩ hai gò má nhô cao, dường như là người Khương Nhung đến từ Tây Vực, có tượng võ sĩ trán rộng mặt vuông, dường như đến từ vùng đất Trung Nguyên, có tượng võ sĩ thân hình thanh thoát cân đối, dường như đến từ vùng non nước Ba Thục, có tượng võ sĩ khí phách dũng mãnh, dường như đến từ vùng sa mạc phương Bắc nơi biên tái.
Trong đó có tượng một viên chỉ huy, chân đi đôi giày ống cao hoa lệ, thần khí sung mãn, dường như cầm chắc chiến thắng trong tay rồi. Tượng quan văn ôn hòa nho nhã, thể hiện thần thái tính toán hoạch định trong trướng. Các tượng người múa, chơi nhạc, tạp dịch đều khéo léo hoạt bát, thể hiện tư thế sống động. Những tượng binh mã này chất phác phóng khoáng, điển nhã hồn hậu, cổ phác hòa ái, trầm tĩnh.
So với những tượng binh mã cao lớn của Tần Thủy Hoàng thì tượng binh mã nhà Tây Hán giảm tính tả thực, tăng tính tả ý, chú trọng khắc họa thế giới nội tâm của nhân vật.
Các chuyên gia căn cứ vào ghi chép trong "Thủy kinh chú" phán đoán chủ nhân của mộ táng là Thái úy Chu Bột thời Lưu Bang, hoặc con trai Chu Bột là Chu Á Phu, người có công dẹp loạn, bình định 7 nước thời Hán Cảnh Đế. lần khai quật này được 583 tượng kỵ binh, 1.965 tượng bộ binh, còn có các tượng nhạc công, tượng quan chỉ huy khác nữa, tổng cộng gần 3.000 tượng binh mã, rõ ràng là một đội hình quân đội oai phong hùng tráng ở trong lòng đất.
Tượng binh mã thời Tây Hán
3.000 tượng binh mã thời Tây Hán ở Hàm Dương là lần đầu tiên phát hiện ra, còn trước cả tượng binh mã Tần Thủy Hoàng. Số lượng lớn, chủng loại đầy đủ, đội hình lớn, chế tác tinh mỹ, quả là hiếm thấy. Có thể thấy nghệ thuật tạo hình thời Tây Hán đã rất cao và có phong cách độc đáo, có giá trị nghiên cứu cực kỳ quan trọng về các phương diện như lịch sử, quân sự, mỹ thuật, điêu khắc và hội họa.
Trung Dung / Theo KKnews
Link tham khảo:
No comments:
Post a Comment