Tiểu thuyết Love Story do nhà văn Mỹ Erich Segal (1937-2010) sáng tác được xuất bản vào ngày Lễ Tình nhân (Valentine’s Day) 14/02/1970. Tác giả vốn là giáo sư dạy văn học cổ La – Hy ở Đại học Yale, Harvard. Ngay sau khi xuất bản, Love story nhanh chóng trở thành một tác phẩm văn học bán chạy nhất, và cũng sau một thời gian rất ngắn, tiểu thuyết được chuyển thể thành bộ phim cùng tên do chính tác giả là người biên kịch, đạo diễn Arthur Hiller thực hiện với hai diễn viên chính là Ali McGraw và Ryan O’ Neal. Phim bắt đầu được trình chiếu cho công chúng vào tháng 12 năm 1970 thu hút rất đông khán giả trẻ khắp nơi.
Nội dung tác phẩm là câu chuyện của một đôi trai gái, cả hai đang là sinh viên. Oliver Barrett IV, con nhà giàu, đang theo học ngành Luật tại Đại học Harvard. Jennifer Cavilleri thuộc tầng lớp trung lưu, con gái của một ông chủ tiệm bánh, đang theo học âm nhạc ở trường cao đẳng Radcliffe. Hai người trẻ gặp gỡ đã nhanh chóng yêu nhau dù gặp sự phản đối của gia đình Oliver, nhưng rồi cuối cùng họ cũng kết hôn với nhau cho dù gia đình hai bên không đồng ý.
Dù bị gia đình khước từ giúp đỡ về tài chánh, nhưng với một tình yêu tuyệt hảo, họ đã sống với nhau, vượt qua những nỗi khó khăn trong cuộc sống cho đến khi Oliver ra trường và được việc làm tốt ở một văn phòng luật sư tại thành phố New York.
Hai người dự định có con, nhưng sau một lần bị hư thai, Jennifer được chẩn đoán bị mắc phải bệnh ung thư máu. Khi bệnh tình của vợ đến ngày cuối, Oliver mới báo cho cha của mình biết sự thật, hai cha con đã thông cảm nhau, để rồi khi Jennifer trút hơi thở cuối cùng, Oliver đã thì thầm câu nói mà vợ thường nhắc: “Love means never having to say you’re sorry” (Tình yêu có nghĩa đừng bao giờ phải nói bạn hối tiếc cả).
Nhiều người cho rằng, cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, xã hội Mỹ gần như rệu rã vì những xáo trộn bởi cuộc chiến tranh Đông Dương. Khi người Mỹ bị “sa lầy” ở Đông Dương, thanh niên Mỹ đã thấy được sự vô nghĩa của thời cuộc. Sự ra đời của phong trào Hippie với thái độ chống đối chiến tranh, trốn quân địch, buông thả tình dục, cùng với sự lạm dụng ma túy và thuốc kích thích đã xuất hiện mạnh mẽ trong giai đoạn này. Đại nhạc hội Woodstock được tổ chức trong một trang trại ở tiểu bang New York (1969) được cho là khi phong trào Hippie lên tới cao điểm, cùng song hành với những trận chiến khốc liệt trước đó, khi hàng trăm lính Mỹ đã hồi hương trong túi đựng thi thể mỗi tuần.
Trong bối cảnh đó, văn sĩ Erich Segal đã viết và giới thiệu một chuyện tình đẹp, lãng mạn như để đánh thức thanh niên Mỹ về một khía cạnh mới của đời sống. Với ảnh hưởng của câu chuyện tình nhẹ nhàng nhưng đầy bi thảm vào hồi kết, cuốn truyện đã là một dấu hiệu kết thúc của phong trào Hippie, kế đến là chấm dứt sự hiện diện của người Mỹ ở Việt Nam và cả vùng Đông Dương.
Nhà văn Erich Segal mất ngày 17-1-2010, thọ 72 tuổi. Sau Love Story, Segal còn được biết đến với nhiều cuốn tiểu thuyết, tiểu luận và phê bình khác..Ông cũng là người đã viết kịch bản cho bộ phim hoạt hình Yellow Submarine của ban nhạc huyền thoại The Beatles. Nói với báo giới lúc đó, con gái ông cho biết: “Có hai thứ làm nên cuộc đời của cha tôi – đỉnh cao và vực thẳm; đó là tiểu thuyết Love story và căn bệnh Parkinson“. Trong 25 năm cuối đời, ông phải sống với căn bệnh thần kinh rối loạn, chân tay run rẩy không viết thêm được một tác phẩm nào nữa.
Ra mắt công chúng không lâu, bộ phim Love story nhận được 7 đề cử giải Oscar. Nhiều nhà phê bình âm nhạc cho rằng đạo diễn phim đã biết khai thác chất văn hóa đại chúng – một sự kết hợp thú vị giữa âm nhạc của Bach, Mozart và những trận đấu hockey sôi động, cùng một tình yêu lãng mạn của sinh viên; bộ phim không những làm mới gương mặt xã hội Mỹ thời hậu Hippie mà còn chuyển tải sức sống tươi trẻ đến giới trẻ, do đó Love story trở thành bộ phim vượt thời gian, từng được Viện phim Mỹ xếp vào danh sách 100 phim tình cảm của một thế kỷ qua.
Khi phim được đưa sang trình chiếu Việt Nam, thanh niên miền Nam hồi đó đã nô nức đi xem chật kín ở các rạp chiếu phim. Một số ít người hâm mộ đã mặc áo thun có in hình đôi diễn viên, hoặc câu nói nổi tiếng trong phim: “Love means never having to say you’re sorry”. Cùng thời điểm đó, tiểu thuyết Love story đã được dịch giả Phan Lệ Thanh chuyển ngữ sang Tiếng Việt có tựa là Chuyện tình cũng thuộc loại best selling thời đó
Phải nói rằng sự thành công của bộ phim là nhờ có sự kết hợp với phần nhạc phim do nhạc sĩ người Pháp Francis Lai soạn. Nhạc phim Love Story đứng hạng thứ 9, chỉ thua các nhạc phim kinh điển như Casablanca, Cuốn theo chiều gió, West Side Story, Bác sĩ Zhivago nhưng lại vượt qua My Fair Lady, Bố già, Titanic hay Đỉnh gió hú.
Năm 1971, Where Do I Begin (Love Story) trở thành bài hát toàn cầu và được rất nhiều nghệ sĩ tên tuổi trình diễn. Nhiều người cho rằng Carl Sigman là “người cha” thứ 2 của Love Story, bên cạnh Francis Lai, đưa bài hát ra khỏi ánh hào quang của một bộ phim và độc lập trở thành một bài hát kinh điển.
Được biết, Francis Lai đã soạn Love Story vào lúc nửa khuya. Ban đầu, nhạc sĩ chỉ sáng tác trên 4 nốt nhạc căn bản, nhưng làm như vậy thì lại gần giống với cấu trúc của một giai điệu rất ăn khách hai năm về trước; đó là nhạc phẩm chủ đề của bộ phim Romeo & Juliette (A Time For Us của Nino Rota). Do vậy trong câu mở đầu của mỗi đoạn, ông cho thêm một nốt nhạc, biến thành 5 trong khi các câu kế tiếp chỉ có 4, nhưng có lẽ cũng vì thế mà giai điệu trở nên tha thiết hơn.
Riêng với thính giả người Việt, nhạc khúc Love story được nhạc sĩ Phạm Duy phóng tác lời Việt với tiêu đề Chuyện tình mang những ca từ không kém nồng nàn:
Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ
Ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá
Chuyện tình đáng nhớ,
tuy cũ như là biển già trắng xoá
Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà nàng dành cho ta…
Ôi biết nói gì?
Với một lời quý mến, mà nàng nói đến
Khi bước chân vào cuộc đời vắng ngắt
Cuộc tình thứ nhất, muôn kiếp muôn đời là tình vĩnh viễn
Vì nàng đã hiến đôi cánh tay mềm nghìn đời quyến luyến…
Có thể nói trong suốt thế kỷ XX, rất hiếm có một hiện tượng văn học nghệ thuật thành công vang dội như Love story; cả về văn học, điện ảnh và luôn cả lĩnh vực âm nhạc…
Tôn Thất Thọ / Theo: dangnho
No comments:
Post a Comment