Wednesday, July 25, 2018

ĐỪNG XEM THƯỜNG ĐẦY HƠI !

Trong đường tiêu hóa, không kể đến vi sinh, nấm mốc, men tiêu hóa, bao giờ cũng phải có sự hiện diện tối thiểu của ba thành phần chủ lực: lượng thức ăn ít nhiều đã được tiêu hóa, nước và hơi. Tùy theo tỷ lệ giữa ba nhân tố này mà chức năng tiêu hóa và bài tiết của khung ruột hoặc xuôi chiều mát mái nên gia chủ khỏe re, hoặc trục trặc theo kiểu táo bón, tiêu chảy hay thường gặp là đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu, biếng ăn… khiến mặt mũi gia chủ lúc nào cũng khó đăm đăm!



ĐỪNG XEM THƯỜNG ĐẦY HƠI !

Đường tiêu hóa từ vùng thượng vị xuống đến ruột già tất nhiên không vô cớ bỗng đầy hơi! Đó là dấu hiệu cho thấy:
Phản ứng lên men do hoạt động của thành phần vi sinh độc hại đang chiếm ưu thế.
Nhu động của khung ruột đang gặp trục trặc đâu đó khiến lượng hơi trong ruột bị ùn tắt. Bằng chứng là nạn nhân nhẹ nhõm sau khi ợ hơi hay trung tiện!


Nhưng nếu tưởng tình trạng đầy hơi chỉ ảnh hưởng trên chất lượng của cuộc sống, gây phiền toái trong lúc giao tiếp, hay nghiêm trọng hơn nữa là rối loạn tiêu hóa thì lầm. Đầy hơi nếu xảy ra quá thường là dấu hiệu báo động cho thấy tính trạng ứ đọng chất phế thải trong khung ruột, đặc biệt là các hơi độc gây lão hóa tế bào, thoái hóa nội tạng… đã ngấp nghé mức bệnh lý. Thầy thuốc đã từ lâu không còn nghi ngờ về mối liên hệ rõ ràng giữa tình trạng đầy hơi nếu kéo dài và rối loạn biến dưỡng chất béo, dị ứng, thấp khớp…
May cho người bệnh là giải pháp lại không quá phức tạp nếu đừng quên các nhóm hoạt chất vận hành tương tác để qua đó cải thiện chức năng bài tiết của khung ruột. Thí dụ:


Thầy thuốc Tây Y thường phối hợp Simethicone do tác dụng kép, vừa ức chế sự hình thành các túi hơi mới trên niêm mạc đường tiêu hóa vừa gom góp các túi hơi đã thành hình rồi đưa ra ngoài cơ thể với Alverin citrat để tận dụng công năng điều chỉnh nhu động của cơ trơn dọc đường tiêu hóa của chất này để hơi trong khung ruột không bị kẹt xe bất ngờ do gặp chỗ co thắt thái quá.
Thầy lang Đông Y ai cũng nằm lòng bài thuốc Bình Vị Tán với Trần Bì, Hậu Phác, Thương Truật, Cam Thảo nhờ tác dụng cộng hưởng gọi theo tiếng chuyên môn ngày xưa là “kiện tỳ ích khí” (tăng bài tiết mật, chống co thắt cơ trơn, hút hơi trong khung ruột) dành cho người ăn vừa xong là tức bụng, hay người đói cồn cào nhưng mới ăn ít miếng lại no ngang!


Đông hay Tây cũng thế, thầy thuốc dù theo trường phái nào cũng xem trọng việc khử hơi trong đường tiêu hóa. Họ tất nhiên có lý vì loại được hơi thừa trong khung ruột là biện pháp chủ động tăng cường sức đề kháng. Nuôi ong tay áo coi vậy mà không hại bằng nuôi bệnh ngay trong bụng! Dùng thuốc chống đầy bụng, dù là với hóa chất hay hoạt chất thực vật mỗi khi phát hiện dấu hiệu đầy hơi cũng như sau mỗi bữa ăn đậm đà thịt mỡ là giải pháp tiện dụng, hiệu quả và nhất là an toàn cho người muốn phòng bệnh thật sớm hơn là đợi bệnh mới chữa.
Bác sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments: