Tuesday, December 31, 2019

TIỂU ĐƯỜNG DÙ KHÔNG HỀ HẢO NGỌT?

Đã gọi là bệnh tiểu đường tất nhiên liên quan đến trục trặc trong khâu biến dưỡng chất đường. Nhiều người vì thế dù chưa bệnh vẫn bớt món ngọt vì sợ bệnh hơn sợ … ma! Cẩn tắc tuy đúng là vô áy náy nhưng chỉ bấy nhiêu vẫn chưa đủ để cầm chân “cơn đại dịch của thế kỷ”! Kiêng đường đến phát thèm nhưng nếu cuộc sống tẩm đầy stress thì bệnh tiểu đường không mời cũng chực chờ ngoài cửa. Bằng chứng là nhiều người không hề “hảo ngọt” theo nghĩa đen nhưng vẫn bệnh mới đau!


Chuyện gì cũng có lý do. Nhờ tiến bộ nhảy vọt trong mô hình nghiên cứu, thầy thuốc bây giờ đã hiểu rõ hơn về giấc ngủ.Giá trị của giấc ngủ không chỉ khu trú trong phạm vi phục hồi. Giấc ngủ là khoảnh khắc vô cùng quan trọng vì là lúc cơ thể thao diễn nhiều hoạt động đa dạng, tâm cũng như sinh lý, để chủ động bảo vệ sức khỏe. Giấc ngủ đầy đủ chất lượng thậm chí là một trong các yếu tố quyết định để phòng ngừa nhiều bệnh chứng nghiêm trọng. Bằng chứng là kháng thể được tổng hợp nhiều hơn, hồng cầu được tân tạo nhanh hơn, thực bào được huy động mạnh hơn, biến dưỡng được gia tốc gấp nhiều lần… trong khi gia chủ đang say giấc nam kha.


Đi xa hơn nữa chuyên gia ngành nội tiết ở Hoa Kỳ chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa giấc ngủ và bệnh tiểu đường. Kết quả của một công trình theo dõi kéo dài hàng chục năm với cả chục ngàn đối tượng cho thấy người thường ngủ không đủ 5 giờ đồng hồ mỗi đêm dễ bị bệnh tiểu đường khi vượt qua độ tuổi 40, nếu so sánh với nhóm đồng niên ít khi mất ngủ.

Lý do rất đơn giản. Cảm giác mỏi mệt do ngủ không đủ khiến hệ thần kinh hiểu lầm là cơ thể thiếu năng lượng. Tuyến yên khi đó ra lệnh cho tụy tạng phóng thích nội tiết tố insulin nhiều hơn nhằm thoái biến chất đường để sinh năng lượng. Không sai về mặt cơ chế tác dụng nhưng tình trạng này nếu cứ lập đi lập lại quá thường do nạn nhân thiếu ngủ thường xuyên thì tụy tạng đến lúc nào đó phải kiệt lực. Bệnh tiểu đường khi đó bất chiến tự nhiên thành.


Thêm vào đó là tác dụng tự tăng đường huyết của tuyến thượng thận dù nạn nhân suốt đêm không ăn nhưng ngủ không yên vì mang công việc, nỗi lo, tính toán vào giấc ngủ. Đây chính là đòn bẩy khiến người phải đồng hành với stress sớm trở thành khách hàng thân thiết của khoa nội tiết. Bệnh tiểu đường loại này càng khó chữa vì bên cạnh rối loạn biến dưỡng còn là bàn tay đánh lén của căng thẳng thần kinh!

Ai cũng hiểu “Ăn được ngủ được là tiên, không ăn không ngủ mất tiền thêm lo”. Không riêng gì bệnh tiểu đường, nhiều căn bệnh khác không kém phần nghiêm trọng sở dĩ phát tán, từ cao huyết áp bước qua trầm uất, chỉ vì nạn nhân nhiều đêm không trọn giấc nồng do bàn tay đánh bồi suốt đêm của stress. Rất thường khi nhiều vấn đề trở nên phức tạp một cách oan uổng chỉ vì một điểm khởi đầu tương đối đơn giản nhưng không được giải quyết rốt ráo. Vướng bệnh tiểu đường vì ngủ không ngon, ngủ không đủ là một dẫn chứng rõ hơn ban ngày!


Nhưng nói thế không có nghĩa là phải trả giá quá cao vì phản ứng phụ của thuốc ngủ loại hóa chất tổng hợp. Thầy thuốc ở Âu Mỹ, nơi chắc chắn không thiếu thuốc đặc hiệu, ắt hẳn có lý do chính đáng khi đồng lòng trở về với hoạt chất sinh học như lactium, melatonin, valeriana, gaba… để an toàn tuyệt đối khi dùng dài lâu, thay vì chỉ an thần một chiều, thay vì mua giấc ngủ tạm bợ gượng ép dù biết là trái ngược với qui luật của thiên nhiên.

BS. Lương Lễ Hoàng

Monday, December 30, 2019

CỦ HỦ SẬY ĐÁNG ĐƯỢC SẮC PHONG

Tôi đã ăn qua củ hủ dừa, củ hủ chà là. Cả hai thứ đều ngọt, ăn mau ớn. Nhưng củ hủ tôi được đất Cần Thơ mời mọc tối 24/11/2016 hoàn toàn không ngọt khi ăn sống. Đó là củ hủ sậy.


Có lẽ như nhiều người, tôi biết đến cây sậy từ hồi trung học, lúc bắt đầu tập hành thể loại văn nghị luận, nhưng lại chưa nhìn thấy sậy mọc hoang lần nào.

Biết đến sậy qua câu nói nổi tiếng của nhà đủ thứ học kỳ tài – toán học, vật lý học, văn học và triết học Kitô giáo – Blaise Pascal: “Con người chỉ là một cây sậy, yếu ớt nhất trong tự nhiên, nhưng là một cây sậy biết suy tư”.

Lời rủ rê từ đất Tây đô cho tôi thêm một ít kiến thức “học ăn”: củ hủ sậy. Lâu nay, do lau thường đi với sậy thành một cặp lau-sậy, nên không ít người lầm tưởng hai thứ này cùng một giuộc. Thực ra không phải, vì sậy thân rỗng, còn lau thân đặc.

Đường kính thân sậy cỡ chừng 1,5cm so với đường kính thân lau 2cm. Lau ở các chợ Sài Gòn còn được gọi là mía lau dùng để nấu nước giải nhiệt, mỗi khúc bán đến 5.000 đồng.

Còn sậy trước nay nổi tiếng về bộ rễ, trong đông y gọi là lô căn. Có lẽ do từ này mà có tên sông Lô, nơi được Văn Cao mô tả trong trường ca nổi tiếng của ông có nhiều ngô lau, nhưng không nói gì về sậy cũng do coi lau sậy như nhau chăng?

Đông y ca ngợi lô căn chữa một số bệnh. Phương Tây phát hiện ra hệ sinh thái lô căn có thể làm “nhà máy” xử lý nước thải chỉ tốn “tài sản của toàn dân” mà không tốn phí vận hành.


Trước đây, cũng có hàng quán dùng ống sậy tươi một đầu giữ kín bằng mắt lóng, một đầu trống để ướp cá kèo rồi nhét vào đó đem nướng. Món nướng này chỉ tạo ấn tượng thị giác và mùi thơm khét khi sậy bị đốt.

Thực ra măng sậy và đọt sậy đều ăn được. Măng sậy là mụt măng vừa mọc lên khỏi mặt đất. Đọt sậy là phần sậy trên đầu cây chưa ra lá.

Có lẽ do người ta dùng phần đọt sậy chưa ra lá có đường kính ống chừng 1cm để ăn nên gọi luôn là củ hủ sậy. Chiều cuối tháng 11 hôm đó, món củ hủ sậy được dọn ra phục vụ khách là sậy ăn sống thử vị và dưa sậy.

Nó được đưa vào “thái trư (1) bảng” làm phong phú thêm các món rau trong ẩm thực Việt: dưa khổ qua, dưa cỏ xước nước, dưa sung, dưa củ hủ khóm, dưa lục bình, dưa thân chuối, dưa hành, dưa môn, dưa bồn bồn, v.v. Chị Hoa Ven Sông bảo là muốn sưu tập cho đủ mười thứ dưa…

Củ hủ sậy sống mới nhâm vào có vị chua, hậu hơi đăng đắng. Khác với củ hủ dừa và chà là vị ngọt hơi béo. Ông bạn Bửu Việt kể lại lịch sử món củ hủ này.

Ông không nhớ ai bày, nhưng từ hồi nhỏ đi bắt cào cào nuôi chim, ông đã biết ăn sống món củ hủ này. Nhưng là ăn cho vui. Đến nay, mới nhớ, muốn thử lại, và biến nó thành một món mới.

Ngày hôm sau, chúng tôi còn được thưởng thức theo kiểu thử và sai – thử món mới, ngon thì đưa vào thực đơn, dở thì không làm tiếp – món củ hủ sậy xào tép riu.

Phải công nhận là món xào này ngon thật, vì nó không ngọt kiểu đường mà ngọt kiểu umami – đệ ngũ vị do người Nhật phát hiện. Một ông bạn đồng bàn bình luận: “Nhưng bữa sau bớt tép lại cho nhiều củ hủ hơn mới đã”. Có điều củ hủ bẻ xong phải ăn liền, để hôm sau “chạy xơ” nhiều.

Nói đến củ hủ bàn ăn hôm ấy lại nổ ra câu chuyện “đại luận” củ hủ. Củ hủ dừa hiện nay do nhu cầu quán xá, đã được khai thác bằng dừa trồng chỉ để lấy củ hủ không lấy trái.


Kiểu đó sẽ không ngon bằng củ hủ dừa già vì không có lưỡi mèo, tức là cái phần chuẩn bị ra lá rồi ra trái của cây dừa. Còn củ hủ cau đắng, ngót, dòn, ăn nhiều chóng mặt, ở quê gọi là “say máu gà”. Có lẽ vì vậy mà đuông chê. Củ hủ đủng đỉnh lại hiếm.

Thế là một loại sản vật nữa, thuộc loại sạch, đi vào ẩm thực, thay vì trước nay người ta chỉ hái bông sậy để phơi khô bán ký hoặc lấy bông sậy làm chổi. Hoặc chỉ dùng thân sậy khô trang trí kiến trúc.

Giờ đây những dự án đất đang bất động lâu ngày sậy mọc nhiều sẽ giúp cho người nghèo bẻ măng, bẻ củ hủ đem bán cho hàng quán.

Ngữ Yên
Theo TGTT
(1) rau muối chua


SIÊU THỰC PHẨM CHỮA UNG THƯ CÓ THẬT KHÔNG?

Truyền thông thường bốc lên nhiều loại siêu thực phẩm (superfoods) có thể làm tăng giảm rủi ro ung thư.


Cho đến nay, bằng chứng khoa học cho thấy, dường như chẳng có siêu thực phẩm nào, mà chỉ riêng nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến rủi ro ung thư cả. Sau đây là quan điểm của tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh quốc (Cancer Research UK) (1) về cái gọi là “siêu thực phẩm” phòng chữa ung thư.

Từ “siêu thực phẩm” thường được dùng để chỉ loại thực phẩm có vẻ như ảnh hưởng tốt cho sức khoẻ con người, chẳng hạn trái việt quất (bluberries), mâm xôi (raspberries), bông cải xanh (broccoli), trà xanh… Những thực phẩm đó được tung hê như là có thể có quyền năng phòng ngừa, thậm chí chữa được nhiều loại bệnh kể cả ung thư.

Thuật ngữ “siêu thực phẩm”, thực ra chỉ là công cụ marketing, và hầu như không có chứng cớ khoa học để khẳng định. Điều rõ ràng là, chỉ có chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng và lành mạnh mới có thể giúp giảm rủi ro ung thư, chứ không phải riêng một loại thực phẩm cụ thể nào có thể làm giảm rủi ro được.

Mỗi thứ bệnh nan y đều được marketing bằng một nhóm siêu thực phẩm trong thực tế ấy chẳng có bằng chứng trị bệnh gì cả.

Nhiều loại “siêu thực phẩm” chứa nhiều chất chống oxid hoá, vitamin, khoáng… Và khi thử trong phòng thí nghiệm cho thấy chúng có ảnh hưởng tích cực đến sức khoẻ. Quả thật, một số thành phần này có trong thực phẩm đó có thể ảnh hưởng đến các tế bào ung thư, tiêu diệt hoặc ngăn chặn không cho chúng tăng trưởng. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ thực nghiệm trên hoá chất tinh khiết có trong loại thực phẩm đó, chẳng hạn, muốn thử tác dụng của một chất chống oxid hoá nào đó có trong trái việt quất, các nhà nghiên cứu dùng chất chống oxid hoá đó ở dạng hoá chất tinh khiết, chứ không dùng trái việt quất tươi.

Trong thực tế, chúng ta ăn cả trăm loại thực phẩm khác nhau, chứa hàng ngàn chất dinh dưỡng khác nhau, thì với một thành phần được tách riêng ra như thế tác dụng trong ống nghiệm sẽ hoàn toàn khác với chất đó có trong thực phẩm mà chúng ta ăn. Sự khác biệt rõ ràng đó là liều lượng.


Thông thường các nhà nghiên cứu phải dùng một liều lượng rất lớn các chất tinh khiết lợi ích (có trong thực phẩm đó) để xem “năng lực” của chúng thế nào. Liều lượng thí nghiệm này lớn hơn rất nhiều so với hàm lượng chất đó có trong thực phẩm mà chúng ta ăn (2).

Do đó, dù có ăn thật nhiều siêu thực phẩm đó thì vẫn không đủ “liều lượng” chất lợi ích như chúng được thử riêng lẻ trong phòng thí nghiệm, để phát huy tác dụng ích lợi cho sức khoẻ.

Khương An (theo Cancer Research UK/TGTT)

Nguồn: superfoods – http://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/causes-of-cancer/diet-and-cancer/food-controversies#food_controversies6

(1) Cancer Research UK là một tổ chức xã hội nhằm nâng cao nhận thức và nghiên cứu ung thư ở Vương quốc Anh. Tổ chức này thành lập năm 2002, trên cơ sở sáp nhập hai tổ chức: Cancer Research Campaign và The Imperial Cancer Research Fund.

(2) Một thí dụ minh hoạ cho vấn đề liều lượng là resveratrol, một chất chống oxid hoá có nhiều trong vỏ nho và rượu vang đỏ. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thử trên chuột cho thấy resveratrol có công dụng làm giảm viêm, hạ cholesterol xấu, chống đông tập tiểu cầu (tránh đột quỵ), ngăn ngừa kháng insulin, ngừa bệnh alzheimer, ngừa ung thư… Tuy nhiên, các thí nghiệm trên chuột đều sử dụng resveratrol liều cao mới được kết quả tốt đẹp như thế. Nếu tính tương đương cho người, phải cần tới hơn 2.000mg resveratrol, hay phải uống tới… 1.000 lít rượu vang mỗi ngày mới đạt liều tương đương – Vtt.

MANG "XU" ĐI VIẾNG XỨ NGƯỜI

Mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ đều được ghi danh và điểm đặc trưng của bang đó lên đồng xu 25 cent. Công việc của tôi là mất thời gian dài để sưu tầm từng đồng xu này rồi lên kế hoạch đến mỗi thủ phủ của tiểu bang đó để chụp hình chung...


TỪ MIỀN TRUNG TÂY...

Thành phố Jefferson City là thủ phủ của bang Missouri – tiểu bang “hiếm hoi” tiếp giáp với tận... 8 bang khác được bao bọc xung quanh, rất thuận tiện cho du khách có thể lái xe đến tham quan các bang bên cạnh. Đồng xu 25 cent của bang kỷ niệm 200 năm trước, những người khám phá ra lãnh thổ Orleans (sau này trở thành một tiểu bang Louisiana độc lập của Hoa Kỳ thì lãnh thổ này được đặt tên lại thành Missouri vì muốn tránh nhầm lẫn trong tên gọi) và chiếc cổng chào Gateway Arch, một vòm cong hình nón được làm bằng thép không gỉ cao 630 foot, tọa lạc tại thành phố St. Louis.

Đồng xu 25 cent chụp ở trong bảo tàng mỹ thuật Salt Lake (Utah)

Khi đến tham quan toà nhà quốc hội của bang Iowa ở thủ phủ Des Moines, hình tượng cô gái đang ôm bầu ngực căng tròn dưới các hình ảnh của các “đại tướng quân” ngay tại đài tưởng niệm chiến tranh (American Revolution) đến hình ảnh tôn vinh thống đốc William Boyd Allison được đặt dưới tượng đài của một người nữ thần đang che bầu ngực “hờ hững” và những nàng tiên xung quanh cũng “hững hờ” không kém.

Tìm hiểu kỹ mới biết được rằng người dân gọi Iowa có nghĩa là “mảnh đất đẹp tuyệt vời” và so sánh dòng sông hợp nhất Iowa như là dòng sữa từ đất mẹ nuôi sống mảnh đất trù phú này.

Đồng xu 25 cent chụp ở trung tâm bảo tồn thiên nhiên Rocky (Colorado)

Dòng chữ “Efficy Mounds” trên đồng xu 25 cent của bang mà tôi chụp hình cùng đã được ban hành từ năm 2017 có ý nghĩa ca ngợi tượng đài quốc gia Effigy Mounds nằm chủ yếu ở hạt Allamakee, Iowa - nơi bảo tồn hơn 200 gò đất nhô lên từ thời tiền sử được xây dựng bởi người Mỹ da đỏ bản địa. Nhiều gò sáo có hình dạng như động vật, bao gồm cả gấu và chim. Chúng được xây dựng chủ yếu trong thiên niên kỷ đầu tiên bởi các dân tộc của nền văn hóa Woodland.

Đứng bên cạnh toà nhà quốc hội tiểu bang Nebraska ở thủ phủ Lincoln, tôi được hướng dẫn viên giải thích rõ hơn về “Chimney Rock” được in lên đồng xu 25 cent của tiểu bang.

Đồng xu 25 cent chụp ở trong khu Cheyenne depot (Wyoming)

Là di tích lịch sử quốc gia, Chimney Rock là một khối núi được hình thành từ đá địa chất tự nhiên ở quận Morrill, miền tây Nebraska. Một ngọn tháp mảnh mai mọc cao 325 feet theo hình nón bao gồm nhiều lớp tro núi lửa và đất sét có niên đại từ 34 triệu đến 23 triệu năm trước.

Vào đầu thế kỷ 19, du khách gọi nó bằng nhiều tên khác bao gồm Chimley Rock, Chimney Tower và Elk Peak nhưng Chimney Rock đã trở thành tên được sử dụng phổ biến nhất vào những năm 1840.

Đối với những lữ khách tiên phong dẫn lối cho cuộc “di cư vĩ đại” đi theo con đường mòn xuyên bang Oregon, California và Mormon thì Chimney Rock đã là một trong những địa danh nổi tiếng và dễ nhận biết nhất để biết rằng họ đã...đi đúng đường.

Ngày nay, đây vẫn là một địa danh có thể nhìn thấy đối với du khách hiện đại dọc theo Quốc lộ 26 và Đường cao tốc Nebraska 92.

Đồng xu 25 cent chụp ở toà nhà quốc hội bang Nebraska

ĐẾN VÙNG XUNG QUANH CÒN LẠI

Trên đường đến thủ phủ Denver của bang Colorado, bạn sẽ được vừa lái xe vừa ngắm núi Rocky (đôi khi còn được biết đến với tên Rặng Thạch Sơn), là dãy núi khá rộng ở miền Tây Bắc Mỹ. Dãy núi chạy dài hơn 4.800 km từ cực bắc British Columbia (Canada) đến bang New Mexico (Hoa Kỳ). Đỉnh cao nhất là Núi Elbert ở Colorado cao 4.401 m so với mực nước biển.

Đồng xu 25 cent chụp ở toà nhà quốc hội bang Missouri

Đây là điểm thu hút các fan trượt tuyết từ khắp nơi trong nước và trên thế giới đến vui chơi thoả thích với núi tuyết cả bốn mùa trong năm.

Du khách cũng sẽ có những trải nghiệm thú vị khi được lái xe chầm chậm gần 11 miles trong trung tâm bảo tồn thiên nhiên Rocky Mountain Arsenal National Wildlife Refuge (thành phố Commerce) để xem hàng ngàn con chuột chũi, hươu nai, thỏ... chạy tung tăng hai bên đường. Và cẩn thận với những đàn bò rừng đang đi lại thủng thẳng không quan tâm đến giao thông đâu nhé!


Đồng xu 25 cent chụp ở toà nhà quốc hội bang Arkansas

Đến với bang Wyoming, người ta đùa rằng số lượng bò của bang còn nhiều hơn số dân. Chạy xe dọc con đường liên bang, hai bên đường là những bình nguyên cỏ xanh đến ngút ngàn. Những nông trại, những nhà máy chế biến nông sản, các kho bãi hàng hóa, kho xăng dầu và những tua bin điện gió vươn cao.

Có lẽ vì vậy biểu tượng của bang cũng là đôi giày bốt của những gã cao bồi với chiếc mũ phớt cầm dây thừng. Tại thủ phủ Cheyenne và cũng là thành phố lớn nhất ở Wyoming nằm ở phía góc đông nam tiểu bang có lễ hội đấu bò mang tên “Cheyenne Frontier Days Rodeo” được tổ chức hàng năm trong gần một thế kỷ qua thu hút hàng chục ngàn du khách đến đây.

Đồng xu 25 cent chụp ở đài tưởng niệm chiến tranh Des Moines (Iowa)

Trong khu Cheyenne depot ở trung tâm thành phố, bạn sẽ thấy những chiếc giày ủng có kích cỡ lớn bằng thân người với đủ màu sắc được “sơn son thếp vàng”.

Tôi lại ghé sang “Tiểu bang của thiên nhiên” (The Natural State) là tên gọi thân mật của tiểu bang Arkansas bởi nơi đây có rất nhiều rừng cũng như ngân khố của bang chi tiêu khá lớn cho việc bảo tồn thiên nhiên.

Ngoài ra, Arkansas là một trong số ít tiểu bang ở Bắc Mỹ, nơi có nhiều kim cương và là nơi duy nhất mà du khách có thể “săn lùng” chúng. Thế nên thỉnh thoảng trên báo đài có thông tin du khách này phát hiện được kim cương 5-7 karat ở trong vườn quốc gia Arkansas thì bạn cũng đừng quá ngạc nhiên.

Tầm quan trọng của kim cương trong lịch sử bang Arkansas cũng đã được công nhận trên lá cờ tiểu bang và cũng như các món quà lưu niệm quý giá. Do đó đương nhiên hình ảnh viên kim cương cũng được xuất hiện trên đồng xu 25 cent của bang.

Trong bảo tàng mỹ thuật ở thủ phủ Salt Lake thuộc tiểu bang Utah có một bức ảnh cực lớn về vòm Delicate Arch nổi tiếng thế giới. Đây cũng là vòm đá tự nhiên được khắc trên đồng xu 25 cent của bang.

Công viên quốc gia Arches hay công viên quốc gia các vòm đá nằm gần thành phố Moab, nơi còn bảo tồn hơn 2.000 vòm sa thạch tự nhiên cùng với một loạt các tài nguyên và kiến tạo địa lý độc đáo. Có lẽ khi đến thăm thú, bạn sẽ phải chuẩn bị một chiếc máy ảnh thật “xịn” và thẻ nhớ thật nhiều mới ghi lại hết cảnh đẹp của vườn đá ở đây!


Với tôi, mỗi đồng xu 25 cent là một cuốn sách lịch sử thu nhỏ của từng tiểu bang tôi đặt chân đến

Mỗi đồng xu giờ đây với tôi là một kho tàng lịch sử của cả tiểu bang ẩn chứa trong đó mà lâu này mình dường như không hề biết đến. Càng tìm hiểu, tôi càng yêu thích hơn bởi ý nghĩa của từng đồng xu.

Những ngày sắp tới, tôi đã có kế hoạch mang những tờ tiền giấy Việt Nam Đồng đến các địa danh được in trên tờ tiền quốc gia như Văn miếu Quốc tử giám, bến Nhà Rồng, Nghinh Lương Đình, làng Sen quê Bác, chùa Cầu Hội An... để chụp những bức hình kỷ niệm ở đây. Học lịch sử qua những tờ tiền giấy cũng là điều thú vị.

Và biết đâu tương lai sẽ là trào lưu mới của các phượt thủ với “Tiền giấy tour”?

Vinh Phan / Travellive+

Sunday, December 29, 2019

10 CÔNG TRÌNH "BÁT QUÁI" NỔI TIẾNG VIỆT NAM

Con số 8 và hình bát giác luôn gợi liên tưởng tới “Bát quái”, một biểu tượng linh thiêng trong thuật phong thủy phương Đông.


Khám Chí Hòa là một nhà tù tại số 1 đường Hòa Hưng Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, được người Pháp cho xây dựng từ năm 1943. Kiến trúc của Khám Chí Hòa rất đặc biệt, do một kiến trúc sư người Nhật thiết kế và xây dựng theo ngũ hành bát quái. Nó cao ba tầng lầu có hình bát giác với 8 cạnh đều, 8 góc A, B, C, D, E, F, G, H. Tượng trưng cho 8 quẻ trong Kinh dịch. Cũng có ý kiến cho rằng kiến trúc này dựa trên Bát trận đồ của Khổng Minh.


Chùa Láng (Chiêu Thiền tự) là ngôi chùa có từ thời Lý, được xây ở làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội. Điểm nhấn về nghệ thuật kiến trúc phong thủy của chùa là nhà bát giác ở giữa sân chùa, với mái chồng, 2 tầng, 16 mái với những đầu đao cong vút, uốn lượn rất thanh thoát. Đỉnh nóc được đắp họa tiết 4 con phượng đang múa uyển chuyển. Tầng mái bên trên đắp 8 con rồng cuộn tượng trưng cho sự tồn tại của 8 triều vua nhà Lý. Ảnh: Phạm Ngọc Quyết. 


Hồ Con Rùa là tên gọi dân gian của một vòng xoay giao thông có đài phun nước, ở trung tâm TP HCM. Công trình được xây dựng vào cuối thập niên 1960, đầu 1970 với một hồ phun nước hình bát giác lớn, có 4 đường đi bộ xoắn ốc đồng hướng đến khu vực trung tâm là đài tưởng niệm và hình tượng con rùa bằng hợp kim. Theo các giai thoại, hồ Con Rùa là một công trình trấn yểm long mạch Sài Gòn của chính quyền Sài Gòn trước 1975. Ảnh: Hoàng Trần Nghị.


Tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng gắn liền với chùa Thiên Mụ và Cố đô Huế. Tháp bảy tầng, hình bát giác, cao 21m, xây dựng ở phía trước chùa. Mỗi tầng tháp đều có thờ tượng Phật. Bên trong có cầu thang hình xoắn ốc dẫn lên tầng trên cùng. Đây là ngọn tháp được coi là tháp bát giác cổ cao nhất ở Việt Nam. Ảnh: Flickr. 


Trong công viên Phan Thiết có một công trình kiến trúc độc đáo, đó là Tháp nước Phan Thiết – biểu tượng của thành phố biển Phan Thiết. Tháp được khởi công xây dựng vào cuối năm 1928 và hoàn thành vào năm 1934, do Hoàng thân Souphanouvong (1909-1995) của Lào, khi đó là Kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang, thiết kế. Tháp cao 32 m, hình trụ bát giác gồm phần lầu đài và phần chân. Ảnh: Lê Duy Khang. 


Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TPHCM, ban đầu là Bảo tàng Blanchard de la Brosse được xây dựng trong trong một khu vườn rộng lớn (sau này là Thảo Cầm Viên Sài Gòn) vào cuối thập niên 1920. Phần giữa công trình có một khối bát giác gợi nhớ quan niệm về bát quái Kinh Dịch với 2 nóc mái lợp ngói ống, có gắn vật trang trí hình phụng, hình rồng cách điệu. Trên cùng, là 4 quả cầu nhỏ dần và đặt chồng lên nhau. Ảnh: Rongcoithit. 


Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) được xây dựng lại từ năm 1962 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Khôi nguyên La Mã (Grand Prix de Rome). Bênh cạnh các khu nhà bề thế và vuông vức, ở góc trái Dinh còn có một nhà bát giác nhỏ nhắn và thanh thoát với mái ngói cong cổ kính, được xây làm nơi hóng mát, thư giãn. Ảnh: Ngọc Viên. 


Nhà kèn ở Hà Nội được người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20 tại vườn hoa Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) cạnh bờ hồ Hoàn Kiếm để làm nơi diễn tập thổi kèn. Đây là công trình có hình bát giác với vườn hoa bao quanh tạo ra khung cảnh thoáng đãng, thanh bình. Ảnh: Poorest Hanoian. 


Nhà kèn tại Hải Phòng là công trình kiến trúc do người Pháp xây dựng cùng thời điểm xây dựng với Nhà kèn Hà Nội để làm nơi binh lính tập chơi kèn vào chiều thứ bảy, sáng chủ nhật hàng tuần. Cả nhà kèn ở Hà Nội và Hải Phòng đều được thiết kế để âm thanh vang rất to dù không hề có tường bao. Bí quyết nằm ở thiết kế trần nhà. Ảnh: Quang Dần. 


Văn Miếu – Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070 ở phía Nam kinh thành Thăng Long, ngày nay là quần thể di tích đa dạng và phong phú hàng đầu của thành phố Hà Nội. Trong vườn cây phía bên trái của khu di tích là một lầu bát giác có kiến trúc rất đẹp. Ảnh: Đăng Định.

Theo KIẾN THỨC

BONSAI DỪA "KỲ LẠ" CÓ HÌNH CHUỘT CHO TẾT CANH TÝ

Bonsai dừa “kỳ lạ” có hình chuột, làm ngàn cây vẫn “cháy” hàng dịp Tết

Bonsai dừa hình chuột có giá từ 600.000 - 3 triệu đồng/cây đang thu hút rất nhiều người tiêu dùng ở các tỉnh/ thành phố phía Nam.


Chỉ còn 1 tháng nữa là tới Tết Canh Tý 2020 (năm con Chuột), ngay từ bây giờ, thị trường cây cảnh bắt đầu thu hút người tiêu dùng. Cũng giống như mọi năm, các sản phẩm cây cảnh truyền thống như: đào, quất, cam, bưởi,... vẫn là mặt hàng chủ lực của nhiều cửa hàng.

Bonsai dừa hình chuột có giá từ 600.000 - 1,5 triệu đồng/ cây.

Theo tìm hiểu của PV báo Dân trí, bonsai dừa hình chuột (dừa non) có giá dao động từ 600.000 - 1,5 triệu đồng/ cây, tùy thuộc vào độ tuổi và dáng của cây.

Bonsai dừa hình chuột có mặt để đáp ứng cho Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Anh Hiếu (Thủ Đức, TP.HCM), đơn vị kinh doanh bonsai dừa hình chuột cho biết: “Thực ra bonsai dừa không lạ, nhưng bonsai dừa hình chuột là sản phẩm mới có mặt trên thị trường năm nay”.

Theo đơn vị kinh doanh, để có được một cây bonsai dừa hình chuột phải tốn rất nhiều thời gian và công sức.

Sản phẩm bonsai dừa hình chuột đang “cháy hàng” ở TP.HCM.

Sau khi quả dừa mọc mầm sẽ tới bước tạo hình cho chuột, công đoạn này thực hiện 100% thủ công. Theo anh Hiếu, công đoạn tạo hình chuột là vất vả nhất.

Anh Hiếu giải thích: “Hình chú chuột thực chất được ghép từ 2 gáo dừa khô để tạo hình một chú chuột đang nằm. Một số bộ phận như tay, tai chuột, mặt chuột phải dùng cưa cắt cho thật khéo léo, tỉ mỉ. Khi dùng cưa, bụi rất nhiều nên phải dùng quạt mạnh để giảm bụi”.

Càng gần tới Tết, nhu cầu mua dừa hình chuột càng tăng mạnh.

Bonsai dừa được đánh giá có dáng đẹp khi đạt được các tiêu chí về hình dáng như: lá ngắn, xoắn, tán đều (còn gọi là lá nhí), dáng lùn, bộ rễ nổi lên, gáo dừa bé,...

Bonsai dừa hình chuột có hình dáng độc đáo nên rất được ưa chuộng

Để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, trong dịp Tết Canh Tý 2020 cơ sở kinh doanh này cung cấp ra thị trường khoảng 800 - 1.000 sản phẩm. Được biết, càng đến gần Tết Nguyên đán, số lượng người mua càng tăng cao. Thậm chí, vài ngày nay, cơ sở kinh doanh này không còn hàng để giao cho khách.

“Bonsai dừa hình chuột được làm hoàn toàn bằng thủ công, nên số lượng không được nhiều. Tuy nhiên, sang năm sau, chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị đầy đủ hơn và sẽ có sản phẩm bonsai dừa hình trâu”, anh Hiếu nói.

Việt Vũ/Theo: Dân Trí


Saturday, December 28, 2019

ĐỐI CẢNH VÔ TÂM


"Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền" xuất xứ từ bài kệ của vua Trần Nhân Tông, diễn tả tâm thái giải thoát của người tu hành. Trạng thái tâm này là kết quả của một quá trình tu tập lâu dài. Đối với cảnh bên ngoài, dù đẹp hay xấu, trái hay phải, thuận hay nghịch, tiếng khen hay tiếng chê, mà tâm không hề xao xuyến, không hề dấy động, tâm như như bất động. Vậy làm thế nào đạt được "đối cảnh vô tâm", làm sao sáu căn không dính với sáu trần? Làm sao mắt thấy sắc không dính với sắc, tai nghe tiếng không dính với tiếng, mũi ngửi mùi không dính với mùi...? Đây chính là tâm yếu của người tu hành và là đối tượng của tám mươi bốn ngàn pháp tu trong đạo Phật.

Có một bầy khỉ, con khỉ chúa lãnh đạo bầy khỉ nhỏ, không cho phép khỉ bỏ bầy đi kiếm ăn một mình nguy hiểm. Nhưng trong bầy có một con khỉ tham ăn, tách ra khỏi bầy đi kiếm ăn riêng lẻ. Chẳng may gặp người thợ săn dùng một loại cây nhựa thật dính làm bẫy, bên cạnh cây nhựa là những miếng mồi ngon nhử khỉ. Vì lòng tham nên chú khỉ ta vừa chụp lấy mồi nên hai tay bị dính nhựa, rối hay chân cũng bị dính luôn, thế là người thợ săn bắt về.


Qua câu chuyện này chúng ta thấy rằng , khi sáu căn tức sáu bộ phận của con khỉ bị dính bẫy rồi, người ta bắt dễ dàng không ai có thể cứu được. Cũng như vậy chúng ta, mắt thấy sắc liền nhiễm sắc, tai nghe tiếng liền nhiễm tiếng cho đến sáu căn bị dính chặt vào sáu trần liền bị nô lệ, bị sai sử. Vì thế chúng ta nên nghe theo lời dạy của đức Phật là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần thì chúng ta đừng đuổi theo, đừng để dính mắc. Đuổi theo là tham cầu, dính mắc là nhiễm trước. Không tham cầu, không nhiễm trước tức là được giải thoát.

Cũng như vậy, chúng ta giống như đứa bé thò tay vào hũ kẹo. Khi tay không, nó thò vào dễ dàng, nhưng vì thích kẹo quá nên nó nắm thật nhiều, không thể nào rút tay ra được.... Muốn rút tay ra được chỉ cần buông bỏ kẹo. Đức Phật dạy chúng ta đừng dính với sáu trần, các tổ dạy chúng ta buông xả, đừng tiếc, đừng tham như đứa trẻ tham kẹo hay đừng tham như con khỉ tham muì thơm.

Dù pháp môn nào, người tu Phật cũng phải lấy giới làm đầu. Giữ giới cũng chính là giữ cho sáu căn không duyên với sáu trần. Dù pháp môn nào, người tu Phật cũng bắt đầu bằng thực hành hạnh xả, xả thân và xả tâm. Xả thân là giảm thiểu tối đa những nhu cầu tiêu thụ không cần thiết hàng ngày, thí dụ có một đôi dầy, không mua đôi dầy thứ hai, có năm áo mặc, không mua thêm áo thứ sáu dù là đang on sale.... mục đích đừng cho thân đắm trước cảnh ngũ dục. Còn xả tâm tức tự thanh tịnh hóa tâm, khi tâm vừa dấy niệm liền buông xả ngay. Đây là đối tượng của của các pháp tu thiền. Dù pháp thiền nào, người tu cũng phải cần thấy rõ thân, tâm và cảnh, cả ba đều là không thật, là như huyễn. Muốn được như vậy chúng ta cần phải phá ba cái chấp: chấp tâm, chấp thân và chấp cảnh. Pháp chấp tâm là gốc, nếu thấy niệm dấy khởi biết liền nó là hư vọng, tức là đã phá chấp tâm và tâm hư vọng đã không thật thì thân và cảnh làm sao thật. Cư sĩ Bàng Long Uẩn, trước khi thị tịch có nói rằng: "Xin chư vị, hãy coi những cái hiện hữu là không và cũng đừng coi cái không là thật. Tất cả thế gian này đều như bóng, như vang." (I beg you just to regard as empty all that is existent and to beware of taking as real all that is non-existent. Fare you well in the world. All is like shadows and echoes.)



Kinh Lăng Nghiêm nói: "Luân hồi sanh tử cũng do lục căn, giải thoát tự tại cũng do lục căn" Do đó muốn giải thoát, được chứng Niết Bàn, phải đóng cửa lục căn lại. Đóng cửa lục căn tức là đừng để sáu căn nhiễm dính với sáu trần. Và muốn đóng cửa lục căn, theo pháp môn thiền tham thoại đầu là phải phát khởi nghi tình, do nghi tình mà nhiếp cả lục căn, lúc nghi tình khởi là lúc mắt thấy vẫn thấy, nhưng thấy như không thấy; tai nghe vẫn nghe, nhưng nghe như chẳng nghe. Mắt thấy tai nghe mà vẫn không dính mắc, các căn khác cũng vậy, ai chê hay khen gì cũng không dính, ai nói mình ngu dốt cũng không màng, cái gì xấu đẹp trước mắt cũng không lưu tâm đến. Hễ có niệm biết tức là chưa khởi nghi tình thì chẳng thể nhiếp được sáu căn. Đối với pháp môn tu niệm Phật, dùng niệm nhiếp niệm, trong tâm mặc niệm bốn chữ A Di Đà Phật, một cách đều đặn, mới đầu chú tâm vào chữ A, sau dùng mắt tâm chiếu soi vào trong thân tâm tìm xem tướng chuyển động của làn sóng mặc niệm ở đâu cho đến khi tất cả niệm tưởng lao xao đều qui tụ về một điểm, rồi dần dần nhất tâm cũng không còn, đưa hành giả đi vào thế giới lúc nào cũng được tâm thể vô niệm.

Trong kinh Tạp A Hàm có kể một câu chuyện Ngài Phú Lâu Na trình xin với Phật đến một nơi vắng vẻ tu hành và xin Ngài chỉ dạy chỗ tâm yếu để chóng đạt đạo. Đức Phật dạy:

– Muốn đạt được chỗ tâm yếu đó không gì hơn là mắt thấy sắc đừng bị sắc trói cột, đừng dính với sắc. Tai nghe tiếng đừng để tiếng lôi cuốn, đừng dính nhiễm với tiếng. Mũi ngửi mùi đừng bị mùi cột trói, đừng dính mắc với mùi. Lưỡi nếm đừng bị vị trói buộc, đừng dính mắc với vị. Thân xúc chạm dù cho êm ái nhẹ nhàng vui thích hay thô nhám khó chịu cũng không bị dính cột trói, đừng dính mắc với xúc. Ý duyên với pháp trần không bị pháp trần lôi dẫn, không dính mắc với pháp trần. Nếu mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, không dính mắc với sáu trần, đó là nhân đến Niết bàn.

Nghe Phật dạy như vậy rồi, ngài Phú Lâu Na đảnh lễ từ giã Thế Tôn, xin tìm một chỗ vắng vẻ tu. Đức Phật hỏi ngài định đi đâu, ngài thưa định sang một nước ở phương Tây để tu.


Đức Phật nói:

– Ta nghe dân xứ ấy hung dữ lắm, ông qua đó họ làm khó, làm sao tu được?
Ngài Phú Lâu Na bạch:

– Bạch Thế Tôn, nếu người ta khó dễ với con, con vẫn can đảm tinh tấn tu.

Phật hỏi:

– Giả sử như họ chửi mắng ông thì ông nghĩ sao?

– Bạch Thế Tôn, nếu họ chửi mắng con là vẫn còn hiền vì chưa đánh đập con.

– Giả sử họ dùng tay chân đánh ông thì ông nghĩ sao?

– Bạch Thế Tôn, nếu họ dùng tay chân đánh con là vẫn còn hiền vì chưa dùng dao gậy đánh con.

– Giả sử họ dùng tới dao gậy đánh ông thì ông nghĩ sao?

– Bạch Thế Tôn, nếu họ dùng dao gậy đánh con là vẫn còn hiền vì chưa giết con.

– Giả sử họ giết ông thì ông nghĩ sao?

– Bạch Thế Tôn, nếu họ giết con thì cũng tốt vì họ giải quyết sớm giùm con thân ô uế này. Con cám ơn họ nhiều hơn.


Bấy giờ Phật bảo:

– Nếu ông được như vậy thì nên qua đó tu.

Ngài Phú Lâu Na với pháp Phật dạy và ý chí sắt đá đã qua xứ ấy tu, chỉ ba tháng liền chứng quả A la hán.

Nói tóm lại, tất cả các pháp môn của Phật khi chúng ta hành trì miên mật đều đưa đến đối cảnh vô tâm:

Mắt trông thấy sắc rồi thôi
Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không
Trơ trơ lẳng lặng cõi lòng
Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân.

Ban Biên Tập TVHS

NGÔI MỘ CỔ TRẤN YỂM PHÍA TÂY HÀ NỘI

Hôm nay xem được 3 tập liên tiếp của "Challenge Me" nói về 3 ngôi mộ cổ trấn yểm mà anh Hoàng Nam đi tìm theo những mẫu tin anh đọc trên báo. Dù chưa thật sự tìm ra hết nhưng cũng còn một ngôi mộ cổ còn xót lại ở Thạch Thất. Đây là một câu chuyện mang tính tâm linh nhưng xem để giải trí trong những ngày holiday rỗi rảnh cũng thú vị lắm. Tôi chỉ post tập 1, các bạn tự lên Youtube xem tiếp tập 2 và 3 nhé.

Mộ cổ ở Thạch Thất (hình chụp khoảng 20140) theo ANTD
Thực hư về một luồng “khí” lạ
Nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà kể lại: “Hôm đó, khi thắp hương xong, đang khấn thì tôi nhìn thấy một vệt sáng nối từ ngôi mộ tới chùa Tây Phương sang núi Cực Lạc tạo thành hình tam giác, đó là dấu hiệu của Tam hội cục khí. Đây là một khí rất linh thiêng mà các bậc tiền bối thời xưa thường trấn giữ để bảo vệ ở những vùng đất quan trọng”. Theo con cháu cụ Hoa thì nhờ có nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà, bí mật về ngôi mộ cổ đã phần nào sáng tỏ.
Ảnh trong clip của Challenge Me (12/2019)

CHUYỆN LY KỲ XUNG QUANH NGÔI MỘ CỔ Ở THẠCH THẤT

Trên gò Đồi Cao nằm ở xóm Núi Lãn (xã Cần Kiệm, Thạch Thất, Hà Nội) từ lâu đã có một ngôi mộ cổ kè đá ong. Xung quanh ngôi mộ ấy đã xảy ra rất nhiều điều huyền bí...

Ngôi mộ không người thăm viếng

Gò Đồi Cao trước đây có khoảng gần chục gia đình thuộc 4 dòng họ sinh sống, sau này hầu hết những gia đình ấy chuyển đi và bán lại cho gia đình bà Kiều Thị Huê (84 tuổi, tên thường gọi là Hoa theo tên con gái cả).

Ngôi mộ cổ trước đây chỉ là một gò đất chừng gần 2 m2, quây xung quanh bằng một hàng đá ong, không có người thăm viếng, chỉ những ngày lễ, Tết, thi thoảng gia đình bà Hoa mới lên hương khói cho đỡ cô quạnh.

Năm 2008, khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội, đất sốt, gò Đồi Cao bị xẻ hạ bán đất nổi, đổ nền cho các khu công nghiệp hai bên đại lộ Thăng Long. Ba bề quả đồi cũng bị đào hạ xuống sát chân ngôi mộ chỉ cách vài mét, trải qua những mùa mưa, đất bốn bên ngày càng sụt lở, ngôi mộ có nguy cơ tụt xuống.

Ảnh trong clip của Challenge Me (12/2019)

Gia đình bà Hoa sống trên mảnh đất này đã lâu nên quá quen thuộc với sự có mặt của ngôi mộ, mặc dù bản thân bà cũng không biết ngôi mộ ấy là của ai, có tự bao giờ. Chỉ biết là các cụ đời xưa đã dặn lại là không được làm gì mạo phạm đến ngôi mộ.

Từ ngày sống ở đây, bà Hoa liên tục chứng kiến những câu chuyện kỳ lạ nhưng không thể giải thích nổi. Bà Hoa kể, có lần đang buổi trưa bỗng bà nghe thấy tiếng gọi thất thanh: Chị Hoa ơi, chị đưa em về với.

Bà Hoa chạy lên đồi thì nhìn thấy bà Hòa, người mà ngày nào cũng đi qua quả đồi này, bà Hoa hỏi to: Có chuyện gì thế? Bà Hòa như bừng tỉnh: Ồ đường đây mà sao từ nãy giờ em không thấy đường về, cứ nhìn thấy lối mòn, em đi tới thì cây lại chắn trước mặt, lại nhìn thấy đường ở bên kia đi tới thì lại bị cây chặn. Cứ như vậy không đi được, sợ quá em mới kêu chị…

Ảnh trong clip của Challenge Me (12/2019)

Một lần khác, cụ Quang người sống ở sườn quả đồi lúc ấy đã 70 tuổi mà cứ đi lên, đi xuống quãng đường từ đỉnh đồi xuống gần nhà bà Hoa, thấy vậy bà Hoa hét lên: Ông đi đâu mà cứ đi lên đi xuống mãi thế. Lúc ấy ông mới bừng tỉnh: Tôi đi sang nhà con gái mà sao mãi không thấy đường (nhà con gái ông Quang ở phía dưới nhà bà Hoa).

Rất nhiều những người hàng xóm sống lân cận cũng gặp chuyện tương tự. Như cụ Chắt có lần lên xin lộc (lúc ngôi mộ đã được xây mới) nhưng xin lộc xong thì cứ đi loanh quanh, không tìm thấy lối về, cho đến tận lúc va vào gốc cây bồ kết, bị gai đâm đau quá mới bừng tỉnh.

Lại có lần cụ ông Tạ Văn Kheo khăng khăng rằng dưới ngôi mộ có vàng nên cùng đứa cháu đào lên, ông đào được một cái bình màu trắng nhưng đào đến đâu thì bình vỡ vụn đến đó, vàng chẳng thấy đâu. Hoảng sợ, cụ Kheo vội lấp bỏ. Gia đình cụ Hoa và người dân xung quanh thấy vậy thì mua hoa quả lên thắp hương và lấp mộ, sau khiêng đá kè lại như cũ.

Ảnh trong clip của Challenge Me (12/2019)

Người đàn bà điên và những giấc mơ kỳ lạ

Bà Hoa là người chứng kiến và trải qua nhiều chuyện lạ kỳ nhất xung quanh ngôi mộ. Bản thân bà Hoa đã từng bị điên suốt hơn 1 năm trời, và sau này nghĩ lại, bà mới thấy có mối liên hệ nhất định giữa những ảo giác trong cơn điên của mình với những vấn đề liên quan đến ngôi mộ cổ.

Năm 1957 bà Hoa mang bầu con gái đầu lòng và sinh non khi mới được 7 tháng chỉ nặng 1,7 kg. Sinh xong bỗng dưng bà bị hóa điên, hồi ấy xóm làng toàn gọi bà là bà điên, bỏ con chạy nhảy khắp nơi.

Người nhà lo sợ nhốt bà canh giữ cẩn thận, nhưng không hiểu sao lần nào bà cũng tự thoát ra ngoài đứng giữa sân cười ngây dại, chửi bới. Mẹ bà Hoa cho người đi khắp nơi tìm thầy cúng lễ, nhưng điều kỳ lạ là khi người nhà trở về chưa kịp nói gì thì bà đã đọc vanh vách thầy nói gì, cần sắm đồ cúng lễ gì.

Sau này bà Hoa mới kể với con cháu rằng hồi ấy mỗi buổi chiều bà vẫn nhìn thấy một đoàn người rước kiệu, trống giong cờ mở, rước một người đàn ông mặt vuông vức, dáng cao, vạm vỡ oai phong, nước da nâu đen cùng đoàn tùy tùng tiến về nhà mình.

Đêm đến vị quan ấy cứ nằm trên đình màn nói chyện, nhận bà là vợ và rủ đi cùng. Mãi không thuyết phục được, vị quan nói tha cho bà. Sau khi được mẹ làm lễ cúng thì bà trở lại bình thường.

Ảnh trong clip của Challenge Me (12/2019)

Tìm lại ngôi mộ bị thất lạc nhiều năm

Những người trong gia đình cụ Hoa kể lại rằng cách đây 6 năm, có tốp 3 người đàn ông vừa lên chùa Cực Lạc thắp hương xuống hỏi thăm tìm ngôi mộ trên đỉnh một quả đồi, nhân duyên thế nào lại hỏi thăm đúng chị Mai - con gái bà Hoa.

Chị Đoàn Thị Mai kể: “Hôm ấy đoàn khách viếng chùa xong thì vào quán nhà tôi uống nước. Một người trong nhóm là cụ Nguyễn Vân Tằng (ở Hà Đông, nay đã mất) có nói rằng ngày trước thường được theo cha lên đây thắp hương cho 3 ngôi mộ cổ, một ngôi trên chùa Tây Phương, một ngôi ở chùa Cực Lạc, còn một ngôi nữa ở trên một cái gò gần chùa Kim Long, nhưng bây giờ người ta san bạt đồi thế này thì không thể nhớ được mộ ở đâu.

Tôi liền bảo ở trên đồi nhà mình cũng có một ngôi mộ, lâu lắm không có người hương khói, không biết có phải ngôi mộ mà họ cần tìm không”.

Lên mộ, tốp người quan sát, mở sách ra xem và khẳng định đây chính là ngôi mộ họ cần tìm. Cụ Nguyễn Vân Tằng cho biết mình là người giữ gia phả họ Nguyễn và hiện đang trông giữ hơn 100 ngôi mộ cổ của Việt Nam ở khắp các vùng.

Lần đó, cụ Tằng thắp hương xong thì chị Mai sắc mặt tái nhợt, cử chỉ thất thường, miệng ú ớ, mắt nhắm, người lắc lư, mọi người cho rằng chị bị vong Ngài nhập nhưng khi hỏi Ngài có muốn chuyển đi nơi khác không thì chị Mai chỉ lắc đầu quầy quậy tức giận.

Theo những người được chứng kiến câu chuyện thì cụ Tằng kể lại rằng ngôi một cổ này là một trong 3 điểm trấn giữ phía Tây Thủ đô cùng với 2 ngôi mộ trên chùa Tây Phương và chùa Cực Lạc. Câu chuyện cụ Tằng kể về việc tìm được ngôi mộ với những giấc mơ báo trước cũng vô cùng ly kỳ.

Cụ kể, lần thứ nhất cụ nằm mơ thấy một con chim Hạc lấy mỏ vẽ 3 điểm thành một hình tam giác sau đó lại biến thành Bồ Tát và nói rằng:

“Con hãy đi tìm và giữ lấy cái lọ vẫn còn đấy, giữ lấy mà đời đời hưởng phúc”. “Tôi dậy mở gia phả và tài liệu tìm thì xác định hình tam giác chắn hẳn là ba ngôi chùa Tây Phương - Cực Lạc - Kim Long, ở đó có 3 ngôi mộ cổ hiện đang mất một ngôi chưa tìm ra”.

Nhưng lần đi tìm ấy không có kết quả. Đến lần thứ hai thì cụ Tằng lại mơ thấy Bồ Tát báo rằng lần này sẽ dẫn đi. Cụ lại đi tìm và lần này đã may mắn tìm được ngôi mộ một cách dễ dàng.
 
Ảnh trong clip của Challenge Me (12/2019)

Ngôi mộ của thánh tổ?

Mùa mưa năm 2011, ngôi mộ bị sạt lở đến tận chân, nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào, những người trong gia đình bà Hoa lo lắng bèn lên mộ thắp hương xin Ngài chỉ cho phải làm gì.

Thời gian sau đó, gia đình liên tục mời nhiều nhà ngoại cảm, nhà phong thủy đến nhưng kỳ lạ thay tất cả họ khi làm lễ đều trục trặc và nhanh chóng ra về mà không đưa ra được phương án gì.

Chị Mai kể, có một nhà sư khi được mời lên, thấy ngôi mộ chỉ phán một câu rằng ngôi mộ này thiêng lắm rồi bỏ về. Lại có lần ông thầy tên Mộc ở Hà Nội lên, sau khi làm lễ và cho biết Ngài cho phép chuyển mộ đi nhưng phải “trống giong cờ mở”, vừa phán xong thì la bàn bị hất văng khiến ông hoảng hốt cũng ra về.

Phải đến khi nhà ngoại cảm, nhà phong thủy Nguyễn Cung Hà - Phó chủ nhiệm bộ môn Cận Tâm lý, Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người, Phó Giám đốc trung tâm Unesco Nghiên cứu và ứng dụng văn hóa Á Đông - được mời về để xem xét về ngôi mộ thì mọi việc mới thuận lợi.

Ảnh trong clip của Challenge Me (12/2019)

Ông Hà đã nhận định đây không phải là mộ bình thường mà là một của vị thánh tổ vùng đất này, là điểm trấn giữ linh thiêng ở phía Tây, vì vậy con cháu cần giữ gìn, thờ phụng.

Trong buổi lễ động thổ tu sửa ngôi mộ có rất nhiều chuyện lạ kỳ xảy ra, nhất là chuyện chị Mai dù đã nhiều lần tránh mặt không tham gia buổi lễ nhưng vẫn bị “Ngài nhập”, có lời nói và cử chỉ cứ như một vị tướng trước sự chứng kiến của rất đông người.

Nhà ngoại cảm Nguyễn Cung Hà cho biết, khi thắp hương xong, đang khấn thì nhìn thấy 3 vệt sáng chạy thành hình tam giác qua ba điểm là chùa Tây Phương, chùa Cực Lạc và chùa Kim Long, đó là dấu hiệu của Tam hội cục khí.

Đây là một loại khí rất linh thiêng mà các bậc tiền bối thời xưa thường trấn giữ để bảo vệ những vùng đất quan trọng, không phải ai cũng ở được đây, phải những người căn cao phúc dày mới ở được.

Lúc này, gia đình Cụ Hoa mới nhớ lại giấc mơ của cụ Tằng 4 năm trước, sao hai con người xa lạ lại có sự trùng hợp đến vậy về hình ảnh những vệt sáng hình tam giác.

Và bà Hoa ngẫm lại cũng thấy lời nói của ông Hà thật đúng, những người sống ở đây cứ lần lượt tự mà đi, không đi thì cũng gặp chuyện nọ chuyện kia.

Nhà bà cụ Điền, nhà ông cả Trường cùng chuyển đi đâu hết không rõ. Ông Hợp, em rể bà mua đất ở được một thời gian, không ở được phải bán đi.
 
Ảnh trong clip của Challenge Me (12/2019)

Gần đó có nhà có hai cô con gái thì đều bị lẩn thẩn, không có chồng. Có nhà thì đêm đến bà vợ tự dưng khóc thảm thiết. Nhà khác khi sinh con thì không bị câm cũng bị tật. Lại có một gia đình mua đất xây nhà trước ngôi mộ, nhưng lần thì cháy, lần thì đổ không xây được phải bỏ đi.

Đến nay, ngôi mộ trên đồi Gò Cao đã được những người trong gia đình cụ Hoa góp tiền xây dựng lại khang trang. Tuy nhiên, theo lãnh đạo xã Cần Kiệm, việc ngôi mộ này có phải mộ cổ hay không, của ai và niên đại chính xác ra sao thì vẫn chưa được nghiên cứu cụ thể, cần đến các nhà chuyên môn. Còn việc bảo tồn, tôn tạo ngôi mộ là nguyện vọng của gia đình và phù hợp với chủ trương nên không có vấn đề gì.

Theo ANTĐ


VANG KHÔ, VANG NGỌT, CẢM GIÁC BỊ ĐÁNH LỪA

Mục “Ngon & Lành” này cả năm nói toàn chuyện ăn cái này có hại, uống cái kia có lợi. Mệt người viết, điếc người nghe.


Bài báo cuối năm này, tiễn chó đón heo, phá lệ nói chuyện thưởng thức rượu chè cho thêm phần phong lưu tao nhã…

Rượu vang khô dịch từ tiếng Anh là “dry wine”. Dân Mỹ, dân Ăng Lê cũng chẳng hiểu chữ “khô” (dry) ở đây nghĩa là gì. Nhưng dân nhậu thì hiểu. Vang khô để chỉ rượu vang không ngọt. Nhưng đôi khi uống vang ngọt vẫn cảm thấy “khô”. Sao vậy?

Đường trong nho lên men thành rượu. Vì nhiều lý do, đường không thể chuyển hoá hết thành rượu, nên còn dư lượng đường (residual sugar). Còn rất ít gọi là vang khô (dry wine), còn nhiều là vang ngọt (sweet wine).

Nhiều, ít tùy mỗi nơi quy định. Kiểu châu Âu, rượu dưới 4g đường/lít là vang khô, dưới 12g là khô trung bình (medium dry), dưới 45g là trung bình (nửa khô, nửa ngọt), và trên 45g là ngọt.


Vì sao vang lại nhiều đường, ít đường?

Có nhiều nguyên nhân:

– Thêm đường: Đường được cho vào nước ép nho trước khi lên men, rượu có dư đường nên ngọt. Thêm đường không ảnh hưởng gì đến an toàn, nhưng một số nước cấm chơi trò bá đạo này, vì sợ mất uy tín bồ đào tửu của họ.

– Ức chế lên men: Lên men càng lâu, càng nhiều đường biến thành rượu. Do đó, nếu đang lên men giữa chừng rồi ức chế không cho lên men tiếp, trong rượu còn nhiều đường. Ức chế có thể bằng cách hạ nhiệt độ, hoặc thêm rượu.

– Độ ngọt của nho tươi: Độ ngọt của nho, nghĩa là bản thân trái nho có nhiều đường hoặc ít đường.Điều này tuỳ thuộc giống nho và khí hậu nơi trồng.Nho trồng ở vùng ấm áp thường ngọt hơn, nên hay dùng để làm vang ngọt.Còn nho ở vùng lạnh hơn làm vang khô.Ngoài ra, độ ngọt của rượu cũng còn phụ thuộc vào độ chín của nho.Nho chín chứa đường nhiều hơn, lên men sẽ cho rượu ngọt hơn.Còn nho
chưa chín tới sẽ cho rượu vang khô.

– Phơi khô nho tươi: Phơi khô làm đường trong trái nho tăng lên. Khi lên men sẽ cho rượu ngọt.


Cảm giác bị đánh lừa

Những yếu tố sau đây trong rượu vang sẽ đánh lừa cảm giác khô và ngọt.

– Độ acid của rượu cao, thì cảm giác “khô” nhiều hơn.Nói cách khác, hai loại rượu vang có nồng độ đường như nhau, nhưng loại nào có tính acid cao, cảm giác ngọt bị giảm đi, uống như vang “khô”.Một số giống nho trồng ở vùng khí hậu ấm áp, dù có nhiều đường, nhưng có độ acid cao, nên vẫn làm rượu vang khô được.

– Hàm lượng tannin trong rượu: Tannin có chủ yếu ở vỏ nho và hạt. Khi chà xát nho lấy dịch nho để lên men, thì chất tannin lẫn vào, nên rượu vang ít nhiều đều có tannin.Tannin là chất tạo cảm giác chát trong khoang miệng.Rượu vang dù có nhiều đường, nhưng có hàm lượng tannin cao, uống vẫn có cảm giác khô (không ngọt).

– Độ cồn cao, làm cảm giác ngọt thành… khô: Điều này nghe rất… chói tai, vì lên men là biến đường thành rượu (cồn). Độ cồn càng cao thì đường phải ít đi.Ít đường thì rượu phải “khô” chứ.Thật ra vang loại này làm từ nho phơi khô rồi mới ép lấy dịch để lên men.Nho phơi khô thì lượng đường cao.Đường lên men thành rượu cao độ cồn, nhưng lượng đường vẫn còn nhiều. Đường nhiều nhưng uống vẫn thấy khô là do độ cồn cao. Vì sao? Rắc rối này là do… cảm giác. Rượu vang không chi có hương vị của nho, mà còn có mùi… rượu.Cả hai thứ khi vào khoang miệng tạo cảm giác “khô” (ẩm độ giảm).Cảm giác “khô” không nhận ra được vị ngọt.

Rõ ràng, chọn vang khô hay ngọt dựa trên dư lượng đường coi như trớt quớt. Một số tay bợm rượu vang rỉ tai nhau, Cabernet Sauvignon, Shiraz, Chianti… là vang khô, Merlot, Chardonnay, Rose, Sauvignon Blanc… là vang ngọt.


Thế thì thế nào?

Nhận diện “vẻ đẹp” của rượu vang cũng giống như nhận diện vẻ đẹp của hoa hậu… hoàn vũ, không thể đồng hoá cảm giác khô/ngọt, ai cũng giống ai, như mấy tay bợm được. Uống vang khô hay ngọt là tuỳ gu mỗi người. Với vang ngọt, đường làm chậm tốc độ chuyển hoá của rượu, nên uống vang ngọt mà lỡ quá chén thì dễ bị nhức đầu. Mà thiệt tình (chủ quan), đã nhâm nhi rượu ngẫm chuyện đời, mà vớ phải vang ngọt thì thà nốc ly sinh tố cho lành. Vang ngọt dành cho mấy bà nhấm nháp để ra cái điều… hoà đồng, uống hoài ly rượu không cạn, hóng chuyện lỡ lời. Chẳng cần khô hay ngọt cũng nhức đầu!

Vũ Thế Thành (Theo TGTT)
Link tham khảo: