Tuesday, December 10, 2019

TẢN MẠN VỀ LỜI THỀ TRONG ĐỜI SỐNG HIỆN TẠI

Một buổi tối khi tan ca trở về nhà, trên chiếc xe buýt chật chội, giữa những âm thanh tạp loạn, vang vọng lại một giọng nói rành rọt. Từ vị trí âm thanh phát ra, có thể thấy một cậu thanh niên mặt đỏ tía tai, trông vô cùng kích động, có vẻ như cậu đang bàn luận việc gì đó với người quản lý tại công ty. Chàng trai nói: “Giám đốc, em có thể thề với Trời rằng em tuyệt đối không làm như vậy, em có thể đảm bảo bằng cả sinh mệnh của mình…”

(Ảnh: Shutterstock)

Nghe tới đây tôi chợt rùng mình, chuyện đại sự cỡ nào mà cần đặt cược cả sinh mệnh và thề độc như vậy. Tôi không biết cậu thanh niên ấy có minh bạch ý nghĩa của lời thề là thế nào không?

Trong văn hóa truyền thống, lời thề vốn là lời hứa xuất phát tự nội tâm không thể dao động, không thể thay đổi, lại càng không thể phản bội. Đó là sự thể hiện cho đạo đức một con người, cũng thể hiện mức độ lựa chọn hay một quyết tâm nào đó.

Cổ nhân khi cất lời thề đa phần đều nói rằng: “Có Trời cao Đất dày làm chứng” vô cùng trịnh trọng, nghiêm túc, hơn nữa là lời xuất phát tự tâm khảm. Là con người mà nói, sự thành tín là điều quan trọng hàng đầu, là cái gốc lập thân. Khổng Tử từng giảng: “Nhân vô tín bất lập, Thiên vô uy bất chí”, nghĩa là con người không giữ chữ “Tín” thì chẳng thể lập thân, Trời không có uy chẳng thể gọi là bậc chí tôn. Khi một người không có sự thành tín ắt sẽ bị Trời trách phạt. Trong lịch sử không thiếu những câu chuyện về lời hứa ngàn vàng, con người cần thủ tín, giữ vẹn lời thề.

Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, một người bán giày cỏ, một người bán táo, một đồ tể thời Tam Quốc cùng nhau cắt máu ăn thề, kết nghĩa huynh đệ tại vườn đào. Ba người thề rằng: “Dẫu không thể sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm nhưng nguyện được chết cùng ngày, cùng tháng, cùng năm”.

(Hình minh họa: Qua jianshu.com)

Sau khi lập thệ ước, họ đã thực hiện lời hứa của mình, sinh tử hoạn nạn có nhau, cùng nhau diễn những câu chuyện đặc sắc về chữ ‘nghĩa’ ngút trời xanh, vẫn được người đời sau truyền tụng tới tận ngày nay. Cuối cùng, lời thề của từng người một được thực hiện: Quan Vũ vừa chết thì Trương Phi, Lưu Bị cũng lần lượt nối gót qua đời…

Ngày nay trong cuộc sống, con người rất dễ nhanh mồm nhanh miệng hứa hẹn, thề thốt vô cùng tùy tiện. Sau khi thề thốt xong thì ‘lời nói gió bay’, rất khó kiên trì thực hiện nó, thậm chí họ còn quên mất lời thề của chính mình. Trong mắt con người hiện đại, ý nghĩa của lời thề đã trở nên vô cùng mờ nhạt, không còn một chút ước thúc. Căn nguyên là do tiêu chuẩn đạo đức của con người đã thay đổi, tín ngưỡng và lòng kính sợ đối với Thần Phật đã trở thành những câu truyện truyền thuyết.

Trong cuộc sống hiện thực, từ những quan chức cao cấp “ngã ngựa” và cả những người chưa “bị sờ gáy”, trước khi nhậm chức đã từng hứa hẹn, thề thốt rất đường hoàng, mạnh miệng rao giảng về việc “xây dựng một chính quyền trong sạch”, “cần mẫn phụng sự nhân dân”, phản đối quyết liệt những hành vi tham ô, hối lộ, nhận hối lộ và hứa sẽ trừng trị nghiêm những kẻ vi phạm…

Nhưng sau khi họ yên vị tại ngôi cao, họ lại hoàn toàn thay đổi, không ngừng vơ vét của công nhét cho đầy túi riêng, xây dựng hết biệt thự này tới biệt thự khác, bao nuôi tình nhân… Dẫu vậy lòng tham của họ vẫn là vô đáy. Phía sau sự ngụy thiện là tội lỗi chồng chất, là những bộ mặt hiểm ác. Kết cục có người bị tù đày, có người lâm bạo bệnh, có người gặp tai họa bất ngờ, có người thì thời khắc trả giá là chưa đến.


Đạo đức bại hoại, lòng người sa đọa khiến người ta ngày càng không còn tin vào lời thề, lời thề chỉ như một tờ giấy lộn. Vậy nên khi hai người cùng nắm tay nhau bước vào lễ đường hôn nhân, họ đã từng hứa hẹn sẽ không rời xa nhau cho tới khi đầu bạc răng long. Nhưng rất nhiều người sau khi tình cảm mặn nồng ngắn ngủi qua đi, đã bắt đầu tìm kiếm những kích thích mới, khiến tình cảm rạn nứt, gia đình tan đàn xẻ nghé, vợ chồng trở mặt thành thù. Biết bao bi kịch gia đình xảy ra, vô số trẻ nhỏ trở thành mồ côi không người chăm sóc, không nơi nương tựa. Từng sinh mệnh bé bỏng mất đi tình yêu thương, con đường trưởng thành phía trước cũng lắm nỗi gian nan trùng trùng.

Trong vũ trụ vô hạn, trong thiên thể hồng đại này, vô lượng vô số sinh mệnh cùng sinh tồn và phát triển. Người xưa có câu: “Nhân sinh nhất niệm thiên địa tận giai tri”, ngoài ra còn nói “trên đầu ba thước có Thần linh“, mọi sinh mệnh, mọi sự việc dẫu lớn nhỏ thế nào dường như đều có một quy luật ước thúc. Từng lời nói, từng hành vi, dẫu được che giấu kỹ lưỡng tới đâu cũng không thể thoát ra khỏi sự ước chế của quy luật ấy. Vậy nên, khi bạn chuẩn bị cất lời thề, dẫu vô tình hay cố ý, có bị ép buộc hay không thì cũng cần cân nhắc thận trọng nhé!

Minh Lan

No comments: