Thực tế thì vỏ tôm cứng do có thành phần chính là chitin (kitin), một dạng polymer cấu thành cho phần lớn các loài giáp xác, chứ không phải là do giàu canxi. Nguồn canxi chính của tôm chủ yếu ở thịt, chân và càng. Do đó nếu cố gắng ăn cả vỏ tôm, cơ thể cũng chỉ bài tiết ra ngoài. Chúng không hề giàu canxi như một số người đã nhầm tưởng. Hơn nữa, vỏ tôm cứng còn khó tiêu hóa và dễ khiến trẻ nhỏ bị hóc. Bên cạnh đó, nếu môi trường nước bị ô nhiễm thì phần vỏ tôm sẽ có nguy cơ bị nhiễm độc tố.
(Ảnh: Shutterstock)
Một bộ phận khác không nên ăn của con tôm đó là “chỉ tôm” – là đường có màu đen hoặc trắng ở lưng tôm. Ăn đường chỉ tôm không có hại cho sức khỏe, bởi các vi khuẩn trong chỉ tôm đã chết ở nhiệt độ cao khi nấu. Tuy nhiên, bạn nên loại bỏ đường chỉ tôm để món ăn đảm bảo vệ sinh hơn vì đây chính là đường tiêu hóa của tôm chứa dạ dày và đại tràng.
(Ảnh: Internet)
Vậy còn đầu tôm thì sao? Nhiều người rất thích ăn đầu tôm hoặc dùng chúng để nấu canh. Tuy nhiên, đầu tôm là phần chứa chất thải của con tôm và có thể tích tụ nhiều kim loại nặng (như asen*) nên bạn không cần tiếc mà giữ lại. Phần đầu tôm luôn bị phân hủy đầu tiên khi tôm chết vì là nơi chứa nội quan như ruột, thức ăn đưa vào, mang, cơ quan hô hấp nên cũng có nhiều loại vi khuẩn gây bệnh, ký sinh trùng. Vì thế, khi ăn đầu tôm, cơ thể có thể bị nhiễm độc, ký sinh trùng. Nếu bạn thực sự tiếc, không nỡ vứt đi mà vẫn muốn ăn, hãy cố gắng làm thật sạch phần đầu tôm trước khi chế biến thức ăn.
(Ảnh: Shutterstock)
*Asen là một á kim rất độc, được mệnh danh là “Vua của các chất độc”, nó có thể giết chết ngay một người trưởng thành nếu uống một lượng bằng nửa hạt ngô. Lượng ăn vào hàng tuần có thể chấp nhận được tạm thời 0,015 mg/kg thể trọng (tính theo Arsen vô cơ) (theo QCVN 8-2: 2011/BYT).
Nếu bị ngộ độc cấp tính bởi asen sẽ có biểu hiện: khát nước dữ dội, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và tử vong nhanh.
Nếu bị nhiễm độc asen ở mức độ thấp, mỗi ngày một ít với liều lượng dù nhỏ nhưng trong thời gian dài sẽ gây mệt mỏi, buồn nôn và nôn, hồng cầu và bạch cầu giảm, da sạm, rụng tóc, sút cân, giảm trí nhớ, mạch máu bị tổn thương, rối loạn nhịp tim, đau mắt, đau tai, viêm dạ dày và ruột, làm kiệt sức, ung thư.
Đối với phụ nữ mang thai, độc tính của kim loại nặng asen thường rất mạnh, ăn nhiều có thể dẫn đến dị tật thai nhi hoặc sẩy thai. Do đó, tôm to cần chế biến sạch, loại bỏ phần đầu để đảm bảo an toàn sức khỏe.
Lưu ý khi mua tôm
Khi đi chợ, bạn hãy quan sát kỹ xem phần đầu tôm có màu đen hay không. Nếu có thì bạn không nên mua bởi lứa tôm đó có thể đã bị nhiễm kim loại nặng. Ngoài ra, những con tôm mình cứng, thẳng đơ, mang phồng căng, phù đầu, gai vểnh, xòe đuôi, các bộ phận tách xa nhau là dấu hiệu đã bị bơm tạp chất.
Ngày nay người bán không chỉ bơm nước muối để giữ vị mặn mà còn tiêm các chất làm đầy có hại vào tôm. Khi được nấu chín, những con tôm chứa nhiều hóa chất sẽ bị co thịt, vị nhạt, thịt bở, chảy nhiều nước, bóc vỏ tôm sẽ thấy lớp rau câu nằm giữa thịt và vỏ.
(Ảnh: Shutterstock)
Những kiểu người không nên ăn tôm
Tuy tôm có nhiều chất dinh dưỡng, nhưng không phải ai cũng nên ăn tôm.
– Người mắc bệnh gút, tăng axit uric máu và viêm khớp không nên ăn hải sản nói chung vì nếu nạp lượng purine quá mức sẽ dễ lắng đọng thành tinh thể axit uric trong khớp khiến cho tình trạng bệnh trở nên nặng hơn.
– Người bị ho hoặc hen suyễn cũng không nên ăn bởi mùi tanh dễ làm người bệnh ho nặng hơn, ăn tôm còn có thể gây kích ứng vùng họng, co thắt cơ khí quản.
(Ảnh: Shutterstock)
– Trong hải sản (trong đó có tôm) chứa nhiều i-ốt có thể làm bệnh về tuyến giáp trở nên trầm trọng hơn. Vì thế, nếu có vấn đề về tuyến giáp bạn nên hạn chế ăn tôm.
– Người bị đau mắt đỏ nên kiêng hoàn toàn hải sản. Người bị dị ứng hải sản cũng không nên ăn tôm, đặc biệt là tôm hùm. Bởi dưỡng chất trong tôm hùm là rất lớn, nếu cố ăn có thể gây ra mẩn đỏ, nôn mửa, ngộ độc nặng.
Minh Minh