Cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Châu Trinh đều có nhiều lần nói ý này. Cụ Tản Đà thì viết hai câu thơ rất… hãi:
Dân hai lăm triệu ai người lớn,
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.
Ai mà sầu não bởi nhân tình thế thái mà đọc hai câu này thì nó cứ như đinh đóng vào đầu gối vậy.
Cụ Nguyễn Triệu Luật cũng bảo cái sự mất nước của người Việt vào tay Pháp thế kỉ XIX là sự mất nước rất… “trẻ con”. Mà cụ có lý. Không trẻ con sao được khi nhiều thành như Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định mất vào tay Pháp trong vài nốt nhạc mà Pháp chẳng què thằng lính nào.
Trẻ con nghĩa là thế nào? Đại khái là non nớt, khờ dại, nông nổi, hành xử theo cảm xúc và không suy tính cân nhắc sâu xa, kĩ lưỡng chăng?
Nếu thế thì nó khá gần với khái niệm “tiền khai sáng” vì ông CĂNG (Kant) nước Đức bảo khai sáng là sự thoát khỏi tình trạng vị thành niên về trí tuệ. Vị thành niên thì chắc là chưa phải là người lớn tức là cũng ngang ngang trẻ con rồi.
Các cụ trên nói thế thì được chứ ai khác mà nói là bị chửi hạ thấp hay mạt sát dân tộc ngay.
Nhưng ngẫm ra giờ cũng có nhiều bác trẻ con thật.
Ví dụ sống nhờ nước, ở cạnh sông hồ nhưng cứ bạ gì cũng ném xuống đó. Đấy là trẻ con.
Thích tự hào dân tộc trong cổ vũ bóng đá nhưng cứ thắng cái là ra đường phóng xe bất chấp luật lệ, nẹt bô, rú ga inh ỏi. Đấy là trẻ con.
Ra đường chen nhau từng tí, phóng xe như điên để rồi đến cơ quan chỉ để nước chè bù khú, tán chuyện dưa lê. Đấy là trẻ con.
Muốn sống ngon lành hưởng thụ tốt đẹp nhưng hơi tí là sợ thiệt, sợ khổ, sợ người khác sung sướng hơn mình. Đấy là trẻ con…
….Nói là nói vậy thôi chứ trẻ con thật thì nó hồn nhiên, ngây thơ, từ dáng điệu đến giọng nói đáng yêu lắm. Còn thứ trẻ con trên thì chán và ngán.
Hát karaoke hay nhậu nhẹt ầm ĩ khi đã gần 10 giờ đêm trong khu dân cư cũng là rất… trẻ con. Mà cái trẻ con nhất là luôn hồn nhiên không nghĩ mình là trẻ con mà là… các cụ.
Nguyễn Quốc Vương