Thời Nguyễn (1802 – 1945), việc nấu rượu và sử dụng rượu được nhà nước quản lý khá chặt chẽ, nhất là các loại rượu dùng để cung đốn cho các nhu cầu của triều đình như tế lễ, yến tiệc hoặc để bồi bổ sức khỏe nhà vua và các thành viên hoàng gia.
Theo sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, rượu dùng để cúng Trời, Đất, thần linh trong lễ tế Nam Giao được nấu bằng gạo nếp, do phủ Nội vụ tuyển chọn. Còn rượu dùng trong các dịp tế hưởng ở các miếu và ở đàn Tiên Nông, trong các tiết Vạn Thọ (mừng sinh nhật vua), Thánh Thọ (mừng sinh nhật hoàng thái hậu) là rượu nếp do dân các làng nghề nấu rượu ở phủ Thừa Thiên dâng lên. Rượu dùng trong những dịp nhà vua ban yến cho đình thần, cho các tân khoa trạng nguyên hay để khoản đãi sứ thần nước ngoài là rượu nấu bằng gạo tám do các làng nghề nấu rượu ở phủ Thừa Thiên cung tiến.
Ðể có được những loại rượu ngon phục vụ cho nhu cầu của hoàng gia và triều đình, nhà Nguyễn đã cấp tiền cho quan binh các tỉnh tìm mua nhiều loại gạo nếp và gạo tám tốt từ các địa phương, nhập về tạm trữ ở kho của phủ Nội vụ. Sau đó, phủ Nội vụ chuyển giao số gạo này cho Quang Lộc tự để cấp phát cho các hộ nấu rượu chuyên nghiệp ở phủ Thừa Thiên, theo những định mức riêng tùy chất lượng và số lượng của từng hạng rượu thành phẩm mà triều đình cần trưng dụng để phục vụ cho các dịp tế lễ.
Bên cạnh các loại rượu dành riêng cho nhu cầu tế lễ, yến tiệc, triều Nguyễn còn trưng nạp những loại rượu khác để đáp ứng sở thích và bồi bổ sức khỏe cho vua quan triều Nguyễn. Những loại rượu này được gọi chung là dược tửu, nếu là dược tửu dành riêng cho vua thì còn có mỹ danh là ngự tửu.
Đứng đầu bảng trong các loại ngự tửu chính là rượu sâm, là thứ rượu đặc chế dành riêng cho nhà vua sử dụng. Đôi khi, nhà vua cũng ban thưởng rượu sâm cho các quan lại cao cấp hoặc những người có công trạng đặc biệt như một hình thức tưởng thưởng.
Theo sách Khâm định Ðại Nam hội điển sự lệ do Nội các triều Nguyễn biên soạn thì sâm dùng trong triều đình nhà Nguyễn đến từ hai nguồn: sâm nội địa và sâm nhập khẩu.
Sâm nội địa do các hộ dân chuyên nghề lấy sâm ở các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và Quảng Bình khai thác, dâng nộp (mỗi người nộp 3 cân sâm/năm). Những hộ dân này được chính quyền địa phương tuyển chọn chỉ để thực hiện một nhiệm vụ duy nhất là đi đến những vùng rừng núi xa xôi ở Trường Sơn – Tây Nguyên để tìm kiếm sâm tự nhiên đem về dâng nộp cho triều đình. Đây là hình thức thu thuế biệt nạp, thay cho thuế thân, mà triều Nguyễn thường áp dụng đối với những hộ sản xuất các mặt hàng thủ công đặc thù để phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng của triều đình và hoàng gia.
Sâm nhập khẩu, chủ yếu là sâm Cao Ly (của Triều Tiên), sâm Quảng Ðông và sâm Phúc Kiến (của Trung Hoa) do triều đình sai quan binh Bắc Thành mua ở các tiệm thuốc bắc của người Hoa trên phố Hàng Buồm dâng về kinh. Ngoài ra, triều đình cũng nhập khẩu sâm trực tiếp từ các tàu buôn Trung Hoa hay đặt mua thông qua các sứ bộ được cử sang Trung Hoa vì các nhiệm vụ ngoại giao. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về nhiệm vụ thương mại kiêm nhiệm của các sứ bộ Việt Nam sang Trung Hoa vào thời Nguyễn cho thấy nhân sâm, tơ lụa cao cấp vàđồ sứ ký kiểu là ba mặt hàng được các sứ thần tìm mua nhiều nhất, không chỉ vì đó là nhiệm vụ do triều đình giao phó mà còn vì nhu cầu cá nhân của họ.
Tuy nhiên, do chất lượng của nhân sâm Trung Hoa không cao, nên các vua triều Nguyễn đã cử người tìm mua hồng sâm của Triều Tiên (Cao Ly sâm), coi đó là thứ nhân sâm hảo hạng để ngâm chế thành các loại rượu bổ dùng trong cung.
Theo một nghiên cứu của GS. Choi Byung-wook (Đại học Inha, Hàn Quốc) công bố tại Hội thảo sử học quốc tế về triều Nguyễn (tổ chức ở Đại học Trung văn Hong Kong, vào tháng 5/2012), vua Minh Mạng (1820 – 1841) và vua Thiệu Trị (1841 – 1847) đã cho người tìm mua hồng sâm Triều Tiên ở Trung Hoa để đưa về ngâm rượu. Vào thế kỷ XIX, hồng sâm Triều Tiên nhập khẩu vào Trung Quốc xuyên qua vùng Mãn Châu để đi đến Bắc Kinh và đây là loại hồng sâm cao cấp nhất, thường được nhập cung để phục vụ các hoàng đế nhà Thanh. Khi sứ thần của triều Nguyễn đến Bắc Kinh thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao hay triều cống, các vị hoàng đế nhà Thanh thường gửi tặng các vua triều Nguyễn loại hồng sâm này như là những món quà đáp lễ thông qua các vị sứ thần. Ngoài ra, họ còn tìm mua nhân sâm Triều Tiên ở những ở Quảng Đông, Phúc Kiến, là những nơi thường xuyên có thuyền buôn của Triều Tiên mang nhân sâm sang bán.
Nhân sâm mua được ở Trung Hoa theo chân các sứ bộ về nước, sẽ được nhập vào kho của phủ Nội vụ và sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Triều đình đặt riêng cho các hộ nấu rượu chuyên nghiệp ở phủ Thừa Thiên cung tiến loại rượu nếp hảo hạng nhất để ngâm số nhân sâm này thành rượu bổ để vua và các thành viên hoàng gia sử dụng quanh năm. Tuy nhiên, loại rượu sâm này đôi khi cũng được nhà vua gửi ra chiến trường để ban thưởng cho những quan lại, tướng lĩnh có công trạng trong các cuộc chinh phạt của triều đình.
Đặc biệt, ở Huế có một loại rượu xuất phát từ hoàng cung triều Nguyễn và nổi tiếng khắp cõi trời Nam. Đây là loại rượu thuốc bổ dưỡng vẫn được biết đến với danh xưng Minh Mạng đế tửu. Rượu này là rượu ngâm thuốc bắc, theo toa thuốc Minh Mạng thang. Theo kết quả khảo cứu của nhiều danh y xứ Huế, có đến 19 toa thuốc Minh Mạng thang dùng để ngâm rượu. Tuy nhiên, theo hai bác sĩ Đoàn Khắc Quýnh – Đoàn Khắc Hân (Đại học Y khoa Huế), là những người có nhiều năm nghiên cứu về dược tửu thời Nguyễn, thì cho đến nay chưa ai tìm thấy thang thuốc cụ thể nào mang tên Minh Mạng thang trong y văn của Thái Y viện thời Nguyễn hay trong các nguồn sử liệu chính thống khác của triều Nguyễn. Theo hai vị bác sĩ này, những toa thuốc Minh Mạng thang còn lưu truyền trong dân gian xứ Huế và được lưu trữ tại Thư viện quốc gia Pháp thực chất là những thang thuốc có tác dụng bồi bổ nguyên khí, làm cường tráng cơ thể, tăng cường tuổi thọ và có thành phần cấu tạo gần như nhau, với ba thành phần:
– Phần chính gồm: nhóm thuốc bổ âm (Tư bổ thận âm); nhóm thuốc bổ dương (Ổn bổ thận dương); nhóm thuốc bổ khí (Kiện tỳ ích phế) và nhóm thuốc bổ huyết (Bổ can dưỡng tâm).
– Phần phụ gồm: nhóm thuốc hành khí hoạt huyết; nhóm thuốc khu phong, trừ thấp, tán hàn.
– Phần bổ sung gồm: nhóm thuốc an thần; nhóm thuốc ôn lý tán hàn; nhóm thuốc trục đàm ẩm. [Theo: Đoàn Văn Quýnh – Đoàn Văn Hân, “Tìm hiểu Minh Mạng thang với một tinh thần khoa học”, Thông tin Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, Số 1 (31) 2001, tr. 22].
Tuy nhiên, do tên của toa thuốc gắn với niên hiệu của một vị hoàng đế có tới 142 người con (78 hoàng tử, 64 công chúa), là người đã làm nên giai thoại “Nhất dạ ngũ giao tam hữu thụ”, nên người đời tin rằng Minh Mạng thang là bài thuốc tăng cường dương lực. Vì thế mà các bậc “tu mi nam tử” từ đời Minh Mạng (1820 – 1841) trở về sau ai ai cũng mong được thưởng thức loại dược tửu mang tên Minh Mạng đế tửu của triều Nguyễn
Có một loại rượu khác, tuy không thuộc vào nhóm dược tửu như rượu nhân sâm hay Minh Mạng đế tửu, nhưng lại được các ngự y triều Nguyễn xếp vào nhóm rượu bổ và rất được các vua nhà Nguyễn và các bà nội cung ưa dùng. Đó là rượu dâu từ tỉnh Quảng Bình. Theo sáchKhâm định Ðại Nam hội điển sự lệ, từ năm 1812, vua Gia Long (1802 – 1820) đã ra chỉ dụ yêu cầu tỉnh Quảng Bình, vào tháng 3 âm lịch hàng năm, phải xuất công quỹ mua sẵn 50 bát quan đầy rượu làm từ quả dâu rừng, đựng vào 20 cái chum, rồi sai lính trạm chở vào kinh đô nộp cho bộ Lễ vào trước ngày 29 tháng 3 để dâng cúng trong lễ tế hưởng mùa hạ. Sau lễ tế hưởng, số rượu dâu còn lại được nhập vào kho trong hoàng cung để vua dùng quanh năm.
Rượu ngon thì đồ uống rượu phải cầu kỳ, sang trọng mới tương xứng. Vì thế, những bình, nậm, tước… uống rượu của vua quan triều Nguyễn rất phong phú về loại hình, dáng kiểu và chất liệu: rượu dùng trong các dịp tế lễ thì đựng trong những chiếc bình cổ cao làm bằng đồng, bằng pháp lam hay trong những chiếc nậm bát giác làm bằng bạc; rượu thưởng cho các quan và khoản đãi sứ thần được đựng trong những chiếc nậm làm bằng sứ do triều đình ký kiểu ở Trung Hoa… Riêng dược tửu dành riêng cho vua ; ngự tửu vua dùng thì được đựng trong những chiếc ấm làm bằng ngọc quý, đi kèm là những chiếc tước bằng ngọc chân cao bịt vàng để nhà vua ẩm tửu. Đặc biệt, vua Đồng Khánh (1885 – 1889) còn có bộ đồ uống rượu làm bằng ngà voi, đặt trong một chiếc hộp sơn son thếp vàng, tạo dáng như một chiếc đèn lồng, rất tiện lợi cho những chuyến du xuân, thưởng tửu bên ngoài Kinh Thành. Những bảo vật ấy nay vẫn còn lưu dấu nơi các bảo tàng và sưu tập tư nhân ở trong và ngoài nước và được giới sưu tầm cổ ngoạn đánh giá là những bảo vật thiên sót của triều đình nhà Nguyễn.
Theo: blog Trần Đức Anh Sơn