Chúng ta thường bắt gặp sự vội vàng này ở rất nhiều người viết bài hoặc bình luận trên mạng. Mỗi người trong chúng ta, không nhiều thì ít, cũng có lúc rơi vào tình trạng “tay nhanh hơn não.” Do muốn nhanh chóng thể hiện điều mình nghĩ là mình biết, hoặc do thiếu kiến thức nên nhận định sai, cũng có thể do định kiến và thành kiến làm cho nhận định sai, hay do không có cái nhìn đa chiều về cuộc sống nên thường nhận định vội… Tôi nghĩ, đó là điều cũng khá bình thường vì con người ai chẳng có lúc mắc những lỗi ngớ ngẩn như thế.
Tuy nhiên, khi mà tình trạng “tay nhanh hơn não” không chỉ dừng ở việc bình luận những vấn đề đơn giản trong cuộc sống mà nó còn thể hiện ở cả công việc, các hoạt động xã hội dân sự, trong các bài viết, bình luận về chính trị, xã hội… thì nó gây tác hại rất lớn.
Một người viết bài chỉ trích thói xấu của người Việt với mong muốn mọi người nhìn ra những điều còn chưa hay chưa đúng để thay đổi tốt đẹp hơn, bị người khác vào bình luận, “Con này thù ghét dân tộc nên suốt ngày kể xấu” thì người viết bài sẽ cảm thấy bị tổn thương cảm xúc cá nhân. Và nếu câu bình luận kia được số đông hưởng ứng thì coi như bài viết đã bị người bình luận dẫn dắt theo hướng tiêu cực. Một tổ chức chính trị đưa ra một giải pháp đấu tranh chính trị để thảo luận, bị những người không có kiến thức về chính trị vào bình luận chê bai chỉ trích theo cảm tính cá nhân thì sẽ làm loãng cuộc thảo luận, mất nhiều thời gian. Nếu gặp nhiều người như vậy thì coi như giải pháp đó sẽ bị đắp chiếu chờ thời. Một vụ hiếp dâm xảy ra, một nhóm người “tay nhanh hơn não” xông vào phán xét và đổ lỗi cho nạn nhân thì đám đông phía sau nghe theo nhóm người này sẽ bị dẫn dắt tư duy theo hướng sai lệch, không văn minh.
Với tình trạng văn hóa, giáo dục của ta hiện nay thì người “tay nhanh hơn não” ngày càng nhiều và gây hại rất lớn trong tất cả mọi lĩnh vực. Bởi thế nên khi gặp những bình luận của kiểu “tay nhanh hơn não” thì hầu hết mọi người thường phản ứng lại một cách rất gay gắt, không khoan nhượng và thế là cuộc thảo luận, tranh luận bị biến thành cuộc cãi lộn.
Chúng ta thấy, nhờ vào mạng xã hội, chúng ta có không gian rất mở để có thể trao đổi, thảo luận, tranh luận với rất nhiều người thuộc nhiều thành phần khác nhau ở khắp nơi trên thế giới. Đó là cơ hội để học hỏi rất lớn và nếu đồng lòng và nghiêm túc chúng ta sẽ có thể làm nên những thay đổi lớn cho đất nước, dân tộc. Thế nhưng, chúng ta chưa tận dụng được lợi thế bởi đa số chúng ta vẫn để cảm xúc cá nhân lấn át và sa đà vào những cuộc cãi lộn vô ích.
Hôm qua, đứa em trồng lúa ở quê gởi cho tôi mấy tấm hình ruộng lúa em trồng. Tôi chọn một tấm có bông lúa chín trĩu hạt để làm hình minh họa cho một vài dòng bình luận ngắn. Bạn vô nói, “Lúa hư hết rồi bà ơi!” khi thấy bông lúa có màu trắng tím, không là màu vàng ươm như trong nhận thức mà bạn có. Bạn chưa bao giờ nhìn thấy bông lúa màu này nên bạn không biết nó là giống lúa gì. Bạn nhận định vội, theo cái mà bạn biết, và lập tức nói ra điều bạn biết, mà không biết câu nói đó sai. Thông thường, trên mạng, ta sẽ gặp kiểu đáp trả như vầy, “Thằng ngu, biết gì mà nói!” “Tay nhanh hơn não hả mạy?” “Lúa nếp than đó ông nội. Không biết gì mà bày đặt!”… Người ta mắng nhau. Và cho dù người bình luận sai có nhận ra mình sai và im lặng sau đó thì vẫn bị tổn thương vì những bình luận đáp trả kiểu như vậy. Nhưng nếu đó không chỉ là một bông lúa mà là một giải pháp chính trị hoặc một vấn đề bức xúc của xã hội, thì người lỡ có bình luận kiểu “tay nhanh hơn não” sẽ tiếp tục “tay nhanh hơn não” trong các bình luận sau đó để đáp trả vì tự ái.
Chúng ta rất ít gặp cách trả lời bình luận mềm mại, đơn thuần cung cấp thông tin, kiến thức. Bạn bình luận lúa hư, tôi trả lời bạn mình, “Giống này nó màu trắng tím như vậy đó ông à.” Hai người bạn khác của tôi cũng vô nói theo cách cung cấp thông tin, kiến thức như vậy. Bạn tôi lập tức nhận ra mình sai và tự nhận, tự mắng bản thân, “Tui dốt nát vậy ta. Tay nhanh hơn não là có thật.” Và tôi động viên, “Thì mình học, mình sửa thôi.” Tôi tin là bạn sẽ cẩn trọng hơn rất nhiều trong các bình luận sau lần này và sẽ cẩn trọng trong nhiều vấn đề chứ không chỉ trong những việc nhỏ.
Ngày còn trẻ, tôi cũng có vài lần phát biểu kiểu “tay nhanh hơn não” và được các cô chú anh chị lớn tuổi hơn thông cảm, trả lời tôi bằng cách cung cấp thêm cho tôi kiến thức để tôi có hiểu biết hơn. Tôi ơn họ. Bởi nếu họ chỉ mắng chửi thì tôi đã chẳng học được gì và không học được bài học nào cả.
Trong các bài viết khác của tôi cũng vậy, khi nhận được những bình luận chỉ trích, thậm chí thóa mạ, tôi luôn cố gắng ứng xử theo cách cung cấp thêm thông tin và kiến thức. Với các bình luận phản biện một cách khoa học và có lý lẽ, lập luận thì tôi lắng nghe và công nhận họ, học họ nếu họ có lý đúng. Kể cả khi tôi không thừa nhận quan điểm của họ và bảo vệ quan điểm của mình thì cũng không vì vậy mà phán xét họ là người thế này thế kia hoặc mất cảm tình.
Chính nhờ vậy mà tôi học được nhiều điều ở các anh chị em và ngày càng điềm tĩnh hơn, hiểu biết hơn trong các bài viết lẫn các bình luận và cả trong cách ứng xử ở đời sống hằng ngày, không còn nóng tính đáp trả hơn thua như cách đây nhiều năm. Bạn bè đọc và bình luận trên trang của tôi cũng cẩn trọng hơn, quý mến nhau hơn, giúp đỡ nhau nhiều hơn, học lẫn nhau nhiều hơn, vui vẻ hơn… Tôi và các bạn đã giúp nhau tạo ra được một cộng đồng nhỏ thân thiện và đáng yêu. Tại sao ta không nhân rộng nó?!
Ta thấy, cách ứng xử của ta sẽ tạo ra mối quan hệ thân thiết, trung thành, học hỏi lẫn nhau, hay thù nghịch, phản trắc. Chỉ cần thay đổi cách ứng xử, ta đã có thể thay đổi được người khác và lớn hơn là thay đổi được cộng đồng. Nhiều người thay đổi thì xã hội thay đổi.
Nguyễn Thị Bích Ngà