Monday, December 30, 2019

SIÊU THỰC PHẨM CHỮA UNG THƯ CÓ THẬT KHÔNG?

Truyền thông thường bốc lên nhiều loại siêu thực phẩm (superfoods) có thể làm tăng giảm rủi ro ung thư.


Cho đến nay, bằng chứng khoa học cho thấy, dường như chẳng có siêu thực phẩm nào, mà chỉ riêng nó có thể ảnh hưởng trực tiếp đến rủi ro ung thư cả. Sau đây là quan điểm của tổ chức Nghiên cứu ung thư Anh quốc (Cancer Research UK) (1) về cái gọi là “siêu thực phẩm” phòng chữa ung thư.

Từ “siêu thực phẩm” thường được dùng để chỉ loại thực phẩm có vẻ như ảnh hưởng tốt cho sức khoẻ con người, chẳng hạn trái việt quất (bluberries), mâm xôi (raspberries), bông cải xanh (broccoli), trà xanh… Những thực phẩm đó được tung hê như là có thể có quyền năng phòng ngừa, thậm chí chữa được nhiều loại bệnh kể cả ung thư.

Thuật ngữ “siêu thực phẩm”, thực ra chỉ là công cụ marketing, và hầu như không có chứng cớ khoa học để khẳng định. Điều rõ ràng là, chỉ có chế độ ăn uống đa dạng, cân bằng và lành mạnh mới có thể giúp giảm rủi ro ung thư, chứ không phải riêng một loại thực phẩm cụ thể nào có thể làm giảm rủi ro được.

Mỗi thứ bệnh nan y đều được marketing bằng một nhóm siêu thực phẩm trong thực tế ấy chẳng có bằng chứng trị bệnh gì cả.

Nhiều loại “siêu thực phẩm” chứa nhiều chất chống oxid hoá, vitamin, khoáng… Và khi thử trong phòng thí nghiệm cho thấy chúng có ảnh hưởng tích cực đến sức khoẻ. Quả thật, một số thành phần này có trong thực phẩm đó có thể ảnh hưởng đến các tế bào ung thư, tiêu diệt hoặc ngăn chặn không cho chúng tăng trưởng. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chỉ thực nghiệm trên hoá chất tinh khiết có trong loại thực phẩm đó, chẳng hạn, muốn thử tác dụng của một chất chống oxid hoá nào đó có trong trái việt quất, các nhà nghiên cứu dùng chất chống oxid hoá đó ở dạng hoá chất tinh khiết, chứ không dùng trái việt quất tươi.

Trong thực tế, chúng ta ăn cả trăm loại thực phẩm khác nhau, chứa hàng ngàn chất dinh dưỡng khác nhau, thì với một thành phần được tách riêng ra như thế tác dụng trong ống nghiệm sẽ hoàn toàn khác với chất đó có trong thực phẩm mà chúng ta ăn. Sự khác biệt rõ ràng đó là liều lượng.


Thông thường các nhà nghiên cứu phải dùng một liều lượng rất lớn các chất tinh khiết lợi ích (có trong thực phẩm đó) để xem “năng lực” của chúng thế nào. Liều lượng thí nghiệm này lớn hơn rất nhiều so với hàm lượng chất đó có trong thực phẩm mà chúng ta ăn (2).

Do đó, dù có ăn thật nhiều siêu thực phẩm đó thì vẫn không đủ “liều lượng” chất lợi ích như chúng được thử riêng lẻ trong phòng thí nghiệm, để phát huy tác dụng ích lợi cho sức khoẻ.

Khương An (theo Cancer Research UK/TGTT)

Nguồn: superfoods – http://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/causes-of-cancer/diet-and-cancer/food-controversies#food_controversies6

(1) Cancer Research UK là một tổ chức xã hội nhằm nâng cao nhận thức và nghiên cứu ung thư ở Vương quốc Anh. Tổ chức này thành lập năm 2002, trên cơ sở sáp nhập hai tổ chức: Cancer Research Campaign và The Imperial Cancer Research Fund.

(2) Một thí dụ minh hoạ cho vấn đề liều lượng là resveratrol, một chất chống oxid hoá có nhiều trong vỏ nho và rượu vang đỏ. Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, thử trên chuột cho thấy resveratrol có công dụng làm giảm viêm, hạ cholesterol xấu, chống đông tập tiểu cầu (tránh đột quỵ), ngăn ngừa kháng insulin, ngừa bệnh alzheimer, ngừa ung thư… Tuy nhiên, các thí nghiệm trên chuột đều sử dụng resveratrol liều cao mới được kết quả tốt đẹp như thế. Nếu tính tương đương cho người, phải cần tới hơn 2.000mg resveratrol, hay phải uống tới… 1.000 lít rượu vang mỗi ngày mới đạt liều tương đương – Vtt.

No comments: