Monday, December 23, 2019

QUỐC DÂN THA HÓA

Khi bác sĩ, giáo viên tha hóa sẵn sàng hi sinh nhân phẩm, danh dự, thậm chí là nhân tính để làm tiền bằng mọi thủ đoạn kể cả thủ đoạn ngang thậm chí hơn cả kẻ giết người trong phim trinh thám.


Khi người nông dân hiền lành, chất phác như diễn ngôn thường thấy, biết cách bỏ hóa chất, phun thuốc trừ sâu vào nông sản để điềm nhiên bán cho người khác ăn…

Khi anh xe ôm, anh lái xe tắc xi biết cách đi lòng vòng hay dùng đồng hồ đểu để kiếm thêm vài chục, một trăm từ túi khách hàng.

Khi người bán phở, bán cơm biết cách bán đồ ăn nhiễm bẩn hoặc dùng hóa chất ngâm tẩm thức ăn rồi thản nhiên bán cho khách hàng ngày.

Thì khi đó tình trạng quốc dân tha hóa đã trở nên nghiêm trọng.

Nhưng nghiêm trọng và thảm thương hơn là chuyện người ta thản nhiên coi chuyện ấy là rất thường vì trong đầu họ vang lên một tiếng nói thầm động viên: “Ôi dào! Có làm sao! Ai, làm nghề gì chẳng ăn nghề đó. Chẳng qua rủi thì lộ thôi chứ ai mà chẳng phải ăn”.

Ý chừng trong ý nghĩ của họ – những người thường không bao giờ nói điều gì “tiêu cực” thành lời nhất là ở nơi công cộng – thì thế giới và xã hội con người hoàn toàn giống xã hội của loài vật nơi không có sự tồn tại của nhân tính hay thiện lương. Nó thuần túy là một cuộc giành ăn và ăn triền miên cho đến chết.


Những người như vậy thử nghĩ xem nếu như nạn nhân không phải là ai khác mà là con mình, cháu mình, bố mẹ mình, hay chính mình thì sao?

Lấy gì đảm bảo?

Hay quý vị nghĩ rằng nhờ có tiền thật nhiều sẽ có bầu trời riêng, không khí riêng và mọi thứ “chất lượng cao” giành cho mình; và bác sĩ, giáo viên, lái xe, người bán hàng khi thấy mình là người lắm tiền, nhiều của, luôn “suy nghĩ tích cực”, thì họ sẽ nương tay?

Đêm nằm ngủ không ngon khi nghĩ đến chuyện tại Xanh Pôn và nhớ lại nhiều chuyện khác bản thân đã trải qua và chứng kiến ở bệnh viện, trường học, công sở, ngoài xã hội.

Con người ơi, hãy mở mắt lên mà nghĩ cho kĩ, tha hóa không chỉ có “tham quan ô lại” mà tha hóa đã trở thành bình thường như cân đường hộp sữa ở dân thường – ở chính trong từng người, từng nhà. Và từng người, từng nhà đã thầm lặng chấp nhận, tuân phục thậm chí là cổ vũ cho nó.

Hãy thử nghĩ lại xem có phải chăng ta luôn nghe thấy bằng lời hoặc nhìn thấy sự cổ vũ bằng thái độ, hành vi của người lớn, của cha mẹ đối với trẻ em, thanh niên rằng “học giỏi để kiếm tiền”, “học giỏi để làm quan”, “học giỏi để có danh giá làm cho cha mẹ nở mày nở mặt”, “có tiền là sướng”…


Đấy là sự khởi đầu của sai lầm trong giá trị quan để rồi nó dẫn đến những tha hóa khủng khiếp như trên.

… Trong tiểu thuyết “Sự im lặng của bầy cừu” bác sĩ Hannibal Lecter giết có 9 người mà người đọc cảm thấy buồn nôn, ghê tởm nhưng với sự tha hóa trên, bao nhiêu người sẽ chết? Bao nhiêu người thực sự ghê tởm từ trong lương tâm trước lối tư duy và hành vi vô nhân tính ấy?

Nguyễn Quốc Vương