Tôi đơ người ra một chút rồi hỏi: “Vậy chớ con nghĩ ổng làm gì?” – “Con cũng không hiểu, nhưng vô đó ổng mới gặp Kiều để cứu nàng ra. Cũng tốt, nhưng xét về mặt đạo đức, đâu có ai chấp nhận đàn ông anh hùng lại đi gặp gái lầu xanh”.
Tất nhiên tôi cũng giải thích cho con một hồi về những quy tắc xã hội xưa, chỉ có khó rằng làm sao để con hiểu vì sao bây giờ xã hội Việt Nam lại lên án “gái lầu xanh” mà vẫn phải chấp nhận cho đàn ông tìm gặp trong… lén lút. Con gái tôi coi đó là một biểu hiện kỳ lạ về “nhân cách xã hội” hiện nay, con cho rằng hoặc phải chấp nhận họ, hoặc phải cấm hẳn đàn ông không được đi tìm gái lầu xanh…
Tôi cho rằng đó là một tư duy khá hay về Truyện Kiều ở thế hệ trẻ. Tôi hỏi, sao con không nói ý kiến này trong lớp cho các bạn thảo luận. Con trả lời rằng học văn là giờ chán nhất, vì tất cả đều được dạy theo “barem” của giáo viên áp đặt theo sách giáo khoa, còn học trò thì chỉ ngồi nghe và khi làm bài kiểm tra thì viết đối phó. Tôi hoảng hốt nói, vậy tụi con được dạy Truyện Kiều thế nào? – Chủ yếu là chống phong kiến và biện minh cho Kiều bán mình chuộc cha nên được thoát tất cảcác tội “tày trời”, con vừa nói vừa cười.
Tôi lại hỏi, vậy các con có được học vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt Nam qua Truyện Kiều không?Có được học cái tài hoa của Nguyễn Du không? Học xong, các con có thấy tiếng Việt của mình nhờ Truyện Kiều mà trở nên vô cùng phong phú và tài tình không? Các con có được dạy, trước khi tác phẩm của Nguyễn Du ra đời, tiếng Việt vẫn còn nhiều từ nặng âm Hán và đọc khó hiểu, nhờ sự sáng tạo, Nguyễn Du đã gọi ra được từ “Yêu” bổ khuyết cho từ “Thương”, làm cho tiếng Việt trở nên sâu sắc và đượm tình hơn nhờ vào từ “Yêu Thương” sau này các con dùng?
Con há hốc miệng nghe mẹ nói. Con cho rằng nếu học Truyện Kiều mà học vẻ đẹp của ngôn ngữ Việt, mới hấp dẫn, nhưng không hiểu sao, có khi cô cũng nhắc đến, nhưng không nói như thế, chỉ là nói qua về việc nhờ có Nguyễn Du mà tiếng Việt phong phú, nhưng nội dung Truyện Kiều vẫn là nhấn mạnh sự thối nát của chế độ phong kiến và kiếp đa đoan của nàng Kiều. Mẹ nói tiếp, học văn chương, tất nhiên phải nắm nội dung, nhưng cái chính vẫn là ngôn ngữ. Nếu nhận ra vẻ đẹp của ngôn ngữ, thì tác phẩm đó mới lớn, mới trở thành đại thi phẩm, chứ chỉ nội dung không thì thật lòng mà nói, nó cũng lấy từ một cốt truyện của Trung Quốc mà thôi…
Cũng như bao ngôn ngữ khác, người Việt có thể tự hào về tiếng Việt, cha mẹ dạy con nói một câu có đầu có đũa, thầy cô truyền thụ tình yêu tiếng Việt qua thi ca và văn chương cho học trò.Nếu được như vậy, làm sao sợ mất tiếng Việt được, và lại càng không sợ tiếng Việt bị lai căng.
Thái Thảo (theo TGHN)
No comments:
Post a Comment