Thursday, December 12, 2019

RẠCH CẦU THAM TƯỚNG

Rạch cầu Tham Tướng: Nơi dũng tướng Mạc Tử Sanh tử trận

Nhắc đến những trang mưu quốc anh hùng liệt sĩ không phân biệt màu da chủng tộc, đã có công khuông phò Nguyễn Ánh trên bước đường bôn tẩu vào Nam, chúng ta lấy làm cảm khái cần nêu lên những chiến tích oai hùng của Mạc Tử Sanh đáng cho hậu thế noi gương.


Tại Cần Thơ ngày nay còn di tích lịch sử mà ít người biết đến, đó là cây cầu mang tên Tham tướng. Sự việc ấy đã chứng minh một cách cụ thể mà chúng tôi đã sưu tầm trong sử liệu, nêu ra ánh sáng hiến quý độc giả tìm hiểu qua các mục di tích đã có trên phần đất Trấn Giang (Cần Thơ) từ thuở xa xưa nay còn lưu dấu.

Theo đại lộ Hoà Bình, đến một cây cầu đúc, thẳng tới là đường đi về thị trấn Cái Răng, vùng cầu đúc ấy mang tên là “Tham Tướng”, nên cảnh vật quanh đấy đều mang một tên chung: rạch Tham Tướng, cầu Tham Tướng, chợ Tham Tướng.

Tham Tướng? Ấy là một chức quan võ có từ đời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát. Mà vị Tham tướng có duyên nợ với vùng đất Cần Thơ nầy, chính là Tham tướng Mạc Tử Sanh, con quan Đô Đốc trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ (cũng gọi là Mạc Thiên Tích).

Tham tướng chính lý hầu Mạc Tử Sanh chẳng những có công mở mang vùng đất nầy (xưa gọi là Trấn Giang), cha con họ Mạc cũng đã từng khổ nhọc gìn giữ lấy, bảo vệ sinh mạng và tài sản cho đồng bào trong những lúc dẹp nội loạn, ngoại xâm.

Cho đến năm Đinh Dậu 1777, trong một trận chống nhau quyết liệt với Tây Sơn tại vùng nầy, Tham tướng Mạc Tử Sanh tử trận. Ông đã anh dũng cự địch đến phút cuối cùng. Mặc dầu bị quân địch vây phủ trùng trùng, tướng địch kêu gọi đầu hàng, ông vẫn hiên ngang chiến đấu bất khuất.

Tương truyền khi ông mất rồi, anh linh hiển hách, binh tướng Tây Sơn nếu giở trò đàn áp nhân dân Trấn Giang, từng khiếp trước sự hiển linh ông trừng phạt. Dân chúng Hà Tiên, Trấn Giang mỗi khi có việc gì khẩn bách mà cầu khấn vong linh ông, đều được ông âm phù mặc trợ cho. Cảm kích niềm ưu ái của ông, lúc sống cũng như lúc chết chẳng quên cứu độ dân chúng, nên vùng đất mà ông đã bỏ mình, được gọi là Tham tướng. Âu cũng là một sự tưởng niệm xứng đáng đối với bậc đã dày công khai thác và sống chết trên mảnh đất Cần Thơ.


Biết như thế, mỗi khi qua vùng Tham tướng, nếu nặng lòng hoài cổ, hẳn du khách sẽ chẳng khỏi ngậm ngùi di tích hùng hào:

Vùng Tham tướng nơi gợi nhiều tích cũ,
Ghi công ơn họ Mạc mở mang.
Đất Cần Thơ khai thác do Mạc Tứ,
Huyện Trấn Giang tên gọi thuở ban sơ.
Từ muôn thuở đất lành thì chim đỗ,
Tay điểm tô Mạc Thiên Tứ tài tình.
Đem văn hóa từ Hà Tiên rộng bủa,
Khắp miền Tây, dậy nức tiếng quang vinh.
Phải buổi binh Xiêm tràn lan xâm lấn,
Gặp khi chúa Nguyễn tránh loạn Tây Sơn.
Dân Trấn Giang từng đứng lên tranh đấu,
Đỡ vạc nâng thành, chí cả chẳng sờn.
Noi gương cha, Mạc Tử Sanh oanh liệt,
Chống Tây Sơn nhiều trận nơi Trấn Giang.
Quân địch bạo tàn hăng say chém giết,
Dân Trấn Giang đổ máu rưới giang san.
Mạc Tử Sanh! Tham tướng Mạc Tử Sanh!
Đền nợ nước trải thân ngăn quân địch.
Mạc Tử Sanh! Tham tướng Mạc Tử Sanh!
Vùng Tham tướng đời đời nêu chiến tích.


Bài thơ trên đây nói lên tấm lòng dũng cảm của một danh tướng nặng lòng vì tổ quốc, với cái chết liệt oanh, sanh vi tướng tử vi thần, danh lưu muôn thuở, cầu Tham tướng đã bia danh người anh hùng sống mãi với non sông qua bao đời nhắc nhở mến tiếc…

Trích “Cần Thơ Xưa và Nay – Huỳnh Minh”


No comments: