Thursday, December 19, 2019

LỄ HỘI TẾ THẦN GADHIMAI

LỄ HỘI TẾ THẦN ĐẪM MÁU TẠI NEPAL

Mặc cho lời kêu gọi và phán quyết chấm dứt để bảo vệ mạng sống của hàng trăm nghìn động vật nhưng lễ hội tế thần Gadhimai vẫn tiếp tục được diễn ra trong năm nay.


Vào những ngày cuối cùng của tháng 11, hàng triệu tín đồ Hindu sẽ đổ về một ngôi đền ở làng Bariyapur thuộc miền Nam Nepal và giáp biên giới Ấn Độ để tham gia lễ tế thần Gadhimai. Theo tín ngưỡng của người dân nước này, Gadhimai chính là nữ thần Sức mạnh. Lễ hiến tế được tổ chức năm năm một lần và diễn ra trong hai ngày. Những người sùng đạo tin rằng việc giết các con vật để tế sẽ xoa dịu nữ thần Sức mạnh và sẽ được thần linh tối cao ban cho may mắn, thịnh vượng.

Theo ước tính của chính quyền địa phương, lễ tế thần hàng năm thu hút khoảng 2,5 triệu tín đồ. Nghi lễ bắt đầu từ bình minh, khi người dân dùng hết sức chém lìa đầu hàng ngàn con vật xấu số và ném đầu của chúng vào một cái hố để làm vật cống tế. Phần thân sẽ được giao cho các cửa hàng thịt thu gom.

Hàng trăm nghìn gia súc bị đem đến lễ hiến tế 5 năm một lần

Theo thống kê, vào năm 2009, trong suốt hai ngày diễn ra lễ hội đã có hơn 200.000 con vật bị giết. Ngày đầu tiên của lễ hội vào năm 2014, 6.000 con trâu và hơn 100.000 con dê cùng các động vật khác bị giết. Lễ hội tế thần kết thúc vào ngày thứ hai và kéo theo sự ra đi của thêm 100.000 con vật khác khiến tổng con số động vật bị giết hại lên đến con số kỷ lục 250.000 con. Đây là lễ hội có số lượng động vật chết nhiều nhất trên thế giới.



Tổ chức bảo vệ động vật PETA đã phản đối và chỉ trích kịch liệt lễ hội này trong nhiều năm qua. PETA miêu tả đây là một hành động tàn ác, man rợ và là một trong những lễ tế có số lượng loài vật bị giết nhiều nhất thế giới. Rất nhiều nhà hoạt động bảo vệ động vật khác cũng đến đây để kêu gọi mọi người đến đền, cầu nguyện thanh tịnh và chấm dứt việc tàn sát động vật.

Tuy nhiên, rất nhiều tín đồ Hindu không đồng tình với ý kiến này, thậm chí quy mô của lễ hội năm nay còn lớn hơn cả năm năm trước. Một quan chức địa phương cho biết đây là nghi thức thể hiện niềm tin, tín ngưỡng của người mộ đạo với tôn giáo của họ. Vấn đề này khá nhạy cảm và chính quyền địa phương cũng không thể can thiệp vì sợ làm tổn thương đến quyền tự do tín ngưỡng của người dân.

Tất cả những tín đồ đều chung một đức tin.


Ban quản lý ngôi đền đã tuyên bố lệnh cấm vào năm 2015 và một năm sau, tòa án tối cao Nepal đã yêu cầu chấm dứt lễ hội hiến tế này. Tuy nhiên, các lệnh yêu cầu chấm dứt này dường như không hề ảnh hưởng gì đến quyết định của các tín đồ. Và năm nay - 2019, lễ hội này lại tiếp tục được tiến hành từ tối 2/12.

Thầy tu Mangal Chaudhary, người phục vụ tại đền thờ tiếp nối truyền thống 10 thế hệ của gia đình, nói rằng: “Tôi không thể bình luận gì về việc ngôi đền có ủng hộ lễ hiến tế hay không, nhưng dù có thế nào thì số người tham dự vẫn đang tăng lên”.

Ước tính hàng năm có khoảng 2,5 triệu tín đồ tham dự và con số này tăng lên mỗi năm.

Theo truyền thuyết, lễ hiến tế đầu tiên ở Bariyarpur được tổ chức từ nhiều thế kỷ trước, khi nữ thần Hindu Gadhimai xuất hiện trong giấc mơ của một tù nhân và yêu cầu anh ta lập đền thờ cho nữ thần. Khi tỉnh dậy, xiềng xích của người tù này mở ra và anh có thể rời khỏi nhà tù. Sau đó, người đàn ông đã xây dựng ngôi đền và làm lễ hiến tế động vật để tỏ lòng biết ơn.

My Tống/Nguồn: Insider
Link tham khảo:
https://www.theguardian.com/world/2019/dec/03/nepal-animal-sacrifice-festival-pits-devotees-against-activists


No comments: