Mấy tuần trước xem tập phim của Việt Thảo giới thiệu về Myanmar, anh dẫn chúng ta đi xem rất nhiếu chùa chiền và nói ít nhiều về "Phật giáo nguyên thủy" ở đất nước nước này. Anh có nhắc là người tu sĩ ở đây có thể và vẫn ăn mặn được chớ không nhất thiết theo giới luật phải ăn chay như "Phật giáo đại thừa".
Tôi có biết qua như những nhà sư đi khất thực, bá tánh cho gì thì ăn nấy chứ không thể liệng bỏ những món mặn nhưng tại sao "Bắc tông" lại giữ giới luật ăn chay. Vậy nó có nguyên nhân như thế nào và từ lúc nào có chuyện như vậy ?
Không biết chúng ta có còn nhớ, lịch sử đã từng ghi chép có vị hoàng đế đã ba lần từ bỏ tất cả những hào hoa phú quý của thế gian để xuất gia đầu Phật, sau cùng thuận theo ý muốn của thần dân nên đã quay về lại trị vì đất nước. Và ông là người đã khiến cho giới Tăng sĩ Trung Quốc tuân giữ và coi trọng việc ăn chay. Người ấy chính là vị vua Nam triều Lương Võ Đế.
Vấn đề ăn chay của tăng sĩ Trung Quốc, được hoàn toàn tuân thủ là từ lúc vua Lương Võ Đế lên nắm quyền cai trị. Lương Võ Đế là vị vua vô cùng kính trọng và mến mộ đạo Phật. Vào thời kỳ đầu, khi Phật giáo mới truyền bá vào Trung Hoa, nền tảng chưa vững chãi, trước sau lại bị nạn Ngụy Vũ, Châu Vũ, nếu không có Lương Võ Đế thì Phật giáo khó mà tồn tại được. Thống Kỷ chép, “Thời nạn Ngụy Vũ - có một vị dị Tăng nói: ‘Đông độ rồi đây sẽ có một thánh vương xuất hiện, mười năm sau Phật pháp sẽ đại thịnh’”. Mười năm sau quả có Lương Vũ Đế ra đời, và niên hiệu Thiên giám thứ ba, nhà vua cùng hàng vạn người tập trung tại điện Trùng Vân tuyên bố từ bỏ Đạo giáo, chỉ tuân hành pháp của đạo Phật, và ông cũng là người chính thức đề xướng triệt để việc ăn chay đối với hàng Tăng sĩ đương thời.
Vào thời đức Phật, việc ăn chay chưa được thực hành trong Tăng đoàn; và đức Phật cho phép người xuất gia được dùng ba loại thịt gọi là tam tịnh nhục, đó là thịt của con thú mà người thọ dụng không nhìn thấy con thú đó bị giết, thịt con thú mà người thọ dụng không nghe tiếng kêu gào của nó, và thịt của con thú mà người thọ dụng không nghi là giết thịt cho mình ăn. Nhưng tại sao đức Phật lại cho phép ăn tam tịnh nhục mà không khuyến khích ăn chay? Điều này tùy thuộc vào những điều kiện xã hội thời bấy giờ. Và khi mà thực phẩm hàng ngày của các Tỳ-kheo tùy thuộc vào việc khất thực thì họ khó có thể lựa chọn lối ăn chay trong khi dân chúng đều ăn mặn.
Nhưng dù đức Phật cho phép ăn tam tịnh nhục, thì Ngài vẫn luôn đề cao lòng từ bi và khuyên ngăn việc giết hại chúng hữu tình. Trong kinh có thuật rằng, một ngày nọ, đức Phật đến thuyết pháp cho một làng chuyên nghề săn bắn thú. Ngài khuyên dân chúng ở đó nên bắt chước theo những làng khác, trồng trọt rau trái, lúa gạo để làm thực phẩm sinh sống, chứ đừng quá say sưa vui thú trong việc săn bắn. Ngài cũng từng khuyên vua Tần-bà-sa-la không nên giết hại thú vật để tế thần. Như vậy, chúng ta hãy suy ngẫm, mặc dù Phật có chế pháp tam tịnh nhục nhưng Ngài không khích lệ đệ tử ăn thịt gia súc. Ngài không bắt buộc Tăng chúng phải ăn chay vì thực phẩm khất thực có được là do dân chúng tự nguyện cúng dường, cho nên dân chúng có lòng thành cúng dường phẩm vật gì thì dùng thứ ấy. Nhưng dù đức Phật cho phép dùng tam tịnh nhục, thì có mười loại thịt sau các Tỳ-kheo không được dùng, đó là thịt người, thịt voi, ngựa, chó, rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu. Sở dĩ đức Phật cấm ăn những loại thịt này là vì những lý do sau: thịt người thì không thể ăn vì quá dã man; thịt voi và thịt ngựa không được ăn vì trong thời kỳ đó, hai con vật này được coi là thú vật của nhà vua; thịt chó thường coi chó là con vật ghê tởm; thịt rắn, sư tử, cọp, báo, gấu và linh cẩu không được ăn vì rằng ai ăn thịt những loài thú rừng nguy hiểm này sẽ toát ra một mùi đặc biệt có thể khiến cho các con vật đồng loại tấn công người đó để trả thù (Theo Ajahn Brahmavamso, What the Buddha said about eating meat?).
Không ai có thể phủ nhận thuyết tam tịnh nhục là do Phật chế định, là cơ sở hình thành nên việc ẩm thực của chư Tăng từ thời Thế Tôn còn tại thế cho đến Phật giáo theo truyền thống Nam truyền ngày nay. Tuy nhiên, trong thực tế thì tịnh nhục là hầu hết các loại thịt được bày bán ngoài chợ. Thuật ngữ pavattamasa có nghĩa là “loại thịt đã sẵn có” hay thịt “vô can”, bao gồm thịt được giết mổ sẵn. Trong Mahāvagga II, chương “Dược phẩm”, tụng phẩm thứ nhì, có thuật chuyện nữ cư sĩ Suppiyā muốn cúng dường một vị Tỷ-kheo, bảo người giúp việc rằng: “Hãy đi tìm mua loại thịt đã được làm sẵn.” Như vậy, Luật tạng (Mahāvagga) đã xác định tịnh nhục bao gồm các loại thịt do các lò mổ cung cấp và bày bán.
Một vấn đề khác cũng rất quan trọng được Thế Tôn thiết định trong kinh Jivaka, là dù các Tỷ-kheo được ăn tam tịnh nhục nhưng không vì thế mà hàng Phật tử giết hại sinh vật, nếu làm tổn hại chúng sanh sẽ mất công đức: “Này Jivaka, người nào vì Như Lai, hay vì đệ tử Như Lai mà giết hại sinh vật, người ấy chất chứa nhiều phi công đức”.
Khi Phật giáo du nhập vào Trung Hoa, với một bối cảnh xã hội khác với xã hội Ấn, và khi đời sống hàng ngày của chư tăng không phụ thuộc vào việc khất thực thì việc chọn thức ăn lại có thể dễ dàng. Nhưng trước thời vua Lương Võ Đế, Tăng sĩ Trung Quốc không hẳn đều chọn lối ăn chay, mà mỗi tăng nhân đều có quyền lựa chọn cách ẩm thực cho riêng mình. Lương Võ Đế là vị vua am hiểu giáo lý đạo Phật, và là người muốn ứng dụng triệt để tinh thần từ bi của Phật giáo vào trong đời sống dân chúng, trước hết là giới tăng sĩ. Do đó khi nắm quyền thống lĩnh trăm họ, ông đã hạ chiếu chỉ “đoạn sát tiệt tông miếu hy sinh chiếu” (tuyệt đối đoạn tận việc giết thú vật đối với các tự viện Phật giáo). Cấm chỉ tất cả các tự viện Phật giáo dùng thịt của súc vật để tế tự, và cũng cấm chỉ tất cả thái y dùng sinh mạng của súc vật còn sống làm thuốc trị bệnh, kể cả trị bệnh cho quốc vương. Đây là mệnh lệnh của nhà vua, do vậy bá tánh không thể không tuân thủ thực hành. Cũng từ đây, Lương Võ Đế tự tay viết ra một biến văn Đoạn tửu nhục văn, trong đó trình bày rõ nguyên nhân của việc đoạn tửu nhục, đề phòng ngăn ngừa những kẻ mượn cớ giết hại súc vật để cúng tế thần thánh...
Trong bài Đoạn tửu nhục văn, ngoài việc dẫn chứng từ kinh Niết-bàn, Lăng nghiêm, Ương quật ma mộng, Lương Võ Đế còn đưa ra nhiều lý do có cơ sở hợp lý để thuyết phục Tăng lữ phụng trì chay thực: “Nếu Tăng sĩ không đoạn trừ cá thịt, thì họ sẽ đồng với ngoại đạo; và khi họ bị ngoại đạo so sánh chỉ trích thì họ là người cô phụ niềm tin Tam bảo. Nếu Tăng sĩ không đoạn cá thịt, thì họ có thái độ và cử chỉ của một người tại gia, họ sẽ xa rời các pháp Thanh văn, Bích chi, Bồ-tát và xa rời vĩnh viễn Phật quả. Nếu Tăng sĩ không đoạn cá thịt, thì họ đồng với ma quỷ, chịu lấy cảnh khổ địa ngục, và bị các nhân ác khủng bố. Nếu tin tưởng lời Phật là ‘chân thật bất hư’ thì không thể vì cho rằng chưa chứng được đạo nhãn mà thấy không rõ, nghĩ không thông, thịt chúng sanh chính là thân thuộc nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ…”.
Đó là những điều mà vua Lương Võ Đế dùng để chứng minh giá trị của việc ăn chay. Nó mang đậm tinh thần từ bi, coi trọng mạng sống của sinh linh. Ngoài ra, dưới triều đại của mình, Lương Võ Đế cũng hạ sắc lệnh thanh lọc và đào thải những Tăng sĩ bất hảo hầu duy trì và khai sáng mạng mạch Phật pháp. Việc làm của ông đã được hầu hết chư Tăng đương thời hưởng ứng. Sau đó ông triệu tập gần hai trăm vị tăng sĩ đến cung đình để cử hành một buổi nghiên cứu và thảo luận về vấn đề trường chay và đã được mọi người ủng hộ.
Thế nhưng trải qua chiều dài lịch sử, với nhiều lần nhường ngôi đổi vị, cho đến đại nạn “Đại cách mạng văn hóa”, Phật giáo trở nên điêu đứng: tự viện bị chiếm, Phật tượng bị đập phá, tăng ni bị trục xuất khỏi chùa; Phật giáo dần dà bị mai một và tầng lớp trẻ Trung Quốc ngày càng xa lạ với Phật giáo, riêng chỉ có Đài Loan là lưu giữ được bản chất cùng sắc thái của đạo Phật. Do vậy, vấn đề ăn chay hiện nay ở Trung Quốc chỉ còn có tầng lớp tu sĩ thực hiện, còn dân chúng thì không mấy người theo. Nhưng ở Đài Loan vấn đề ăn chay rất thịnh hành đối với mọi tầng lớp, không chỉ riêng đối với tu sĩ Phật giáo hay tín đồ Phật tử.
Lý do đặc biệt đối với tín đồ Phật giáo trong việc ăn chay là để phát triển lòng từ bi, bớt đi việc tạo nghiệp. Vả lại việc ăn chay cũng có nhiều ưu điểm của nó. Chúng ta nên tìm hiểu sơ qua ưu điểm của việc ăn chay: Thức ăn chay đều được làm từ hoa, thân, cành, lá, quả, hạt, trái của thực vật, chúng hấp thụ chất dinh dưỡng từ tự nhiên, trong đất, nước, không khí, ánh sáng mặt trời mà sinh trưởng, nên có lợi cho tinh thần. Các nhà khoa học nghiên cứu và đưa ra kết luận rằng, dùng các loại ngũ cốc và rau quả, bất luận phối hợp như thế nào cũng sẽ nhận đủ chất protein để nuôi dưỡng và phát triển cơ thể. Thức ăn chay, không chỉ có khả năng nuôi sống được cơ thể, mà một số loại còn có thể điều trị được các loại bệnh, ví dụ như rau cần trị huyết áp cao, rong biển trị tuyến giáp tạng, cây hoa hiên làm lợi ích cho đường tiểu, cầm máu, sưng phù, an thần…
Ngoài vấn đề trình bày nguyên nhân chính của việc tăng sĩ Trung Hoa tuân giữ việc ăn chay, người viết cũng nhằm đề cao những giá trị đạo đức của vua Lương Võ Đế, người đã có công lao rất lớn đối với Phật pháp, người đã giải cứu cho vợ là Hy Thị, tánh tình rất ác độc, ghen tuông, hành hạ các cung phi, để rồi không làm chủ được mình mà đâm đầu xuống giếng chết, bị đọa làm một con rắn mãng xà. (Rắn ấy thường vào cung tác quái, có hôm báo mộng cho Lương Võ Đế biết, xin vua làm phép giải cứu. Nhà vua thỉnh một vị Thánh tăng là Thích Bảo Chí làm sám chủ, nhờ Ngài cùng chư tăng soạn ra bộ sám “Từ Bi Đạo Tràng Sám Pháp”, rồi nhờ chư tăng trì tụng kinh Sám ấy mà cầu siêu cho bà Hy Thị). Điều này cho thấy, ông vừa thông đạo lý lại trọng đạo tình, một con người có chức quyền nhưng không bị chức quyền thao túng, mà ngược lại lấy chức quyền làm điều lợi lạc cho muôn dân, chỉnh đốn đoàn thể Tăng-già, không để ngoại đạo có cơ hội làm nhơ Phật pháp.
Đạo Phật có trường tồn và phát triển lành mạnh hay không là do tập thể Tăng đoàn đó có tuân thủ và hòa hợp hay không! Bản chất của giáo lý đạo Phật là bản chất của sự hòa hợp, “hòa hợp như nước với sữa”. Dù cho Phật có hiện hữu hay nhập diệt thì giá trị hòa hợp ấy vẫn không thể mất đi được. Đối với những người tu hành, ăn chay hay ăn mặn không phải là điều đáng bàn cải mà là hành vi đạo đức của người ăn chay hay ăn mặn đó. Ăn uống được coi là liều thuốc để điều trị bệnh đói, không vì quá xem trọng việc ăn chay hay mặn mà tạo ra những mâu thuẫn giữa mình với người, ảnh hưởng không tốt đến đời sống tu học.
Mục đích của người tu hành là điều dưỡng thân tâm và vun trồng thiện nghiệp, mà vua Lương Võ Đế, vị hộ pháp của Phật giáo đã từng là tấm gương. Ta hãy nghe ông tự thuật: “Khi nhỏ tôi học Nho giáo, nghiên cứu Tứ thư, tìm xét Ngũ kinh. Lớn lên, tôi học Đạo giáo, rõ biết vô vi, tinh thông pháp thuật. Bây giờ học Phật pháp mới thấy như thái dương trước các thứ ánh sáng. Nhờ Phật pháp, tôi mới rõ khổ tập, mới hiểu nhân quả, không phủ nhận giá trị muôn loài bằng lý bình đẳng, quy nạp chân như sự vật về lý vô sanh. Tâm lý chúng sanh khó duy nhất, nhưng thành kiến cố chấp thì bị phá tan. Qui nguyên không hai nẻo mà chí cực chỉ viên dung. Phật giáo trước các giáo phái khác như đại thọ ngàn thước mà cây cỏ chỉ bằng mầm mống của nó. Thiệt là mây lớn mưa lớn, cây cỏ tùy phần hấp thụ mà tươi tốt. Chỉ vì tâm trí sinh dị giải mà kết quả có sai thù, nhưng sai thù không phải tác ý nên sâu cạn chỉ vì phân biệt”.
Trên đây người viết chỉ trình bày sơ lược về quan điểm của Lương Võ Đế đối với vấn đề ăn chay, và sự ảnh hưởng của ông đối với việc ăn chay của giới tăng sĩ Trung Hoa. Nên ăn chay hay ăn mặn là một vấn đề còn nhiều tranh cãi, và đôi khi còn là một vấn đề tế nhị trong đạo Phật. Vậy nên mỗi người có quyền tự chọn lấy cho mình một cách thức ăn uống, miễn sao điều đó đem lại được lợi ích cho mình và chúng sanh.
Lam Yên
(Nguồn: TS. Pháp Luân số 62)
No comments:
Post a Comment