Lăng Ông Lê Văn Duyệt không chỉ nằm trên khu đất tốt về phong thủy của vùng Gia Định xưa mà còn ghi dấu và nhắc nhớ những sự kiện bi tráng một thời trong lịch sử 315 năm hình thành và phát triển của Sài Gòn (1698 – 2013)…
Mộ Lê Văn Duyệt: “Tiên tích đức, hậu tầm long”…
Mộ Tả quân Lê Văn Duyệt gối đầu lên một gò cao có thế đất chạy thoai thoải từ hướng Bắc xuôi về phía Nam đến giáp cầu Bông (Q.Bình Thạnh) hiện nay. Thời ngôi mộ mới được lập cách đây hơn 180 năm (vào 1832), đó là gò đất “hình lưng Rùa” vắng vẻ thuộc làng Bình Hòa, tỉnh Gia Định, mà “theo khoa địa lý phương Đông, thuật phong thủy, đây là vị thế nằm ngay “long mạch” hợp với địa linh nhân kiệt, tài lộc đời đời và sẽ có ảnh hưởng tốt cho sự an lạc của cư dân trong vùng” (Một số cơ sở tín ngưỡng dân gian, nhiều tác giả, Sở VHTT TP. HCM ấn hành 2001). Nhiều tài liệu khác cũng ghi nhận cuộc đất trên với địa thế phong thủy tương tự, chẳng hạn Sơn Nam gọi: gò Kim Quy – nơi hội tụ tinh khí.
Ngày nay, chúng ta có thể tìm hiểu những điều nêu trên theo cách giải thích mới hơn về “long mạch”. Đại để long mạch là luồng “địa khí” (năng lượng trong lòng đất) có thể chạy ngầm từ xa đến và tụ lại để trào lên ở một nơi nào đó. Nơi ấy những nhà ứng dụng thuật phong thủy cần có những động thái chuyên môn để xác định. Trước hết họ phải dò “dấu vết và đường đi của địa long (long mạch)”, sau đó tìm “điểm ngưng tụ năng lượng” thường được gọi là chỗ “đầu rồng” để xây lăng mộ như trường hợp Lăng Ông Lê Văn Duyệt chẳng hạn.
Và nếu gọi năng lượng của địa khí bằng hình tượng “rồng” thì “nơi địa khí ngưng lại sẽ có linh khí ngưng tụ – chỗ đó chính là bộ phận đầu rồng – với đường kính của long huyệt khoảng từ 1 đến 2 mét – nơi có linh khí mạnh nhất đường kính cũng chỉ khoảng 20 đến 30 mét” (Nguyễn Hà –Chọn hướng nhà và bố cục nội thất theo thuật phong thủy, NXB Xây dựng – Hà nội 1996). Nhìn bao quát, “long huyệt” không được rộng. Tuy vậy, nếu năng lượng trào ra từ long huyệt “gặp được những điều kiện chung quanh tương đối (tốt) thì năng lượng đó sẽ khuếch tán” ra rộng hơn để đem lại lợi lạc cho những người sinh sống trong khu vực như người dân Bình Hòa trước kia đã từng tin tưởng Lăng Ông đem lại cho họ cuộc sống bình an.
Song, không chỉ tìm ra long huyệt là đủ, là có thể muốn an táng ai xuống nơi ấy cũng được. Kinh nghiệm cho thấy cần có đủ mối duyên lớn nhất do người xưa truyền lại gọn gàng trong 6 chữ: “Tiên tích đức, hậu tầm long” mới được – nghĩa là trước hết phải lo tu tạo phước đức, tích tụ điều lành, rồi sau mới ứng với long mạch. Theo hướng đó má xét, chúng ta thử nhắc lại vài điều liên quan đến đức độ của Tả quân Lê Văn Duyệt. Sinh thời, ông làm Tổng trấn Gia Định hai lần từ 1812 đến 1815 và từ 1820 cho đến năm qua đời trên đất Sài Gòn năm 1832. Trong 15 năm đó, ông thực hiện những chủ trương đúng đắn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Sài Gòn – Gia Định và vùng Nam bộ, củng cố an ninh quốc phòng phía Nam và mang đến cuộc sống sung túc yên ổn cho dân chúng.
Nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng nhận định: “Lê Văn Duyệt có công, bằng chứng là nhân gian ngưỡng mộ và kính trọng ông (…) Chúng ta đều biết, ở Nam bộ, trong khoảng thời gian dài và có lẽ cũng còn sót lại cho đến tận hôm nay một câu thề độc: “nếu tôi gian dối thì xin thề trước Lăng Ông tôi sẽ bị vặn họng như con gà tôi mang đến cúng Tả quân”(…) chúng ta nhận thức rằng sự tôn trọng kia liên quan chủ yếu đến công lao của ông đối với vùng đất mà ông trấn nhậm”. Mỗi đêm Giao thừa, hoặc đến ngày giỗ Ông vào 30.7 âm lịch hằng năm, ngót hàng vạn người khắp nơi trong nước, trong đó có rất nhiều bà con người Hoa đến cúng bái và xin xăm ở lăng. Người Hoa rất quý trọng Lê Văn Duyệt vì ông đã mở ra cho họ một cánh cửa rộng trong giao thương buôn bán tại Sài Gòn xưa, tiếp nhận cả người gốc Hoa vào hàng thân tộc của mình:
“xu thế xâm nhập vào tầng lớp quan lại như trường hợp thương nhân gốc Hải Nam Lưu Hằng Tín chủ động tới xin làm con nuôi Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt “Dinh tiền cúi lạy thưa lên – Xin làm nghị tử gá tình minh linh” (Bổn Bang thơ) rồi trở thành nhân viên trong Ty Hành nhân Gia Định thành còn cho thấy hệ thống hoạt động thương nghiệp của người Hoa đã thấm sâu hơn vào các thiết chế, quan hệ và hoạt động của xã hội Việt Nam ở địa phương, lan cả vào hệ thống sản xuất tinh thần lẫn hệ thống quản lý xã hội” (Cao Tự Thanh – Hoạt động thương nghiệp của người Hoa trong tiến trình lịch sử ở Nam Bộ trước 1862 - xem: Nam bộ đất và người, nhiều tác giả – NXB Trẻ 2005).
Đối với người Âu Mỹ, ông có thái độ ngoại giao cởi mở, thông thoáng trong giao thương. John Crawfurd cầm đầu phái bộ Anh gồm 33 người đến thành Gia Định năm 1822 thuật lại trong nhật ký của mình về Tổng trấn Lê Văn Duyệt: “Ông có phong cách linh lợi và thông minh. Thân mình hơi thấp chứ không cao, song ông tỏ ra hoạt động và không có khuyết tật gì (…) các quan lại khác đều mặc đồ gấm hoa sang trọng, trái lại ông Tổng trấn tỏ ra ít quan tâm và coi thường việc ăn mặc, ông chỉ mặc một áo dài bằng nhiễu đen trơn màu và chiếc khăn đồng màu” (Nguyễn Đình Đầu dịch).
Khi ông qua đời, vua Minh Mạng lập đàn tế cúng rất lớn, nhưng vì sao 4 năm sau (1836) cũng chính Minh Mạng đã ghép ông vào nhiều tội và sai thi hành bản án khắc nghiệt, san bằng nấm mồ và lấy xích sắt xiềng long huyệt của ông?
Cổng tam quan trước năm 1975 |
Vụ án Huỳnh Công Lý với công luận xưa và nay
Huỳnh Công Lý là cha ruột một người thiếp của vua Minh Mạng. Khi Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn Gia Định lần thứ hai vào năm 1820, thì Huỳnh Công Lý làm Phó tổng trấn bị tố cáo hơn 10 việc tham nhũng mà chính Minh Mạng cũng thừa nhận: “Huỳnh Công Lý làm Phó tổng trấn Gia Định đã bóc lột của dân đến trên 3 vạn” và nêu rõ tội trạng:
“Gia Định là nơi đất rộng, dân đông, cha ta (Gia Long) mưu tính… khôi phục cơ đồ… từ trước tới nay vẫn thận trọng lựa chọn những trọng thần công lao danh vọng sai trấn thủ cho muôn dân yên ổn. Không may có Huỳnh Công Lý lấy tư cách đê hèn, tham bạo, ăn trái pháp luật đến muôn vạn, bắt người làm việc riêng tốn hàng nghìn, mọt dân hại nước đến thế là cùng… Hồi Huỳnh Công Lý làm Tả thống chế (cấm binh)… ngày ngày bắt quân sĩ xây dựng nhà riêng trên bờ sông Hương, nay việc phát giác, hạ lệnh trị giá bán nhà ấy lấy tiền cho cấm binh”.
Lê Công bi đình |
Những lời trên của Minh Mạng được ghi trong Đại Nam thực lục do Nguyễn Đình Đầu dẫn qua một bài viết về vụ án Huỳnh Công Lý. Tuy vậy, trong lòng vua Minh Mạng vẫn còn dành cho Huỳnh Công Lý một cách xử lý tương xứng với vị trí tình cảm là “cha vợ” của mình chăng? Điều ấy cụ Vương Hồng Sển từng giải thích:
“ông vua này có ý bênh vực cha vợ nên hạ chỉ giải Công Lý ra kinh đặng dễ bề tha tội. Tả quân biết trước, sẵn có trong tay Thượng phương kiếm được quyền “tiền trảm hậu tấu”, bèn chém đầu Huỳnh Công Lý, sai quân đóng thùng (…) gởi thủ cấp về kinh, trên nắp thùng viết mấy chữ: “Phụng thừa Thánh chỉ, xử trảm tội nhơn”. Minh Mạng thấy sự đã rồi, trong lòng căm giận nhưng không làm gì được Lê công. Sau (ngày Lê Văn Duyệt mất) Bố chánh Bạch Xuân Nguyên đem chuyện này ra kết tội khi quân cho Lê công và vu thêm nhiều tội lớn nữa. Vì vậy mới có giặc Phó vệ úy Khôi làm phản, giết Bạch Xuân Nguyên, chiếm cứ thành Sài Gòn cố thủ được ba năm” (Sài Gòn năm xưa)…
Vở diễn Tả quân Lê Văn Duyệt tại Lăng Ông Bà Chiểu |
Một tác giả khác, Trương Vĩnh Ký qua tác phẩm bằng tiếng Pháp: Ký ức lịch sử về Sài Gòn và vùng phụ cận, ấn bản năm 1885, Nguyễn Đình Đầu dịch 1997, đã viết đại ý Lê Văn Duyệt là người có linh cảm thiên ứng, Minh Mạng rất e ngại ông nhưng “không dám làm gì chống đối một quân nhân trung thành và can trường, từng là kẻ thừa hành di chiếu của vua cha, là người đỡ đầu và thầy dạy mình. Công lao vĩ đại đã làm ông trở thành hầu như bất khả xâm phạm. Minh Mạng vẫn giữ mối hận thù thầm kín và chưa bao giờ dám làm gì chống lại Lê Văn Duyệt khi ông còn sống, ông chết rồi – nhà vua hạ nhục bằng cách cho xiềng và đánh trên mộ 100 trượng”.
Trần Trọng Kim cũng ghi trong Việt Nam sử lược về lời luận tội của Minh Mạng đối với Lê Văn Duyệt qua một tờ dụ: “tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bổ quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu, và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, không bõ gia hình. Vậy nay cho Tổng đốc Gia Định đến chỗ mả hắn, san làm đất phẳng và khắc đá dựng bia ở trên viết to những chữ: “chỗ này là nơi quyền yêm Lê Văn Duyệt phục pháp” để chính tội danh”.
Từ đó, quanh khu mộ có nhiều điều linh dị được dân chúng Sài Gòn truyền miệng, Sơn Nam viết: “nơi phần mộ của Lê Văn Duyệt bị nhục mạ, trong dân gian đồn đãi rằng đêm đêm nghe tiếng quân kêu khóc, quỷ giận thần hờn, lạc ngựa reo vang”.
Khi Minh Mạng mất, vị vua kế vị là Thiệu Trị đã cho tháo gỡ xiềng xích trên đất mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt. Đến đời Tự Đức đã phục hồi danh dự, chức tước và cho đắp lại mộ như cũ. Dần dần mộ được xây vòng thành khá rộng và phần đất quanh vùng mộ ở làng Bình Hòa dành làm tự điền, thu hoạch lấy tiền cúng tế hàng năm. Đến nay, Lăng Ông Lê Văn Duyệt tọa lạc tại số 126 đường Đinh Tiên Hoàng, P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, giữa giao điểm của các đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức, Vũ Tùng, rộng 18.500m2, với cổng Tam Quan một thời từng là biểu tượng văn hóa của Sài Gòn. Dân gian vẫn thờ cúng và tế lễ ông theo nghi thức thờ thần và tế thần vì từ lâu dân Sài Gòn – Gia Định đã xem ông như một vị thần. Điều ấy ứng với linh huyệt phong thủy “tài lộc đời đời” nơi ông yên nghỉ, dầu đã có những tháng năm bẽ bàng, hương tàn khói lạnh trên gò đất ấy…
Bài: Giao Hưởng
Theo Tạp chí Duyên Dáng Việt Nam