Monday, October 10, 2016

NIẾT BÀN LÀ GÌ ?

Hỏi: Mục đích của người tu Phật lấy quả vị Niết Bàn làm chỗ cứu cánh. Vậy Niết Bàn là gì ?
-Trong các kinh điển có nhiều định nghĩa khác nhau nhưng chữ Niết Bàn (Nirvana) không ngoài những nghĩa Viên tịch (hoàn toàn vắng lặng), Vô sanh (không còn sanh diệt) và Giải thoát v.v... những nghĩa này nhằm chỉ cho người đạt đạo sống trong trạng thái tâm thể hoàn toàn vắng lặng, dứt hết vọng tưởng vô minh.
Do trình độ giác ngộ khác nhau nên trong kinh chia ra bốn thứ Niết Bàn:
1. Niết Bàn Hữu Dư Y: Niết Bàn đã dứt sạch phiền não vọng hoặc trong ba cõi, nhưng còn thân của nghiệp báo dư thừa.
2. Niết Bàn Vô Dư Y: Niết Bàn đã dứt sạch phiền não hữu lậu và không còn mang thân của nghiệp báo (dứt hết uẩn thân).
3. Niết Bàn Tự Tánh: Niết Bàn tự tánh sẵn có của chúng sanh, nó vốn sẵn có tánh Niết Bàn không phải tu tập mới có. Như mặt gương tánh vốn sạch không phải đợi lau chùi mới hiện.
4. Niết Bàn Vô Trụ Xứ: Niết Bàn không chỗ nơi. Các vị Bồ Tát khi giác ngộ, lao mình trong lục đạo giáo hóa chúng sanh, lấy sự sanh tử của chúng sanh làm cảnh giới. Tuy ra vào sanh tử nhưng lúc nào cũng tự tại vô ngại.
Hai thứ Niết Bàn trên là của hàng Nhị thừa, hai thứ Niết Bàn dưới chỉ riêng hàng Đại thừa mới có.



Hỏi:
- Làm sao thể nghiệm để biết có Niết Bàn ?
- Như trên chúng ta đã hiểu, căn cứ Tự Tánh Niết Bàn thì mỗi người chúng ta đều sẵn có thể tánh thanh tịnh sáng suốt tròn đầy, nhưng vì phiền não ngăn che mà không hiển lộ. Muốn tánh Niết Bàn hiển lộ là phải diệt trừ phiền não. Phiền não ở đây chính là sự mê lầm “chấp ngã”. Mê lầm chấp ngã hết, tức là Niết Bàn. Vậy thì hỏi khi nào có Niết Bàn? Chúng ta phải đáp: Khi nào tâm “chấp ngã” hết, hoặc tham, sân, si sạch chính khi ấy tức Niết Bàn, khỏi phải hỏi đâu xa.
Chúng ta hãy đọc một đoạn văn trích trong Tạng Kinh Pali của tác giả “Cái Ta Nguy Hiểm” Buddhahasa sau đây:
Trong câu Phật ngôn: “Nếu chư Tỳ Kheo hành theo Chánh hạnh thì cõi thế gian không vắng bóng các bậc A La Hán”. Chữ Chánh hạnh có ý nghĩa sâu xa quan trọng. Sống chánh hạnh ngụ ý sự vắng mặt của ý tưởng Ta và của Ta.



Chúng ta sống hết ngày này qua ngày khác, nhưng sống một cách không chân chánh, cho nên cái tà kiến “Ta” và “của Ta” mới sanh, và mỗi ngày nó vọt lên nhiều lần, khiến cho cái Niết Bàn viên mãn bị đứt đoạn, không có dịp tốt để xuất hiện, và vì thế chúng ta không thành bậc Vô sanh (A La Hán). Sống chánh hạnh là sinh hoạt đúng với Bát Chánh Đạo. Vậy điều cần yếu là ta phải dùng tri kiến chân chánh và hành động chân chánh sao cho “Cái ý niệm Ta” và “của Ta” không thể nổi dậy, ngõ hầu không có sự sanh. Khi không có sự sanh nào cả thì không có khổ nào cả và đó là chân hạnh phúc như lời đức Phật đã thuyết.
Đọc qua đoạn văn ngắn này, chúng ta thấy Phật dạy điều kiện muốn được Niết Bàn phải có Chánh hạnh (sinh hoạt đúng với Bát Chánh Đạo). Khi nào có Chánh hạnh thì khi ấy có Niết Bàn. Khi nào không có Chánh hạnh thì không có Niết Bàn. Vậy muốn đạt được Niết Bàn phải có Chánh hạnh, tức là không còn khởi dậy cái ý niệm “Ta” và “của Ta”. Một giây phút nào cái “Ta” và “của Ta” không khởi dậy trong tâm thức thì phút giây đó ta có Niết Bàn (Niết Bàn trong thời gian ngắn là Niết Bàn nhân, sống với Niết Bàn vĩnh viễn là viên mãn Niết Bàn). Vậy muốn kéo thời gian Niết Bàn của ta dài hay ngắn đều từ tâm thức có khởi vọng tưởng chấp ngã hay không chấp ngã mà thôi. Nếu sống được một phút không vọng tưởng là một phút Niết Bàn, sống được hai phút là hai phút Niết Bàn, sống một giờ, một ngày là được một giờ, một ngày Niết Bàn cho đến nếu sống trọn vẹn là được Niết Bàn viên mãn.



Trong Đốn Ngộ Nhập Đạo Yếu Môn chép:
Có người hỏi:
- Làm sao được Đại Niết Bàn ?
Thiền Sư Huệ Hải đáp:
- Chẳng tạo nghiệp sanh tử.
Khi nào chẳng tạo nghiệp sanh tử tức là Niết Bàn, chứ không phải tìm Niết Bàn nơi nào khác và cũng không phải đợi thời gian nào mới đạt Niết Bàn. Vì vậy, đạt Niết Bàn sớm hay muộn, thời gian có Niết Bàn lâu hay mau đều tùy chúng ta cả.
Có một Cư sĩ đến hỏi Phật:
- Bạch đức Thế Tôn! Như Phật nói Niết Bàn hiện tại đến để mà thấy có thời gian chăng ?
Phật bảo:
- Như người ý vừa nghĩ “tham”, miệng nói lời tham, thân làm việc tham thì ngay đó ưu bi khổ não liền khởi.
- Như người ý vừa nghĩ “sân”, miệng nói lời sân, thân làm việc sân thì ưu bi khổ não ngay đó liền khởi.
- Như người ý vừa nghĩ “si”, miệng nói lời si, thân làm việc si thì ưu bi khổ não ngay đó liền khởi. Người nào nếu thân miệng ý dứt được tham, sân, si thì ưu bi khổ não không có. Chính ngay lúc đó là Niết Bàn hiện tại (Tương Ưng Bộ Kinh).



Hỏi:
- Khi đạt Niết Bàn rồi, còn có hay không còn có ?
- Vấn đề còn có hay không còn có đặt ra ở đây đã sai rồi. Để trả lời câu hỏi này, tôi xin dẫn lời hỏi của một vị Bà La Môn đến hỏi Phật (Tạp A Hàm): "Thưa Thế Tôn! Thế giới hữu biên, vô biên? Thế giới hữu thường, vô thường? Niết Bàn còn có hay không còn có?" ( Cả ba câu hỏi đức Phật đều im lặng không đáp. Tại sao Phật không đáp? Bởi người đời phần nhiều hễ nói không thì họ chấp hoàn toàn không, khi nói có thì chấp hoàn toàn có (chấp một chiều), vì vậy mà Phật không đáp. Nghĩa là nếu nói không thì họ chấp là không ngơ (ngoan không) như lông rùa, sừng thỏ; nói có thì chấp thường còn mãi mãi (vĩnh viễn không thay đổi), mà nghĩa có không ở đây “không cố định” không hẳn là có, không phải hoàn toàn không. Hơn nữa nghĩa Niết Bàn, nó ly khai nghĩa có và không. Tại sao? Vì nếu có thì phải có hình tướng chỗ nơi có thể chỉ được, nhưng Niết Bàn đâu có hình tướng và chỗ nơi. Nếu nói không, ai biết có chứng đắc Niết Bàn? Vì vậy không thể nói có hay không. Lấy một việc gần gũi làm thí dụ. Như khi ngồi thiền, tâm ta buông xả tất cả vọng niệm không còn một chút dấy động, tâm lặng lẽ thênh thang trùm khắp. Lúc bấy giờ, còn có gì hay không còn có gì? Nếu nói còn có gì tại sao không thấy tướng mạo? Nếu nói không còn gì thì cái gì tỉnh sáng biết là không? Vì nó không phải thật có và thật không nên nếu trả lời là “Có” là “Không” đều không đúng lẽ thật. Thế giới hữu thường vô thường, hữu biên vô biên cũng vậy, nó không phải thật có, thật không mà tùy duyên biến đổi. Vì thế nên Phật không trả lời.


Khi Phật còn tại thế có một vị Tỳ Kheo chứng A La Hán tịch, các Thầy Tỳ Kheo đến hỏi Phật: Thầy Tỳ Kheo tịch sanh về đâu ? ( Phật trả lời: “Như củi hết lửa tắt”. Nghĩa là còn duyên thì hiện, hết duyên thì ẩn, chớ không về đâu!
Nhân ngày kỵ Mã Tổ, Nam Tuyền hỏi chúng:
- Cúng trai Mã Tổ, vậy Mã Tổ có đến hay chăng ?
Cả chúng không đáp được. Động Sơn Lương Giới ra đáp: “Đợi có bạn liền đến”. Tức là đủ duyên liền đến.
Qua hai câu chuyện trên chúng ta hiểu nghĩa tùy duyên là như vậy.
Hỏi:
- Người đã trở về sống với Tự tánh Niết Bàn hằng ở trong thể tịch tịnh bất động hay còn gì nữa khác ?
- Thể của Tự tánh Niết Bàn tuy tịch mà thường chiếu, hằng vắng lặng mà vẫn chiếu soi. Vì thế chư Phật và các vị Bồ Tát khi thành đạo các Ngài có Tam thân (Pháp thân, Báo thân, Hóa thân), Tứ trí (Thành sở tác trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tánh trí, Đại viên cảnh trí), Ngũ nhãn (Nhục nhãn, Thiên nhãn, Huệ nhãn, Pháp nhãn, Phật nhãn). Lục thông (Thiên nhãn thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thần túc thông, Lậu tận thông). Vô số diệu dụng thần biến v.v... giáo hóa muôn loài. Tuy hiện muôn loài nhưng tánh thể bất động.



Thế nên cảnh giới Hoa Nghiêm đã diễn tả nào là mây ánh sáng, tàn lọng ánh sáng, cho đến đồ ăn, đồ mặc, núi sông v.v... hết thảy đều trở thành ánh sáng cả. Chúng ta lấy làm lạ không biết ý kinh muốn nói gì không thể hiểu nổi, chẳng ngờ chính là để nói diệu dụng bất tư nghì của đức Phật sau khi đã đạt Niết Bàn. Nghĩa là sau khi đạt đến Niết Bàn thì đâu đâu cũng là cảnh giới bất tư nghì, chớ không phải đạt đến đó rồi không còn gì hết. Đó là điều chúng ta chớ lầm lẫn.
(đăng trong Thiền Viện Thường Chiếu)

No comments: