Có lẽ các bạn cũng không sai, cho thì luôn mong muốn mình cho đúng chỗ, đúng người. Nhưng cuộc sống không phải luôn luôn đúng như mình mong muốn mà nếu chúng ta cứ nhìn đời sống bằng con mắt nghi ngờ, e rằng lòng nhân ái sẽ từ từ mất đi.
Cho, thì cũng phải biết quên.
Cho thì nên đặt niềm tin, phải có lòng tin. Nếu không tin, tốt nhất là không làm từ thiện. Để hạn chế "sai sót" trong lòng tin, trước khi cho cần có nhận định tốt - xấu, đúng - sai, và khi cho đi nên tin điều mình làm sẽ tạo ra thay đổi, có những thay đổi mà mình không lường trước được.
Nhưng làm từ thiện chính là làm cho mình. Cho mình sự thương yêu, lòng trắc ẩn. Và cả tính hào sảng. Họ dùng làm gì kệ họ, mình cứ tin là họ làm đúng, mình sẽ ăn ngon ngủ yên.
Lòng tin vô cùng cần thiết trong nhiều khía cạnh đời sống. Hôn nhân chẳng hạn, chọn vợ chọn chồng, cứ tìm hiểu rồi cưới. Cưới thì phải tin nhau như 2 trong 1 vậy. Chứ sao vợ chồng mà còn thậm thụt tiền bên ngoại tiền bên nội, quỹ đen quỹ đỏ, nhắn tin trong nhà tắm, rồi có người lén vợ hoặc chồng đi vắng thì mở tin nhắn ra coi, mở email ra đọc? Do không tin nhau mới làm vậy.
Nhiều người vợ không cho chồng đi nhậu, đi mát xa cũng lỗi tại chồng, đã làm gì để cô ấy không tin như vậy? Và các cô vợ cũng vậy, đã chấp nhận cho chồng ra ngoài làm ăn sao lại cứ kè kè theo giữ? Phải tin chồng mình chứ. Nếu cho rằng chồng không đủ bản lĩnh từ chối cám dỗ thì giữ cũng không để làm gì ngoài thất vọng mà thôi.
Mọi thứ trên Trái đất này, theo tôi, trừ 4 tài sản riêng có của mỗi người là nhân cách, trí tuệ, thể lực, vốn sống... mọi cái khác là vật ly thân, càng giữ càng mất, càng tin càng được.
Nhiều bạn khởi nghiệp nhưng không thành, vì thiếu mất sự hào sảng. Đã nhận nhân viên vô làm thì phải tin họ. Sau thời gian thấy họ thay đổi so với ban đầu thì có thể yêu cầu thôi việc. Đừng tò mò dòm ngó, lục lọi email giấy tờ, dòm ngó các quan hệ cá nhân... khiến nhân viên ức chế mà mình ức chế còn nặng hơn.
Đối tác làm ăn cũng vậy. Đã giao dịch thì phải tin. Kiểm tra đã đời đi, rồi ký hợp đồng. Ký rồi phải tin nhau, không tin không làm ăn được. Bên mua thì sợ bên bán không giao hàng, giao hàng sai. Bên bán thì sợ bên mua không thanh toán, thanh toán không đúng hạn... Cuối cùng giao dịch không diễn ra. Làm 10 lần có thể mất 1 lần, không sao cả, mình càng có kinh nghiệm, nhưng đừng để mình mất lòng tin với mọi đối tác. Đầu óc chúng ta nên giữ bình yên phóng khoáng mới làm được điều hay chứ không thể ngồi thấp thỏm lo âu chỉ cho một đơn hàng, một giao dịch kinh tế.
Mọi sự tan vỡ trong hôn nhân, trong tình bạn, trong làm ăn... đều bắt nguồn từ sự không tin nhau.
Sẽ có lúc phải trả giá cho lòng tin. Nhưng thà như thế còn hơn. Vì người có lòng nghi ngờ thì không có gì, kể cả sự trải nghiệm.
Tuổi trẻ có gì? Tiền bạc ít, tri thức thì đang lĩnh hội từ từ, trải nghiệm cũng ít, kinh nghiệm sống cũng ít, địa vị xã hội cũng chưa... chỉ có cái nhiệt tình tuổi trẻ. Vậy thì hãy nhiệt tình cống hiến, nếu bạn không muốn cống hiến, thì bạn còn lại gì để gọi là tuổi trẻ? Đã "cống" đã "hiến" thì cứ phải quên đi. Cống chút lương cho trẻ em vùng núi thì khó chịu, sợ tổ chức từ thiện nó ăn mất nên cuối cùng không gửi đồng nào. Hiến chút máu cho cộng đồng thì đòi "hạch toán chí phí, lãi lỗ thế nào, sao lấy máu của tôi cho tôi có hộp sữa cân đường mà lại bán máu cho bệnh nhân" trong khi họ không hề biết là chi phí xử lý 1 đơn vị máu tới hơn 1 triệu và giá bán ra quy định cho bệnh nhân là dưới 500.000 đồng, Nhà nước vẫn đang bù lỗ.
Muốn làm nên nghiệp lớn, cứ phải có lòng tin và sự hào sảng. Dù ai đó chê là ngu, chê dại, chê khờ, kệ họ.
Cái giá trị nhất của mỗi cá nhân, gia đình, công ty và lớn hơn nữa như dân tộc, quốc gia chính là lòng tin. Dù cứ phải trả giá cho vài giây phút dại khờ. Nhưng không sao cả.
Steve Job, thiên tài trong thế kỷ này, có nói: "Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ".
Dượng Tony
Theo TnBS