Wednesday, July 4, 2018

NGÀY ĐỘC LẬP Ở MỸ

Ngày 4/7/1776: Hoa Kỳ tuyên bố độc lập

Ngày 4/7/1776 tại thành phố Philadelphia, bang Pennsylvania, Quốc hội Lục địa thông qua bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố sự độc lập của Hoa Kỳ khỏi Anh Quốc và độc lập khỏi sự thống trị của nhà vua Anh. Tuyên bố này diễn ra 442 ngày sau những loạt súng đầu tiên của Cuộc Cách mạng Mỹ được bắn ở Lexington và Concord, bang Massachusetts và đánh dấu một sự mở rộng về mặt ý thức hệ mà cuối cùng đã khích lệ người Pháp đứng về phía những người yêu nước Mỹ chống lại đội quân của vua Anh.

Bức tranh tường tại Bảo tàng Tự do (Mỹ), mô tả một chiến sĩ lực lượng quân lục địa

Sự phản đối lớn đầu tiên của Mỹ đối với chính sách của Anh xuất hiện vào năm 1765 sau khi Nghị viện Anh thông đạo luật tem phiếu (Stamp Act), một biện pháp đánh thuế để tăng nguồn thu cho quân đội Anh đang hiện diện tại Mỹ. Với khẩu hiệu “không đóng thuế nếu không có đại diện (trong Quốc hội Anh)”, những người thuộc địa đã họp Đại hội Stamp Act vào tháng 10 năm 1765 để lên tiếng phản đối việc đánh thuế này. Với việc ban hành luật này vào tháng 11, hầu hết những người thuộc địa đã kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Anh, và một số còn tổ chức các cuộc tấn công vào những sở hải quan và nhà của những người thu thuế. Sau nhiều tháng phản đối ở những thuộc địa này, Nghị viện Anh đã phải bỏ phiếu để hủy bỏ luật Stamp Act vào tháng 3 năm 1766.

Hầu hết những người thuộc địa vẫn tiếp tục lặng lẽ chấp nhận sự cai trị của Anh cho đến khi Nghị viện Anh ban hành luật Tea Act (Luật Trà) năm 1773 nhằm cứu Công ty East India (Đông Ấn) đang chao đảo bằng cách giảm mạnh thuế đánh vào trà của công ty này và cho công ty độc quyền trong việc buôn bán trà với Mỹ. Mức thuế thấp này đã cho phép Công ty East India bán rẻ hơn cả trà được buôn lậu vào Mỹ bởi những thương gia Hà Lan, và nhiều người thuộc địa đã coi hành động này như một ví dụ nữa của sự bạo ngược về thuế. Đáp lại, những người yêu nước có vũ trang ở Massachusetts đã tổ chức “Đảng Trà Boston” chỉ đạo việc đổ bỏ khối lượng trà Anh có giá trị khoảng 18.000 bảng ra Vịnh Boston.


Nghị viện Anh, tức giận với Đảng Trà Boston và những hành động phá hoại tài sản của Anh trắng trợn khác, đã ban hành luật Coercive Acts (Luật Cưỡng chế), còn được gọi là luật Intolerable Acts (Luật Không thể dung thứ), vào năm 1774. Luật Cưỡng chế đã đóng cảng Boston không cho vận chuyển thương mại, thiết lập sự cai trị bằng quân sự của Anh một cách chính thức ở bang Massachusetts, trao cho các quan chức Anh đặc quyền miễn truy tố hình sự ở Mỹ, và yêu cầu những người thuộc địa cho binh lính Anh đóng quân. Những người thuộc địa sau đó đã kêu gọi đệ nhất Quốc hội Lục địa cân nhắc đồng nhất phản kháng lại người Anh.

Với những thuộc địa khác đang chăm chú theo dõi, Massachusetts đã đi đầu trong việc chống đối người Anh, thành lập một chính phủ cách mạng đối lập và các nhóm dân quân để chống lại sự hiện diện ngày một tăng của quân đội Anh ở trên khắp thuộc địa này. Vào tháng 4 năm 1775, Thomas Gage, Thống đốc người Anh của bang Massachusetts, đã ra lệnh cho quân lính Anh tiến vào Concord, nơi được biết là có một kho vũ khí của quân phản kháng. Vào ngày 19 tháng 4 năm 1775, quân lính chính quy của Anh đã chạm trán với một nhóm dân quân Mỹ ở Lexington, và những phát súng đầu tiên của Cuộc Cách mạng Hoa Kỳ đã nổ.

Đầu tiên, cả người Mỹ và người Anh đều coi cuộc xung đột này như một kiểu nội chiến trong phạm vi Đế chế Anh: Đối với Vua George Đệ Tam đó là một sự nổi dậy của thuộc địa, và đối với người Mỹ đó là một cuộc đấu tranh vì các quyền của họ với tư cách là những công dân nước Anh. Tuy nhiên, Nghị viện Anh vẫn không sẵn lòng đàm phán với những người Mỹ nổi dậy và thay vào đó đã mang lính đánh thuê người Đức để giúp quân đội Anh đập tan cuộc nổi dậy này. Đáp lại việc Anh Quốc không chịu nhượng bộ, Quốc hội Lục địa bắt đầu thông qua các biện pháp bãi bỏ quyền lực của của người Anh ở những thuộc địa này.


Vào tháng 1 năm 1776, Thomas Paine công bố quyển sách “Lẽ thường” (Common Sense), một cuốn sách nhỏ về chính trị có tầm ảnh hưởng lớn với lập luận thuyết phục cho sự độc lập của Mỹ và đã bán được hơn 500.000 bản trong một vài tháng xuất bản. Vào mùa xuân năm 1776, làn sóng ủng hộ độc lập hoàn toàn khỏi Anh đã quét qua những thuộc địa này. Quốc hội Lục địa đã kêu gọi các bang thành lập chính phủ của riêng mình, và một ủy ban bao gồm 5 người đã được giao việc soạn thảo một bản tuyên bố ly khai.

Bản Tuyên ngôn Độc lập chủ yếu là sản phẩm của ông Thomas Jefferson từ bang Virginia. Để biện hộ cho sự độc lập của Mỹ, Jefferson đã trích dẫn nhiều từ triết lý chính trị của John Locke, một người ủng hộ các quyền tự nhiên, và từ tác phẩm của những các nhà lý luận người Anh khác nữa. Đoạn đầu tiên là những dòng nổi tiếng sau:

“Chúng tôi khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc”.

Phần thứ hai trình bày danh sách dài các tội trạng của vua nước Anh làm nguyên do cho sự nổi dậy.

John Adams và Thomas Jeffersons ký tên vào bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776 (Ảnh: military.com)
Vào ngày 2 tháng 7 năm 1776, Quốc hội Lục địa đã bỏ phiếu phê chuẩn dự luật của bang Virginia kêu gọi tách khỏi Anh. Những lời đầy kịch tính của bản nghị quyết này đã được thêm vào cuối của Bản Tuyên ngôn Độc lập. Hai ngày sau, vào ngày 4 tháng 7, bản tuyên ngôn này đã được chính thức thông qua bởi 12 thuộc địa sau một sự chỉnh sửa nhỏ. Bang New York (thuộc địa thứ 13) phê chuẩn bản tuyên ngôn này vào ngày 19 tháng 7. Vào ngày 2 tháng 8, bản tuyên ngôn đã được ký kết.

Sau đó, cuộc Chiến tranh giành Độc lập của Mỹ đã diễn ra thêm 5 năm nữa mới kết thúc. Trong 5 năm chinh chiến này, nước Mỹ non trẻ chứng kiến chiến thắng của những người yêu nước ở Saratoga, mùa đông băng giá ở Thung lũng Forge, sự can thiệp của người Pháp, và chiến thắng cuối cùng ở Yorktown năm 1781. Vào năm 1783, Anh chấp nhận ký hiệp ước tại Paris và Hoa Kỳ chính thức trở thành một quốc gia tự do và độc lập.

Theo history.com
Nhật Minh dịch

Link tiếng Anh:

https://www.history.com/this-day-in-history/u-s-declares-independence


No comments: