(Hình minh họa: Qua rimedia.org)
Kỳ thực, văn hóa của một người là đến từ sự tu dưỡng nội tâm, đến từ sự nâng cao tâm tính của người ấy. Cho nên, nếu chỉ có học vấn cao mà khuyết thiếu sự tu dưỡng nội tâm thì đó không nhất định đã là người thực sự có văn hóa.
Một người, nếu có thể đặt tâm tu dưỡng, có thể tự giác ngay cả khi không có người nhắc nhở, có thể ước thúc (tự ràng buộc được sự tự do của bản thân), lương thiện suy nghĩ cho người khác thì mới thực sự là người có văn hóa.
1. Tự điều chỉnh bản thân, không làm ảnh hưởng đến người khác
Nói đến tu dưỡng, văn hóa, nhiều người sẽ cảm giác rằng nó cao xa, được thể hiện ở những nơi trang trọng. Nhưng kỳ thực, ngay trên đường phố, trên phương tiện giao thông công cộng, hay nơi công viên… cũng có thể nhìn rõ tố chất của một người là cao hay thấp.
Nói chuyện, nghe ca nhạc, ăn uống thứ gì … đều là điều thuộc về sự tự do của mỗi người. Nhưng nếu sự tự do đó của một người làm ảnh hưởng đến người khác thì đó chính là đã vượt ra khỏi ranh giới của bản thân người ấy rồi. Điều đó cũng cho thấy, người ấy là thiếu ý thức, thiếu văn hóa.
Ở trong phạm vi nhỏ như gia đình, hay lớn như những nơi công cộng, người có văn hóa sẽ nói chuyện nhỏ nhẹ. Họ lấy việc “không làm ảnh hưởng đến người khác” làm tiêu chuẩn hàng đầu. Người như vậy, họ luôn biết rõ chuyện gì là riêng tư không thể động đến. Bởi vì biết tự do cá nhân nên họ cũng sẽ không bàn tán thị phi, xen vào cuộc sống riêng tư của người khác. Họ tôn trọng người khác, không làm ảnh hưởng đến người khác nên người khác cũng bởi vậy mà tin tưởng và tôn trọng họ.
2. Tu dưỡng trong tâm
Người như thế nào được gọi là người có tu dưỡng? Kỳ thực, một người có tâm bình khí hòa, ôn hòa nhã nhặn, hành vi và việc làm của họ đều được cân nhắc kỹ càng, thích hợp và thỏa đáng, lễ phép với người khác thì chính là người có tu dưỡng.
Thời cổ đại, từ bậc hiền nhân đến người nông phu đều ca ngợi người quân tử. Họ ví người quân tử giống như ngọc. Họ cho rằng, đức hạnh của người quân tử sáng và cao quý như ngọc thạch. Ngọc cần mài giũa mới có thể sáng, con người cần tu dưỡng mới có đức hạnh cao quý.
Thời cổ đại, cổ nhân cho rằng điều quan trọng nhất của học tập là để tu thân. Bởi vì chỉ có tu thân tốt rồi mới có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Tu dưỡng là sự lắng đọng của tâm linh trong cuộc sống thế gian, cũng là thành quả tinh thần của việc tu luyện. Chỉ có xem nhẹ được mất trong mọi việc mới có thể tự giới bạn được bản thân, mới có thể trở thành một người tu dưỡng.
3. Tính tự giác
Việc kiên nhẫn và tự nguyện xếp hàng của bất kỳ người Nhật Bản nào gắn liền với ý thức về tính kỷ luật và tôn trọng cộng đồng. (Ảnh qua japan.info.vn)
Một người có văn hóa ắt phải là người biết tự giác và nó được thể hiện ra ngay trong cuộc sống hàng ngày. Ví như, khi lên xe họ sẽ tự giác xếp hàng, khi mua cơm cũng không chen lấn, thấy người khác vội sẽ nhường đường…
Khổng Tử từng giảng: “Kỷ sở bất dục, vật thi vu nhân”, ý tứ chính là những điều mà mình không muốn thì đừng làm cho người. Một người có thái độ tự giác thì sẽ không cần người khác phải nhắc nhở. Người ấy sẽ biết suy nghĩ cho người khác, đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà cân nhắc có nên làm hay không. Từ đó, người ấy có thể đưa ra những quyết định và việc làm đúng đắn.
Đối với xã hội, người ấy cũng lại tự giác thực hiện các lễ quy, phép tắc mà không cần người khác lên tiếng. Người có thể quan tâm, biết suy nghĩ cho người khác thì đa phần, thái độ và sự lễ phép của họ cũng đã rất cao rồi.
4. Lương thiện, suy nghĩ cho người khác
(Hình minh họa: Qua kknews.cc)
Thiện lương là một loại năng lượng phát ra từ trong tâm của một người. Nó có thể cảm hóa lòng người, biết nguy thành an, biến “chiến tranh thành tơ lụa”. Người có tấm lòng lương thiện sẽ không khiến người khác rơi vào tình thế nguy nan, trừng trị kẻ ác, giúp đỡ người yếu, giúp người khác trong lúc hoạn nạn.
Người thiện lương luôn biết suy nghĩ đến cảm nhận của người khác, luôn mang đến cho người khác sự tín nhiệm và quan tâm. Thiện là một loại tình cảm mềm dẻo nhất trong nhân tính nhưng cũng lại có sức mạnh nhất. Bất luận là gian nan khó khăn đến mức nào, con người cũng nên kiên trì giữ vững thiện lương. Bất luận là ở trong tình cảnh cô độc đến mức nào, con người cũng nên thủ vững nhân cách cao thượng.
Ngày hôm nay, trong tâm chúng ta gieo xuống một hạt giống thiện lương, có một ngày nhất định sẽ đơm hoa kết trái thiện lành. Người có thiện niệm, ắt sẽ được trời xanh phù hộ, che chở. Đó cũng là đạo lý “thiện ác có báo” mà cổ nhân thường giảng.
Đời người chỉ có trải qua mới có thể hiểu được và chỉ có hiểu được mới biết trân quý. Nếu trong cuộc đời này, ai có thể xem nhẹ hết thảy, coi mọi được mất trong đời chỉ là mây khói thoảng qua, thì người ấy chính là đã có thêm một phần bình an, thêm một phần hạnh phúc và cũng thực sự sống được tự do tự tại.
An Hòa (dịch và t/h)