Thursday, August 2, 2018

ĐIỂM KHÁC BIỆT LỚN NHẤT GIỮA NGƯỜI QUÂN TỬ VÀ KẺ TIỂU NHÂN LÀ GÌ?

Người xưa có câu: “Gần son thì đỏ, gần mực thì đen”, nên họ rất coi trọng việc nhìn người để kết giao. Vô luận là kết giao bạn bè, tìm kiếm bạn đời, hay tìm kiếm bạn hàng, đối tác làm ăn… thì người đó đều có ảnh hưởng đến cả đời bạn.

(Hình minh họa: Qua xwtoutiao.cn)

Thời cổ đại, người quân tử luôn là hình mẫu để mọi người tu dưỡng, hướng đến, còn kẻ tiểu nhân lại là người mà cổ nhân khuyên nên tránh xa. Vậy trong cuộc sống, làm sao để nhận ra người quân tử và kẻ tiểu nhân để kết giao và giữ khoảng cách? Hãy cùng xem một số cách phân biệt người quân tử và kẻ tiểu nhân của cổ nhân dưới đây:

Đức hạnh của quân tử và tiểu nhân

Khổng Tử đã từng giảng: “Cỏ chi và cỏ lan dù mọc trong rừng sâu nhưng vẫn tỏa hương thơm ngát ngay cả khi không có ai xung quanh thưởng thức. Tương tự như vậy, người quân tử có nhân cách cao quý sẽ không để cảnh nghèo làm nhụt chí tu đạo lập đức của mình.” Đức hạnh chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân.

Người quân tử luôn hiểu rõ chân lý nhân sinh. Vô luận là ở vào hoàn cảnh nào họ cũng luôn tôn trọng các chuẩn mực đạo đức trong việc làm và tự kiểm soát bản thân bằng cách tuân theo những lời dạy của các bậc thánh hiền.

Bất cứ nơi nào họ đến, họ đều lan tỏa lòng tốt và sự ảnh hưởng đến những người mà họ tiếp xúc, để người ta tôn thờ đạo đức và công lý. Hiệu quả và sự ảnh hưởng của những lời dạy ấy đã khắc họa rõ phẩm chất đạo đức của họ. Còn kẻ tiểu nhân thì hoàn toàn ngược lại, chỉ cần điều gì có lợi cho bản thân thì những tiêu chuẩn về đạo đức họ đều xếp ở vị trí thứ yếu.

Ngôn hành của người quân tử và tiểu nhân

(Hihnhf minh họa: Qua jianshu.com)

Một lần, học trò của Khổng Tử là Nhan Hồi hỏi: “Thưa thầy! Lời nói của phường tiểu nhân thường có những điểm gì chung? Là người quân tử không thể không hiểu cho rõ cho được ạ!”

Khổng Tử đáp: “Người quân tử nói bằng hành động, lời nói đi đôi với việc làm. Trong tất cả lời nói và việc làm, họ đều thực hiện theo những chuẩn mực mà bậc thánh nhân đã dạy.

Kẻ tiểu nhân chỉ giỏi nói miệng mà thôi. Kẻ ấy chỉ giỏi yêu cầu và chỉ trích của người khác, trong khi lại chẳng làm gì cả.

Người quân tử đối nhân xử thế bằng sự chân thành. Khi nhìn thấy bạn bè của mình vi phạm đạo đức, người đó sẽ cảnh báo những hậu quả mà bạn mình phải gánh chịu và khuyên bạn hành động theo lương tâm. Lời nói của họ là phát xuất từ trong tâm bởi vì họ thực sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác. Kết quả là tình bạn sẽ ngày càng sâu sắc hơn.

Còn kẻ tiểu nhân thì lại thường kết thành bè đảng để gây rối. Thoạt nhìn bề ngoài thì họ như là một thể thống nhất nhưng kỳ thực họ lại không ngừng đổ lỗi và đâm sau lưng nhau.”


Khổng Tử còn giảng: “Người quân tử nghĩ về đức hạnh, kẻ tiểu nhân truy cầu hưởng thụ. Người quân tử nghĩ về đạo lý, kẻ tiểu nhân truy cầu những đặc ân mà hắn có thể kiếm được.”

Từ lời giảng của Khổng Tử có thể thấy rõ những điểm khác nhau trong tâm của hai kiểu người này. Người quân tử không xuôi theo dòng nước, huống hồ là thông đồng với kẻ khác. Tất cả những gì họ nghĩ đến là làm thế nào để thực hành đạo nghĩa. Còn kẻ tiểu nhân thì lúc nào cũng chỉ lo nghĩ cho bản thân. Người quân tử tôn trọng phép tắc và quy củ. Kẻ tiểu nhân luôn đặt lợi ích cá nhân lên trên hết thảy mọi thứ, và tâm kẻ ấy chứa đầy những món lợi nhỏ nhen.

Lời nói và hành động của một người đều dựa trên những suy nghĩ của người đó. Một người quân tử luôn nuôi dưỡng những suy nghĩ tốt đẹp và lẽ phải. Lời nói và hành vi của người đó là kết tinh của tình thương, lòng tốt và sự vị tha. Ở những nơi nào người quân tử đến, những suy nghĩ tinh khiết, tốt đẹp của họ sẽ lan tỏa ra những người xung quanh, thức tỉnh lương tâm của mọi người, gieo những hạt giống của sự chính trực và lòng nhân ái.

Người quân tử tự xét lại mình, kẻ tiểu nhân luôn đổ lỗi cho người

(Hình minh họa: Qua backchina.com)

Tại thời điểm hai người có phát sinh mâu thuẫn, thì việc chỉ trích khuyết điểm và mâu thuẫn của người khác hay là tự nhìn nhận lại bản thân mình xem có thiếu sót gì không lại có thể nhìn ra cảnh giới tu dưỡng của một người.

Tục ngữ có câu: “Một cây làm chẳng nên non”, cho nên trong cuộc sống bất luận là mâu thuẫn nào giữa hai người thì cũng không thể chỉ do một bên có cảnh giới tu dưỡng không cao tạo thành. Kỳ thực, hai bên có liên quan đều cần phải xem xét lại bản thân mình. Bởi vì khi đối mặt với tranh chấp, mâu thuẫn, lựa chọn cách tự trách mình hay trách người thì sẽ lập tức quyết định kết quả cuối cùng của chuyện này.

Trong “Luận Ngữ” của Khổng Tử có nhiều chỗ viết về vấn đề trách mình và trách người. Ông giảng: “Quân tử cầu chư kỷ, tiểu nhân cầu chư nhân”, tức người quân tử trách mình, tiểu nhân trách người. “Cung tự hậu nhi bạc trách vu nhân, tắc viễn oán hĩ”, tức người tự mình nhận lấy nhiều mà ít trách người, thì sẽ tránh xa được điều oán hận.

Khổng Tử cho rằng, người mà nghiêm khắc với bản thân và khoan dung độ lượng với người khác thì mới có thể tránh xa được oán hận cùng thị phi. Sự khác biệt giữ bậc thánh hiền và người thường khác chính là ở chỗ trách mình hay trách người. Họ luôn dùng lòng khoan dung độ lượng mà tha thứ lỗi lầm của người khác.

Khi phát sinh mâu thuẫn trong mối quan hệ nhỏ giữa người với người, và mối quan hệ lớn hơn là giữa các quần thần, quốc gia, nếu như hai bên đều tự nhìn lại mình thì bất luận là mâu thuẫn nào đi nữa cũng không khó giải quyết. Còn nếu như chỉ trách cứ đối phương, không soi xét lại bản thân mình thì sẽ càng ly gián, oán hận càng tích càng sâu, thậm chí mâu thuẫn trở nên kịch liệt và phá tan mối quan hệ giữa đôi bên.

Một người nếu như có thể thường xuyên kiểm tra lại bản thân, vì người khác mà suy nghĩ nhiều hơn một chút thì sẽ tránh cho rất nhiều những cuộc tranh cãi và mâu thuẫn trở nên gay gắt, như thế tâm thái của người ấy có thể bình thản và tường hòa hơn. Người ấy có thể vì người khác, vì quần thể, vì xã hội mà tạo ra được một hoàn cảnh sống hòa thuận và hạnh phúc.

Bởi vậy có thể thấy được rằng, một mực oán hận người khác, chỉ trích người khác thì chính là đang che giấu và phóng túng cho sai lầm của mình, trốn tránh trách nhiệm của mình. Như vậy chỉ khiến cho mâu thuẫn giữa người với người lớn hơn, sâu hơn và ngăn cách hơn.

Khi giữa người với người phát sinh mâu thuẫn, xung đột, chỉ có tự xét lại, áy náy và tự trách mình mới có thể hóa giải được mâu thuẫn, biến mâu thuẫn thành tường hòa, biến “chiến tranh thành tơ lụa”. Vì vậy trách người không bằng trách mình! Đây là cảnh giới cao của người quân tử mà kẻ tiểu nhân không thể làm được.

Người quân tử xưa nay đều tự xét lại bản thân mình, kẻ tiểu nhân không nhìn lại bản thân mình mà thường xuyên oán trời trách đất, trách người, trong lòng tràn đầy bực tức. Một chính nhân quân tử, thường xuyên tìm những thiếu sót ở bản thân mình mà không trách cứ người, khi đó người ấy dù không tu đạo nhưng đã ở trong đạo rồi.

An Hòa (dịch và t/h)

No comments: