Sunday, November 25, 2018

CÁI CHẾT CỦA MỘT CẢNG BIỂN LIÊN XÔ

Từng là thị trấn đánh cá sôi động bên Biển Aral, nay Moynaq của Uzbekistan như hoang mạc chết chóc sau thảm họa môi trường thời Xô-viết.


Xác thuyền mục nát

Ở miền bắc Cộng hoà Tự trị Karakalpakstan tại Uzbekistan, có một khung cảnh quái đản. Trên một vùng hoang mạc rộng lớn là những chiếc tàu cá nằm trơ xác giữa cát bỏng. Nơi đây cách vùng biển gần nhất đến 100km.


Thị trấn ma

Moynaq từng là một trong những thị trấn đánh cá sôi động ở bờ nam Biển Aral. Nhưng nay, nước biển đã rút ra xa, và tất cả những gì còn lại chỉ là một thị trấn ma cách biệt hẳn khỏi phần còn lại của thế giới.


Thu hẹp nguồn sống

Biển Aral có thời từng là một trong những hồ muối lớn thứ tư trên thế giới, với diện tích khoảng 68.000km2, trải dài từ Kazakhstan ở phía bắc cho đến Uzbekistan ở phía nam. Vào thập niên 1960, giới lãnh đạo Liên Xô đã cho nắn dòng hai con sông lớn, vốn là nguồn đổ nước vào vùng biển này, để phát triển ngành trồng bông trong khu vực. Kể từ đó, nước bắt đầu cạn dần.

Tỷ lệ mặn trong nước tăng cao chóng mặt, tiêu diệt hầu hết cá và sinh vật sống trong hồ. Suốt 50 năm sau đó, thảm hoạ môi trường khủng khiếp này khiến vùng Biển Aral một thời rực rỡ trở nên cạn đáy, bị thu nhỏ lại chỉ còn 10% so với kích cỡ ban đầu.


Đợi biển

Ban đầu, những ngư dân ở Moynaq đi theo dòng nước và tin rằng mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường. Nhưng nhiều năm trôi qua, người ta ngày càng hiểu rõ hơn là nước sẽ không thể trở lại.

Chỉ còn 18.000 cư dân còn sinh sống trong vùng hoang mạc Moynaq; ước tính hơn 100.000 người đã rời khỏi đây. Rất nhiều người trong số họ đến Nga hoặc Kazakhstan để tìm việc mưu sinh.


Mirbek, 24 tuổi, nói: "Ở đây chẳng có việc gì để làm hết. Nếu bạn còn trẻ, bạn phải ra đi. Thật nực cười, hầu hết mọi người vẫn sống ở đây làm việc vất vả và nhận lương thấp trong ngành bông, và đó chính là ngành công nghiệp đã gây ra thảm kịch của chúng tôi."


Thị trấn trống vắng

Ngày nay, thị trấn Moynaq có dân cư chủ yếu làm nghề chăn gia súc, công nhân sản xuất bông và người già chăm sóc cháu khi cha mẹ các bé rời khỏi thị trấn đi tìm việc làm.



Hậu quả dài lâu

Những người còn ở lại đây gặp phải hàng loạt nguy cơ sức khoẻ. Các chất độc từ thuốc trừ sâu và phân bón được dùng trong ngành trồng bông làm ô nhiễm nghiêm trọng vùng đáy biển khô cạn, gây ra các bệnh mãn tính như ung thư, dị tật bẩm sinh và rối loạn hô hấp và miễn dịch. Tỷ lệ ung thư thực quản trong khu vực này cao gấp 25 lần so với tỷ lệ trung bình trên thế giới.


Vùng đất khắc nghiệt

Thời tiết cũng thay đổi trong vài thập niên vừa qua. Trước khi nước bắt đầu rút cạn, biển điều hoà thời tiết trong khu vực, giúp giảm nhiệt độ cao và làm giảm độ khắc nghiệt của gió từ Siberia. Dân cư ở Moynaq giờ đây phải hứng chịu mùa hè cực nóng (đến 50 độ C) và mùa đông cực kỳ lạnh (lạnh đến -40 độ C).


Tương lai trù phú hơn

Mặc dùng cuộc sống ở Monynaq đã biến đổi đến mức không thể trở lại như xưa nữa, nhưng giờ đây đã có một vài tia hi vọng phía chân trời.

Năm 2003, Kazakhstan, với sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, bắt đầu dự án phục hồi Biển Bắc Aral để đưa nước lại phần phía bắc của hồ. Ngày nay, người ta đã có thể đánh cá trở lại, dù với quy mô nhỏ hơn trước - và bắt đầu có những sự sống mới ở bờ biển.

Hi vọng một ngày nào đó, sáng kiến này cũng sẽ được áp dụng ở Uzbekistan, và những chiếc tàu cá sẽ lại có thể lượn qua lại quanh thị trấn Moynaq.

Pascal Mannaerts
BBC Travel
Link tiếng Anh: