Tuesday, November 13, 2018

THIẾU NƯỚC KHÓ MÒN

Với một phong cách rất đơn giản, BS Hoàng hôm nay sẽ cho chúng ta chút khái niệm về cách đề phòng và hiểu biết về các cách trị liệu về sạn thận.


THIẾU NƯỚC KHÓ MÒN

Không ai vui gì khi biết mình đang mang ít viên sỏi trong đường tiết niệu! Cũng khó mà hăng hái đến thầy thuốc để mổ sỏi dù là thao tác ngoại khoa ngày nay hầu như ăn chắc, dù là nhiều khi không cần động dao động kéo vì có thể tán sỏi từ bên ngoài cơ thể bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại tùy theo kích thước, vị trí của viên sỏi. Nhiều bệnh nhân vì thế thường chọn một trong hai thái độ:
– Hoặc làm lì chịu trận. Kiểu này sớm muộn cũng thua vì viên sỏi một khi đã thành hình dễ gì chịu dậm chân tại chỗ cho vui lòng gia chủ!
– Hoặc tìm thuốc uống cho tan sỏi. Cách này không hẳn là sai nếu như gia chủ để ý một số điểm như sau:
1. Theo kết quả của nhiều công trình nghiên cứu, chất đạm lecithin trong đậu nành có khả năng phá vở cấu trúc của sỏi để viên sỏi thành sạn cát rồi theo dòng nước tiểu trở về với thiên nhiên. Người mang sỏi thận, đối tượng có cơ tạng dễ bị sỏi thận vì thế nên có chế độ dinh dưỡng ít nhiều theo kiểu “ăn chay” với đậu hủ, sữa đậu nành không đường… Không cần mỗi ngày nhưng nếu được từng đợt nhiều ngày trong tháng càng hay.


2. Đúng là có một số cây thuốc với công năng tán sỏi. Một thí dụ điển hình là Kim Tiền Thảo. Thầy thuốc nào trong ngành y học cổ truyền đều rõ về tác dụng tán sỏi của Kim Tiền Thảo. Tuy nhiên, theo công trình khảo sát thống kê đã được tiến hành ở TP HCM vào năm 2005, Kim Tiền Thảo không có tác dụng rõ ràng với sỏi đường tiết niệu có cấu trúc oxalat canxi. Trái lại, dược thảo này có hiệu quả thấy rõ với sỏi có cấu trúc urate. Như thế người bệnh cần được chẩn đoán xem vướng loại sỏi nào trước khi quyết định dùng Kim Tiền Thảo. Đó là lý do tại sao có người khen hết lời nhưng cũng không thiếu người thất vọng với Kim Tiền Thảo. Thuốc tốt mà sai chỉ định cũng như không, thậm chí nhiều khi có hại là khác nếu bệnh nhân nhắm mắt nuốt thuốc năm này qua tháng khác!
3. Thêm vào đó, tác dụng của Kim Tiền Thảo không dựa vào cơ chế lợi tiểu. Người dùng thuốc vì thế nên kết hợp với một vài dược thảo có công năng lợi tiểu nhẹ, như Râu Mèo, Atixô… để gia tăng tiến độ đào thải acid uric qua đường tiểu.


4. Dùng thuốc nào cũng thế, điểm quan trọng là người bệnh cần được theo dõi định kỳ để xác minh thay đổi về kích thước, vị trí của viên sỏi cũng như để đánh giá ảnh hưởng trên chức năng thận. Chữa sỏi thận mà không so sánh trước sau thà uống nước lã còn hơn.
5. Sau hết nhưng quan trọng hơn hết là việc uống nước cho đủ, nhất là trong giờ làm việc và thói quen đi tiểu ngay mỗi khi mắc tiểu. Uống thuốc tan sỏi mà thiếu nước thì chỉ giúp cho sỏi đóng cứng đâu đó dọc đường tiết niệu. Thiếu nước lấy gì rửa cho sạch đường dẫn tiểu? Dễ hiểu như thế nhưng số người nhớ uống nước để tiếp sức cho thuốc, tiếc thay, vẫn là thiểu số!


Muốn đá mòn mà không dũa tối thiểu bằng dòng nước chảy xiết thì quả thật khó hơn tìm mặt trăng giữa ban ngày. Chữa sỏi thận xem vậy cũng không quá khó. Nhiêu khê hơn nhiều là làm sao để đừng lãnh viên sỏi mới, hay khéo hơn nữa, làm sao đừng mang sỏi làm chi trong người. Chữa kiểu nào cũng thế, nếu không thay đổi được một số thói quen “sai” trong chế độ dinh dưỡng, trong nếp sinh hoạt thì thầy thuốc cũng đành bó tay!
Bác Sĩ Lương Lễ Hoàng

No comments: