Lĩnh Nam Chích Quái bình giải:
TRUYỆN MAN NƯƠNG
Thời Hiến Đế nhà Hán, quan thái thú là Sĩ Nhiếp đóng đô thành ở bờ phía nam sông Bình Giang (nay là sông Thiên Đức). Phía Nam thành đó có chùa thờ Phật là chùa Phúc Nghiêm, có vị sư từ phương Tây tới, hiệu là Già La Đồ Lê trụ trì ở đấy, có phép đứng một chân, mọi người đều kính phục gọi là tôn sư, kéo nhau tới học đạo.
Hồi ấy có người con gái tên là Man Nương, cha mẹ đều đã mất, nghèo khổ vô cùng, cũng tới đó dốc lòng theo học Phật. Vì có tật nói lắp, không thể cùng chúng tụng kinh, thường ở dưới bếp, vo gạo, nhặt rau, nấu nướng cho các vị tăng trong chùa và khách tứ phương.
Giữa tháng năm, đêm ngắn, Man Nương nấu cháo đã chín mà tăng chúng tụng kinh chưa xong, chưa tới ăn cháo được. Man Nương ngồi đợi bên cửa bếp, không ngờ ngủ quên đi mất. Tăng chúng tụng kinh xong đều về phòng riêng. Man Nương ngủ ở giữa cửa bếp, sư Già Lê bước qua mình Man Nương. Man Nương tự nhiên động thai. Có thai được ba bốn tháng, Man Nương xấu hổ bỏ về. Sư Già Lê cũng thẹn mà bỏ đi. Man Nương về tới một ngôi chùa ở ngã ba sông thì ở lại đó. Đầy tháng sinh ra một đứa con gái, tìm sư Già Lê mà trả. Đêm đến, bế đứa bé gái ấy tới gốc cây bên ngã ba đường nói: “Ta gửi con Phật, mi giữ lấy sẽ thành Phật đạo”. Sư Già Lê và Man Nương từ giã nhau ra về, Già Lê cho Man Nương một cây trượng và bảo: “Ta cho nàng vật này. Nàng về nhà, nếu gặp năm hạn hán thì lấy trượng cắm xuống đất, lấy nước cứu sinh dân”. Man Nương cung kính bái lĩnh, về ở trong chùa. Gặp năm đại hạn, nàng lấy trượng cắm xuống đất, tự nhiên nước cuồn cuộn chảy ra, dân được vì thế được nhờ.
Khi Man Nương ngoài tám mươi tuổi, gặp lúc cây ấy bị đổ, trôi dạt đến bến sông trước cửa chùa, quanh quẩn ở đấy mà không trôi đi. Dân thấy thế, định bổ làm củi nhưng rìu nào cũng đều bị gãy, bèn cho hơn ba trăm người trong làng ra kéo cây gỗ lên mà không chuyển. Gặp lúc Man Nương xuống bến rửa tay, thử kéo chơi thì cây chuyển động. Mọi người đều kinh ngạc, bảo nhờ Man Nương kéo lên bờ, sai thợ tạc bốn pho tượng Phật. Khi xẻ cây gỗ đến chỗ đặt đứa bé gái thì thấy đã hóa thành một tảng đá rất cứng rắn, rìu đều bị mẻ cả. Họ liền vất tảng đá xuống vực sông, một tia sáng chói lên, hồi lâu đá mới chìm xuống nước. Bọn thợ đều chết cả. Dân bèn mời Man Nương đến bái lễ, nhờ dân chài lặn xuống nước vớt lên, rước vào trong chùa, thếp vàng cúng bái. Sư Già Lê đặt hiệu cho bốn tượng Phật là: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện (1). Thiện nam tín nữ ở khắp nơi đều thường tụ họp về chùa vui chơi ca múa, người đời gọi là hội Tắm Phật, ngày nay vẫn còn.
Chú thích:
1) Bản VHV 1473 chép thêm rằng: “Gọi Man Nương là Phật mẫu. Ngày mồng 8 tháng 4, Man Nương không bệnh mà chết, chôn ở trong chùa. Người đời lấy ngày này làm ngày lễ Phật đản.
(Nguyễn Hữu Vinh dịch)
Bình:
• Truyện này nói về việc phối hợp giữa văn hóa Việt thời cổ đại và văn hóa Phật giáo. Văn hóa Phật giáo biểu tượng bằng sư Già La Đồ Lê với cái tên rất ngoại quốc (Có bản nói là sư Khâu Đà La. Dù là tên gì thì cũng nghe rất ngoại quốc). Già La Đồ Lê có phép đứng một chân: Đây là ý nói về nhất nguyên luận của Phật giáo–tất cả mọi sự đều là Một, và Một đó là Không. (Nhất thiết pháp giai Không–tất cả mọi thứ đều là Không).Văn hóa Việt biểu tượng bằng Man Nương. Man là man di, man dã, tức là ngu si dốt nát. Nương là nàng.
Già La Đồ Lê bước ngang Man Nương là biểu tượng của sự phối hợp giữa hai nền văn hóa, 5 người con là kết quả của phối hợp văn hóa này.
• Việc dùng man nương làm biểu tượng văn hóa Việt có thể hiểu ở nhiều cấp độ và góc cạnh khác nhau:
1. Đây là chú tâm về văn hóa mẫu hệ, văn hóa mẹ, lấy mẹ làm chính. Bố chỉ là vai phụ trong truyện. Có 5 con thì 4 con là nữ, và một tảng đá. Chẳng có nam.
2. Nói rằng phụ nữ ngu dốt (Man Nương) có thể thành Phật là một cách mạng văn hóa về bình đẳng nam nữ trong Phật giáo. Trong truyền thống Phật Giáo Nguyên Thủy (Tiểu Thừa) ở Ấn Độ phụ nữ không được đi tu, và không thể thành Phật.
3. Man nương ngu dốt còn là biểu tượng của vô minh (si mê), gặp Phật pháp từ Già La Đồ Lê, mà giác ngộ thành Phật.
• Man nương và Già La Đồ Lê phối hợp tạo nên một người con đầu tiên là con gái. Đây là một nhấn mạnh về truyền thống văn hóa mẫu hệ cổ truyền.
• Đứa con gái này được Man Nương giao lại cho Già La Đồ Lê là biểu tượng cho sự nuôi dưỡng khôn lớn trong tinh thần Phật giáo.
• Mang con bỏ vào trong hốc cây và được cây nuôi dưỡng gợi lại hình ảnh Phật Thích Ca thiền định dưới cội Bồ Đề và giác ngộ.Cây lại đứng ngay ngã ba, nơi ba đường chụm lại. Đây xem ra là biểu tượng của tam thừa chỉ là một. Trong phẩm Thí Dụ của Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật có nói Phật dạy 3 thừa—thanh văn thừa, duyên giác thừa, Bồ tát thừa—thật ra cũng chỉ là một Phật thừa. Ba con đường cũng đều là đường đưa đến giác ngộ.
• Tuy nhiên, cây cổ thụ ở đây còn có thể là tàn tính của tín ngưỡng đa thần xưa cũ. Vào thời cổ xưa phần đông các bộ tộc của loài người đều theo đa thần, trong đó cây cối, mưa, gió, núi, sông… đều là thần, hoặc đều có thần ngự trị. Man Nương nói với cây cổ thụ “Ta gửi con Phật, mi giữ lấy sẽ thành Phật đạo”, tức là cư xử với cây này như một vị thần cây.
• Cây còn là biểu tượng của tổ quốc. Đất, đá, nước, cây đều là biểu tượng của non sông gấm vóc. Con của Man Nương được nuôi dưỡng trong Phật pháp và tinh khí núi sông.
• Cây gãy, trôi theo dòng nước đến cửa chùa. Đây là văn hóa nước, văn hóa quê hương tổ quốc—nước của nguồn gốc dân tộc, Động Đình Hồ. Nước là tổ quốc. Chúng ta đã nói đến việc quan trọng của văn hóa nước trong Truyện Hồng Bàng và Truyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử.
• Từ cây này tạo thành năm Phật: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và Thạch Quang Phật (Phật Đá Sáng, hiện nay vẫn còn được tôn thờ trong Chùa Pháp Vân ở Bắc Ninh). Đây khá rõ là việc biến các thần cũ của thời đa thần thành Phật của nền văn hóa mới. Pháp là Phật pháp, vân là mây, vũ là mưa, lôi là sấm, điện là chớp, thạch là đá. Các thần mây, thần mưa, thần sấm, thần điện, thần đá (hay thần núi) của thời sơ khai nay được tôn thành Phật trong nền văn hóa mới.
• Ngoại trừ đá Thạch Quang Phật không rõ giới tính, bốn Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện đều là phụ nữ, không có Phật nam. Một lần nữa nhấn rất mạnh văn hóa mẫu hệ xưa cũ.
• Thạch Quang Phật, được xem là em út, không có hình dáng người, nhưng là đá, khác với các tượng Phật của các chị khắc từ cây. Đá thì chắc chắn bền vững hơn cây. Đá là núi là đất, là quê hương. Đá Thạch Quang Phật nổi trên mặt nước lâu rồi mới chìm là nhấn mạnh đến Núi(đá) Sông.
“Khi xẻ cây gỗ đến chỗ đặt đứa bé gái thì thấy đã hóa thành một tảng đá rất cứng rắn, rìu đều bị mẻ cả”. Nghĩa là, đá Thạch Quang Phật là người con quan trọng nhất, là linh khí của bé gái. Phật Đá Sáng, Phật Đất Nước Núi Sông, do đó, là quan trọng nhất và bền vững chắc chắn hơn tất cả các Phật.
Ở đây ta thấy tinh thần Phật giáo và tinh thần dân tộc quyện vào nhau thật chặt chẻ.
Phật giáo, dù là từ Ấn Độ sang, khi đến Việt Nam nó quyện vào văn hóa dân tộc Việt rất khắng khít, để giúp văn hoá Việt phát triển mạnh mẽ và tự nhiên. Xem ra không có xung đột giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt cổ xưa. Và tinh thần dân tộc là một yếu tính tự nhiên của Phật giáo Việt Nam.
Phật giáo, dù là từ Ấn Độ sang, khi đến Việt Nam nó quyện vào văn hóa dân tộc Việt rất khắng khít, để giúp văn hoá Việt phát triển mạnh mẽ và tự nhiên. Xem ra không có xung đột giữa văn hóa Phật giáo và văn hóa Việt cổ xưa. Và tinh thần dân tộc là một yếu tính tự nhiên của Phật giáo Việt Nam.
• 5 Phật Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện và Thạch Quang Phật: Từ góc độ triết lý Phật giáo, Phật pháp hiện diện trong tất cả mọi thứ, kể cả mây, mưa, sấm, chớp và đá.
• Tại sao lại một Phật mẹ và năm Phật con, chúng ta không rõ. Nhưng cũng có thể đây là biểu tượng của văn hóa âm dương ngũ hành đã có trong văn hóa Việt Nam từ trước. Mẹ cha là âm dương và 5 con là ngũ hành – kim mộc thủy hỏa thổ.
• Cây trượng sư Già La Đồ Lê tặng Man Nương là biểu tượng của Phật pháp, tương tự như cây gậy của Chử Đồng Tử, của thiền tổ Bồ Đề Đạt Ma, và của Phật Di Lặc và mà ta đã nói đến trong Truyện Tiên Dung và Chử Đồng Tử.
• Chùa Pháp Vân, còn gọi là Chùa Dâu, Diên Ứng Tự, hay Cổ Châu Tự, hiện nay vẫn còn ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là ngôi chùa được đánh giá là xưa nhất Việt Nam.
Chùa nằm ở vùng Dâu, thời thuộc Hán gọi là Luy Lâu. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Tại vùng Dâu có năm ngôi chùa cổ: chùa Dâu thờ Pháp Vân, chùa Đậu thờ Pháp Vũ, chùa Tướng thờ Pháp Lôi, chùa Dàn thờ Pháp Điện, và chùa Tổ thờ Man Nương là mẹ của Tứ Pháp. Năm chùa này ngoài thờ Phật còn thờ các nữ thần. Do chùa Đậu (Bắc Ninh) bị Pháp phá hủy, nên tượng Bà Đậu (Pháp Vũ) cũng được đưa về thờ ở chùa Dâu.
(Trần Đình Hoành bình)