Wednesday, November 28, 2018

DÒNG TRANH DÂN GIAN KIM HOÀNG

Đôi khi bạn sẽ học được những kiến thức thú vị trên TV, tối nay xem "Một trăm triệu một phút - Tập 173" có một câu hỏi về hình ảnh. Câu hỏi như sau: "Bức tranh này thuộc về dòng tranh dân gian nào?". Đáp án: Đông Hồ - Hàng Trống - Kim Hoàng. Tôi nhanh miệng vì chỉ biết có một thứ, trả lời ngay là Đông Hồ nhưng sai, người kế trả lời "Hàng Trống" cũng sai như vậy chỉ còn có một dòng tranh "Kim Hoàng" là đúng.


Đây là lần đầu tiên tôi nghe đến dòng tranh này nên vội lên mạng tìm tài liệu ngay nè (LKH)

Dòng tranh dân gian Kim Hoàng

Tranh Kim Hoàng là tên thường gọi của một dòng tranh dân gian phát triển khá mạnh từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 19 của làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Đề tài trong tranh dân gian Kim Hoàng cũng được lấy từ chính cuộc sống mộc mạc, giản dị, quen thuộc, của người dân đồng bằng bắc Bộ nên dễ đi vào lòng người. Hình ảnh trong mỗi bức tranh là con trâu, con bò, lợn, gà, là đời sống làng quê, cảnh ngày Tết, ông Công, ông Táo…

Cùng với tranh Đông Hồ, Bắc Ninh, tranh Hàng Trống, Hà Nội, dòng tranh đỏ mang tên làng Kim Hoàng là một dòng tranh dân gian đặc sắc của vùng đồng bằng Bắc bộ xưa kia. Tranh dân gian Kim Hoàng ngày xưa được gọi là tranh đỏ bởi thường được in trên giấy hồng điều, khác với tranh Hàng Trống hoặc tranh Đông Hồ in trên giấy trắng mộc hoặc giấy trắng điệp. Màu của tranh, ngoài màu đỏ làm nền còn có màu đen khi in từ ván gỗ lên giấy và màu trắng, vàng, xanh lá cây, xanh da trời, chàm, tím, hồng…được vẽ, tô sau khi in xong. Anh Lê Bích, một người yêu thích dòng tranh dân gian, cho biết do đam mê các dòng tranh dân gian nên anh đã dành thời gian tìm hiểu và đặc biệt ấn tượng với dòng tranh đỏ Kim Hoàng: Tranh Kim Hoàng người ta gọi là tranh đỏ là đặc trưng nhất. màu đỏ ấy khi nhìn lại, bản thân tôi thích nhất bức tranh lợn và tranh gà. Đó là nét vẽ ngây ngô, mộc mạc hồn nhiên trên một nền đỏ với hình con lợn thân thương với người dân Việt. Đến bây giờ vẫn đẹp. Tranh Kim Hoàng có hai bức tranh con lượn và con gà cá nhân tôi thấy rất đẹp vì tính mỹ thuật, tính hiện đại là không quá cầu kỳ có màu đỏ, viền đen và nét trắng, rất là đẹp.

Một bức tranh Kim Hoàng được khôi phục theo mẫu cũ Ảnh: Lê Bích

Ngày trước, để có được bức tranh nền đỏ rực rỡ, tươi tắn, người làm tranh Kim Hoàng thường dùng những bản khắc bằng gỗ thị, gỗ mít hay vàng tâm với những nét khắc tinh xảo và kỹ thuật in ngửa ván tài tình. Người dân trong làng kể lại rằng những năm đầu thế kỷ 20, sau vụ gặt tháng 10 hàng năm, tiết trời se lạnh, là thời điểm người Kim Hoàng rộn rã, náo nức làm tranh. Giấy hồng điều để vẽ tranh thì được mua ở phố Hàng Mã. Sau khi dùng những bản khắc gỗ sẵn, quét nước vào, đặt giấy lên cho thật phẳng phiu, dùng xơ mướp khô xoa nhẹ, đều để làm nổi rõ các hình, các nét rồi sẽ đem phơi nắng. Chờ cho tranh khô, người làm tranh mới mang vào chấm màu, vẽ thêm nét cho bức tranh thật sinh động, nổi bật. Chổi để tô màu cho loại tranh này luôn làm bằng rơm nếp, tạo độ mềm mại vừa phải và dễ điều chỉnh cho mỗi nét tô. Vì thế, tranh Kim Hoàng tuy nhìn nét vẽ ngây ngô nhưng lại hết sức sống động. Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, nhà sưu tập tranh dân gian cho biết: Tranh Kim Hoàng ở một làng nông thôn ngoại ô thành phố nó chỉ phục vụ tầng lớp nhân dân lao động nên nó cũng ảnh hưởng đến màu sắc trong tranh, nét vẽ thì ngây ngô. Với người dân lao động thì đến Tết người ta thường mua những câu đối, tranh màu sắc đỏ để mang về treo nhằm hy vọng sự may mắn đến với mọi người. Tranh Kim hoàng màu sắc cũng tự nhiên. Những màu sắc tự nhiên bao giờ cũng làm từ khoáng nên sau một thời gian nhất định nó sẽ trong màu chứ không bị đục.

Bức tranh dân gian Kim Hoàng vừa được phục chế.Ảnh: daidoanket.vn

Trên những bức tranh Kim Hoàng không chỉ có hình ảnh, mà có những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo phía trên góc trái bức tranh. Cả thơ và hình vẽ được thể hiện trong một bức tranh tạo nên một chỉnh thể hài hòa, chặt chẽ. Có được điều này là do các nghệ nhân không chỉ biết thông thạo chữ Hán, mà phải có tầm hiểu biết nhất định để thể hiện được cái tài hoa lên tranh và đây là đặc điểm tạo sự khác biệt cho dòng tranh Kim Hoàng.

Tranh Kim Hoàng (phục chế theo mẫu trong sách của Pháp). Ảnh: daidoanket.vn

Tranh Kim Hoàng đẹp là vậy nhưng đến thời điểm hiện nay, chỉ một số ít gia đình giữ lại được ván in. còn rất ít người làm tranh. Bà Nguyễn Thị Thu Hòa, nhà sưu tập tranh dân gian cho biết năm 1915, nạn lụt lớn, đê Liên Mạc bị vỡ đã cuốn trôi nhiều ván in của làng Kim Hoàng. Sau đó mất mùa, đói kém lại chiến tranh, dòng tranh Kim Hoàng mai một. Bà Hòa hiện đã sở hữu được 60 bức tranh Kim Hoàng và đã cho khôi phục lại được 20 bức: Cái mảng chạm của Kim Hoàng rất là đẹp có những hình người vật nhau, người cưỡi tiên… còn để tranh Kim Hoàng sống lại được không thể ngày một ngày 2. Tết này sẽ bán được hai mẫu tranh lợn tranh gà. Đó là hai mẫu đẹp và dễ bán nhất.

Làm sống lại nghề từng rạng danh cho một làng quê là điều mong mỏi của không ít người yêu tranh dân gian và đặc biệt là với người dân làng tranh Kim Hoàng. Bởi đã có một thời, tranh Kim Hoàng là món ăn tinh thần một thời của người dân xứ Đoài và vùng đồng bằng Bắc bộ. Đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán hằng năm, người dân thường mua tranh về bày trí trong nhà. Thời xa xưa, nhà nào treo tranh Kim Hoàng đều lấy làm hãnh diện và họ thưởng Xuân bằng tranh.

Lan Anh