Đó là toà lâu đài hoàng gia với kiến trúc Gothic đẹp như trong truyện cổ tích được xây bít trên mỏm núi lửa đã tắt. Đó là những đoạn phố, ngõ ngách bí hiểm có từ thời Trung cổ, là những sân trước nhà thờ và những tháp xoắn vươn cao trên vách đá ba-zan, tất cả trông như thể được tạo ra bởi một vị thần điên loạn.
Nhưng còn một thứ nữa không thể bỏ lỡ ở thủ phủ của Scotland, nằm ngay giữa phố Princes Street, trục phố chính chạy từ phía đông sang phía tây thành phố, nối Leith với khu West End. Tháp đồng hồ nằm trên nóc Khách sạn Balmoral luôn báo giờ sai. Chính xác là luôn sai chẵn ba phút.
Câu chuyện về tháp đồng hồ là truyền kỳ ở Edinburgh, nhưng vẫn là điều mới lạ với rất nhiều người lần đầu tới đây.
Với những cặp mắt không tinh quái lắm thì địa điểm đáng chú ý cao 58m này đơn giản chỉ là một phần của tòa nhà bề thế nếu như ta nhìn xuống từ đồi Carlton Hill, nơi đắc địa ở ngay giữa trung tâm để ngắm thành phố.
Nó nằm về phía bên trái của Đài tưởng niệm Dugald Stewart, trông giống như một dấu chấm than sừng sững phía trên mái lợp của bến xe lửa Waverley Train Station.
Tương tự, tháp xây bằng đá sa thạch trông huy hoàng không kém khi nhìn từ phía các đoạn thành lũy chỉ huy phía bắc của Lâu đài Edinburgh.
Nó được đặt ở nơi vô cùng trung tâm của thành phố, ngay giữa khu Phố Cổ và Phố Mới, chịu ảnh hưởng của mọi hoạt động kinh doanh cũng như của đời sống. Tất nhiên, trừ việc kim giờ và kim phút của chiếc đồng hồ chạy không khớp với giờ chuẩn GMT.
Nó là sự sai lệch có tính toán nhằm giúp thành phố luôn đúng giờ
Sự bất thường rõ rệt này, trên thực tế lại là một sự cố ý, được đưa ra lần đầu tiên là hồi năm 1902, khi toà nhà có từ thời Edward này được khai trương với danh tính Khách sạn Nhà ga Phương Bắc Anh quốc (North British Station Hotel).
Khi đó, cũng như bây giờ, nó nhìn xuống các sân ga và các hộp tín hiệu trong ga Waverley, và khi các phu khuân vác mặc áo khoác đỏ đón hành khách vừa xuống khỏi tàu, đưa họ từ sảnh đặt vé ở sân ga tới quầy lễ tân nằm ở tầng hầm của khách sạn, chủ sở hữu Công ty Hoả Xa Bắc Anh Quốc muốn đảm bảo rằng mọi hành khách của hãng và cả những người dân vội vã của Edinburgh sẽ không bị lỡ tàu.
Đẩy đồng hồ chạy nhanh lên ba phút, theo họ, thì các hành khách sẽ có thêm thời gian để lôi vé trong túi ra, đến được chỗ gửi đồ và lấy hành lý trước khi người gác ga thổi còi cho tàu rời bến.
Cho đến tận ngày nay, đây vẫn là một sự sai giờ có tính toán nhằm giúp cho thành phố luôn đúng giờ.
Ngày cuối năm là lúc duy nhất chiếc đồng hồ được chỉnh cho đúng giờ phục vụ lễ đếm ngược truyền thống tới lúc Giao thừa
Bầu trời u ám, không khí lạnh thấu xương vào cái hôm tôi tới nơi và được nghe kể từ viên quản lý an ninh của khách sạn, Iain Davidson.
Sau phần giới thiệu ngắn, tôi bước theo ông vào các bậc dẫn lên tháp gạch được hắt sáng lờ mờ, một sự chuyển đổi khi ta di chuyển từ phía trước ra phía sau toà nhà.
Ở nơi nằm giữa các căn phòng sang trọng ở tầng sáu, chúng tôi bước vào một cánh cửa trông như thể sẽ dẫn tới khoang đựng đồ vệ sinh.
Phía trên đó, bên trên những bể chứa nước, một cầu thang xoắn màu đen xoáy dốc lên trên, dẫn tới phần mái của toà tháp bằng một loạt các bậc thang gỗ. Mỗi bậc đi lên là một bước lùi về quá khứ.
"Nếu mà nhìn thì đây là một trong những địa điểm thú vị nhất của Scotland, chưa kể còn là bí mật nữa," Davidson nói và bước lên bậc cao nhất, nơi ánh sáng ban ngày chan hoà, làm hiện rõ khoang tháp xây bằng gạch có bốn mặt đồng hồ cân đối.
Quanh chúng tôi, phần mái thoáng đãng có những cửa sổ kéo đẩy, khiến ta có thể ngắm được quang cảnh khu vực trung tâm mua sắm thương mại của Edinburgh từ độ cao ngang với Lâu đài Edinbugh và những ống khói ở đoạn phố Royal Mile.
"Mọi người khi đứng dưới phố kia ai cũng luôn tò mò muốn biết sẽ thế nào khi họ đứng ở đây. Thật tuyệt vời phải không?"
Mọi người ai cũng dựa vào độ sai số của chiếc đồng hồ
Trong lúc tôi khám phá các xó xỉnh, Davidson giải thích rằng sự thay đổi lớn duy nhất xảy ra trong suốt 116 năm qua là chiếc động hồ từng được lên dây cót theo cách thủ công cho tới tận thập niên 1970, rồi từ đó việc này được thay thế bằng điện. "Điều đó có nghĩa là là toà tháp này giờ đây không có nhiều khách lên tham quan như mọi người nghĩ nữa."
Nói rằng chiếc đồng hồ đó ngày nào cũng sai trong suốt cả năm về mặt kỹ thuật là không chính xác.
Thời gian mà nó thể hiện thì phục vụ cho một sự kiện thường niên. Vào đêm 31/12, mà người Scotland gọi là Hogmanay, toà tháp sẽ có một tiếng đồng hồ đặc biệt, là lúc một kỹ sư sẽ được cử tới để chỉnh giờ cho khớp với giờ thực.
"Đơn giản là đồng hồ cần phải chạy đúng giờ để phục vụ cho việc đếm ngược giờ rất truyền thống, để chuông đổ vào đúng lúc giao thừa," Davidson nói và dẫn nhóm khách gồm hai người chúng tôi xuống khu sảnh rộng rãi của khách sạn. "Ngoài lúc đó ra thì ai cũng biết là đồng hồ này khi nào cũng chạy chênh giờ."
Tuy đồng hồ trên tháp vẫn luôn chênh giờ từ cả thế kỷ nay, nhưng khách sạn đương nhiên đã đi theo kịp thời gian.
Sau Thế chiến II và cuộc quốc hữu hóa hệ thống hỏa xa Anh Quốc hồi 1948, thời hoàng kim của đầu máy hơi nước đã hết, và đi xuống cùng nó là khách sạn thuộc sở hữu của ngành hỏa xa.
Nơi từng có 112 khách sạn trên bản đồ vào năm 1913 thì nay chỉ còn có vài điểm.
Về phần mình, Khách sạn Nhà ga Phương Bắc Anh Quốc đã giảm mạnh quan hệ với ngành hỏa xa vào thời đầu thập niên 1980, trước khi đổi thương hiệu thành The Balmoral vào năm 1990.
Khách sạn đã trải qua hai lần cải tạo nâng cấp với tổng chi phí 30 triệu bảng và tiếp theo đó là việc đổi chủ sở hữu sang tay tập đoàn Sir Rocco Forte, nhưng thời gian thể hiện trên chiếc đồng hồ thì vẫn được giữ nguyên như trước.
Tháp đồng hồ được đặt ngay trên Khách sạn Balmoral ở con phố chính The Princes Street của thành phố Edinburgh
Để tìm hiểu thêm, tôi đã liên hệ với Smith of Derby, một gia đình sản xuất đồng hồ đã qua năm thế hệ và là nơi bảo dưỡng đồng hồ trên tháp trong suốt gần một thế kỷ qua thông qua công ty con đóng tại Broxburn có tên là James Ritchie & Son.
Trong số các đồng hồ nổi tiếng thế giới khác do gia đình này coi sóc có chiếc trên nóc Thánh đường St Pault và chiếc trên tòa nhà Nhà ga St Pancras, cùng ở London, và chiếc đồng hồ tháp cao 64m ở Majlis Oman, tòa nhà quốc hội ở thủ phủ Muscat.
Tuy nhiên, thành tựu lớn nhất của Smith of Derby là chiếc đồng hồ cơ khí lớn nhất, với đường kính 12,8m, tác phẩm chạy bằng quả lắc được dùng để trang điểm cho Tháp Đồng hồ ở Cám Châu, Trung Quốc.
"Chúng tôi coi sóc cho 5.000 tháp đồng hồ khác nhau trên toàn thế giới, và nếu nói rằng chiếc đồng hồ ở The Balmoral là đặc biệt thì là vẫn là nói quá khiêm tốn," Tony Charlesworth nói với tôi. "Khó mà tin, nhưng quả đó là chiếc đồng hồ duy nhất chúng tôi được trả tiền để giữ cho nó chạy sai giờ."
Charlesworth cũng kể cả các câu chuyện khác nữa.
Vào năm 2012, chiếc đồng hồ chạy chậm tới 90 phút sau sự cố mất điện do các nhân viên sửa chữa đường xe điện gây ra. Đó là lúc phố Princes Street chứng kiến sự trở lại của các đường ray xe điện.
Một lần khác, xảy ra trước đó hai năm, khiến đồng hồ lần đầu tiên trong suốt 108 năm đã ngừng chạy một cách không thể lý giải nổi.
Còn với những người lãng mạn thì chuyện kể rằng chiếc đồng hồ chạy nhanh hơn khiến những người đang yêu phải chia tay sẽ dành cho nhau một hôn dài hơn trước khi nói lời tạm biệt.
"Chưa bao giờ chúng tôi nhận được yêu cầu là phải làm cho nó chạy đúng," Charlesworth nói.
"Mọi người tất nhiên đều có điện thoại thông minh, có đồng hồ đeo tay, nhưng bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy họ dựa vào đồng hồ công cộng nhiều tới mức nào, nhất là khi vội vã. Người ta vẫn cần đến nó, và trong tương lai tới đây thì nó cũng sẽ vẫn chạy sai giờ."
Ngày nay, chiếc đồng hồ chạy sai giờ là điều được coi là đương nhiên ở Edinburgh, bởi người ta đã quen thế rồi. Ít nhất thì đó cũng là theo cách nhìn của Charlesworth. "Công chúng sẽ phản ứng dữ dội nếu như chỉnh cho nó chạy đúng giờ," ông nói. "Nên nhớ rằng đây là Scotland. Mọi người sẽ không muốn chỉnh lại chiếc đồng hồ."
Trong một thành phố được quy hoạch tỉ mỉ, phụ thuộc nhiều vào du khách và các kỳ lễ hội hàng năm, thì bạn có thể cất đồng hồ của mình đi được rồi. Ba phút tặng thêm tiết lộ cho bạn mọi điều về cuộc sống ở đây, vào lúc này.
Mike MacEacheran
Nguồn: BBC Travel
Link tiếng Anh:http://www.bbc.com/travel/story/20180913-scotlands-clock-thats-almost-never-on-time