Vicky Lau – người đoạt giải thưởng Veuve Clicquot dành cho Nữ Đầu bếp xuất sắc nhất châu Á năm 2015 (Veuve Clicquot Asia's Best Female Chef in 2015) vốn tốt nghiệp ĐH New York, Mỹ và khởi nghiệp với nghề thiết kế đồ họa. Thế rồi, niềm đam mê ẩm thực cháy bỏng đã thôi thúc cô theo đuổi chương trình uy tín Grand Diploma ở Le Cordon Bleu chi nhánh Bangkok, Thái Lan (Le Cordon Bleu là một trong những tổ chức nổi tiếng hàng đầu thế giới, có nhiều cống hiến to lớn cho ngành giáo dục, ẩm thực, nhà hàng, khách sạn, du lịch). Sau đó, cô mài giũa và học hỏi kinh nghiệm tại Cépage (Hong Kong) – nhà hàng được gắn sao Michelin trước khi sáng lập ra "vương quốc" của riêng mình – Tate Dining Room vào năm 2012.
Nữ Đầu bếp xuất sắc nhất châu Á là một trong những giải thưởng quan trọng nhất của nghề bếp núc. Nó được bình chọn bởi 300 đầu bếp và các chuyên gia trong ngành công nghiệp ẩm thực toàn châu Á. Họ cũng chính là những người thiết lập nênh danh sách thường niên đánh giá 50 Nhà hàng tốt nhất châu Á (Asia’s 50 Best Restaurants)
Vicky thích làm những công việc thủ công và chọn ẩm thực để khẳng định năng lực bản thân
Tate Dining Room rất nổi tiếng với các đĩa thức ăn được bài trí tỉ mỉ, đẹp mắt như một khu vườn Thiền (thường được gọi là karesansui trong tiếng Nhật). Các món tráng miệng làm từ trà xanh matcha thì đi kèm với nông cụ là cái cào hoặc ít viên sỏi làm từ đường... Tất cả mọi chi tiết đều xinh xắn tuyệt vời và kết hợp với nhau vô cùng hài hòa. Tuy vậy, Vicky Lau không hề nhìn nhận "nấu nướng chỉ nhằm mục đích thỏa mãn vị giác và thị giác". Đi xa hơn thế, cô muốn tạo nên những tác phẩm bằng món ăn có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn, đem lại cảm giác cân bằng, thoải mái, giải tỏa những áp lực mà mọi người gặp phải trong cuộc sống lo toan, tất bật thường ngày.
Ở Hong Kong, Tate Dining Room rất nổi tiếng và được gắn sao Michelin từ năm 2013 đến nay
Với 24 chỗ ngồi thanh lịch, tường sơn màu trắng, các chi tiết trang trí bằng đồng và bóng đèn sáng dịu gắn trên trần nhà, Tate Dining Room là "một nơi nhỏ bé ấm cúng, để thể hiện bản thân thông qua thực phẩm, để giãi bày về nguồn cảm hứng được khơi gợi từ những bài thơ tôi từng đọc, từ những vùng đất mà tôi từng đặt chân đến và trải nghiệm" - Vicky Lau cho hay.
Cô gọi tất cả chúng là "những câu chuyện ăn được".
Thực đơn trong nhà hàng luôn hướng đến việc nuôi dưỡng tâm hồn và trạng thái tinh thần thanh tịnh, trong sạch
Bạn cũng biết rồi đấy, loại hình ẩm thực truyền thống của Nhật Bản này mang đặc trưng sử dụng nguyên liệu theo từng mùa và phối hợp các món ăn rất tinh tế. Những phần thức ăn nho nhỏ bày biện đẹp như tranh trên bát đĩa thủ công tinh xảo, được phục vụ cho khách ngồi trên chiếu tatami dùng kèm với trà đắng. Chúng bao gồm một món ăn chế biến từ gạo, một món súp và ba món ăn phụ. Ẩm thực kaiseki hiện đại thường có nhiều món hơn".
Món tráng miệng lấy ý tưởng từ Thiền định và trà đạo
Từ trái qua phải là 5 thành phẩm tượng trưng cho ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ
Một tác phẩm ẩm thực nghệ thuật với nguyên liệu là cá bào katsuo, nước dùng làm từ cá ngừ nấu đông, củ cải xắt khoanh tròn và cà chua chế biến theo kiểu Pháp
Đĩa thức ăn sáng tạo bằng đậu phụ, lấy cảm hứng từ tác phẩm của nhà thơ Trung Quốc Tô Đông Pha
Thực tế, mỗi món ăn của Vicky đều hàm chứa "câu chuyện ăn được" trải qua các khâu sáng tạo một cách công phu. Nhân viên Tate Dining Room sẽ miêu tả cặn kẽ với thực khách khi phục vụ món. Tuy vậy, cô gái xinh đẹp sinh năm 1981 vẫn hy vọng các "thượng đế" đến với nhà hàng cảm nhận theo cách riêng của họ.
Đây cũng là lý do vì sao một bữa ăn tại Tate Dining Room lại có thể mất nhiều thời gian hơn bình thường đến như thế. Với cả chủ lẫn khách, ẩm thực mang phong cách Tate là "một dạng thưởng ngoạn kết hợp ngũ quan, không chỉ ăn uống cho ngon miệng mà còn phải chiêu đãi đôi mắt, tai nghe và tâm hồn. Thỏa mãn vị giác không phải tất cả. Quan trọng hơn, cần phải hòa hợp giữa hương vị với vẻ ngoài, giữa sự thăng hoa của giác quan với trạng thái tinh thần thanh tịnh, trong sạch".
Do đó, bữa ăn ở đây giống như một màn thưởng thức nghệ thuật dung dị, mà lắng đọng đầy tinh tế.
Một phong cách kết hợp ẩm thực Pháp và châu Á: thịt hàu hòa trộn với thịt bò, kim chi – củ cải muối chua và cam thảo
Món tráng miệng nấu từ mật ong địa phương, kết hợp với lớp mousse làm bằng hoa cúc La Mã
Vicky Lau "không ngại" kết hợp những kỹ thuật khác nhau của các nền ẩm thực nổi tiếng thế giới trong cùng một chiếc đĩa
Vicky Lau cũng thông tin thêm rằng: Tate Dining Room luôn giới thiệu những món ăn mới trong thực đơn hàng tháng và một thực đơn mới vào mỗi mùa. Khô cá ngừ (bonito) cùng tảo bẹ (konbu) – hai nguyên liệu chính làm nên món nước dùng daishi trứ danh Nhật Bản là những thành phần thường xuyên có mặt trong các món ăn của nhà hàng.
Tuy vậy, phong cách nấu nướng của Vicky còn chịu ảnh hưởng từ ẩm thực Pháp và cô "không ngại để thêm vào rất nhiều kỹ thuật khác nhau nếu chúng giúp nâng cao thương hiệu Tate lên nữa". "Trong tương lai, tôi muốn khám phá nghệ thuật ẩm thực Việt Nam và Hàn Quốc" – bà chủ của Tate cười rạng rỡ.
Không ít món ăn ở Tate làm thực khách liên tưởng đến hoa anh đào hoặc văn hóa đặc sắc của xứ Phù Tang
Từ khi được thành lập đến nay, mỗi năm, Tate Dining Room đều được gắn sao Michelin. Còn khi được hỏi về giải thưởng Veuve Clicquot 2015, Vicky chỉ khiêm tốn đáp: "Ngoài cảm xúc vui sướng và bất ngờ khi được xướng tên là người chiến thắng, tôi đã băn khoăn nhiều lần về ý nghĩa phía sau một giải thưởng danh giá như thế. Thậm chí, đôi khi các suy nghĩ mâu thuẫn nhau gay gắt. Dẫu vậy, đây là phần thưởng rất quan trọng với tôi. Nó giúp nâng cao nhận thức, giá trị xã hội của các đầu bếp, khuyến khích những người phụ nữ quan tâm đến lĩnh vực này tự tin lập nghiệp và khẳng định bản thân nhiều hơn nữa".
Thủy Chinh
Ảnh: CNN