"Sương khuya ướt đẫm giàn bầu
Em về miệt thứ bỏ sầu cho ai."
Hai câu ca dao trên chắc được nhiều người biết, phần nào vì nhạc sĩ Hà Phương đã dùng để đặt lời cho một ca khúc khá nổi tiếng của ông. Bài ca dao (và bài hát của Hà Phương) tả cảnh cô gái theo chồng về miệt thứ, bỏ lại một mớ sầu, mà nàng ta cũng ôm theo mình một mớ.
"Em yêu anh nên đành xa xứ,
Xuôi ghe chèo miệt thứ Cà Mau"
Theo chồng về miệt thứ Cà Mau hồi xưa bi thảm vậy có lẽ vì hai nguyên do. Nguyên nhân đầu tiên: miệt thứ là vùng đất được khai phá trễ nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, dân cư thưa thớt, đất chưa sạch phèn. So với miệt vườn trù phú mà chúng tôi có lần giới thiệu, miệt thứ là nơi hẻo lánh, nhiều muỗi mòng.
"Xứ đâu hơn xứ Cạnh Đền
Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội lềnh như bánh canh"
Nguyên nhân thứ hai: từ miệt thứ nhà chồng muốn về thăm cha mẹ ruột phải vượt sông Cái Lớn. Với thuyền ghe thô sơ thời đó, băng ngang sông Cái Lớn là cả một thử thách, như nhà văn Sơn Nam đã viết: "Xuồng chèo tắt ngang sông Cái Lớn, lúc qua vàm chợt giật mình vì mặt biển vịnh Xiêm La ngoài kia quá bao la, cao hơn mặt đất, hơn mặt bờ sông trong này." Gả con về miệt thứ ngày xưa là cảnh sinh ly, không biết chừng nào mới gặp lại.
Nỗi sầu biết bỏ cho ai đó, Sơn Nam tả lại trong truyện ngắn "Cô Út về rừng" như sau.
"Ông Cả im lặng, nghĩ đến cái ngày gần đất xa trời của mình. Nó không còn bao xa nữa. Ngày đó, ai phò giá triệu, ai rinh quan tài? Nhìn bụi tre già dưới bến mà ông tủi thân: Măng non mọc kề bên gốc. Phận ông có khác; con gái, con rể và đám cháu ngoại ở chốn xa xôi kia làm sao được gần gũi để ông thấy mặt lần đầu - và cũng là lần chót – khi ông tàn hơi. Nước mắt muốn tươm ra, ông cố dằn lại. Ông hiểu đời ông chưa tới mức đen tối, còn chút ánh sáng lập lòe trong tương lai vô biên vô tận:
- Ờ... ở dưới nó có lập vườn chưa? Lát nữa, anh chị chịu khó chở về dùm cho vợ chống con Út một gốc tre Mạnh Tông để làm giống. Chừng thấy măng non cận gốc già, mấy đứa cháu của tôi luôn luôn nhớ ông ngoại bà ngoại nó trên Bình Thủy.
Phật Trời thiêng liêng xin phù hộ chứng giám! Từ bao nhiêu thế kỷ rồi, trên đất nước mình luống chịu cảnh sinh ly như ông Cả, như cô Út. Ðể cho nước mạnh dân còn."
Nguồn: Ca dao Mẹ