Wednesday, November 7, 2018

QUẦN THỂ DANH THẮNG TRƯỜNG AN

Việt Nam hiện nay có 8 di tích được UNESCO công nhận là Di sản thế giới . Tôi may mắn cũng tham quan được một vài di sản này. Cuối năm 2013, tôi có ra thăm miền Bắc vì thời gian có hạn tôi không đi tham quan được Ninh Bình, nơi có Tam Cốc - Bích động, một nơi còn được biết đến với những cái tên nổi tiếng như "vịnh Hạ Long trên cạn" hay "Nam thiên đệ nhị động". Vịnh Hạ Long tôi đã đi rồi, "Nam Thiên đệ nhất động" cũng đã đi rồi, nên tôi muốn đi Ninh Bình, trước là thăm Bích động sau là kinh đô Hoa Lư.


Bây giở khu vực này đã được công nhận là di sản thế giới, tôi lên mạng tìm tài liệu, lại càng thấy đẹp, lại càng thấy muốn đi hơn. Tạm thời đọc tài liệu, xem hình để rút kinh nghiệm trước.

QUẦN THỂ DANH THẮNG TRƯỜNG AN

Quần thể danh thắng Tràng An là một khu vực tổng hợp các di sản văn hóa và danh thắng thiên nhiên tại tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Quần thể này nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Trong quần thể danh thắng này có nhiều di tích đã được Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt như: Khu du lịch sinh thái Tràng An; Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động; Chùa Bái Đính; Cố đô Hoa Lư…Liên kết giữa các khu du lịch này là rừng đặc dụng Hoa Lư trên núi đá vôi và hệ thống sông, hồ, đầm với diện tích lên tới 12.000 ha. Tính riêng vùng lõi, vùng được bảo vệ đặc biệt của danh thắng Tràng An đã có diện tích hơn 4.000 ha



Nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, non nước, mây trời hòa quyện. Tràng An có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động, trong đó có những hang xuyên thủy dài hơn 2 km như: hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây…
Mỗi hang có một nét đặc trưng riêng và tên gọi cũng thường dựa vào nét đặc trưng đó. Ví như Hang Tối có lòng hang rộng và hẹp biến đổi bất ngờ do đó ánh sáng không lọt được vào phía bên trong. Hang Sáng lại ngược lại long lanh với những nhữ đá óng ánh kỳ lạ được phản chiếu qua những tia nắng. Hang Vồng có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Từ đây sang hang Láng, hang Ao Trai, giữa hang Ao Trai…mỗi hang mỗi vẻ đẹp riêng góp phần tạo nên một quần thể danh thắng thiên nhiên tuyệt đẹp. Không chỉ có vẻ đẹp được thiên nhiên ban tặng, hệ thống hang động tại Tràng an còn có giá trị khảo cổ quan trọng. Những hang như hang Trống, hang Bói, hang Mo, hang Cò…là những khu vực di chỉ khảo cổ với những dấu tích người tiền sử từ 3.000 – 30.000 năm trước và dấu ấn của văn hóa Đa Bút, văn hóa Hòa Bình.


Vùng sông nước rộng lớn tại danh thắng Tràng An có thể tạo thành nhiều hành trình xuyên thủy khép kín và không phải quay ngược lại, có lẽ vì lẽ đó mà người ta ví Tràng an như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước, hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Ðiều diệu kỳ ở Tràng An là các hồ được nối liền với nhau bởi các gạch nối là các động xuyên thủy có độ dài, ngắn khác nhau. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo.
Tràng An có 2 hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái thủy vực. Sự đa dạng sinh vật của các quần xã là một yếu tố chủ yếu cấu thành 2 hệ sinh thái này. Môi trường thiên nhiên đa dạng và hài hoà giữa sinh vật, núi rừng, hang động, thuỷ vực toát lên cảnh sắc non xanh nước biếc hoà quyện với nhau thành một vùng kỳ vĩ hiếm có trên thế giới.


Quần thể danh thắng Tràng An được bao bọc và giới hạn bởi các dãy núi đá vôi hình cánh cung giữa vùng chiêm trũng ngập nước đã trải qua thời gian dài biến đổi địa chất tạo thành. Các nhà địa chất khẳng định khu Tràng An xưa là một vùng biển cổ, qua quá trình vận động địa chất mà kiến tạo nên. Những khe nứt sinh ra do sự vận động đó dần dần hình thành các dòng chảy trong hang động đá vôi. Hệ thống núi và hang động tại Tràng An được ước tính đã xuất hiện từ 32 triệu năm đến 6000 năm trước. Theo các nhà khoa học đánh giá, khu vực này mang giá trị của một “Hạ Long cạn” cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nghiên cứu cho thấy, vỏ trái đất khu vực Tràng An – Tam Cốc có lịch sử phát triển địa chất từ 245 triệu năm trước.


Năm 2012, các nhà địa chất đã phát hiện được 64 hang và mái đá trong vùng lõi Tràng An. Qua điều tra, thám sát cho thấy, các di tích khảo cổ hang động tiền sử là nét nổi bật nhất trong vùng lõi của khu di sản này. Cộng đồng dân cư tiền sử Tràng An định cư trong các hang động hoặc mái đá, phân bố tập trung trong thung lũng đầm lầy núi đá vôi, chịu sự tác động to lớn của biến đổi cảnh quan môi trường do các đợt biển tiến, biển thoái. Cư dân tiền sử nơi đây là những người tiếp cận và khai thác biển đầu tiên ở Việt Nam, sáng tạo ra tổ hợp công cụ lao động bằng đá vôi, duy trì lâu dài kỹ nghệ ghè đẽo, sớm nảy sinh kỹ thuật cưa, mài; chế tạo và sử dụng phổ biến đồ gốm. 


Các chứng tích văn hoá khảo cổ tiền sử ở Tràng An phong phú và đa dạng, là nguồn sử liệu vật thật minh chứng cho sự biến đổi đặc biệt về kinh tế, văn hoá, xã hội của cộng đồng dân cư nơi đây dưới sự tác động thay đổi môi trường núi đá vôi, biến động của khí hậu cổ, của mực nước biển vùng nhiệt đới gió mùa. Đây là các chứng tích điển hình nhất cho cho loại hình cư trú liên tục trong hang động trước, trong và sau biển tiến. Đặc trưng của người Việt cổ ở Tràng An là truyền thống khai thác và sử dụng nhuyễn thể biển và trên cạn, truyền thống săn bắt đa tạp, theo phổ rộng, săn bắt nhiều loài, mỗi loài vật một ít và không dẫn đến huỷ diệt bày đàn động vật đó. Truyền thống chế tác và sử dụng công cụ đá vôi, sự nảy sinh kỹ thuật mài, cưa và kỹ thuật làm đồ gốm và trồng trọt trong thung lũng đầy lầy là nét riêng độc đáo, làm nên giá trị nổi bật toàn cầu của quần thể các di tích khảo cổ ở nơi đây. Có thể nói rằng, hệ thống các di tích khảo cổ tiền sử Tràng An còn chứa đựng sự độc bản hoặc chí ít là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hoá hoặc nền văn minh hiện còn tồn tại hoặc đã mất của nhân loại.


Tại phiên họp lần thứ 38 của Ủy ban di sản thế giới tổ chức tại Doha, Quata ngày 23 tháng 6 năm 2014 , Danh thắng Tràng An đã được công nhận là Di sản thế giới với 100% phiếu bầu của các quốc gia thành viên. Bởi hội tụ đủ các tiêu chí về văn hóa, tính thẩm mỹ và địa chất – địa mạo, Danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản thế giới thuộc danh mục hỗn hợp. Theo đó, Trang An đáp ứng đủ các tiêu chí (v), (vii), (viii) của Unesco.
Tiêu chí (v) về Văn hóa: Tràng An chứa đựng các bằng chứng về sự tương tác giữa con người và môi trường, thể hiện sự thích ứng của con người với các điều kiện biến đổi về địa lý và sự khắc nghiệt nhất của môi trường trong lịch sử Trái đất, đặc biệt là những biến đổi khí hậu diễn ra vào cuối và ngay sau thời kỳ băng hà cuối cùng.


Tiêu chí (vii) về Vẻ đẹp thẩm mỹ: Cảnh quan tháp karst của Tràng An chứa đựng những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với những ngọn núi hùng vĩ, hang động huyền bí, sông nước thanh tĩnh, điểm xuyết với những đền, chùa, miếu linh thiêng.
Tiêu chí (viii) về Địa chất - Địa mạo: Quần thể Danh thắng Tràng An minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa karst trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm.
Lan Hương
Ghi chú:
Trong phần giới thiệu về những Di sản mới được công nhận của Unesco trên trang web Unesco.org, Tràng An của Việt Nam được giới thiệu:


Quần thể Danh thắng Tràng An ( Việt Nam) được ghi nhận là một khu vực kết hợp giữa thiên nhiên vă văn hóa. Danh thắng này nằm ở phía nam của đồng bằng sông Hồng. Có thể nói Tràng An là một cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, ngoạn múc với hệ thống núi đã vôi kết hợp với hang động và sông nước. Có một số hang động ngập nước được bao quanh bởi những vách đá thẳng đứng, cheo leo. Qua khảo sát, nghiên cứu, các nhà khoa học đã xác định được những dấu tích của con người có niên đại khoảng 30.000 năm trước. Những dấu tích khảo cổ quan trọng này minh chứng cho sự thích nghi của con người với sự biến đổi khí hậu và môi trường. Quần thể danh thắng này còn có những địa điểm quan trọng về văn hóa khác như: Cố đô Hoa Lư của Việt Nam; các đền, chùa, làng cùng với cảnh quan ruộng lúa vô cùng ấn tượng.
(Sưu tầm trên mạng)




No comments: