Phụng Hiệp, nơi có Ngã Bảy trên sông!
8h30 sáng cuối tuần ở nơi đã từng là Chợ Nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp, trước đây tấp nập với hàng trăm ghe thuyền khi họp chợ. Nay cả vùng Ngã Bảy trên sông chỉ có bóng một ghe hàng neo đậu, nhưng không phải để bán hàng!
Đầu năm, tôi theo Cậu Mợ về Sóc Trăng ăn đám cưới. Dọc đường, Cậu Mợ đưa tôi về thăm nhà ở Phụng Hiệp. Trước đây, tôi đã có dịp đi Cần Thơ cũng định ghé Chợ Nổi Phụng Hiệp nhưng chuyến đó việc làm ăn không thành nên về sớm, bỏ qua Phụng Hiệp. Lần này tôi đi bằng xe giường nằm, xuất phát lúc 5h chiều, dừng chân ở trạm Minh Phát II để nghỉ khoảng 20 phút, 9h thì đến nơi.
Xe chạy khoảng 15 phút là tôi thấy có gì đó không ổn! Do nằm giường đầu, tôi thấy bác tài, một tay ôm vô lăng, một tay hút thuốc. Hèn chi tôi thở không nổi! Đã vậy, cậu lơ còn thắp nhang trên bàn thờ trong khi xe kín bưng, bật máy lạnh. Tôi ráng chịu trận cho tới lúc cậu lơ đi phát nước, liền thỏ thẻ: “Em ơi xe có khói thuốc lá và nhang, chị thở không được.” Cậu lễ phép trả lời, mắt liếc bác tài: “Chị thông cảm, chút em sẽ nói vụ thuốc lá, còn nhang thì phải thắp suốt cho ấm xe!”
Thiệt tình là tôi rất ghét khi nghe ai đó yêu cầu thông cảm cho điều gì sai trái. Tôi tình thật: “Sáng nay chị mới bị xỉu vì hạ canxi và bây giờ đang rất khó thở, chút em thấy chị có chuyện gì thì phải gọi xe cấp cứu ngay nhé!” Cậu lơ nghe vậy xanh mặt, vội chạy lên bỏ nhỏ với bác tài. Cây nhang tàn, tôi mới bình yên về đến Phụng Hiệp đúng giờ!
Chợ Ngã Bảy Phụng Hiệp trên bờ ngày nay. Chợ sầm uất, nhưng không có nét riêng đặc sắc như chợ trên sông ngày xưa
Nhà Cậu Mợ ngay chân cầu Phụng Hiệp, sau lưng nhà là Chợ Ngã Bảy. Sáng sớm, cô em họ đưa tôi ra chợ mua đồ. Ngay lối rẽ ở chân cầu để vào chợ, có hai xe bán thịt trăn đứng hai bên đường như cổng chào! Trăn lột da, thịt trắng ởn, lấm tấm máu, nhìn rõ từng thớ cơ săn chắc, cuộn từng khoanh to bằng cái mâm, thân trăn to bằng cái bắp chân người lớn, nhìn sợ thiệt! Mợ tôi thường mua ngay tại chỗ người ta lột da cho thịt tươi, giá 200.000đ/kg. Bà bảo thịt trăn hầm xả ăn rất ngon, nhưng tôi nghĩ mình sẽ không dám thử món này. Bên cạnh mâm thịt trăn còn có khay nhỏ để lòng và trứng trăn. Cậu tôi nói lòng trăn ăn ngon hơn lòng heo, còn trứng nó thì cứng hơn trứng vịt.
Thớt thịt trăn ngay đầu chợ. Khay thị lúc nào cũng được châm cho đầy.
Ngày thường mà chợ rất đông, hàng hoá nhiều như mấy chợ lớn ở Sài gòn. Sản vật địa phương đa dạng, tôi có cảm tưởng như con gì nhúc nhích là người ta cũng sẽ dùng mua bán làm thức ăn được! Đã định sẵn, nên tôi mua nửa ký cá linh cho Má, 300 gram cá cơm và mấy ký cá phèn. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cá phèn còn nguyên vây và đầu. Nghe nói một ngày, ghe cào về hai lần, ra đúng lúc là sẽ gặp cá tươi. Số cá này được cô em họ giúp làm sạch, bỏ tủ đá, sẽ đóng thùng mốp đem về Sài gòn.
Món chuối ngào đường, ước mơ một thời tuổi thơ của tôi, 30 năm mới gặp lại ở ở Chợ Phụng Hiệp
Trên đường về, tôi gặp được một món đồ ăn vặt mà hồi nhỏ tôi rất thèm nhưng chưa từng được ăn vì không có tiền, đó là món chuối ngào đường, có màu đỏ thẫm. Tôi mua ăn thử, 3.000đồng một trái. Ngon! Ruột trái chuối deo dẻo và có màu như chuối sáp, lớp ngoài sên đường đỏ au, ngọt ngay, được phủ mè rang ăn bùi và thơm. Món này tôi không còn thấy ở Sài gòn, may về Phụng Hiệp, tôi mới được nếm món mình từng mơ ước. Sáng đó, tôi cũng mua được bánh bò thốt nốt, ngọt thanh, rịn nước dừa trắng như sữa, ngon hơn bánh trên Sài gòn nhiều. Có cả bánh gan (giống bánh flan nhưng nướng chứ không hấp cách thủy), lâu rồi tôi không thấy bán ở mấy tiệm bánh trên Sài gòn.
Nhà Thờ Phụng Hiệp. Từ trên Cầu Phụng Hiệp đã nhìn thấy Nhà Thờ.
Chiều mới đi Sóc Trăng, nên Cậu và Bi, thằng cháu nội 13 tuổi to đùng của ông dắt tôi lang thang cho biết Phụng Hiệp. Từ nhà ở chân cầu Phụng Hiệp, bước vài bước đã thấy Nhà Thờ. Nhà Thờ đẹp, nằm ngay vị trí đắc địa ở giao lộ, nhưng không được trổ cổng ở mặt tiền, chỉ có cổng ở hai bên hông. Trước mặt Nhà Thờ có một vòng xoay, Cậu bảo lúc trước thuộc đất Nhà Thờ, cho người ta làm cây xăng, sau này Nhà nước lấy làm vòng xoay, qua một đêm tới sáng là hoàn tất cái vòng xoay nghe nói tiền tỷ. Nhà Thờ đang sửa lại nên hiện tại phải dự lễ ở phòng học Giáo lý.
Hông Nhà Thờ Phụng Hiệp
Rời Nhà Thờ, Cậu đưa tôi ghé nhà “thằng em kết nghĩa” uống café. Cậu Mợ dọn lên Sài gòn sống với con khoảng 2 năm, giờ về xóm cũ, đi chút là gặp người quen. Ngồi uống café, nghe người Miền Tây nói chuyện, tôi thấy rõ sự thối nát của đám chính quyền địa phương qua chuyện ăn uống và những mưu cầu danh lợi cỏn con cho cá nhân mà làm tổn hại đến lợi ích chung. Này nhé, khu nọ được đắp lộ, làm đường, điện về tận cùng kiệt chỉ vì nhà ông A ở đó. Cũng lại có chuyện, khu kia đang làm đường do có tổ con chuồn chuồn của ông B ngụ, bỗng dưng ngưng ngang vì ông mất chức. Kết chuyện, Cậu và bạn nói tốt nhất mua nhà nên chọn đoạn đường ở một đầu có tay công an, đầu kia có ông bí thơ hay chủ tịch gì cũng được! Câu chuyện có vẻ bình thường với hai người đàn ông, nhưng với tôi, nghe đắng nghét, may còn có ly café sữa pha ngon gỡ lại!
Ra về, Cậu đưa tôi ra mé bờ sông gần cầu Phụng Hiệp. Suốt dọc bờ sông, khi xưa đa phần là người Hoa. Cậu bảo họ tốt lắm, ngày Cậu từ trong ruộng dọn về đây, họ giúp đỡ nhiều. Bờ sông nay đã làm kè, có vỉa hè cho mọi người đi bộ và những máy tập thể dục y như trên Sài gòn. Thỉnh thoảng lại có bến để ghe cập cho hàng lên xuống. Có dạo mấy anh em cậu làm Siro bán khắp các tỉnh Miền Tây. Siro làm xong, đưa từ nhà ra bến có vài bước rồi ghe xuồng tỏa đi giao khắp nơi.
Hình ảnh họp chợ trên sông ở Ngã Bảy Phụng Hiệp ngày xưa – sưu tầm trên internet
Chỗ này đã từng là Chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp vì là nơi hội tụ của bảy ngã sông nên trở thành trung tâm giao thương ngay trên sông nước. Mỗi xuồng mỗi ghe dựng cây sào treo lủng lẳng những sản vật mình bán lên, thế là trở thành sạp hàng di động. Do an toàn đường thủy, cách đây mấy năm, Chợ Nổi Ngã Bảy đã được dời đi cách đó 3 cây số, nghe nói chợ mới đìu hiu, ghe hàng phải đến những chợ nổi khác buôn bán. Suốt các bến tôi đi qua, chỉ thấy có mỗi một ghe trên sào buộc trái bí đỏ, củ đậu đang neo đậu. Có lẽ chủ ghe chỉ dừng đó để bước vào chợ Ngã Bảy trên bờ để mua vài thứ mình cần chứ không phải để bán hàng.
Cậu tôi chỉ từng doi đất, nơi bảy nhánh sông rẽ đi các vùng sông nước khác. Doi Tân Thới Hòa, nơi có làng đóng ghe cung cấp phương tiện chuyên chở, đi lại nơi đầu mối giao thông đường thủy này. Nay, nhiều người chuyển qua dùng ghe xuồng Composite, vừa nhẹ vừa bền, làng nghề này không còn được như xưa.
Cầu Phụng Hiệp, khi đứng trên đó, sẽ nhìn thấy các nhánh sông/dòng kinh hội tụ
Tôi nhờ Bi đưa qua bên kia sông xem cho biết. Bi dắt tôi lên cầu Phụng Hiệp sang bờ bên kia. Cầu dài, nhưng không có làn cho người đi bộ, vừa đi tôi vừa run, may có Bi vừa đi vừa nói chuyện nên “tour du lịch Cầu Phụng Hiệp” cũng trôi qua nhanh. Cậu Mợ tôi người Bắc 54, nhưng sống ở Miền Tây từ lâu, tới đời Bi, thằng bé đã trở thành dân Nam Bộ “gặc gòng”. Nghe Bi nói chuyện, tôi mới biết hầu như ở đây ai cũng nói chữ “r” thành chữ “g”. Khi vào tiệm ăn sáng, chỉ có bún mắm và bún riêu, hỏi Bi ăn gì, nó dõng dạc: “Con ăn gêu!”, tôi tưởng nó đùa nói đớt, nhưng không phải. Lúc thả dốc cầu, Bi chỉ xuống tòa nhà ở chân cầu nói đó là “Khu Đình Chiến”, nó bảo mỗi lần đi qua đây con cứ thấy sợ sợ. Lúc viết bài, tìm hiểu trên mạng tôi mới biết nơi đó là khu di tích lịch sử của Phụng Hiệp.
Một góc Quán Cafe Võng Ngân Hà ở Xã Đại Hải. Quán có rất nhiều bụi trúc xanh um.
Trưa hôm đó, trước khi đi Sóc Trăng, tôi ghé nhà người em của Mợ ở Xã Đại Hải, cách Phụng Hiệp khoảng 4km, dùng cơm trưa. Nhà là Quán Café Võng Ngân Hà. Nào giờ tôi chưa từng vào café Võng, chuyến đi này tôi được hai bữa ngủ trưa đòng đưa trên võng, trong khuôn viên xanh mát bóng nhiều bụi trúc um tùm với gió hiu hiu từ cái ao sau vườn len qua tán lá. Quán có nhiều bụi trúc rất đẹp. Chú Khải, chủ quán cho biết trúc có thể bán mão nguyên bụi mấy trăm cây với giá hơn một triệu đồng hay bán lẻ một cây từ 8.000đ đến 10.000đ.
Không khí trong lành của miền sông nước, cọng rau ngon, con cá tươi, nhất là sự chân chất của người dân khiến tôi cảm thấy nơi này đáng sống. Vậy đó mà thanh niên nơi này lớn lên, đều muốn lên Sài gòn ăn học, rồi ở lại làm việc. Con bé nhà bà con học lên không nổi thì chọn Bình Dương là đích đến để làm công nhân. Ở Phụng Hiệp bây giờ, người trẻ đa phần nhắm đến Sài gòn/Bình Dương làm nơi lập nghiệp, khi thành đạt, Cha Mẹ cũng theo chân con rời đến vùng đất mới.
Chuyện đổi thay ở Ngã Bảy Phụng Hiệp chẳng phải vì lẽ “thương hải, tang điền” nhưng cũng đủ làm lòng người bâng khuâng khi đứng nhìn nơi đã từng tấp nập ghe thuyền buôn bán trên sông, nay chỉ còn thấy bóng một chiếc xuồng neo bên bến sông.
Viết tới đây, tự nhiên tôi nhớ tới nỗi lòng của Anh bán chiếu khi không còn gặp lại hình bóng xưa lúc trở lại cắm xào cho ghe chiếu Cà Mau bên bờ kinh Ngã Bảy: “Hỡi ôi, con sông Phụng Hiệp nó chảy ra bảy ngã, mà sao lệ của tôi nó cũng lai láng muôn dòng. Có ai hiểu được tấm lòng của tôi với cô gái mỹ miều trên kinh Ngã Bảy. Sông sâu bên lở, bên bồi, tình anh bán chiếu trọn đời không phai!” Nghe buồn chi đâu!
Người Sài Gòn
Bài hát: Ngã Bảy ân tình