Thursday, November 22, 2018

VÌ SAO NGƯỜI NHẬT THÀNH CÔNG? HÃY HỌC TỪ HONDA!

Cả thế giới đều biết về thương hiệu Honda của người Nhật Bản, nhưng có lẽ không mấy ai biết đến con đường thành công đầy chông gai của chính nhà sáng lập tập đoàn – Honda Soichiro.


Honda Soichiro (本田 宗一郎) sinh năm 1906 tại Komyo, ngôi làng nhỏ nằm bên núi Phú Sĩ, gần thành phố Hamamatsu, thuộc tỉnh Shizuoka, đảo Honshu, Nhật Bản. Cha là chủ một cửa hàng sửa chữa xe đạp, còn mẹ là thợ dệt lành nghề, ngay từ nhỏ, Soichiro đã thể hiện niềm đam mê với xe cộ và máy móc. Có lẽ trong suốt cả cuộc đời, ông không bao giờ quên cái ngày một cậu bé con mải miết chạy theo chiếc ô-tô mà cậu nhìn thấy lần đầu tiên trong đời. Đó là khoảnh khắc mà, như Soichiro từng nói, đã thay đổi cuộc sống của chính ông. Ấn tượng ấy đã nhen nhóm thành giấc mơ, và rồi hình thành nên con đường đời của Honda Soichiro: Luôn luôn theo đuổi những mục tiêu có vẻ như “ngoài tầm với”.

Honda Soichiro (Ảnh: world.honda.com)

“Làm bạn” với thất bại

Chúng ta hãy trở về thập niên 30 của thế kỷ trước. Cũng giống như Mỹ và nhiều nước phương Tây, Nhật Bản chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc đại khủng hoảng những năm 1930. Kinh tế khó khăn, và người Nhật vẫn còn phải trải qua những cuộc chiến tranh của nhiều năm sau đó.

Năm 1938, Soichiro làm việc trong xưởng Tokai Seiki do chính ông thành lập để phát triển ý tưởng về vòng găng (piston ring). Ý định ban đầu của Soichiro là bán dự án này cho Toyota. Ông say sưa làm việc thâu đêm, thậm chí còn ăn, uống, ngủ, nghỉ ngay tại căn xưởng nhỏ này. Có lần, Soichiro phải bán đồ trang sức của vợ để có tiền tiếp tục nghiên cứu.

Rất nhiều lần thử nghiệm bất thành, nhưng Soichiro không nản chí mà vẫn tiếp tục hăng say lao động. Ông tin rằng mình có thể hoàn thiện sản phẩm để cho ra đời một mẫu vật có giá trị. Cuối cùng, ông cũng hoàn thành sản phẩm đầu tiên gửi tới Toyota. Nhưng chiếc vòng găng sớm bị trả về vì không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật. Soichiro đã phải chịu đựng lời giễu cợt từ bạn bè vì đã lãng phí thời gian cho ‘cái thứ ngớ ngẩn’ mà không ai cần đến.

Soichiro có nên từ bỏ ý định của mình? Không! Thay vì ngậm ngùi trước thất bại, ông lại tiếp tục nghiên cứu cho đến khi hoàn toàn thỏa mãn với sản phẩm tiếp theo. Sau khoảng 2 năm không ngừng cải tiến, Soichiro nhận được hợp đồng đầu tiên từ Toyota.

Với bản hợp đồng trong tay, ông cần phải xây dựng nhà máy sản xuất để cung ứng vòng găng với số lượng lớn. Nhưng lúc này, Nhật Bản đang bước vào cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, do đó nguyên liệu xây dựng cũng trở nên vô cùng khan hiếm. Làm thế nào đây? Ai đó có thể nản lòng, nhưng Soichiro thì không. Ông quyết tâm tìm ra giải pháp cho mình. Và thế là quy trình tự tạo bê tông mới được ra đời, giúp Soichiro xây dựng nhà máy vòng găng.

Hai trở ngại đầu tiên thế là được giải quyết. Đáng lẽ lúc này ông có thể yên tâm điều hành hoạt động sản xuất, nhưng rủi ro vẫn xảy ra như nó vốn có. Năm 1944, nhà máy của Soichiro phải hứng chịu loạt bom B-29 của không quân Mỹ. Dường như mọi công sức của ông từ trước tới nay đều tan theo khói đạn. Cơ hội đã khép lại vì đêm tàn chiến tranh?

Không!

Để bắt đầu lại từ đống đổ nát, Soichiro yêu cầu các nhân viên của mình ra ngoài thu thập các can dầu mà máy bay Mỹ bỏ lại. Những can dầu mà ông vẫn gọi là “quà tặng từ Tổng thống Truman” này đã trở thành nguyên liệu mới giúp ông phục hồi nhà máy. Có lẽ chỉ Soichiro mới có thể nghĩ ra cách tận dụng tốt nhất những gì mà cuộc sống ban tặng, ngay cả khi đứng giữa một hoàn cảnh ngặt nghèo.

Nhưng chỉ một năm sau, vào 1945, trận động đất Mikawa lại san phẳng mọi thứ. Khó có thể dùng lời nào diễn tả, bởi con đường của Soichiro quả thật quá chông gai.

Cho đến lúc này, phải chăng Soichiro đã có đủ lý do để bỏ cuộc? Tất nhiên là không, bởi cho dù không thể tiếp tục sản xuất vòng găng thì ông vẫn còn đó những đam mê của mình.

Sau khi chiến tranh qua đi, Soichiro quyết định bán những gì còn lại của nhà máy cho Toyota với giá ¥450.000. Khoản tiền này được ông sử dụng để đầu tư cho Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Honda vào năm 1946.

Một trong những chiếc xe đạp gắn máy đầu tiên của người Nhật là chiếc xe do Soichiro chế tạo vào năm 1946 (Ảnh: world.honda.com)

Nhìn thấy cơ hội trong mọi khó khăn

Lúc này, vì xăng dầu khan hiếm, nhiều người Nhật phải di chuyển bằng xe đạp hoặc đi bộ. Soichiro nghĩ ra cách gắn một động cơ nhỏ vào chiếc xe đạp, và điều này giúp ông đi lại dễ dàng hơn bao giờ hết. Khi mọi người nhìn thấy phương tiện mới của gia đình Honda, ai cũng muốn được sở hữu một chiếc tương tự. Soichiro bắt đầu chế tạo xe đạp gắn máy. Nhưng… ông lại không có đủ tiền để mở rộng ý tưởng của mình.

Cả nước Nhật vừa mới bị tàn phá bởi chiến tranh, nếu là Soichiro, bạn sẽ làm thế nào? Là người không bao giờ bỏ cuộc và luôn có những sáng kiến tuyệt vời, ông đã viết thư gửi tới 18.000 cửa hàng xe đạp khác nhau, và bằng lời lẽ đầy thuyết phục, ông nói về giải pháp giúp người Nhật có thể đi lại một cách dễ dàng. Khoảng 3000-5000 lá thư hồi đáp với những khoản tiền hỗ trợ dành cho Soichiro, giúp ông có thêm nguồn tài chính để tiếp tục dự án xe đạp gắn máy.

Xe gắn máy Honda Type-A (Ảnh: astrumpeople.com)

Xe máy Honda Type-D (Ảnh: astrumpeople.com)

Năm 1948, Soichiro cho ra đời chiếc xe đạp gắn máy được sản xuất với số lượng lớn, Honda Type-A. Năm 1949, sản phẩm được nâng cấp lên thành xe máy Honda Type-D, trở thành hình mẫu cho dòng xe máy Dream sau này. Cho đến năm 1958, khi chiếc Super Cub vươn đến thị trường Mỹ, công ty của Soichiro đã trở thành nhà sản xuất xe máy lớn nhất của người Nhật và bắt đầu chinh phục thị trường thế giới.

Năm 1958, khi chiếc Super Cub vươn đến thị trường Mỹ, công ty của Soichiro đã trở thành nhà sản xuất xe máy lớn nhất của người Nhật Bản và bắt đầu chinh phục thị trường thế giới (Ảnh: astrumpeople.com)

Trong những năm 1970, nhiên liệu trở nên khan hiếm, buộc các công ty ở Mỹ phải chuyển sang loại ô-tô cỡ nhỏ. Trong khi các nhà sản xuất Mỹ vẫn còn đang lúng túng thì Soichiro đã kịp thời tận dụng cơ hội này. Vào thời điểm đó, Honda là công ty duy nhất có thể thiết kế động cơ cỡ nhỏ và tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện hơn với môi trường. Rất nhanh chóng, các sản phẩm của Honda được đón nhận rộng rãi trên thị trường nước Mỹ.

Vậy, vì sao người Nhật thành công?

Cho đến nay, tập đoàn Honda của Soichiro vẫn là thương hiệu hàng đầu thế giới về lĩnh vực xe máy. Nhưng khi nói về thành công, ông vẫn luôn khẳng định rằng:

“Nhiều người ao ước được thành công. Tôi tin rằng thành công chỉ có thể đạt được qua những thất bại liên tiếp… Thật ra, thành công chỉ thể hiện 1% công việc ta làm – kết quả có được từ 99% cái gọi là thất bại”.

Đúng vậy, nếu bạn đang nản lòng trên con đường tìm kiếm thành công, thì hãy lạc quan lên và đừng e ngại khi đối mặt với thử thách. Rất có thể thành công đang ở rất gần, chỉ cần bạn nhẫn nại và cố gắng không ngừng…

Hồng Liên tổng hợp

No comments: