Có lần một sư đoàn quân đội Nhật tập trận, và một số sĩ quân thấy cần phải lập bộ chỉ huy trong thiền viện của Gasan.
Gasan bảo đầu bếp: “Cho các sĩ quan các món đơn giản như chúng ta ăn.”
Các sĩ quan tức giận, bởi vì họ quen được ưu đãi. Một sĩ quan đến gặp Gasan và nói: “Ông nghĩ chúng tôi là ai? Chúng tôi la chiến binh, hy sinh mạng sống cho tổ quốc. Tại sao ông không đối xử với chúng tôi tương xứng?”
Gasan trả lời cứng rắn: “Anh nghĩ chúng tôi là ai? Chúng tôi là chiến binh của nhân loại, nhắm vào cứu vớt tất cả mọi sinh linh.”
Bình:
• Gasan Jôseki (1276-1366) là một thiền sư quan trọng của dòng thiền Tào Động (Soto). Gasan đầu tiên học Thiên Thai Tông, nhưng sau khi gặp thiền sư Tào Động Keizan ở Kyoto, Gasan theo làm đệ tử của Keizan. Tuy nhiên Keizan có gởi Gasan đến học với các thiền sư khác, đặc biệt là thiền sư Lâm Tế Kyôô Unryô, trước khi truyền chức cho Gasan. Về sau Gasan là sư trụ trì thứ hai của chùa Sôjiji, trong 40 năm, và sau đó là sư trụ trì thứ tư của chùa Yôkôji trong một thời gian ngắn. Gasan đóng một vai quan trọng trong việc phát triển dòng thiền Tào Động tại Nhật.
• Thực ra thì các sĩ quan không nên ăn cơm của dân như thế, vì khi đánh trận thật không có ai nấu ăn sẵn cho ăn. Lẽ ra muốn tập trận tốt thì phải làm y như thật, là phải tự lo việc ăn uống.
Thái độ các sĩ quan này cho thấy đây là một nhóm quan binh hống hách chuyên hà hiếp dân. Chính vì vậy mà Gasan, dù lịch sự với họ, vẫn phải giữ thái độ cứng rắn.
• Câu trả lời của Gasan “Chúng tôi là chiến binh của nhân loại, nhắm vào cứu vớt tất cả mọi sinh linh,” chỉ có vị thầy đã đạt đạo mới nói được thế, vì đạt đạo rồi mới thấy được rằng điều mình đã trải nghiệm và liễu ngộ thì quan trọng cho mọi người trên thế giới đến thế nào.
Những người ngớ ngẩn thường nghĩ rằng sư sãi chẳng sản xuất gì cho xã hội và chỉ là gánh nặng cho xã hội vì sống nhờ cúng dường của người khác. Sư sãi chưa nắm được đạo cũng không thể thấy và tin vào vai trò quan trọng của mình cho thế giới. Chỉ có các bậc chân tu mới thấy được điều đó, và mới đủ tự tin để nói nó ra.
(Trần Đình Hoành dịch và bình)
No comments:
Post a Comment