Thời ấy, hàng rong trước cổng trường không nhiều và có nề nếp chứ không như bây giờ. Bởi vậy, khi đã lên Trung học tôi vẫn còn thấy bà nói cười móm mém với gánh hàng nguyên chỗ cũ cùng đám học trò nhỏ tíu tít. Chỉ với năm cắc, một đồng là được dĩa gỏi đu đủ giòn tươi với những con tôm đất lột vỏ đỏ au, nhúm rau thơm, đậu phộng rang giã nhỏ. Rưới thìa nước mắm chua ngọt lên, trộn đều rồi thong thả thưởng thức… ngon ơi là ngon! Bà Mười mất đã lâu, nhưng mỗi khi nhớ lại cùng cảm giác êm đềm, tôi vẫn thấy hiện lên mồn một quang cảnh ngày xưa…
Món gỏi phổ biến, gần gũi với mọi người có lẽ vì tương đối dễ làm và nguyên liệu không cầu kỳ mà phong phú, đáp ứng được khẩu vị chua, cay, mặn, ngọt của người ăn. Nguyên liệu bài bản trong món gỏi là rau, củ, quả, tùy loại cho thích hợp. Ở nông thôn, kéo vó được mớ tép bạc, luộc trộn với vài ba trái mít non thái mỏng chần nước nóng, rau quế là có dĩa gỏi dùng được.
Bạn tới nhà, gấp gáp thì nướng khô hố, khô mề gà hay bống kèo trộn dưa leo, cà chua, nước mắm chanh ớt… làm mồi đưa cay cũng tiện.
Gỏi xoài thì dùng khô cá sặc, cá lóc nướng hoặc chiên vàng, xé nhỏ trộn với xoài vừa chín tới, rất khoái khẩu. Mỗi thứ rau quả cần được sử dụng đúng món. Cá lóc nướng trộn lá sầu đâu cho vị đắng ngọt hấp dẫn. Gỏi rau muống trộn tôm khô, gỏi gà trộn hành tây hoặc lá chanh, lá ổi, gỏi vịt thường trộn bắp cải, gỏi bắp chuối thì trộn da heo luộc thái mỏng, gỏi khổ qua với trứng vịt tráng, cuộn thái chỉ.
Cao cấp hơn là món gỏi khổ qua trộn tôm càng nướng xé sợi. Với các loại hải sản như: tôm, cua, ốc, mực… người ta thường làm gỏi với rau nhút, càng cua, ngó sen, bưởi…
Miền Tây Nam-bộ có món gỏi ba khía trộn đu đủ, rau răm rất đậm đà hương vị. Vùng ven biển có món gỏi da cá đuồi khô ngâm luộc mềm, thái mỏng trộn tôm khô, đu đủ bào sợi, rau quế… ăn lạ miệng, bây giờ ít thấy ai làm.
Bình dân nhất là món “gỏi” bần ổi, mắm sặc kèm dưa leo, chuối xanh, các loại rau thơm. Có lẽ vị chua thanh của bần ổi dùng “chuyên trị” mắm sặc mặn mòi và gần như chỉ dành riêng cho dân nhậu thuộc hàng cao thủ!
Món gỏi không ăn lấy no mà chủ yếu thưởng thức hương vị từ các nguyên liệu dân dã phối hợp hài hòa, đầy kinh nghiệm chắt lọc của từng địa phương tạo nên sự phong phú, đa dạng…
Nguyễn Kim
No comments:
Post a Comment