Thế nhưng liệu đây có phải là quốc gia đắt đỏ nhất thế giới hay không? Đây là điều còn gây tranh cãi.
Cái nhìn khác nhau
Tháng trước, Đảo quốc Sư tử lại một lần nữa lên mặt báo khi bộ phận nghiên cứu kinh tế của Tạp chí The Economist (EIU) nêu tên đây là quốc gia đắt đỏ nhất thế giới trên bảng Chỉ số Chi phí sống Toàn cầu (WLCI).
Chỉ số này được thiết kế nhằm giúp bộ phận nhân sự của các công ty trên thế giới tính toán chi phí khi đưa nhân sự (thường là cao cấp) đến công tác tại đây.
Thường thì những người được công ty chi trả chi phí sống không tiêu xài giống như tất cả chúng ta. Dù Singapore đứng đầu danh sách những thành phố đắt đỏ nhất thế giới vào năm 2014, Phó Thủ tướng nước này, ông Tharman Shanmugaratnam cho rằng chỉ số này không hẳn là phản ánh giá cả đắt đỏ mà là phản ánh chi phí sống xa hoa của những người nước ngoài tới đây công tác.
Các giỏ hàng hoá làm cơ sở cho chỉ số này bao gồm các sản phẩm như "phô-mai nhập khẩu, filet cá, áo mưa kiểu Burberry, bốn ghế tốt nhất ở rạp hát, hoặc bữa ăn tối cao cấp gồm 3 món dành cho bốn người", ông nói.
EIU khá cởi mở về những giới hạn của chỉ số này.
Người thiết lập WLCI, Jon Copestake, thừa nhận rằng chỉ số này có phần bị 'cao cấp hoá'. Không có pháp luật nào ép buộc mọi người mua tất cả những món hàng được EIU liệt kê, nhất là khi trong đó bao gồm cả áo khoác, khi mà bạn đang sống gần xích đạo Trái Đất.
"Bạn có thể tìm các món hàng rẻ ở bất cứ đâu trên thế giới, và bạn có thể sống tiết kiệm hơn rất nhiều so với chi phí sống mà chúng tôi thống kê," Copestake nói.
Giao thông công cộng và taxi ở Singapore nhiều và rẻ, cho nên bạn không nhất thiết phải mua xe hơi riêng
Vậy liệu Singapore thực sự tốn kém đến đâu nếu bạn không xài tiền như sếp ngân hàng?
Một nhóm nghiên cứu tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, đã thiết lập ra chỉ số của riêng mình, vốn tách biệt giữa lao động ngoại quốc và người dân địa phương. Chỉ số này cho thấy Singapore là thành phố đắt thứ tư trên thế giới đối với lao động nước ngoài, thế nhưng đối với người dân địa phương, nó chỉ vào hàng thứ 48, nằm ở giữa Lisbon và Pittsburgh.
Trong chỉ số của EIU, Singapore đắt hơn nhiều so với các đô thị lớn trên thế giới vì một lý do: Chi phí mua xe. Chính phủ có chính sách cố tình nâng giá xe nhằm hạn chế lượng xe lưu thông trên đường phố để tránh tình trạng ùn tắc. Bạn sẽ phải trả đến 70 nghìn đôla chỉ để mua một chiếc Suzuki Swift.
Thế nhưng trong một thành phố nhỏ với rất nhiều phương tiện giao thông công cộng cũng như taxi rẻ, bạn hoàn toàn có thể sống không cần đến xe.
Trên thực tế, việc đi lại ở các thành phố khác còn đắt đỏ hơn nhiều. David Shen là một người Singapore làm việc trong lĩnh vực tiếp thị. Ông đã tỏ ra ngạc nhiên khi nhận ra chi phí di chuyển tại Úc đắt đến thế nào trong chuyến thăm nước này hồi tháng 12.
"Taxi hoặc Uber đều rất tốn kém," ông nói.
Việc đi lại tại Singapore không quá đắt đỏ, và điều này giúp nhiều lao động ngoại quốc tiết kiệm tiền.
"Tôi bỏ ra khoảng 178 đôla một tháng cho tiền đi taxi và tàu điện. Gần đây tôi đã tính toán lại và nhận ra rằng chi phí này chỉ bằng một nửa khoản chi phí cho xe và bảo hiểm của tôi tại Mỹ," Jeremy Mackie, giám đốc nghệ thuật của hãng Click2View đóng tại Singapore cho biết. Ông đến từ Hoa Kỳ.
Đầu bếp người Singapore Chan Hong Meng trước quầy cơm gà, mì gà được Michelin xếp hạng của ông
Mặc dù vậy, Copestake cho rằng nếu không tính đến chi phí xe, Singapore sẽ tụt xuống hạng 9 trên chỉ số của EIU. Ông chỉ ra rằng việc một thành phố nếu xuất hiện hết năm này qua năm khác ở vị trí cao nhất của bảng xếp hạng này là có lý do của nó.
"Tôi cho rằng chỉ số WLCI là một thước đo khá chính xác chi phí sống giữa các thành phố dựa trên đồng đôla," ông nói.
Ông cho rằng nhiều món hàng rất đắt đỏ tại Singapore, nhất là đồ gia dụng, quần áo, thực phẩm và thức uống.
Thực phẩm lại là một chủ đề gây tranh cãi. Một bữa ăn xa xỉ có thể tốn đến vài trăm đôla ở Singapore, nhất là nếu bạn muốn kèm cả rượu. Thế nhưng bạn cũng có thể mua bữa trưa chỉ với giá 3,57 đôla.
Và mặc dù các lao động ngoại quốc thường than vãn về giá cả đắt đỏ ở Singapore, nhưng bạn vẫn có thể có những sự lựa chọn khác. Vào giờ giảm giá, bạn có thể mua một chai bia Tiger sản xuất tại Singapore chỉ với giá 5 đôla, nếu bạn chấp nhận ngồi trên ghế nhựa bên vỉa hè.
Ở một số thành phố đắt đỏ khác, đồ ăn và thức uống có vẻ như tốn kém hơn. Nhà thiết kế đồ hoạ David Walker gần đây đã chuyển từ Zurich sang Singapore. Ông cho rằng giá bia rượu ở Zurich cao ngang ngửa hoặc thậm chí còn hơn cả Singapore. Tại đây, việc trả 20 đôla cho một ly cocktail là chuyện bình thường. Trong khi đó, có rất nhiều thức ăn rẻ tại Singapore, là điều rất hiếm thấy ở Zurich.
"[Thức ăn rẻ] không tồn tại ở Zurich. Bạn hoàn toàn không thể kiếm thức ăn rẻ tại đây," ông nói.
Giá nhà cao ngất
Giá nhà cũng là một trong các vấn đề gây đau đầu cho nhiều người, thế nhưng nó lại không được bao gồm trong danh sách của EIU (và nếu giá nhà được bao gồm trong chỉ số WLCI, Hong Kong nhiều khả năng sẽ đứng nhất bảng).
Các lao động ngoại quốc tại Singapore thường sống trong các căn hộ tư nhân, vốn khá đắt đỏ. Tiền thuê một căn hộ ba phòng ngủ ở River Valley rẻ nhất là 2.850 đôla. Thế nhưng 80% cư dân Singapore sống trong các khu nhà công được gọi là HDB.
Những toà nhà này không giống với nhà của nhà nước ở phương Tây. Nó là giải pháp của thành phố có mật độ dân số cao và được xem là điểm khởi đầu của tầng lớp trung lưu. Các căn hộ HDB có thể chỉ có nội thất rất cơ bản hoặc xa xỉ tuỳ ý muốn của người chủ, và giá thuê chỉ bằng một nửa các căn hộ tư nhân. Thế nhưng các căn hộ tư nhân thường có nhiều tiện ích hơn, ví dụ như sân chơi tennis.
Bạn sẽ phải chịu một số ràng buộc khi mua bất động sản HDB, nhưng Shen cho rằng điều này khá hợp lý về mặt tài chính. Bên cạnh đó, nhiều người Singapore có thể dùng lương hưu để trả tiền nhà, và vì vậy đối với nhiều người, đây không phải là chi phí quá lớn.
"Nó không phải là một phần quá lớn trong cuộc sống của bạn," ông nói.
Điều này khiến việc sở hữu bất động sản tại Singapore vẫn còn dễ chán so với London, San Francisco hoặc Sydney, nơi mà một cái nhà xuống cấp có thể được bán với giá 1,96 triệu đôla.
Vì vậy nếu bạn du lịch hoặc công tác tại Singapore, đừng quá hoảng sợ trước chi phí sống, Singapore không phải rẻ, nhưng nó cũng không phải là nơi sẽ tiêu tốn hết tiền của bạn.
Tim McDonald
BBC Capital
Link tiếng Anh:
No comments:
Post a Comment