Friday, May 31, 2019

NHỮNG NƯỚC NÀO TRÊN THẾ GIỚI ĐÃ CÓ MẠNG 5G?

Nhìn chung, phần lớn các nước đều đã thí điểm triển khai mạng 5G ở một số sự kiện, khu vực, nhưng để triển khai ở cấp độ thương mại, đa số chọn lộ trình từ 1-2 năm nữa.

Ảnh (minh họa): REUTERS

Mạng di động thế hệ 5 (5G) siêu nhanh, công nghệ mạng Internet di động mới nhất với tốc độ truyền tải dữ liệu hứa hẹn tăng tốc gấp từ 10-20 lần so với hiện tại đã và đang trong lộ trình triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới. Đây thực sự là một cuộc đua công nghệ mà không quốc gia nào muốn bị rớt lại phía sau.

Phần lớn chọn mốc 2020

Hãng nghiên cứu và tư vấn toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông Analysys Mason phân loại 3 nhóm nước dẫn đầu về mức độ sẵn sàng triển khai 5G. Trong đó, nhóm quán quân gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản. Nhóm thứ 2 gồm: Đức, Anh, Pháp. Và nhóm thứ 3 gồm: Canada, Nga, Singapore.

Theo trang Lifewire, những nước đã triển khai 5G trong năm 2018, hoặc thí điểm hoặc một phần gồm: New Zealand (thí điểm tháng 3-2018); Úc (8-2018); Estonia (12-2018); Bồ Đào Nha (12-2018); Ba Lan (12-2018); Ireland (11-2018); Nga (2018); Phần Lan (6-2018); Tây Ban Nha (6-2018); Đức (2018); Singapore (11-2018)…

Các nước dự kiến triển khai 5G trong năm 2019 hoặc 2020 gồm: Oceania (2019); Thụy Điển (2020); Áo (2019); Thụy Sĩ (2019); Ý (2019); Anh (2019); Na Uy (thử nghiệm đầu năm 2017 nhưng dự kiến triển khai năm 2020); Pakistan (2020); Malaysisa (9-2019); Bangladesh (2020); Philippines (2020)…

Tại Thế vận hội mùa đông đầu năm 2018 công chúng đã chứng kiến những ứng dụng 5G ấn tượng tại Hàn Quốc, song xứ sở kim chi lại không phải nước đầu tiên triển khai mạng 5G quy mô thương mại.


Theo trang công nghệ Venturebeat, Qatar là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G thương mại của nhà mạng Ooredoo. Tháng 5-2018 nhà mạng Ooredoo của Qatar công bố họ đã triển khai mạng 5G Supernet, "mạng 5G thương mại đầu tiên trên thế giới".

Riêng tại châu Á, tháng 12-2018 Hàn Quốc là nước đầu tiên triển khai dịch vụ mạng 5G thương mại tại thủ đô Seoul và 6 thành phố lớn khác. Nhà mạng không dây lớn nhất của Hàn Quốc SK Telecom cũng bắt đầu triển khai hạ tầng 5G tại K-City, thành phố đầu tiên của Hàn Quốc dành cho xe tự lái, từ đầu năm 2018.

Cho tới năm 2020 hầu hết các nước sẽ có mạng 5G. Hãng Ericsson ước tính tới năm 2024 sẽ có 1,5 tỉ người dùng sẽ được sử dụng mạng 5G. Vào thời điểm đó mạng di động thế hệ mới cũng sẽ tiếp cận được hơn 40% dân số thế giới.

Các hãng viễn thông lớn của Mỹ như AT&T, Sprint, T-Mobile và Verizon Wireless đều sẽ cung cấp mạng 5G. Tham gia cung cấp thiết bị cho hạ tầng 5G sẽ gồm có các tên tuổi lớn như Qualcomm, Intel, Ericsson, Nokia, ZTE và Huawei. Riêng tại châu Á và châu Âu, hai nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn của Trung Quốc là ZTE và Huawei được cho đóng vai trò rất lớn.

Để đón đầu xu hướng công nghệ mới, nhiều nhà sản xuất thiết bị di động như LG, Samsung, Motorola, Apple…. cũng đang đầu tư phát triển các dòng sản phẩm có nền tảng phần cứng và phần mềm thích ứng với 5G.


Huawei là một trong những hãng cung cấp thiết bị viễn thông cho mạng 5G lớn tại châu Á và châu Âu - Ảnh: REUTERS

Công nghệ 5G có thể làm gì?

Trên toàn cầu, theo tạp chí Fortune, phần lớn mọi người đều đang sử dụng mạng 4G với tốc độ khoảng 16,9 megabit/s (Mbps), mặc dù tốc độ nhanh nhất của mạng 4G hiện tại theo BBC là 45Mbps.

Mạng 5G hứa hẹn tăng tốc độ mạng lên cấp Gigabit (> 1Gbps). 1 gigabit trên giây (hay 1 Gpbs = 1.000Mbps). Để dễ hiểu, nếu mạng 4G cho phép người dùng xem video trên Youtube ở chất lượng full HD thì mạng 5G sẽ cho phép họ xem video ở chuẩn 4K HDR hoặc hơn. Và bạn có thể hình dung, với tốc độ đó, việc tải một bộ phim chuẩn HD chỉ mất chừng 1 phút hoặc hơn thế một chút.

Về tiềm năng ứng dụng của mạng 5G, trước hết nhà mạng có thể dùng công nghệ này thay cho dịch vụ mạng băng thông rộng, cung cấp dịch vụ mạng không dây cho những nơi chưa thể tiếp cận Internet qua đường dẫn cáp thường hoặc cáp quang.

Những lĩnh vực mạng 5G được cho là sẽ có tác động lớn trong tương lai là xe tự hành (xe không người lái), cảm biến, máy bay không người lái (drone), đồng hồ thông minh, theo dõi chăm sóc sức khỏe và đương nhiên là các thiết bị di động.

Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh yếu tố "tương lai", dù có thể chỉ là tương lai gần của những ứng dụng này, bởi hiện tại, ở tất cả những quốc gia đã triển khai 5G, quy mô triển khai dịch vụ ở cấp độ thương mại chưa phổ biến, theo đó những lĩnh vực ứng dụng cũng chưa thể rộng rãi.


Ngoài việc cung cấp dịch vụ mạng không dây tốc độ nhanh hơn cho các thiết bị di động, mới chỉ một số nước ứng dụng công nghệ 5G cho các lĩnh vực khác. Chẳng hạn tại Phần Lan, tháng 10-2018 hãng viễn thông Elisa công bố chương trình cải thiện chất lượng không khí đô thị bằng các cảm biến 5G theo dõi tình trạng ô nhiễm. Tháng 12-2018 sân bay Helsinki trở thành sân bay 5G đầu tiên trên thế giới.

Nên ưu tiên nâng cấp 4G hơn lúc này

Đằng sau những náo nhiệt của cuộc đua 5G, có một thực tế ảm đạm hơn nhiều là vẫn còn rất nhiều người trên thế giới thậm chí chưa được sử dụng mạng 4G. Đó là quan điểm của ông Brendan Gill thuộc hãng phân tích dữ liệu di động OpenSignal chia sẻ với đài BBC (Anh).

Theo chuyên gia này, việc cải thiện diện bao phủ mạng 4G (vốn đã đủ nhanh để cho người dùng tải video HD) tại thời điểm này có lẽ là một nỗ lực quan trọng hơn là việc chạy đua để đưa ra một công nghệ mới, thời thượng nhưng chỉ mới ứng dụng được trong rất ít trường hợp.

ĐỖ DƯƠNG

ĐẤT HIẾM (稀土金屬, RARE EARTH ELEMENT)

Nghe chuyên gia giải thích về việc "Đất hiếm không hề hiếm như cái tên"

Nguyên tố đất hiếm còn được gọi là “vitamin của hóa học”, khi mà một lượng nhỏ thứ “chất bổ” này sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ trong đồ điện tử. Trung Quốc đang là nước dẫn đầu ngành sản xuất đất hiếm với 80% sản lượng toàn cầu.


Nhiều năm nay, cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ ngày một leo thang. Nhưng phải đến tháng Năm năm 2019 này, ta mới thấy đỉnh điểm của nó: Huawei, ngôi sao sáng của ngành công nghệ Trung Quốc, bị Mỹ cấm cửa, hệ lụy là một loạt các hãng cung cấp phần cứng và phần mềm đình đám “nghỉ chơi” với Huawei.

Một trong những biện pháp Trung Quốc có thể dùng để đáp trả là dừng xuất khẩu đất hiếm - thứ nguyên tố thiết yếu cho ngành sản xuất thiết bị điện tử. Trung Quốc là nguồn cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới hiện nay, và Mỹ sử dụng đất hiếm để làm smartphone, xe điện, pin và nhiều hơn nữa. Người Trung Hoa ủng hộ kế hoạch này, họ gọi đất hiếm là “con át chủ bài trong tay Bắc Kinh”.


Nguyên tố đất hiếm còn được gọi là “vitamin của hóa học”, khi mà một lượng nhỏ thứ “chất bổ” này sẽ tạo ra những hiệu ứng mạnh mẽ trong đồ điện tử: nam châm mạnh hơn, màn hình thiết bị điện tử sáng hơn, dung lượng pin cao hơn đều nhờ có đất hiếm. Nếu Trung Quốc dừng cung cấp đất hiếm, toàn bộ ngành công nghiệp điện tử sẽ đi lùi lại mất vào thập kỷ. Không ai muốn từ bỏ smartphone để quay về sử dụng cục gạch đen trắng ngày xưa cả.

Thế nhưng các chuyên gia trong ngành lại không lo lắng cho tình cảm nguy khốn. Họ cho rằng việc áp thêm luật lệ mới lên đất hiếm sẽ phản tác dụng, để rồi Mỹ và các nước khác dần thích nghi với việc khan hiếm đất hiếm.

“Nếu Trung Quốc dừng ngay lập tức việc cung cấp đất hiếm, ta sẽ đối mặt với những vấn đề ngắn hạn trước”, Tom Worstall, một thương gia đất hiếm nói với The Verge. “Vấn đề đó không khó giải quyết”.


Lý do để Trung Quốc không thể dùng đất hiếm để đe dọa ngành công nghiệp điện tử rất nhiều, trải dài như Vạn Lý Trường Thành, qua các yếu tố như địa lý, hóa học và lịch sử. Nhưng yếu tố quan trọng nhất lại là yếu tố dễ giải thích nhất: đất hiếm không hiếm, chỉ là cái tên vậy thôi.

Ban khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (USGS) mô tả đất hiếm là “nhiều ở mức trung bình”. Chúng không nhiều như silicon hay sắt, nhưng vẫn có số lượng tương đương chì hay đồng. Trung Quốc sở hữu một lượng lớn đất hiếm, nhưng Brazil, Canada, Úc, Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản cũng đều có đất hiếm.

Khó khăn trong việc tinh chế đất hiếm (và cũng là lý do chúng được đặt cái tên “hiếm”) nằm ở việc đất hiếm không đóng thành quặng, mà lẫn cùng nhiều tạp chất khác. Tính chất hóa học của đất hiếm ngang ngửa với một thanh niên hòa đồng, ai cũng có thể bắt cặp; việc trích xuất đất hiếm từ quặng thì lại giống việc thuyết phục anh bạn say rượu dừng uống để về nhà, một quá trình dông dài và gây ức chế.

Theo lời Eugene Gholz, chuyên gia đất hiếm và giáo sư đang công tác tại Đại học Notre Dame: “Một khi bạn lấy đất hiếm ra khỏi đất, mới thấy khó khăn nằm ở khâu xử lý hóa học chứ không phải công đoạn khai thác”.

Không giống những lời lẽ ngọt nhạt dùng để khuyên nhủ một người bạn say xỉn, xử lý đất hiếm cần acid mạnh và một lượng phóng xạ có thể gây ung thư. Đây là một trong những lý do nhiều nước để việc sản xuất đất hiếm cho Trung Quốc, quốc gia có lượng lao động tay chân dồi dào và những mỏ đất hiếm không biết quan tâm tới môi trường.


Trung Quốc cũng mới vươn lên vị trí thứ nhất trong danh sách các nước sản xuất đất hiếm. Giữa thập niên 68 và 80, lượng lớn đất hiếm của thế giới tới từ mỏ Mountain Pass tại Mỹ. Nhà máy đóng cửa năm 1998 do gặp vấn đề với lượng nước thải độc hại.

Từ thập niên 90 trở đi, người Hoa mới thống lĩnh nguồn hàng đất hiếm, nhưng họ cũng trả cái giá môi trường đắt đỏ. Năm 2010, chính phủ Trung Quốc ước tính lượng rác thải độc hại mà ngành đất hiếm thải ra một năm phải tới 20 triệu tấn. Số liệu từ nhiều nguồn cho hay Trung Quốc chiếm 95% tổng sản lượng đất hiếm thế giới, nhưng USGS cho rằng số liệu đã cũ, con số hiện tại đâu đó gần 80%.

Con số 80% vẫn lớn, và câu hỏi vẫn còn giá trị của mình: chuyện gì xảy ra nếu như Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm? May mắn thay, ta có lịch sử cho ta biết chuyện gì đã xảy ra trong lần trước, khi Trung Quốc dừng chuyển đất hiếm sang Nhật. Luật cấm có hiệu lực, nhưng hiệu ứng nó tạo ra không nhiều.

Các đối tượng buôn lậu đất hiếm có thêm thị trường làm ăn, các nhà sản xuất của Nhật Bản tìm ra được cách sử dụng ít đất hiếm hơn, sản lượng đồ điện tử ở các nước khác tăng để bù cho Nhật Bản. “Thế giới này linh hoạt lắm”, Eugene Gholz nói, “người ta không từ bỏ, họ thích nghi với hoàn cảnh mới”.

Gholz viết bản báo cáo từ năm 2010, nhưng anh vẫn cho rằng sự thể cũng không khác gì trong năm 2019 này.

Mỏ đất hiếm.

Nếu Trung Quốc dừng việc xuất khẩu đất hiếm, những nhà cung cấp nguyên vật liệu hiện tại vẫn sẽ có đủ đất hiếm để đưa về những cơ sở cần gấp, cách chữa cháy ngắn hạn có thể đủ để cầm cự cho qua cơn bão chiến tranh thương mại. Dù đồ điện tử hay dầu thô (quá trình tinh chế dầu cũng cần đất hiếm) có thể tăng giá, Gholz vẫn nói rằng bạn vẫn có thể mua những smartphone mới nhất mà không ảnh hưởng gì.

Và đây cũng mới chỉ là dự đoán, Trung Quốc vẫn chưa có động thái chính thức. Thừa cơ hội này, nhiều cơ sở đã tích trữ lượng lớn đất hiếm để có thể ngay lập tức đối phó với nguy cơ tiềm tàng. Đây đó, những cơ sở tinh chế đất hiếm mới xuất hiện.

Khi lệnh cấm diễn ra, một trong những điểm để ngành công nghệ bấu víu sẽ là mỏ Mountain Pass, đã trở lại hoạt động hồi tháng Giêng năm nay. “Cách tiết kiệm nhất và nhanh nhất để đối phó là đổ thêm nhiều đất hiếm nữa vào thị trường, chúng ta đâu có phải đi lên từ con số không?”, Gholz nói.

Worstall cũng đồng tình, “việc sản xuất đất hiếm đơn giản một cách đáng ngạc nhiên”.

Có một điều làm phiền lòng cả hai người, đó là quá trình tinh chế đất hiếm sẽ có cái giá đắt nhường nào. Đặc biệt khi quy chuẩn an toàn của Mỹ cao hơn hẳn Trung Quốc, việc thành lập một cơ sở sản xuất đất hiếm sẽ gặp nhiều trở ngại.

Không phải là liệu ngành công nghệ có thích nghi được trong tương lai không (vì kiểu gì cũng sẽ thích nghi được thôi), mà phải hỏi: Liệu họ có đứng vững được trong thời điểm hiện tại?

THEO TRÍ THỨC TRẺ

KỲ LẠ NHÀ HÀNG "PHỤC VỤ ĐỒ ĂN THỪA"

Một tối mùa hè ở Copenhagen, một đám đông tụ tập ở trước cửa nhà hàng có tên Dalle Valle. Khi đó là 22:30, bữa tối buffet sắp kết thúc và nhà bếp sắp đóng cửa. Tuy nhiên những người này, đa số ở độ tuổi 20-30, có mặt ở đây để mua những khẩu phần thức ăn nhà hàng không bán hết.


Dalle Valle là một trong số hàng trăm nhà hàng và quán cafe được liệt kê trên một ứng dụng có tên ‘Too Good To Go’, vốn cho phép bạn gọi những món đồ ăn không bán hết trước khi chúng bị vứt đi với giá rất rẻ.

Ứng dụng này là một trong các sáng kiến ra đời trong vài năm qua nhằm xử lý vấn đề lãng phí lương thực. Đan Mạch là một trong các quốc gia dẫn đầu trong nỗ lực xử lý vấn đề này.

Giống như nhiều quốc gia khác, Đan Mạch cũng đang đối mặt với vấn đề lãng phí lương thực.

Một cuộc khảo sát do chính phủ thực hiện vào năm 2014 chỉ ra rằng trung bình mỗi hộ gia đình Đan Mạch bỏ phí 105kg lương thực, thực phẩm mỗi năm.

Với giá trị trung bình 3.000 kroner (350 bảng Anh), đây là một lượng lương thực khá lớn đối với hầu hết các gia đình.

Các cửa hàng cũng bỏ phí những sản phẩm bị lỗi bao bì hoặc các lỗi nhỏ khác. Ví dụ như các nhân viên ở tiệm bánh có thể vứt đi cả một suất bánh mì mới ra lò chỉ vì nó có hình dáng không đẹp.

Tại châu Âu, 100 triệu tấn lương thực bị vứt đi mỗi năm. Thức ăn sau khi phân huỷ tạo ra 227 tấn khí thải tương tự như khí CO2, tương đương với tổng lượng nhiên liệu hoá thạch thải ra tại Tây Ban Nha.

Đây không chỉ là vấn đề ở những nước giàu.

Tổ chức Nông Lương của Liên hiệp quốc ước tính lượng lương thực bị lãng phí ở các nước đang phát triển và các nước công nghiệp hoá lần lượt là 630 và 670 triệu tấn. Nhìn chung, một phần ba lượng lương thực được sản xuất ra mỗi năm bị lãng phí, tương đương với một nghìn tỷ đô la.

Giờ đây, Đan Mạch đang chỉ ra cho chúng ta hướng giải quyết. Nước này đã giảm lượng lương thực bị lãng phí xuống 25% trong 5 năm qua, theo một nghiên cứu do Hội đồng Nông Lương của Đan Mạch công bố.

Trên toàn châu Âu, 100 triệu tấn thực phẩm bị đổ đi mỗi năm, tạo ra lượng khí thải nhà kính khổng lồ

Thành công của Đan Mạch chủ yếu phụ thuộc vào nỗ lực thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Hồi năm 2016, hai chi nhánh của siêu thị WeFood mở cửa tại Copenhagen. Các chi nhánh này chỉ trưng các thực phẩm đã quá hạn được bán.

Anh Quốc là nước xếp hạng thứ nhì trong nỗ lực giảm lượng thực phẩm bị lãng phí. Trong thời gian từ 2008 đến 2013, nước này đã giảm lượng thực phẩm bị lãng phí xuống 21%. Dự án Real Junk Food Project đã mở cửa hàng đồ ăn dư thừa đầu tiên ở Anh tại thành phố Leeds hồi tháng Chín năm 2016.

Tuy nhiên, Đan Mạch giờ đây có nhiều sáng kiến để giải quyết tình trạng lãng phí thực phẩm hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới.

Hầu hết những nỗ lực này là do Selina Juul khởi xướng. Là một nhà hoạt động về thực phẩm vốn từng làm nghề thiết kế đồ hoạ, Selina đã bắt đầu một chiến dịch với tên gọi Stop Spild Af Mad (‘Ngưng Lãng Phí Thức Ăn’) 8 năm trước.

Khi Juul chuyển đến Đan Mạch vào hồi thập niên 1990 để học tập, bà cảm thấy phấn khích khi nhìn thấy thực phẩm luôn dồi dào ở khắp nơi.

“Tôi đến từ Moscow, nơi mà chủ nghĩa cộng sản vừa sụp đổ và các siêu thị luôn luôn thiếu hàng,” bà nói. “Thực phẩm luôn là thứ thiếu hụt, không đủ đáp ứng nhu cầu.”

Tuy nhiên, trong thời gian làm việc bán thời gian ở khu vực làm bánh bên trong một siêu thị, bà cũng ngạc nhiên khi thấy bánh mì bị bỏ phí chỉ vì chúng mang hình dáng xấu.

Vào năm 2008, Juul lập một trang Facebook kêu gọi người Đan Mạch ngưng lãng phí thức ăn.

Trang này sau đó trở nên thịnh hành đến nỗi Selina được mời lên sóng truyền hình quốc gia để thảo luận về vấn đề này hai tuần sau đó. Juul sau đó được REMA 1000 - một chuỗi siêu thị giá rẻ lớn ở Đan Mạch, đề nghị giúp tìm cách xử lý tình trạng lãng phí thực phẩm trong các cửa hàng của họ.

Khoảng 29.000 tấn bánh mì và bánh ngọt bị vứt đi mỗi năm ở Đan Mạch, phần lớn bởi vì chúng được bán theo những khẩu phần lớn hơn nhu cầu thực, John Rosenlowe, một quản lý tiếp thị tại REMA 1000, nói.

Để xử lý vấn đề, REMA 1000 đã giảm kích cỡ bánh mỳ của họ xuống còn 40-50% và giảm giá theo mức tương tự. Điều này không những giảm lượng thức ăn bị lãng phí ở mỗi hộ gia đình mà còn giảm lượng sản phẩm bị vứt đi ở các cửa hàng, Rosenlowe nói.

Nhiều công ty khác đã làm theo REMA 1000. Các cửa hàng bán lẻ như Lidl và Coop Danmark đã tham gia vào nỗ lực giảm lượng lương thực bị lãng phí.

Lidl đã ngưng các hoạt động giảm giá, điều trước nay thường khiến người đi chợ mua nhiều hơn cần thiết. Unilever thì tài trợ các túi miễn phí cho các nhà hàng dọc khắp Đan Mạch để khuyến khích thực khách mang thức ăn thừa về nhà. Các nhà hàng bắt đầu bán thức ăn dư thừa thông qua ứng dụng như Too Good To Go. Các doanh nghiệp áp dụng những biện pháp nhằm giảm lãng phí sẽ nhận được chứng chỉ từ một tổ chức với tên gọi ReFood.

Các tổ chức phi lợi nhuận cũng có đóng góp. Ida Merethe Jorrgensen, chủ tịch của Danske Handicaporganisationer, một quỹ từ thiện đóng ở Kolding, đã hợp tác với các nhóm tình nguyện để thu thập thực phẩm tồn kho và phân phối cho những gia đình có thu nhập thấp.


Tại hầu hết các quốc gia, trong đó có Đan Mạch, không có luật pháp nào ngăn chặn việc bán thực phẩm quá hạn sử dụng. Tuy nhiên hạn sử dụng trên một sản phẩm khiến người mua nghĩ rằng chúng chỉ đáng vứt đi. Tuy nhiên điều này đang thay đổi.

“Tôi nhận ra rằng mua thực phẩm gần hết hạn sử dụng sẽ rẻ hơn rất nhiều,” Aslan Husnu, một nhà nghiên cứu tại Đại học Aarhus có thói quen săn lùng những món hàng giảm giá ở các siêu thị nói.

“Để tránh lãng phí, tôi chỉ cần mua một lượng nhỏ thực phẩm, mua thường xuyên, và không quá chú trọng hình thức.”

Những nước khác giờ đây đang theo bước chân của Đan Mạch. Pháp và Ý gần đây thông qua các điều luật cho phép các doanh nghiệp, trong đó có các nông trại, dễ dàng quyên góp thức ăn dư thừa cho các hội từ thiện hơn.

Các ứng dụng cho điện thoại thông minh cho phép người ta tìm đến thức ăn thừa dễ dàng hơn ở nhiều nước. “Trung bình một người dùng điện thoại kiểm tra điện thoại 6 giây một lần, điều này khiến việc tương tác với thị trường định sẵn dễ dàng hơn bao giờ hết.”

Thế nhưng mô hình tại Đan Mạch không phải dễ dàng theo đuổi. “Đan Mạch là một nước nhỏ, theo lối sống khá cổ điển, và là một nước dân chủ xã hội, vốn đã quen với việc đưa ra các quyết định dựa trên lợi ích của số đông và hạn chế sự lựa chọn của cá nhân,” Krishnendu Ray, từ Đại học New York, nói. Các chính sách này khó lòng tồn tại ở những quốc gia như Hoa Kỳ, ông nói.

Với Madeline Holtzman, việc giảm lượng lương thực bị lãng phí là điều không phải tranh cãi. “Chất thải thực phẩm là một trong những nguồn đóng góp khí thải methane lớn nhất, nó lại là vấn đề về môi trường dễ giải quyết nhất cũng như là hiểm họa về môi trường ít bị giới hạn và bị chính trị hoá nhất.”

Là sinh viên cao học tại Đại học New York, Hotzman cho rằng cần phải nâng cao sự hiểu biết để người ta có thể đưa ra sự lựa chọn riêng cho mình. Bà đã giúp cho ra đời Toast Ale ở Hoa Kỳ - một loại bia Anh làm từ bánh mì dư thừa.

Tại Đan Mạch, Juul cho rằng ý thức trong xã hội về vấn đề này ngày càng tăng. Bà cũng cho biết WeFood đang gặp khó khăn trong việc tìm nguồn cung vì các doanh nghiệp từng đóng góp thức ăn thừa giờ đây không còn thừa nhiều thức ăn nữa. Các ứng dụng như Too Good To Go đã trở nên thịnh hành đến nỗi nhiều nhà hàng giờ đây phải từ chối khách hàng.

Vì vậy, lần tiếp theo bạn nhìn thấy một đám đông xếp hàng trước một nhà hàng, có lẽ họ không phải đang đợi gọi món ăn chính mà là họ đang đợi những thức ăn sắp bị ném vào thùng rác.

Prathap Nair
BBC Future
Link tiếng Anh:


Thursday, May 30, 2019

GIÁ TRỊ CỦA TỰ DO


Ai cũng biết cuộc sống trôi qua từng ngày, có những kế hoạch được triển khai, có những tham vọng đã thành hiện thực, có nhiều thành công, có nhiều thất bại, có những khó khăn, có lúc tuyệt vọng…

Cái quan hệ “hữu cơ” giữa con người với con người vô cùng phức tạp.

Ngày xưa, khi ta còn bé ta cứ nghĩ cuộc đời là một chuỗi màu hồng ở phía trước, cứ học cho giỏi để tốt nghiệp, theo đuổi một trường đại học để lấy bằng cấp, ra trường đi làm, cưới vợ gã chồng, sinh con đẻ cái… Rồi lại bắt đầu một vòng Circle of the life mới. Thế nhưng những điều tưởng chừng như vô cùng đơn giản này đối với một vài người quả thật không phải dễ.

Khi còn bé, ta ghét gì?


Chúng ta ghét bị cấm chơi bi, chúng ta ghét phải đi ngủ đúng giờ khi đang xem đến tập phim hay, chúng ta ghét mỗi ngày phải đi học, chúng ta ghét bị đòn khi chúng ta hư, chúng ta ghét bị la khi ta làm bậy…


Khi ta còn bé, ta thích gì?

Ta thích đi chơi thả giàn, ta thích cởi truồng tắm mưa, ta thích ăn kem miễn phí… Ta thích lớn cho nhanh để trờ thành người lớn. Ta không còn bị buộc phải ăn đúng giờ, ngủ đúng giờ, sáng xách cặp đi (học) trưa xách cặp về. Còn gì nữa: đi chơi phải xin phép, hết tiền phải xin tiền, làm trẻ ngoan thì được thưởng, hư thì bị phạt… Tóm lại là chúng ta thèm khát trở thành người lớn để thoát khỏi sự bảo hộ của cha mẹ ta. Chúng ta ao ước sự tự do.

Nhưng khi lớn rồi chúng ta có được cái tự do đó hay không? Bây giờ chúng ta có thể làm nhiều việc mà không cần xin phép cha mẹ. Chúng ta có thể thản nhiên hút một điếu thuốc giữa nhà mà không bị la, chúng ta có thể bỏ đi bụi vài ngày ở Nha Trang hay Đà Lạt mà không phải sợ ăn đòn, chúng ta có thể tự sắm cho mình một chiếc xe mà không phải xin tiền, chúng ta có thể đổi máy di động mà không bị chửi, chúng ta có thể thua độ đá banh vài chai mà không tiếc… Ôi tự do sung sướng biết bao!


Thế nhưng nếu chúng ta vượt đèn đỏ, coi chừng bị phạt; chúng ta phạm pháp, có thể bị ở tù; chúng ta thua độ triền miên, lấy tiền đâu mua sữa cho con? [sữa mẹ nó thì đã hết từ lâu chứ không có chuyện lạm dụng chức vụ để tham nhũng sữa ở đây]; chúng ta vui chơi thâu đêm suốt sáng, coi chừng cây cột nhà càng ngày càng teo tóp; chúng ta tiêu xài hoang phí, tiền đâu để đổi ti-vi, máy tính? Rồi tiền chợ, tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền xăng, tiền học phí, tiền hiếu thảo phí, tiền điện thoại cố định, điện thoại di động, điện thoại vô tuyến cố định, tiền truyền hình cable, tiền ADSL, tiền relax phí, tiền cheer-up phí…

Do vậy khi chúng ta có được cái gọi là sự tự do (limited) thì chúng ta lại bị ràng buộc vào cái gọi là trách nhiệm (unlimited) giống y như… (hix) cha mẹ ta ngày xưa! Mà đã bị ràng buộc thì làm sao có thể gọi là tự do? Khi thiếu tự do chúng ta lại đi tìm cách ăn cắp tự do ở con cái chúng ta.

Tóm lại là khi trưởng thành ta cũng không được cái gọi là tự do mà ta hằng mong ước.


Điều này giải thích tại sao nước Mỹ luôn hô hào kêu gọi về một “thế giới tự do”: tự do dân chủ, tự do thương mại, tự do tín ngưỡng…; còn người Việt Nam thì tuyên bố: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Biết bao nhiêu máu xương đã đổ cho công cuộc cách mạng để tiệm cận sự tự do mà tui vừa đề cập ở trên.

Kết luận: tự do giống như một vì sao sáng, nó lấp lánh hấp dẫn lôi kéo lòng người, những người mà chẳng bao giờ vươn tới sự hoàn mỹ của vì sao đó.

Nguyễn Hạnh Dzuy

MƠ MUỐI UMEBOSHI

Mơ muối Umeboshi: Từ thức quà mùa hè riêng dành dâng vua chúa, quý tộc đến món ăn quen mặt của người bình dân


Nhật Bản được cả thế giới biết đến với một nền ẩm thực không lạm dụng quá nhiều gia vị mà chú trọng làm nổi bật hương vị tươi ngon, tinh khiết tự nhiên của món ăn. Hương vị món ăn Nhật thường thanh tao, nhẹ nhàng và phù hợp với thiên nhiên theo từng mùa. Điểm tô thêm gam màu mới lạ vào nền ẩm thực tưởng như đơn sắc của xứ sở mặt trời mọc, mơ muối Umeboshi nổi bật lên như một nét chấm phá đặc biệt nhờ vị mặn mòi và chua gắt không lẫn vào đâu được.

Mơ muối Umeboshi là gì?

Umeboshi là món muối rất phổ biến trong văn hóa ẩm thực Nhật Bản được làm bằng cách đem quả mơ ngâm muối lâu ngày đi phơi héo. Umeboshi về cơ bản có 2 loại là mơ muối màu vàng và mơ muối màu đỏ. Màu vàng là màu tự nhiên vốn có của mơ; bên cạnh đó, loại mơ màu đỏ được tạo thành do muối chung với lá tía tô lại phổ biến và được sử dụng rộng rãi hơn cả. Umeboshi thường mềm, có vị chua gắt và mặn. Ngoài ra, còn có một loại mơ muối khác mang tên Umezuke sẽ giòn hơn, do không được phơi héo.


Như đã đề cập, bí mật đằng sau sắc đỏ của món mơ nằm ở những chiếc là tía tô được muối chung. Những ngày đầu tháng 6 hàng năm, những cành mơ sai trĩu quả vào mùa thu hoạch chính là dấu hiệu bắt đầu cho một mùa muối mơ của người Nhật. Những quả mơ ngon lành, tròn đầy nhất sẽ được tuyển lựa kỹ lưỡng để mang đi muối, do những quả xước sẽ dễ lên mốc khiến mẻ mơ muối mất đi vị ngon cần có.


Sau khi cẩn thận lựa chọn, người muối sẽ rửa sạch quả mơ rồi cắt bỏ cuống và mang đi ngâm trong nước muối hoặc rượu mạnh để có thể khử trùng. Song song đó, lá tía tô cũng được xóc với muối rồi bóp cho ngót lại. Tỉ lệ muối thường không cố định; người ta có thể tự động gia giảm vì lượng muối càng nhiều, mơ càng giữ được lâu.

Sau khi những công đoạn chuẩn bị đã hoàn tất, người muối mơ sẽ cho muối hột vào lọ hay vại sành rồi khéo léo đặt thêm một lớp mơ và một lớp lá tía tô, xen kẽ nhau từng lớp cho đến khi đầy rồi dùng nắp đậy kín và đặt vào chỗ tối. Từ từ, muối sẽ dần tan ra tạo nên vị mặn, mơ cũng tiết ra hết vị chua và tía tô ra hết sắc tím. Khi lượng nước tiết ra ngập ngang mặt quả mơ, người ta sẽ vớt mơ và tía tô ra để đem đi phơi héo từ 2 đến 3 ngày. Lượng nước ngâm mơ được gọi là “giấm mơ Umeboshi”, và thường được sử dụng chung với quả mơ muối. Mơ muối sau khi được phơi khô có thể để riêng vào một lọ khác hoặc ngâm chung với giấm mơ để tiếp tục sử dụng. Thời gian ủ càng lâu, mơ càng ngon và giá trị dinh dưỡng cũng vì thế mà cao hơn.


Thông thường, chỉ sau 1 năm là mơ muối đã có thể sử dụng được; tuy nhiên, để hương vị thêm đậm đà và tăng độ dinh dưỡng, người Nhật có thể ngâm mơ trong khoảng từ 3 đến 5 năm. Địa phương nổi tiếng nhất về làm Umeboshi là Minabe, vùng đất nằm ở miền trung tỉnh Wakayama của Nhật Bản.

Từ câu chuyện lịch sử trải dài nhiều thế kỷ

Gắn chặt với đời sống ẩm thực của người Nhật Bản nhưng ít ai biết Umeboshi chứa đựng một câu chuyện văn hóa lâu đời. Vào thời kỳ Heian (794 – 1185), có một vị vua đã có thể tự chữa bệnh cho mình bằng cách uống trà pha với Umeboshi và tảo bẹ Kombu. Từ đó, người ta tin rằng Umeboshi có tác dụng giải độc để rồi loại thực phẩm này bắt đầu được sử dụng rộng rãi bởi vua chúa và tầng lớp quý tộc như một thức dùng để tráng miệng sau mỗi bữa ăn. Sau đó, giới Samurai cũng bắt đầu sử dụng mơ muối một cách rộng rãi. Tuy nhiên, thời điểm này, mơ muối vẫn là thứ xa xỉ phẩm và không dành cho tầng lớp thường dân.



Sau đó, đến thời kỳ Sengoku (1467-1603), Umeboshi đã được sử dụng trên chiến trường như một loại thuốc giải độc và làm thức ăn. Hình ảnh những Samurai lên đường ra chiến trường với Umeboshi treo trên thắt lưng của mình trở nên cực kỳ phổ biến. Các Samurai này sử dụng Umeboshi để tránh ngộ độc và sử dụng nước ngâm mơ sát trùng vết thương do chúng có hàm lượng muối cao. Sang đến thời kỳ Edo (1603 – 1868), mơ muối được sử dụng rộng rãi khắp mọi nơi và trong mọi tầng lớp bởi nông nghiệp phát triển, người dân có thể trồng được loại cây này một cách dễ dàng. Mỗi nhà đều có thể tự muối mơ cho mình và rồi mơ muối nhanh chóng trở thành món ăn truyền thống trong văn hóa ẩm thực của người Nhật Bản.


Đến thành phần không thể thiếu trên bàn ăn người Nhật hiện đại

Từ một món ăn dành cho vua chúa, qua nhiều thời kỳ lịch sử, mơ muối dần trở nên bình dân và thường trực trong bữa cơm hàng ngày của người Nhật. Không chỉ đơn thuần là một món ăn quen thuộc, bên trong quả mơ muối còn chứa đựng giá trị dinh dưỡng không hề nhỏ. Mơ muối chứa nhiều khoáng chất quan trọng như kali, mangan, vitamin A… Bên cạnh đó, món ăn này còn là phương thuốc dân dã có tác dụng giải độc, chữa các bệnh về cổ họng, cảm, ho, dạ dày.

Trong suốt những năm tháng chiến tranh, mơ muối Umeboshi là thực phẩm đặc biệt quan trọng của người Nhật, vì chúng đơn giản, dễ tích trữ, sử dụng được trong thời gian dài. Một bát cơm trắng với Umeboshi hoàn toàn không có rau, thịt và những thức ăn khác cũng là đủ xong bữa. Ấy vậy mà người Nhật có một câu nói về quả mơ muối Umeboshi như sau: “Con người sẽ còn tồn tại tới chừng nào còn một quả Umeboshi nằm trên bát cơm”.



Ngày nay, khi Nhật Bản đã vươn lên trở thành cường quốc trên thế giới, đời sống của người dân khá giả hơn rất nhiều nhưng mơ muối ăn với cơm trắng vẫn hiện hữu như một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực ăn sâu vào đời sống thường nhật. Umeboshi còn thường được thưởng thức chung với mì Udon. Trong mùa hè, Udon có Umeboshi giúp hỗ trợ tiêu hóa, còn mùa đông sẽ giúp chống cảm cúm, thông cổ họng.


Mơ muối Umeboshi cũng có thể được nấu chín, uống cùng trà xanh nóng, ở dạng nghiền nhuyễn có thể sử dụng như gia vị cho các món ăn. Giấm mơ được sử dụng như chất sát trùng cho đến tận giữa thế kỷ XX, ngày nay thì chúng được sử dụng để xào rau hoặc rưới lên cơm.


Bên trong quả mơ muối tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng rất nhiều hương vị và thành phần dinh dưỡng là cả một câu chuyện văn hóa nhiều đời truyền nối của con người Nhật Bản. Umeboshi giờ đã không còn đơn thuần là một món ăn nữa, mà hơn hết nó đã trở thành hình ảnh mang tính biểu tượng, chấm phá thêm một màu sắc đặc biệt trong văn hóa ẩm thực của đất nước mặt trời mọc.

Theo: iVIVU

ĐẠO VỢ, NGHĨA CHỒNG

Tìm cuốn tiểu thuyết "May rủi một chồng" của An Khê không được nhưng lại được một bài viết về nghĩa vợ chồng qua ca dao VN. Hay quá, có những câu ca dao lâu ngày không đọc, bây giờ mới thấy thấm thía cái ý nghĩa thâm thúy của người xưa gom góp từ những kinh nghiệm mà viết ra. Càng đọc, càng thấy hay và sáng cả tấm lòng. Xin mời các bạn (LKH)


ĐẠO VỢ, NGHĨA CHỒNG
Nho giáo có câu: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ” (君子之道,造端乎夫婦). Con trai thì phải dựng vợ, con gái thì phải gả chồng. Đạo lớn của người quân tử là phải làm sao cho yên bề gia thất. Tại sao vậy? “Có cột, có kèo, mới có đòn tay”, muốn có con nối dõi, muốn có dòng hậu lai, mà không nên vợ nên chồng thì làm sao mà có được.
Trai mà không có vợ thì cho dù tài ba cách mấy, cũng khó mà giữ gìn được cơ nghiệp, như cái cảnh:

Sớm mai chạy ra mất cái cuốc
Trưa lại mất cái nồi
Chiều lại mất ống bình vôi
Dâm chân ba cái kêu trời
Vợ con chưa có, coi ngoài mất trong.

Còn con gái lớn mà chưa chồng thì còn ngặt nghèo hơn:

Tròng trành như nón không quai
Như thuyền không lái, như ai không chồng.

Cho nên chuyện hôn nhân là chuyện hết sức hệ trọng. Ông bà mình có nói là: “Đạo vợ, nghĩa chồng”. Vợ cư xử với chồng là đạo, mà chồng sống với vợ là nghĩa. Cái đạo nghĩa đó ràng buộc cả hai vợ cũng cho tới răng long tóc bạc.
Theo cái hời hợt thông thường của thế sự thì:

Thế nhân mỏng dánh tựa cánh con chuồn chuồn.
Khi vui nó đâu, khi buồn nó bay.

Nhưng, đạo vợ nghĩa chồng không phải như vậy:

Đạo vợ chồng không phải là cá tôm
Đang mua mớ nọ, chạy chồm lên mớ kia.

Xem thế thì vợ chồng phải chung thủy với nhau, trước sao, sau vậy. Bởi vì:

Đứt tay một chút còn đau
Huống chi nhơn nghĩa lìa sao cho đành.


Vợ chồng ăn ở với nhau, đâu phải lúc nào cũng êm đềm hạnh phúc như lúc nào. “Sông có khúc, người có lúc” nhưng, dù sao đi nữa, cũng phải một mực cư xử với nhau hết lòng hết dạ.
Lúc giàu sang thì:

Cơm trắng ăn với chả chim
Chồng xinh, vợ lịch mãng nhìn mà no.

Rủi thất cơ lỡ vận, nghèo rớt mùng tơi thì cũng phải tươi cười với nhau, tạo niềm hạnh phúc:

Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

Thực sự ra, nếu biết thương yêu nhau, nếu biết chia bùi xẻ ngọt với nhau thì cái chuyện vật chất đâu có phải là nguyên do để làm mất hạnh phúc gia đình:

Thương nhau chẳng quản chiếu giường
Một tàu lá chuối che sương cũng tình.

Vợ chồng ăn ở với nhau cốt là ở tình thương. Người đàn ông, cho dù vợ mình làm sao, cho dù là ốm đau, xấu xí, cho dù là sút tay gãy gọng, đã là vợ chồng, phải thương yêu chiều chuộng:

Lồ mũi mười tám gánh lông
Chồng thương, chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm ngủ gáy o o
Chồng thương, chồng bảo ngáy cho vui nhà
Đi chợ thì hay ăn quà
Chồng thương, chồng bảo về nhà đỡ cơm
Trên đầu những rác cùng rơm
Chồng thương, chồng bảo hoa thơm cài đầu...
Hoặc là:

Trắng như bông lòng anh không chuộng
Đen như cục than hầm
Lòng anh muốn, dạ anh thương.


Về phía người đàn bà cũng vậy, “khôn ngoan cũng thể chồng người”, chớ lấy chồng người mà so sánh với chồng mình:

Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người

Cũng chớ nên thấy chồng người ta áo mũ xênh xang, rồng bay phượng lộn mà chê chồng mình nghèo nàn thấp kém:

Trăm năm trăm tuổi May rủi một chồng
Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai

Cái thói “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” là cái thói của những gã đàn ông vô nghì, mà cái thói mới thấy chồng thất cơ lỡ vận đã lên mặt ruồng rẫy, phụ phàng là cái thói của thứ đàn bà trắc nết, lăng loàn.Người phụ nữ thương chồng, không những chăm lo săn sóc cho chồng, mà còn phải trưởng cái chí cho chồng. Nhiều người đàn ông chí ở tứ phương, tang bồng hồ thỉ. Thương chồng không có nghĩa là bo bo giữ rệt chồng một bên mình, không để cho chồng rời nửa bước, mà là phải lo giúp đỡ cho chồng thực hiện được cái chí nam nhi.Hãy nghe người chồng nói lên cái chí của mình:

Giặc Sài Gòn đánh xuống
Binh ngoài Huế không vô
Anh biểu em đừng đợi đừng chờ
Để anh đi lấy đầu thằng mọi trắng
Về tế cờ nghĩa quân.

Và người vợ trả lời:

Anh đi đánh giặc Lang sa
Để thiếp ở nhà lo tần, lo tảo
Chén cơm, manh áo
Nhà cửa ruộng vườn
Để anh lên ngựa đề thương
Thiếp về mặc thiệp liệu lường nuôi con


Tấm gương của những người vợ không nài khó nhọc gian nan để giúp chồng thành toàn chí nguyện như bà Thái Thị Huyên (vợ của cụ Sào Nam Phan Bội Châu), bà Lê Thị Lễ (vợ của cụ Cử nhân Lương Văn Can, hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), bà Võ Thị Quyền (tục danh là cô Ba Bàn, vợ của nhà cách mạng Trần Cao Vân) vẫn là vằng vặc muôn đời...
Gái đã có chồng phải “tùng nhứt chi dụng”. Mười lăm nam lưu lạc “thanh lầu hai lượt, thanh y hai lần”, đem thân cho thiên hạ mua cười, như Thúy Kiều, mà còn biết nói với Từ Hải:

...Phận gái chữ tòng
Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi.

Ca dao Việt Nam không thiếu gì những câu để nhắc nhở cái đạo “tùng phu”:

Có chồng thì phải theo chồng
Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo.
Hay là:

Lên non cho thiếp lên theo
Tay vịn, chân trèo, hái trái nuôi nhau.

Vợ chồng ăn ở với nhau, trông cậy nhau ở lúc lối lửa tắt đèn, bệnh hoạn ốm đau, chớ lúc mạnh khỏe, thảnh mảnh tay chân, dễ gì ai lại cần tới ai:

Cỏ mọc bờ giếng cheo leo
Lâm nguy có bậu, hiểm nghèo có qua.

Vui buồn, sướng khổ, lúc nguy nan, khi túng ngặt thì cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, mới là phải đạo:

Muối mặn ba năm hãy còn muối mặn
Gừng cay chín tháng, gừng hãy còn cay
Đạo vợ chồng chớ đổi đừng thay
Dẫu làm nên danh vọng
Dẫu ăn mày cũng theo nhau.


Đời không ai tán thành thứ gái mắt la mày lét, đã có chồng mà còn đi tắt về ngang:

Không chồng đi dọc đi ngang
Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi.

Cái thứ gái hư, chồng bỏ, lại càng không ưa:

Mèo lành ai nỡ cắt tai
Gái hư chồng bỏ khoe tài làm chi.

Có nhiều người đàn ông, ra đường thì huênh hoang, mà về tới nhà thì hoạnh họe vợ con, thậm chí tới còn tranh ăn với vợ con:

Ra đồng võng giá nghênh ngang
Về nhà hỏi vợ: cám rang đâu mày?
- Cám rang tôi để cối xay
- Hễ chó ăn hết thì mày chết với ông.

Có nhiều người đàn bà, mồm loa mép giải, chồng mới lớn tiếng một chút, đã bù lu bù loa, hờ trời hờ đất, kêu cha kêu mẹ, không biết rằng nhu mì vui vẻ là yếu tố để giữ gìn hạnh phúc gia đình:

Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi, bớt lửa, biết đời nào khê.
Hay:

Chồng giận thì vợ làm lành
Miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì
Thưa rằng anh giận em chi
Muốn lấy vợ bé, em thì lấy cho.


Vợ chồng ăn ở với nhau, đừng bao giờ để cho đến nỗi phải nhìn nhau theo cái cảnh chó chê, mèo ứ hự:

Chồng gì anh, vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây?

Đến nỗi vì vậy mà phải xa nhau, lại trách cứ trời xanh:

Đạo vợ chồng đoạn đoạn phân ly
Chàng mà xa thiếp phen ni bởi trời

Rồi đêm đêm nghĩ lại, câu “đạo vợ nghĩa chồng” mới thấm thía từng hồi:

Lầu nào cao cho bằng lầu ông Chánh
Bánh nào ông cho bằng bánh bò bông
Đạo nào sâu cho bằng đạo vợ chồng
Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.

Nói tóm lại, “đạo vợ, nghĩa chồng” theo ông bà mình ngày xưa, là như thế đó, và nhờ vậy, ít khi có cảnh vợ chồng tan nát, gãy đổ giữa đường. Bởi vì:

Cải bẹ xanh nấu với thịt sườn
Làm sao cho ớt ngọt như đường
Khổ qua kia hết đắng
Thì cái sự cang thường mới hết thương.
(Sưu tầm trên mạng)

Wednesday, May 29, 2019

MỊ LỰC CỦA NGỌC THẠCH CỔ TRUNG HOA VỚI NHÀ SƯU TẦM NHƯ THẾ NÀO?

Ngọc thạch được xem là loại đá quý, được tôn sùng nhất trong thời phong kiến. Trước khi được sử dụng cho vua chúa, những miếng ngọc được chạm khắc như một cách để liên lạc với các vị thần.


Xuyên suốt lịch sử Trung Hoa, ngọc thạch được xem là loại đá quý được tôn sùng nhất. Chúng được dùng trong chế tác đồ trang trí, trang sức, vật dụng. Cũng có một thời kì, người ta tin rằng, giá trị của ngọc thạch chỉ xứng đáng để dùng cho bậc vua chúa.

Theo Micheal Liu, một nhà sưu tầm ngọc bội tâm huyết, đồng thời là tác giả cuốn sách "Hành trình tìm kiếm ngọc thạch: Ngọc bội thời nhà Minh", ngọc thạch được chia thành hai loại: ngọc cẩm thạch (Jadeite) và ngọc bích (Nephrite).

Tất cả những miếng ngọc bội xuất hiện trong cuốn sách của Micheal Liu đều được làm từ ngọc bích, thể hiện quyền lực của triều đình và chỉ được sử dụng bởi Hoàng đế trong suốt thời nhà Minh (1368 – 1644).

Trong quá khứ, ngọc bội thể hiện quyền lực của người nắm giữ, đóng vai trò giống như thẻ ID với những người có quyền sử dụng chúng. Một số ngọc bội, lại là những bằng chứng lịch sử. Ví dụ, miếng ngọc bội ở dưới là bức tranh minh họa sống động cho một trò chơi truyền thống thời xưa.

Miếng ngọc được đặt tên "Moxiayu" khắc họa trò chơi dân gian "Bắt cá".

Niềm đam mê với ngọc thạch của Liu bắt nguồn từ thời thơ ấu của ông, khi mẹ ông, cũng là một người am tường về ngọc thạch, đưa ông đến đi chiêm ngưỡng đồ trang sức cẩm thạch tại cửa hàng của nhà buôn người Trung, Yue Hwa, hiện tọa lạc tại quận Jordan của Hong Kong.

Ông Liu chia sẻ: "Mỗi lần mua sắm của mẹ thường kéo dài 3, 4 giờ, tôi thường cảm thấy chán nản và vì vậy tôi bắt đầu quan sát mọi thứ, kể cả các cuộc nói chuyện của bà." Liu chắc cũng không thể ngờ rằng đây chính là khởi đầu cho niềm đam mê lớn của ông sau này.

Tsang Chi-Fan, giám đốc phụ trách về Gốm sứ và nghệ thuật Trung Hoa, chính là người đã giới thiệu Liu với một số nhà buôn ngọc thạch. Từ đam mê của mình, Liu đã đi đến xuất bản một cuốn sách nghiên cứu những ngọc bội mà ông đã sưu tầm được.

Động vật, bao gồm cá – biểu tượng cho sự thịnh vượng và may mắn – là nguồn cảm hứng cho những nhà điêu khắc ngọc thạch.

Những miếng ngọc bội trong bộ sưu tập của ông Liu đã xuất hiện trong vô số triển lãm và bảo tàng nổi tiếng, bao gồm Bảo tàng lịch sử Hong Kong cùng Triển lãm nghệ thuật của Đại học Hong Kong.

Cuốn sách của Liu, một cuốn trong series sách nghiên cứu các cổ vật Trung Quốc được làm từ ngọc thạch, mang đến cái nhìn kỹ càng về những miếng ngọc bội được Hoàng đế, quý tộc và quan lại triều đình sử dụng trong thời nhà Minh từ năm 1368 đến năm 1688.

Miếng ngọc bội trắng khắc hình hai chú thỏ dưới hai chữ "Vạn" bên cạnh kí tự tiếng Trung "Thọ" - món quà đặc trưng được trao cho Hoàng đế vào ngày sinh được trưng bày trong bảo tàng Hoàng đế Minh Thần Tông đặt tại ngoại ô Bắc Kinh.

Ông Tsang chia sẻ: "Học hỏi không ngừng là một điểm thú vị của sưu tầm đồ cổ bởi bạn sẽ luôn tìm thấy những điều mới mẻ, những điều làm bạn thốt lên ‘sao mình chưa từng biết về việc này’. Bạn luôn có thể khám phá ra những điều mới mẻ có thể thay đổi nhận thức của bạn. Đôi lúc, theo một cách nào đó, chúng giống như một cuộc cách mạng."

Ngọc thạch – thứ từng được xem là trang sức cho những người trung tuổi – ngày nay đang tạo ra một trào lưu mới trong giới sưu tầm. Ông Tsang cũng khẳng định ngày càng có nhiều bạn trẻ tham gia các buổi đấu giá ở với mong muốn sở hữu thêm những miếng ngọc bội trong bộ sưu tập của mình.

Một miếng ngọc thạch được chạm khắc tinh xảo với tuổi đời lên tới 6.000 năm.

Ngọc cẩm thạch Jadeite là loại ngọc được săn lùng nhiều hơn cả do chúng không sẵn có trong tự nhiên và có số lượng bị giới hạn. Loại ngọc này được xuất khẩu từ Trung Quốc tới Burma, ngày nay là Myanmar, khoảng 200 năm trước đây bắt đầu từ thời nhà Thanh (1644 – 1911).

Tsang chia sẻ: "Ngọc bích có nguồn gốc tại Trung Quốc và được bắt đầu chạm khắc từ khoảng 6000 năm trước, nhưng ngọc thạch chỉ thực sự được đưa vào chế tác khoảng 200 năm trước."

Chiếc mặt thắt lưng với hình chạm Rồng, biểu tượng của Hoàng đế và Trời

Tuy nhiên, việc này không đồng nghĩa với ngọc cẩm thạch có giá trị hơn ngọc bích.

Theo Tsang, trước khi ngọc thạch được sử dụng cho bậc vua chúa, chúng đã được chạm khắc nhằm liên lạc với các vị thần. Chính vì vậy, theo cách nào đó, ngọc thạch không chỉ thể hiện địa vị, quyền lực mà còn mang theo hơi thở của đời sống tâm linh của người Trung Quốc.

Theo Minh Ngọc/ Thời Đại

CHÚNG TA SỞ DĨ MỆT MỎI LÀ BỞI VÌ ĐÃ NGHĨ QUÁ NHIỀU!

Con người ta sống vì sao luôn cảm thấy muộn phiền, khổ não? Điều mấu chốt ở đây dường như nằm ở chính cái tâm cố chấp không muốn buông bỏ của mình…


Hết thảy những gì nên nhớ, không nên nhớ đều lưu lại trong tâm trí của mình. Chúng ta thường xuyên nhớ kỹ những sự tình nên quên đi và quên mất những gì nên nhớ.

Người xưa thường nói: “Người ngốc là người đáng yêu!”. Sở dĩ người ngốc đáng yêu là bởi họ quên mất những sự tình không vui, những lời chế giễu cười nhạo của người đời dành cho họ, quên những ân oán trong cuộc đời, quên công danh lợi lộc trong thế tục, quên hết thảy thế giới này. Họ sống trong thế giới của mình mà vui cười, khoái hoạt.

Nhưng có nhiều người thà rằng khiến mình không vui chứ không muốn làm người ngốc. Nếu có thể nhớ kỹ việc cần nhớ, quên bỏ điều cần quên, mỗi ngày lại bắt đầu một ngày mới thì sẽ tốt biết bao!

Đời người không thể việc gì cũng thuận theo ý mình, cho nên đừng thường xuyên nghĩ rằng mình thống khổ. Kỳ thực, trên thế giới này còn rất nhiều người khổ hơn mình.

Người thông minh hiểu rõ rằng, trong cuộc sống có những ước mơ là xa vời mãi mãi không thành hiện thực được, có một số vấn đề vĩnh viễn không có câu trả lời, có một số chuyện vĩnh viễn không có kết thúc, có một số người xa lạ mãi mãi vẫn chẳng thể làm thân.


Thống khổ thực sự cũng không phải bởi người khác đem đến cho mình, mà chính là bởi sự tu dưỡng của bản thân chưa đủ, không có khả năng chấp nhận. Có những việc rất đơn giản nhưng bị con người làm phức tạp lên, rồi người ta lại cảm thấy khổ.

Hãy học cách buông bỏ, buông bỏ một chút gánh nặng trong tư tưởng, suy nghĩ, thản nhiên đối mặt, khiến cho hết thảy thuận theo tự nhiên, có như vậy bạn mới sống được thản nhiên và tự tại.

Con người sở dĩ không vui vẻ, khoái hoạt chính là bởi vì họ toan tính quá nhiều.

Không phải chúng ta nắm giữ được quá ít mà là chúng ta tính toán quá nhiều. Đừng nhìn người khác sống hạnh phúc mà cảm thấy mình bị mất mát và áp lực. Kỳ thực những thứ mà bạn nhìn thấy chỉ là biểu hiện bề ngoài, còn bên trong chỉ mỗi người tự biết.

Dục vọng và ham muốn của con người thì vô cùng nhiều, nhiều không kể hết, ai cũng truy cầu cuộc sống cao sang, mong muốn bản thân có mọi thứ, đạt được mục tiêu của mình. Nếu đạt được rồi thì nhất thời cảm thấy vui vẻ, nếu không đạt được thì thống khổ cả đời.

Trên thế gian, không có thứ gì là hoàn mỹ, nhưng ít ai biết được rằng, không hoàn mỹ mới là một dạng đẹp đẽ. Chỉ có không ngừng vượt qua những thất bại, bạn mới cảm nhận được niềm vui trong cuộc đời.


Con người sở dĩ không biết đủ chính là bởi vì họ truy cầu quá nhiều hư vinh.

Người xưa thường nói: “Người biết đủ thường vui”, nhưng mấy ai đạt được cảnh giới này? Không phải con người đạt được quá ít mà là mong muốn của con người quá nhiều nên mới thường xuyên thấy chưa đủ. Trời đất rộng lớn có đủ những thứ kỳ lạ, có quá nhiều thứ hấp dẫn, mê đắm lòng người, chúng ta khó có thể không động tâm, khó có thể không ham muốn, khó có thể ngừng ảo tưởng.

Đứng trước những điều say mê hấp dẫn ấy, có bao nhiêu người bị cuốn đi? Có bao nhiêu người không bị lạc đường? Biết đủ mới có thể kìm hãm được dục vọng của bản thân, đứng vững trên đường đời!

Con người sở dĩ không hạnh phúc là bởi vì họ không có lòng thỏa mãn.

Mỗi người có cảm giác và mong cầu hạnh phúc khác nhau. Người nào nếu dễ dàng cảm thấy thỏa mãn thì dễ dàng tìm kiếm được hạnh phúc. Người xưa từng có câu: “Hạnh phúc giống như một tòa kim tự tháp, có rất nhiều tầng, càng lên cao thì hạnh phúc càng ít, đạt được hạnh phúc lại càng khó. Càng ở tầng dưới thì càng dễ đạt được hạnh phúc”.

Kỳ thực, hạnh phúc là một loại mong mỏi, một loại cảm nhận của tâm hồn. Chỉ cần chúng ta dụng tâm phát hiện, dụng tâm cảm thụ, thì sẽ phát hiện ra hạnh phúc đang ở ngay bên cạnh mình. Chẳng qua những hạnh phúc ấy đã bị chúng ta xem nhẹ mà thôi.


Con người sở dĩ mệt mỏi chính là bởi vì họ nghĩ quá nhiều.

Thân thể mệt mỏi không đáng sợ bằng tâm hồn mệt mỏi. Sống trong đời thường, ai ai cũng không tránh khỏi việc bị phiền muộn do bản thân mình hay liên lụy từ người khác. Tuy nhiên, có người sẽ chọn cách xem nhẹ, nhanh chóng quên đi để tận hưởng cuộc sống, nhưng có người lại chấp trước vào đó, suy nghĩ ngày này qua ngày khác khiến tâm mệt mỏi. Hãy suy nghĩ ít đi để sống thoái mái hơn.

“Hiểu rõ nhất về bản thân vĩnh viễn chỉ có bản thân mình. Cuộc sống không thể lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, vui vẻ cũng là sống qua một ngày, phiền muộn cũng là sống qua một ngày, vậy vì sao không để bản thân sống từng ngày vui vẻ !!!”

Theo Sức khỏe cộng đồng

HOÁN KHUÊ SA - ĐỘNG ĐÌNH


Hoán khê sa - Động Đình (Trương Hiếu Tường)

Hành tận Tiêu Tương đáo Động Đình, 
Sở thiên khoát xứ sổ phong thanh, 
Kỳ tiêu bất động vãn ba bình.

Hồng liệu nhất loan văn hiệt loạn, 
Bạch ngư song vĩ ngọc đao minh, 
Dạ lương thuyền ảnh tẩm sơ tinh.


浣溪沙-洞庭 ( 張孝祥)

行盡瀟湘到洞庭, 
楚天闊處數峰青,
旗梢不動晚波平.

紅蓼一灣紋纈亂, 
白魚雙尾玉刀明, 
夜涼船影浸疏星.


Hoán khê sa - Động Đình 
(Người dịch: Nguyễn Đương Tịnh)

Đi quá Tiêu Tương đến Động Đình 
In trời quê Sở núi xanh xanh 
Quán rượu ngọn cờ im bóng nước

Hoa chèo chợt xoắn động đầu ghềnh 
Đôi cá lộn nhào như kiếm bạc 
Thuyền soi sao đáy nước rung rinh


Sơ lược tiểu sử tác giả:

Trương Hiếu Tường 張孝祥 (1129-1166) tự An Quốc 安國, tự hiệu Vu hồ cư sĩ 于湖居士, người Ô Giang, Lịch Dương (nay thuộc tỉnh An Huy), là một tác giả có thiên tài, làm từ cầm bút viết liền, không phải nháp. Theo sử, ông không hợp với Tần Cối, mấy lần bị biếm trích hạ ngục. Khi Cối chết, ông lại làm quan Trực học sĩ. Ông thọ 38 tuổi, từ của ông lưu lại không nhiều, song đều là những bài thanh lệ.

Nguồn: Thi Viện

Tuesday, May 28, 2019

"VẬN" VÀ "MỆNH" KHÔNG PHẢI LÀ TẤT CẢ

“Vận” và “mệnh” không phải là tất cả, vận mệnh tốt chỉ như một ván bài đẹp mà thôi

Vận mệnh tốt chính là một ván bài đẹp, chỉ là, có người rõ ràng có ván bài đẹp, nhưng cuối cùng lại tự mình phá hỏng. Bởi vậy, một người có thành công hay không, còn phải xem xét đến ba phương diện đó là “mệnh tiên thiên”, “vận hậu thiên” và sự nỗ lực của bản thân.

Số mệnh phục thuộc ba phương diện đó là “mệnh tiên thiên”, “vận hậu thiên” và sự nỗ lực của bản thân. (Ảnh: Pinterest)

Khi chúng ta không thể thay đổi được “mệnh”, thì phải dựa vào sự nỗ lực không ngừng, và học hỏi phương pháp “xu cát tị hung” (theo cái lợi mà tránh cái hại) trong “Kinh Dịch” để đạt được mục tiêu.

Mọi người đều biết, Kinh Dịch là một trước tác vĩ đại kết hợp triết học cổ đại, khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, xưa nay được tôn xưng là bách khoa toàn thư văn hóa Á Đông. Thế nhưng, nhiều người lại cảm thấy quá khó hiểu mà bỏ qua không sử dụng. Tuy vậy, vẫn có một số người tin tưởng vào “Kinh Dịch”, tin rằng nó có thể giúp họ giải quyết nhiều vấn đề cuộc sống, giúp họ “theo cái lợi mà tránh cái hại”, “nâng cao vận may”.

Vậy Kinh Dịch thực sự có thể “đổi vận” không? Liệu có thể “cải mệnh” không? Là một kho tàng văn hóa quý giá được lưu giữ hàng ngàn năm, “Kinh Dịch” đã cho thấy quy luật phát triển của vạn vật tự nhiên. Những người bình thường như chúng ta có thể thông qua quy luật như vậy để hiểu rõ vận mệnh của bản thân, nắm giữ chính mình và sự hài hòa của tự nhiên, từ đó điều chỉnh vận khí, cải thiện cuộc sống.

1. Mệnh tiên thiên

Trong xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, ai ai cũng có mộng tưởng quyền cao chức trọng. Tuy nhiên, không phải mơ ước của ai cũng đều trở thành hiện thực. Điều này được quyết định bởi xuất phát điểm ban đầu, sự nỗ lực của mỗi người và vận khí sau này.

Trong đó, khởi điểm ban đầu đã được định sẵn kể từ giây phút chúng ta được sinh ra. Ví dụ, có người được sinh ra trong gia đình chủ tịch tỉnh hay bộ trưởng, có người lại sinh trong gia đình ở vùng núi nghèo khó, đó chính là sự khác biệt trong xuất phát điểm. “Xuất phát điểm ban đầu” này, đó chính là “mệnh” mà chúng ta hay nhắc đến.

Trong quy luật tự nhiên mà “Kinh Dịch” nói đến, thì “mệnh” của một người đã được định sẵn ngay từ thời khắc người đó được sinh ra. Ví dụ, sau khi thời gian sinh ra của một người đã được ấn định, thì mộc tinh và cung hoàng đạo tương ứng cũng được ấn định theo.

Vì thế lúc này, những ảnh hưởng mà người đó phải nhận từ các hành tinh cũng được sắp đặt sẵn. Kèm theo đó, hoàn cảnh gia đình giàu nghèo hay không cũng được định theo.

Từ đó có thể thấy, “mệnh” của một người quả thực chịu sự khống chế của tự nhiên, không thể thay đổi.

2. Vận hậu thiên

Bàn về “vận”, ai cũng muốn mình có vận tốt. Trong cuộc sống, vận của mỗi người đều khác nhau. Vậy thì đối với “vận” được mọi người vô cùng quan tâm này, liệu chúng ta có thể khống chế trước hoặc thay đổi trước được không?

Đáp án là có.

Cuộc sống của mỗi người chúng ta đều song hành với thời gian, phối hợp nhịp nhàng với thời gian, tuân theo quy luật phát triển của vạn vật tự nhiên. (Ảnh: Pinterest)

Trong hệ thống “Kinh Dịch”, người xưa có thói quen dùng từ “tự” trong “Hào tự” để miêu tả sự độc đáo trong vận mệnh cuộc đời mỗi người. Trong đó mỗi một “tự” đều đại diện cho đặc điểm cuộc sống của một người trong khoảng thời gian đặc biệt nào đó.

Do đó chúng ta có thể thông qua tên tuổi và ngày tháng năm sinh để xác định được vận mệnh cuộc đời sau này, chúng ta có thể xem “tự” là tốt hay xấu và hàm ý của những “quái” (quẻ) tương ứng với “tự” để phán đoán tốt xấu vận mệnh cuộc đời.

Hàm nghĩa của “tự” và “quái” trực tiếp thể hiện “vận” của chúng ta sau này.

3. Có thể thông qua “xu cát tị hung” để đổi vận

Sau khi tìm hiểu xong vận mệnh cuộc đời sau này của bản thân, chúng ta có thể nắm giữ và vận dụng tài nguyên, cơ hội nắm bắt được trong tương lai để thay đổi “mệnh” của chính mình.

Văn hóa cổ xưa và “Kinh Dịch” đều có một tư tưởng gọi là “Dữ thì giai hành”, ý là hành vi cuộc sống của mỗi người chúng ta đều song hành với thời gian, phối hợp nhịp nhàng với thời gian, tuân theo quy luật phát triển của vạn vật tự nhiên. Bởi chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể thích ứng kịp thời với sự biến đổi của tự nhiên, tránh xa được tai họa, gặp nhiều lương duyên, từ đó đạt đến trạng thái “xu cát tị hung”.

Ví dụ như trong cuộc sống, chúng ta có thể thông qua những việc như: chọn ngày lành tháng tốt, xem phong thủy, phối hợp trang phục… để xu cát tị hung. Bằng việc lựa chọn một ngày tốt phù hợp với mình để làm việc quan trọng, thì có thể nâng cao “vận” của bản thân.

Thông qua việc thay đổi “phong thủy” có thể khiến cho “vận nghề nghiệp”, “vận sức khỏe” được cải thiện. Có thể nói, “vận” của chúng ta thông qua những hành vi “xu cát tị hung” để thay đổi.


Tóm lại, sự thành công của một người, phải dựa trên ba phương diện đó là mệnh tiên thiên, vận hậu thiên và sự nỗ lực cố gắng của người đó.

Khi chúng ta không thể thay đổi “mệnh”, thì phải dựa vào sự nỗ lực không ngừng của bản thân, và học hỏi phương pháp “xu cát tị hung” trong Kinh Dịch để giúp bản thân đạt được mục tiêu.

Tuệ Tâm (Theo SOH)