Tranh vẽ Tô Đông Pha. (Ảnh qua Kknews.cc)
Trong cuốn “Lưu hầu luận” của Tô Thức (Tô Đông Pha) có đoạn viết: “Kẻ mà được gọi là hào kiệt, ắt phải có tiết khí hơn người. Nhân tình có chỗ không thể nhịn được, bởi vậy, kẻ thất phu gặp nhục thì tuốt kiếm tương đấu, cái đó chưa đủ gọi là dũng. Những bậc đại dũng trong thiên hạ, trái lại, bất thình lình gặp những việc “kinh thiên động địa” cũng không kinh sợ, vô cớ gặp những điều ngang trái cũng không oán giận. Đó là nhờ chỗ hoài bão của họ rất lớn và chí của họ ở rất xa”.
Cúi đầu là một loại tu dưỡng
Sau khi Tô Thức bị giáng chức ở Hoàng Châu, ông được một người bạn xin chính quyền địa phương cấp cho chục mẫu đất ở Đông Pha (dốc ở phía Đông), lấy hiệu là Đông Pha cư sĩ. Ông cất nhà, trồng rau, đào giếng, cày ruộng, vui cảnh điền viên. Ban ngày ông thường trồng trọt cấy hái, buổi tối lại vào trong thành Hoàng Châu dạo chơi.
Một hôm, khi Tô Đông Pha đang dạo chơi trong thành thì bị một người đàn ông say rượu lao vào người làm ông ngã lăn xuống đất. Người đàn ông này toàn thân nồng nặc mùi rượu, không nói một lời xin lỗi mà còn nhục mạ ông rồi hùng hùng hổ hổ bước đi. Tô Đông Pha – một người trước đây danh tiếng lẫy lừng đã không những không để bụng mà còn vui vẻ bỏ qua.
Có đôi khi, giữa người với người vì một chút việc nhỏ mà dễ dàng nảy sinh tranh chấp. Khi tự ngã của một người càng lớn thì càng dễ xảy ra xung đột với người khác. Bởi vậy, Trang Tử từng giảng: “Cách tốt nhất mà một người khống chế được tính khí của mình là “hư kỷ”. Nếu một người có thể coi mình là hư không thì sẽ không có mâu thuẫn xung đột xảy ra.
Khi gặp mâu thuẫn, cúi đầu không phải yếu nhược mà là một loại tu dưỡng. Nhẫn một lúc, lùi một bước đều đem lại kết quả tốt đẹp, vui mừng.
Cúi đầu là một loại nhãn giới (tầm nhìn)
Người có tầm nhìn rộng lớn lại có thể nhìn thấy được ánh sáng mặt trời bị che khuất bởi bóng râm. (Ảnh qua ĐKN)
Bởi vì bất đồng chính kiến nên Tô Đông Pha thường xuyên bị Chương Đôn từng là bạn thân thiết của ông hãm hại. Triều nhà Tống không được phép giết sĩ phu nên Chương Đôn tìm cách đẩy Tô Đông Pha đi lưu đày đến đảo Hải Nam với mong muốn Tô Đông Pha sẽ chết ở nơi đảo hoang.
Thời ấy, đảo Hải Nam chưa được khai hóa, là nơi hoang dã, thư sách đều không có. Ở đây khí độc bao phủ khiến cho rất nhiều người trước đó đến đây đều bị chết. Bởi vậy, rất nhiều người lo lắng rằng Tô Đông Pha sẽ không thể trở về.
Trải qua hàng ngàn năm, ở đảo Hải Nam không có người truyền đạo. Tô Đông Pha liền biến con đường đi lưu đày thành con đường đi truyền đạo. Sau khi đến Hải Nam, ông lại cùng con trai ở lều tranh sao chép kinh dạy học, phát triển giáo dục mạnh mẽ. Sau khi Tô Đông Pha qua đời, trên đảo Hải Nam cuối cùng đã lần đầu tiên xuất hiện một vị tiến sĩ.
Người ta nói, ánh sáng mặt trời luôn đồng hành cùng bóng râm. Người phàm chỉ có thể nhìn thấy bóng râm, nhưng người có tầm nhìn rộng lớn lại có thể nhìn thấy được ánh sáng mặt trời bị che khuất ở đằng sau. Người biết cúi đầu là bởi vì họ không muốn bị bóng râm làm phiền, họ lựa chọn xoay người để có thể nhìn được ánh mặt trời mà ngẩng đầu bước tiếp.
Cúi đầu là một loại độ lượng
Nửa đầu cuộc đời của Tô Đông Pha có thể nói là tốt đẹp, quan lộ thông thuận. Ông có rất nhiều bạn bè. Trong đó có người ngưỡng mộ tài văn chương của ông, có người lại quý quyền vị của ông. Nhưng sau khi Tô Đông Pha bị giáng chức, có những người bạn thân thiết khi xưa thì giờ đã không còn thấy đâu nữa, thậm chí có người còn thừa cơ hãm hại ông, “bỏ đá xuống giếng”.
Năm 1084, Tô Đông Pha được vua Thần Tông phục chức và mời về kinh đô giao cho việc chép sử. Dù vậy, sự ân xá cũng chỉ là tạm thời. Chẳng bao lâu sau, khi Hoàng đế Triết Tông lên ngôi, tể tướng Chương Đôn lại buộc tội ông phỉ báng tiên đế. Tô Thức bị cách mọi chức tước, lần thứ hai phải chịu cuộc sống lưu đày cực khổ trăm bề. Ông phải đi hơn 4500 cây số xuống Huệ Châu rồi tiếp tục bị đày ra đảo Hải Nam ở miền cực Nam hẻo lánh.
Sau này, Tô Thức lại được ân xá, một lần nữa lại được phong quan tiến chức. Dưới tình huống ấy, con trai của Chương Đôn viết thư cầu Tô Đông Pha ban cho Chương gia một con ngựa. Tô Đông Pha không hề có nửa điểm oán hận người bạn năm xưa mà khước từ. Những chuyện như vợ con bị bệnh mà chết, bản thân nghèo túng lưu đày, đối với Tô Đông Pha mà nói, dường như đã là chuyện quá khứ xa xôi.
Thậm chí Tô Đông Pha còn đến thăm hỏi Chương Đôn khi bị bệnh và khuyên ông nên quên hết những chuyện quá khứ. Ông an ủi Chương Đôn: “Chuyện quá khứ, nhắc lại làm gì. Ông nên tập trung dưỡng bệnh, sức khỏe mới là quan trọng!”.
Một người càng hiểu biết thì tâm càng từ bi. Trải qua chốn quan trường hiểm ác, Tô Đông Pha lựa chọn tha thứ. Ông không muốn trong lòng chứa đựng sự thù hận. Đối với Tô Đông Pha, không cùng người so đo, thực ra cũng là buông tha cho chính mình.
Cúi đầu không phải là không có năng lực, khoan dung không phải là yếu đuối. Tô Đông Pha cho rằng, khoan dung độ lượng, chí hướng đặt ở nơi xa, lặng lẽ tu luyện bản thân là đạo xử thế cao minh nhất. Quả thực, cuộc sống luôn tràn ngập ngọt bùi đắng cay, người có thể cúi đầu đều là người trí tuệ.
Theo Trithucvn