Tuesday, June 30, 2020

HÒA THƯỢNG VÀ NGƯỜI THỢ GIÀY

Truyện kể dân gian:

Có một nhà sư tên là Diệu Kế trụ trì ở một ngôi chùa lớn làng Bích Khê. Sư ta vốn ít chữ nhưng được cái sáng dạ, trải qua những ngày cạo đầu cắp níp đi theo các bậc tu hành cũng võ vẽ được ít nhiều kinh kệ. Sống lâu lên lão làng, nhờ chuyện cần gõ mõ tụng kinh, nên chẳng mấy chốc được leo lên hàng sư bác. Từ đó Diệu Kế đã được dân làng vùng này vùng khác đón về thờ Phật cai quản chúng tăng. Qua nhiều lần ăn mày lộc Phật ở rất nhiều chùa, Diệu Kế đã nắm được cái chân lý: cuộc đời tu hành của mình chẳng qua cũng là một cách mưu sinh. Vậy thì tội gì mình theo “năm điều răn” cho mệt xác. Vì vậy, về mặt đức hạnh, Diệu Kế tuy không phải là hạng hổ mang, nhưng cũng chẳng phải thuộc hàng chân tu. Thỉnh thoảng sư ta cũng biết lén lút tìm cách làm vợi bớt những món tiền quyên cúng của thập phương đang ngộn lên ở tráp.


Ở gần chùa có một người thợ giày cũng trạc tuổi và cùng khổ người khổ mặt với Diệu Kế. Hai người dàn dần quen nhau rồi trở nên một đôi bạn nối khố. Khi đã tương đắc, người thợ giày thường mang rượu thịt vào tăng phòng vào những lúc vắng vẻ, rồi cả hai đóng cửa lại, chén tạc chén thù. Họ tỉ tê kể cho nhau nghe những câu chuyện vượt ra ngoài mảnh vườn và mái chùa nhà Phật. Được cái người thợ giày am hiểu việc đời nên Diệu Kế ta rất thích. Mỗi khi thấy ông bạn túng thiếu, Diệu Kế thường phóng tay chu cấp khi năm quan ba quan không biết tiếc. Tuy nhà sư không bao giờ xao nhãng việc tụng kinh gõ mõ nhưng bọn hào lý trong làng cũng chẳng phải không có kẻ ghét ghen. Họ ngờ rằng về mặt kinh kệ, vốn liếng của sư ông hình như không có bao nhiêu. Hơn thế, mỗi lần nghe sư ông tụng kinh, thấy chỉ ê a suốt buổi, điểm vào những câu lạc lõng, tựa hồ không phải là kinh Phật. Mặc dầu vậy, họ cũng chả biết gì nhiều về tiếng kinh câu kệ vốn rất khó hiểu, nên chưa có cách nào để tìm cho ra sự thật.

Hồi bấy giờ ở một ngôi chùa phương Nam có một vị hòa thượng nổi tiếng đạo học và đức hạnh. Vị hòa thượng này đã từng tu luyện rất nhiều năm và từng sang đất thánh. Vào lúc này bậc đại đức ấy được vua ban tước quốc sư, cho phép đi chơi khắp mọi cảnh chùa trong nước. Tuy tuổi già, hòa thượng chuyên ăn chay nằm đất: lại có điều đặc biệt là do thuộc phái “vô ngôn”, nên người nhất thiết không nói năng gì với ai, chỉ khi cần lắm mới làm dấu hiệu, hoặc viết ý nghĩ của mình lên mặt giấy.

Nghe tin bậc đại đức này sắp quá làng mình, bọn hào lý Bích Khê bèn sửa soạn một cuộc đón rước trọng thể tại chùa và nhân thể nhờ hòa thượng kiểm tra hộ sư ông Diệu Kế về mặt đạo học. Nếu quả đúng như mối ngờ bấy lâu thì họ sẽ mời sư đi chỗ khác.


Nghe tin này, Diệu Kế rất lo. Cuộc khảo hạch này chắc chắn sẽ làm lòi cái dốt của mình và có thể nếu không bị đuổi thì cũng mất mặt trước thiện nam tín nữ. Than ôi? Còn đâu là những ngày ngồi ung dung hưởng hàng chục mẫu hoa lợi và bao nhiêu tiền của thập phương. Nghĩ vậy, Diệu Kế quyết vắt óc tìm cách để ra khỏi cảnh khó khăn. Sực nhớ tới ông bạn nối khố thường tự xưng là người túc trí đa mưu. Diệu Kế bèn nhắn bạn đến chùa để cùng mình bàn tính. Sau khi nghe thủng câu chuyện, người thợ giày liền an ủi:

– Tưởng gì chứ việc ấy thì để mặc tôi lo liệu. Tôi sẽ thay bạn trả lời tất cả những câu khảo hạch của lão già ấy.

– Nhưng làm sao mà thay được, Diệu Kế hỏi.

– Khó gì. Vì cùng trạc người như bạn, tôi sẽ kín đáo lẻn đến đây đúng vào hôm lão già ấy tới chùa. Chỉ cần bạn đòi bọn hào lý cho được một mình đối diện với lão ấy ở tăng phòng đóng kín cửa, không một người thứ ba nào cùng dự là ổn. Tôi sẽ từ chỗ nấp bước ra sắm vai của bạn. Tôi cam đoan sẽ chu toàn mọi việc. Bạn đừng lo gì cả!

Nghe người thợ giày hiến kế, sư ông Diệu Kế có phần vững tâm. Mấy ngày sau, vị hòa thượng quả nhiên ghé vào chùa theo lời mời của bọn hào lý, và gật đầu nhận lời họ về việc khảo hạch sư ông. Khi cửa tăng phòng đã cài then, dưới ánh đèn le lói người thợ giày đầu mới cạo bóng nhoáng, mình mặc áo cà sa từ bệ bước ra trước mặt hòa thượng để chịu sự thử thách.

Người thợ giày hứa sẽ giúp Diệu Kế. (Ảnh minh họa : youtube.com)

Cuộc khảo hạch bắt đầu. Vị đại đức không hề hé răng, chỉ thong thả đưa bàn tay phải sờ lên đầu mình. Thấy vậy, ngươi thợ giày thình lình co cẳng trái đạp mạnh xuống nền tăng phòng một cái “thịch”. Tiếp đó vị đại đức ngửa mặt lên trời hồi lâu rồi sờ tay vào nách. Để trả lời, người thợ giày lại quờ cánh tay mình ra đằng sau và đấm vào lưng mấy cái. Tiếp đó, vị đại đức mỉm cười và giơ ba ngón tay ra trước mặt. Người thợ giày liền trợn mắt cũng giơ bàn tay giăng đủ năm ngón lên trời.

Sau đó, vị đại đức gật gù, không làm dấu hiệu gì nữa bước ra khỏi tăng phòng, trong khi người thọ giày lại trở về chỗ nấp cũ.

* * *
Trước khi từ giã làng Bích Khê, vị hòa thượng mà tên tuổi được mọi người tôn kính, không quên viết mấy câu vào mảnh giấy trao cho bọn hào lý, nói rõ kết quả cuộc khảo hạch vừa rồi. Đại ý trong giấy viết:

“Từ thôn quê đến thị thành, ta chưa từng thấy có người nào thông hiểu nghĩa lý đạo Phật thâm thúy nhà sư ông Diệu Kế. Không những sư ông hiểu rõ những dấu hiệu ta đưa ra hỏi, mà còn dùng dấu hiệu để đối đáp với ta, y như những vế biến ngẫu tài tình. Thoạt đầu ta muốn nói: “Luôn luôn trong đầu phải tâm niệm lời dạy của đức Thích Ca” thì sư ông đã trả lời: “Cần phải giẫm xuống dưới chân những cám dỗ của Ma vương”. Ta lại muốn nói: “Con hạc cắp dưới cánh lời cầu nguyện mang lên thượng giới”. Sư ông trả lời: “Con rùa ghé tấm lưng đội bia đứng trước chùa”. Cuối cùng ta giơ ba ngón tay để nói “Tam quy”. Sư ông giơ cả bàn tay để đối lại là “Ngũ giới”. Đó là điều không phải những kẻ đạo học tầm thường có thể trả lời một cách nhanh gọn được. Sư ông Diệu Kế quả là một ngôi sao trong rừng thiền chúng ta”.

Dân làng được biết Diệu Kế lại là một cao tăng thì rất kinh ngạc. (Ảnh minh họa: youtube.com)

Đọc xong, bọn hào lý làng Bích Khê cúi chào vị hòa thượng già, rồi sau đó trở về chùa xin ra mắt sư Diệu Kế. Bọn họ hết lời xin lỗi:

– Chúng tôi quả thật người trần mắt thịt, không biết được đạo học của hòa thượng sâu rộng như biển. Chẳng qua chỉ vì có một vài người xấu thói thêu dệt điều này tiếng nọ vu cho hòa thượng nên buộc làng chúng tôi phải rước bậc đại đức đến chùa để bày cuộc thử thách. Giờ đây tất cả mọi nghi ngờ đều đã tiêu tan. Xin hòa thượng miễn chấp cho lũ ngu độn này.

Sau khi bọn hào lý đã ra về hết, người thợ giày bèn ra khỏi chỗ nấp. Diệu Kế hỏi:

– Bạn hãy mau mau cho biết bạn đã trả lời như thế nào về những câu hỏi của ông già ấy làm cho danh tiếng của tôi bỗng nổi lên như cồn trước bọn hào lý vậy?

Người thợ giày đáp:

– Có gì đâu. Thoạt đầu lão tăng ấy chỉ tay lên đầu, ý hỏi tôi có biết làm mũ ni hay không? Tôi đạp chân xuống đất để trả lời rằng tôi chỉ biết đóng giày mà thôi. Thế rồi lão tăng lại chỉ vào nách để hỏi tôi có thứ da nào mềm như da nách không để thửa một đôi. Tôi chỉ vào lưng để nói rằng dạo này chỉ còn thứ da lưng thôi, nhưng dùng để đóng giày cũng khá bền tốt. Thế rồi ông lão quyết định thửa một đôi nhưng lại mặc cả có ba quan. Tôi nhất định không chịu, đòi phải có đủ năm quan mới làm. Thế là ông lão tăng lặng lẽ thi lễ rồi bỏ đi ra, mọi chuyện chỉ có vậy!

(Sưu tầm trên mạng)

MỘT THÍ NGHIỆM SAI LẦM

Cho con trai và tinh tinh ăn ngủ cùng nhau để phục vụ thí nghiệm, nhà khoa học vội chấm dứt mọi thứ sau 9 tháng khi phát hiện ra sự thật kinh hoàng

Nhà khoa học đã kịp thời dừng lại mọi thứ sau 9 tháng thí nghiệm khi phát hiện ra rằng suýt chút nữa mình đã hại con.

Winthrop Niles Kellogg và Gua.

Vào ngày 26/6/1931, nhà tâm lý học Winthrop Niles Kellogg cùng vợ đã đón chào một thành viên mới đến với tổ ấm nhỏ của họ, đó là một con tinh tinh cái 7,5 tháng tuổi. Họ đặt tên con tinh tinh là Gua và nuôi dạy nó cùng con trai mình là Donald, 10 tháng tuổi. Mục đích của Winthrop Niles Kellogg là kiểm chứng tác động của môi trường đến sự phát triển của con tinh tinh này. Liệu ở môi trường cùng với loài người, tinh tinh có thể cư xử, thậm chí tư duy giống như con người được hay không?

Ý tưởng về nghiên cứu trên đến với Kellogg từ khi còn theo học Đại học Columbia. Chàng sinh viên ngày đó bị mê hoặc bởi những đứa trẻ được sói nuôi dạy ở Ấn Độ. Kellogg lập luận rằng những đứa trẻ này được sinh ra với trí thông minh bình thường, "do môi trường sống tác động" nên mới học tập tính của loài sói.

Kellogg tin rằng trải nghiệm đầu đời ảnh hưởng cực kỳ mạnh mẽ đến sự phát triển, khiến những đứa trẻ sói kia khó mà hòa nhập lại với cộng đồng loài người. Ông muốn kiểm chứng suy luận của mình, song hiểu rõ để một đứa bé ngoài tự nhiên hoang dã là vi phạm đạo đức. Chính vì vậy, Kellogg quyết định làm điều ngược lại: đưa một con vật sơ sinh vào thế giới loài người.


Gua cùng với Donald được chăm sóc và nuôi dạy như nhau.

Trong 9 tháng, 12 tiếng mỗi ngày và 7 ngày mỗi tuần, Kellogg cùng vợ nuôi dạy Gua và Donald giống nhau nhất có thể. Tinh tinh Gua được mặc quần áo giống như Donald. Nó được ngủ trên giường và cũng được hôn chúc ngủ ngon giống với bất kỳ đứa trẻ nào khác. Gua và Donald được chăm sóc như hai anh em ruột thịt. Cả hai được ăn cùng một loại thức ăn và được tham gia vào các hoạt động giống nhau.

Cả hai được nuôi dưỡng không khác gì anh em ruột.

Tất cả điều này đều phục vụ cho mục đích thí nghiệm, chính vì thế mà Gua và Donald thường xuyên được thực hiện các bài kiểm tra để theo dõi các thông số khác nhau, đặc biệt là trí thông minh và hành vi. Kết quả là Kellogg vô cùng ngạc nhiên khi nhận ra rằng tinh tinh Gua thông minh hơn so với con trai của họ. Dù chưa đầy 1 tuổi, Gua đã thể hiện trình độ xuất sắc trong các bài kiểm tra, trong khi bé Donald gặp nhiều thử thách hơn.

Gua và Donald được chơi với nhau mỗi ngày.

Họ phát hiện ra rằng, tinh tinh có thể thực hiện nhiều động tác giống như con người. Gua có thể đi giày và đứng thẳng bằng hai chân. Cô bé này có thể ăn bằng thìa, cầm ly nước uống hết và mở được cửa trước khi bé trai Donald có thể thực hiện được điều đó. Gua bắt chước y hệt cử chỉ của con người và cách thể hiện tình cảm như ôm hôn Donald giống như cách mà cha mẹ cậu làm với đứa trẻ.

Giống như hầu hết những đứa trẻ khác, Gua đã làm ầm ỹ lên khi "cha mẹ" bỏ ra ngoài, để cô bé và Donald một mình trong nhà. Khi Gua và Donald đều hơn 1 tuổi, con tinh tinh này tiếp tục dẫn đầu về các bài kiểm tra thể chất như chạy hay leo trèo.

Tinh tinh Gua thể hiện tình cảm với Donald giống như con người.

Gua có thể phản hồi, thực hiện mệnh lệnh của 95 từ và cụm từ như "hôn Donald", "bắt tay", "cho tôi xem mũi của bạn". Mặc dù vậy, Gua không bao giờ có thể học cách nói ra những từ hoặc cụm từ đó giống như con người, cô tinh tinh này chỉ có thể biểu đạt cảm xúc qua tiếng gầm rú, tiếng rít của mình. Không có sự dạy dỗ hay nuôi dưỡng nào có thể vượt qua sự thật rằng Gua vẫn chỉ là một con tinh tinh.

Cả hai thực hiện một bài kiểm tra chung với nhau.

Vào ngày 28/3/1932, sau 9 tháng thử nghiệm, Kellogg đột ngột chấm dứt mọi thứ. Một số ý kiến cho rằng vợ chồng nhà khoa học đã quá mệt mỏi sau 9 tháng nghiên cứu không ngừng nghỉ. Tuy nhiên, phần lớn các chuyên gia tin rằng Gua đã gây hại cho Donald. Theo Jeffrey Kahn, nhà nghiên cứu từ Viện Đạo đức Sinh học Johns Hopkins Berman, vợ của Kellogg nhận thấy con trai mình ngày càng giống tinh tinh.


Trong khi Donald chỉ biết gặm ly nước thì tinh tinh Gua cầm ly và uống nước ngon lành.


Donald vật lộn với Gua giống như cách những con tinh tinh chơi với nhau. Donald còn bắt chước tiếng kêu của tinh tinh, cắn người và bò như Gua dù đứa trẻ đã biết tự đi. Thay vì phát triển như một con người bình thường, Donald đã có xu hướng học và bắt chước theo con tinh tinh.


"Khi nuôi dạy một đứa trẻ với một con chó, bạn sẽ không kỳ vọng con chó học hành vi của người. Nhưng đứa bé rất có thể sẽ bò trên sàn và sủa như chó", Kahn nói.


Rời khỏi gia đình Kellogg, Gua bị đem nhốt, trở thành đối tượng của một công trình nghiên cứu khác. Không lâu sau đó, cô bé tinh tinh này chết vì bị viêm phổi vào tháng 12/1933. Donald lớn lên và trở thành bác sĩ nhưng sau đó tự sát ở tuổi 42.

Vì thí nghiệm trên, Kellogg vấp phải vô số chỉ trích từ đồng nghiệp, công chúng và ngay cả từ người vợ của ông. Nhiều người lên án nhà tâm lý là vô nhân đạo vì sử dụng trẻ sơ sinh làm đối tượng nghiên cứu và tách Gua ra khỏi bầy đàn, không cho nó sống đúng với môi trường tự nhiên của mình.


Tuy vậy, cho đến nay, thí nghiệm của Kellogg vẫn là một trong những thí nghiệm tâm lý học nổi tiếng nhất, có ý nghĩa lớn đối với nhiều ngành khoa học. "Thí nghiệm của Kellogg đã thành công hơn bất cứ thí nghiệm nào trước đó trong việc chỉ ra những hạn chế về mặt di truyền của một cá thể, ngay cả khi cá thể đó được đặt vào môi trường phát triển phong phú, nhiều cơ hội", tờ The Psychological Record nhận định.

Nguồn: Allthatsinteresting, Edubloxtutor

BÍ ẨN BỨC TƯỢNG PHẬT NẰM LỌT THỎM TRONG CÂY LONG NÃO HƠN 1000 NĂM Ở TRUNG QUỐC

Cảnh tượng độc đáo và khó thấy này khiến cho các tín đồ Phật giáo tin rằng nếu được cầu nguyện trước cây ôm Phật, họ sẽ cầu được ước thấy.


Những người thường xuyên đi du lịch đến Thái Lan thường nghe mọi người nói với nhau về cây ôm Phật nổi tiếng trong chùa Mahathat ở Ayutthaya. Ayutthaya là một vùng đất có lịch sử lâu đời, có rất nhiều đền thờ, chùa chiền tại đây.


Việc sở hữu một bức tượng Phật linh thiêng nằm bên trong thân cây hàng ngàn năm tuổi đã khiến cho ngôi nhà chùa này thu hút rất nhiều du khách và tín đồ Phật giáo tới hành hương mỗi năm.

Không chỉ ở Thái Lan mới có cây ôm Phật, tại làng Kaote (棵古树 Khõa Cổ Thôn), thành phố Giản Dương, Phúc Kiến, Trung Quốc cũng có một cảnh tượng kỳ lạ như vậy. Đó là một bức tượng Phật nhỏ nằm lọt thỏm bên trong thân cây long não cổ đại.


Cây long não này có tuổi đời lên tới 1.021 năm, lá và cành rất xum xuê tươi tốt, không hề có bất kỳ dấu hiệu già nua nào. Cùng với sự hiện diện của bức tượng Phật nằm giữa thân cây, nó đã thu hút nhiều người trên khắp cả nước ghé đến.


Vậy làm thế nào là cây lại ôm được Đức Phật như thế. Trong truyền thuyết ở làng Kaote, sau khi sư trụ trì viên tịch, các đệ tử đã tưởng nhớ ông và cùng nhau thảo luận để định hình bức tượng Phật. Lúc đó họ nhìn thấy một vết nứt trên thân cây và đặt bức tượng nhỏ vào.

Sau thời gian, thân cây lớn dần và lỗ của cây dần trở nên nhỏ hơn. Điều này đã tạo ra hiện tượng kỳ diệu là cây ôm lấy Đức Phật. Đây chỉ là những truyền thuyết chưa có cơ sở xác thực.


Do đó, đối với sự hình thành của cây ôm Phật, các chuyên gia rất đau đầu vì thiếu thông tin đầy đủ có thể chứng minh nguồn gốc của nó. Dù là Thái Lan hay Trung Quốc, việc sở hữu một cây ôm Phật như thế này là điều rất may mắn và người dân địa phương cực kỳ tôn trọng.


Khi gia đình xảy ra bất cứ điều gì, mọi người đến đây cầu nguyện và tin rằng sẽ được Đức Phật ban phước lành.

Phan Hằng (Theo QQ)
Link tham khảo:

NẾU


-Chúng ta đấu tranh vì lý tưởng thì chúng ta sẽ biết tự học hỏi để trau dồi bồi đắp kiến thức cho bản thân mỗi ngày và luôn muốn phổ biến những kiến thức đã học cho người khác. Nhất quán giữa tư tưởng và lời nói, hành động.

-Chúng ta đấu tranh để bảo vệ các giá trị tốt đẹp thì chúng ta sẽ biết phân biệt rạch ròi phải trái đúng sai, không ngụy biện, không sử dụng tiêu chuẩn kép, biết sửa thói xấu, biết cố gắng hướng tới những giá trị tốt đẹp, văn minh để hoàn thiện bản thân và biết chống lại cái xấu, cái sai ở mọi nơi.

-Chúng ta đấu tranh vì tổ quốc, vì dân tộc thì chúng ta biết giữ gìn bảo vệ phẩm giá của mình và của mọi người. Không tôn sùng một ai. Không miệt thị một người. Không cậy nhờ trông đợi người ngòai. Biết cố gắng tự chủ và biết đặt trọng tâm tranh đấu.


Nếu…

Chúng ta biết yêu thương nhau thì…

Thôi chẳng mơ nữa. Chúng ta ghét nhau bỏ mẹ!


Nga Thi Bich Nguyen

Monday, June 29, 2020

"NHỔ RỄ" THÓI QUEN XẤU

Hãy học cách sửa thói quen xấu trước khi nó bám rễ vào trong tính cách của bạn!


Một người đàn ông giàu đã dùng rất nhiều cách từ cứng rắn đến ngọt nhạt để giúp cậu con trai bỏ những thói quen xấu, nhưng đều thất bại. Cuối cùng, ông mời một nhà hiền triết đến nói chuyện và giúp ông. Nhà hiền triết đưa cậu bé đi dạo trong vườn, nói những câu chuyện rất vui vẻ về thiên nhiên, cảnh vật. Đột nhiên, ông dừng lại và yêu cầu cậu bé nhổ một cây cỏ lên.

Cậu bé nhẹ nhàng dùng hai ngón tay nhấc cây cỏ lên. Sau đó, nhà hiền triết lại đề nghị cậu nhổ một cây khác lớn hơn. Lần này, cậu phải dùng cả bàn tay để nhổ. Cuối cùng, rễ cây cũng bật lên.

"Nào, bây giờ thì thử một lần nữa", nhà hiền triết chỉ một cái cây khá to gần đấy. Cậu bé dùng hết sức mình nhưng cũng không thể làm cái cây lung lay chút nào. "Nó quá chắc, sao con có thể nhổ nó lên được thưa ngài?"

"Con xem, đây cũng chính là những thói quen xấu", nhà hiền triết hiền từ đáp, "khi chúng còn "nhỏ", con sẽ rất dễ kéo nó lên; nhưng một khi con để rễ nó ăn sâu vào mình, con sẽ không thể nhổ bật".


Phật đã răn dạy "Kẻ thù lớn nhất đời người là chính mình". Quả vậy, trong cuộc sống chúng ta phải đấu tranh với rất nhiều thứ, trong đó, đấu tranh với chính bản thân mình là cuộc đấu tranh cam go và phức tạp nhất. Con người ta thường có xu hướng chiến đấu sống còn với người khác nhưng lại dễ dàng thỏa hiệp với chính mình. Đây cũng chính là nguyên nhân tạo nên những thói quen xấu, cái mà không chỉ ảnh hưởng đến bản thân chúng ta mà nhiều khi còn gây phiền phức cho cộng đồng.

Có một sự thật rằng, thói xấu bao giờ cũng dễ nhiễm hơn tính tốt. Người ta thường nói rằng: "Những thói quen xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà, và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính". Thói quen xấu dần dần được hình thành và ngự trị trong mỗi người; vì vậy, hãy học cách loại bỏ những thói quen xấu trước khi biến mình thành "nô lệ" cho những "ông chủ nhà khó tính" ấy.

Linh Hoa

NGƯỜI CÓ THỂ LÀM QUÂN VƯƠNG: KHÔNG MƯU CẦU TƯ LỢI

Đức Phật dạy chúng ta hãy buông bỏ tất cả những gì có bản chất tạm bợ, không vững bền. Nếu buông bỏ, bạn sẽ thấy chân lý. Nếu không buông bỏ, bạn sẽ không thấy rõ sự thật. Chỉ có vậy thôi! Và khi trí tuệ khai mở rồi, thì nhìn đâu bạn cũng thấy chân lý (ảnh:Shutterstock).

Khương Tử Nha từng nói: “Niềm vui thực sự của bậc quân tử là chí hướng to lớn lâu dài trong lòng họ, còn niềm vui của người bình thường chính là làm tốt những việc trước mắt”. Một người tư lợi thường vướng mắc vào được mất cá nhân. Ngược lại, người có thể cai trị cả thiên hạ to lớn phải vượt trên mưu cầu tư lợi.

Theo ghi chép trong “Lã Thị Xuân Thu”, một vị khách hỏi Quý Tử rằng: “Dựa vào đâu mà biết vua Thuấn có tài năng?” Quý Tử nói: “Vua Nghiêu vốn đã cai trị tốt thiên hạ rồi, vua Thuấn đàm luận về cách cai trị thiên hạ phù hợp với cách nghĩ của vua Nghiêu, cho nên mới biết được Vua Thuấn có tài năng”.

Vị khách hỏi: “Mặc dù ông biết vua Thuấn có tài năng, nhưng dựa vào đâu mà biết vua Thuấn sẽ không mưu cầu tư lợi?” Quý Tử nói: “Những người có thể cai trị thiên hạ nhất định là người thông hiểu bản chất của sinh mệnh, vậy thì chắc chắn là người không có tư tâm”.

Vì đã thông hiểu bản chất của sinh mệnh, nên biết rằng lợi ích chỉ là những thứ nhất thời, tạm bợ. Trong đằng đẵng kiếp nhân sinh, giữa vũ trụ vô tận này, mỗi con người chỉ là một lạp tử nhỏ bé thì lợi ích vật chất kia lại càng nhỏ biết bao nhiêu. Hà cớ gì phải chạy theo những thứ phù du để đổi lại là vết nhơ của sinh mệnh.


Một người có chí lớn, muốn gánh vác cả giang san càng phải khắc chế tư tâm. Bởi vì đó là người có trách nhiệm nặng nề nhất, phải xử lý nhiều công việc nhất. Nếu để đôi mắt bị che mờ bởi lợi ích thì nhìn người không thấu, xem việc không thông.

Một khi cái tâm bị xiềng xích bởi dục vọng thì gánh trách nhiệm làm sao, giúp ích cho người khác thế nào? Tư tâm có thể hại người, hơn nữa con dân của một giang san là không đếm xuể.

Mạnh Tử, người được xem là ông tổ thứ hai của Nho giáo, từng giảng về đạo trị quốc lấy nhân nghĩa làm trọng, không tuyên dương lợi ích cá nhân.

Có một ngày, Mạnh Tử đi đến Lương Quốc để tuyên truyền chủ trương cai trị đất nước của mình. Vua của Lương Quốc là Lương Huệ Vương tiếp đãi Mạnh Tử rất long trọng.

Lương Huệ Vương hỏi Mạnh Tử: “Tiên sinh, ngài từ ngàn dặm xa xôi tới đây, chắc chắn là muốn mang đến chút lợi ích gì đó cho quốc gia của chúng tôi rồi!”

Mạnh Tử cười cười, rồi điềm tĩnh đáp: “Đại Vương, ngài sao có thể mở miệng, ngậm miệng là chỉ nói đến lợi ích thế? Làm một vị quốc vương có nhân nghĩa là đủ rồi, hà cớ gì phải chuyên môn nhắc đến lợi ích mới được?

Nếu như một vị quốc vương mà hễ mở miệng là nói đến lợi ích của đất nước ra sao, quan lại hễ mở miệng là nói đến lợi ích về đất đai được phong của bản thân mình như thế nào. Người trí thức và dân chúng hễ mở miệng là đều nói đến lợi ích của bản thân mình.

Cứ như thế, từ quân vương cho tới dân chúng, đều truy đuổi lợi ích cá nhân của chính mình thì thiên hạ chẳng phải tất sẽ đại loạn sao?”

Nếu như tuyên dương lợi ích cá nhân thì người cao thấp trong thiên hạ đều sẽ vứt bỏ cái chung mà mưu cầu cái tư, đối với sự an định và hưng thịnh của cá nhân ngài và quốc gia ngài là vô cùng bất lợi“.


Vị Quốc Vương Lương Huệ Vương nghe xong lời này của Mạnh Tử vô cùng chí lý nên tiếp nhận rất thận trọng, từng ý từng lời.

***

Ngày mùa hè không mặc áo lông là vì đã quá ấm áp rồi. Ngày mùa đông không dùng quạt là vì đã quá mát lạnh rồi.

Người không mưu cầu tư lợi vì đã tiết chế bản thân, lòng tự biết đủ. Cảm thấy đủ rồi tự nhiên không còn tham lam và dục vọng, do vậy không còn tranh đấu và cũng không có lý do để oán hận.

Tâm không chướng ngại giống như mảnh ruộng bát ngát, làm việc lớn có gì khó nữa đây.

Cổ ngữ có câu: “Cái trán của Tướng quân rộng đến mức có thể phi ngựa, cái bụng của Tể tướng rộng đến mức có thể chèo thuyền”. Ý nói, một người có tấm lòng rộng lớn mới có thể làm được việc lớn, có thể bao dung được những việc khó bao dung của thiên hạ. Nhờ vậy mà cai trị được thiên hạ.

Kỳ thực, người không mưu cầu tư lợi thì không bận tâm lo lắng cho vật chất cá nhân. Họ dành tấm lòng ấy để nghĩ đến an nguy của bách tính. Có đủ tâm lượng sẽ tự nhiên hết lòng vì dân. Đó là chỗ mà người tư lợi không thể nào làm được.

Tử Sản là nhà cải cách kinh tế, xã hội, của nước Trịnh, thời Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc. Thời gian chấp quyền nước Trịnh, ông chủ trương bảo vệ quyền lợi của con dân nước Trịnh, cải cách nội chính, ngoại giao mềm mỏng, được dân chúng đương thời cực kì vị nể. Trong thiên Hiến Vấn sách Luận ngữ, Khổng Tử nói rằng:Tử Sản là con người khoan dung và rất yêu dân.


Xưa có chuyện Tử Sản hết lòng vì dân khiến người và quỷ thần đều hài lòng:

Thời Xuân Thu, đại phu Lương Tiêu nước Trịnh vì chuyên quyền mà bị Tứ Đái và Công Tôn Đoạn cùng truy sát giết chết. Lương Tiêu sau đó biến thành Lệ Quỷ, khiến người trong nước đều vô cùng khiếp sợ.

Có người nửa đêm nhìn thấy Lương Tiêu mặc áo giáp đi ra, nói rằng “Ngày Nhâm Tý, ta sẽ giết Tứ Đái (người giúp giết Lương Tiêu), ngày Nhâm Dần năm sau, ta sẽ lại giết Công Tôn Đoạn (người ủng hộ Tứ Đái)”. Tứ Đái và Công Tôn Đoạn quả nhiên chết vào ngày ấy, người dân toàn quốc càng khiếp sợ hơn.

Thế là Tử Sản lập Công Tôn Tiết làm quan. (Công Tôn Tiết là con của Tử Khổng, Tử Khổng trước đây bị Trịnh Sở giết), lại lập Lương Chỉ (con của Lương Tiêu) làm đại phu, để an ủi Lương Tiêu và Tử Khổng, Lệ Quỷ từ đó không xuất hiện nữa.

Thái Thúc hỏi Tử Sản: “Vì sao ngài lại làm như thế?”

Tử Sản nói: “Quỷ chịu oan mà chết, phải có nơi để tá túc thì mới không quấy phá. Ta lập đời sau của họ làm quan, khiến họ cảm thấy có nơi để tá túc”.

Phùng Mộng Long viết:

Tử Sản không chỉ thông đạt việc của nhân gian, mà còn có thể thông đạt việc quỷ đạo (việc trong âm gian). Quỷ đạo do người gây ra. Người thực sự hết lòng vì dân thì có thể khiến người và quỷ thần đều hài lòng!

Theo: ĐKN

TU VIỆN ERDENE ZUU – BIỂU TƯỢNG CỦA PHẬT GIÁO MÔNG CỔ

Được xây dựng ở thành phố cổ Karakorum (kinh đô của đế quốc Mông Cổ vào thế kỷ XIII), tu viện Erdene Zuu Mông Cổ được xem là Tu viện Phật giáo cổ nhất còn lại ở Mông Cổ hiện nay. Tu viện được công nhận là Di sản thế giới vào năm 2004. Với những kiến trúc đẹp mắt và ấn tượng hứa hẹn sẽ mang đến một trải nghiệm thú vị cho bất kỳ ai khi đến với Mông Cổ.

Tu viện Erdene Zuu Mông Cổ được xem là Tu viện Phật giáo cổ nhất còn lại ở Mông Cổ hiện nay

Nằm cách 365 km về phía Tây của cố đô Karakorum, kinh đô Đế quốc Mông Cổ, tu viện Erdene Zuu là một trong những hàng trăm tu viện đẹp và nổi tiếng nhất tại Mông Cổ với tổng diện tích 0,16 km2. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tu viện Erdene Zuu tồn tại đến tận ngày hôm nay và trở thành biểu tượng của Phật Giáo Mông Cổ cũng như điểm nổi tiếng tại vùng đất đại bàng Kharkhorin.

Tu viện này bao gồm những ngôi chùa độc đáo và bao quanh nó là một tường thành lớn được nối kết bằng 108 ngôi tháp được xây trên những bệ đá. Với lối trang trí đặc trưng hai màu chủ đạo đỏ và vàng, tu viện Erdene Zuu là sự kết hợp độc đáo của cả 3 phong cách kiến trúc cổ đại: Mông Cổ, Tây Tạng và Trung Hoa. Được xây dựng vào năm 1585 bởi Thái tử Abtai Sain Khan, ông nội của Zanabazar (một vị lãnh đạo tôn giáo nổi tiếng ở Đông Mông Cổ) sau khi ông gặp Đức Dalai Lama thứ ba và khi Phật giáo Tây Tạng được tuyên bố là quốc giáo ở Mông Cổ.

Tu viện bao gồm những ngôi chùa và bao quanh là tường thành lớn với 108 ngôi tháp được xây trên những bệ đá

Đầu tiên, tu viện này bao gồm ba ngôi chùa mang kiến trúc Trung Hoa, được xây dựng bằng gạch và đá. Chúng xếp thành hàng ngang và quay mặt về hướng Đông. Do tác động của chiến tranh vào những năm 1680, tu viện này bị hư hại nặng và được tái thiết lại vào thế kỷ XVIII. Vào năm 1872 đã có đến 62 ngôi chùa được xây dựng ở bên trong. Sau đó, những ngôi chùa và nhà ở được xây thêm xung quanh những ngôi chùa chính cũng như bên ngoài vòng thành, đến đầu thế kỷ XX, ước tính đã có hơn 700 công trình được xây dựng. Và quần thể tu viện này, vào thời kỳ hoàng kim của nó, có đến 1.500 Tăng sĩ cư trú.

Tu viện này bao gồm ba ngôi chùa mang kiến trúc Trung Hoa, được xây dựng bằng gạch và đá

Năm 1937 được gọi là thời kỳ đen tối nhất của tu viện Erdene Zuu, khi Mông Cổ chịu sự kiểm soát của Xô Viết. Ngoại trừ ba ngôi chùa cùng dãy tường thành ở bên ngoài, còn lại tất cả những ngôi chùa ở Erdene Zuu bị phá hủy và các Tăng sĩ (số lượng chưa được biết đến) bị sát hại hay bị đày đến những trại giam ở Siberia. Những vật thể ở tu viện Erdene Zuu đã thoát khỏi bàn tay phá hoại nhờ vào sự giúp đỡ của quần chúng địa phương và những người lính có lương tâm. Những vật thể này được chôn ở những ngọn núi kế cận hay được cất giấu ở những nhà dân trong vùng. Tu viện này vẫn còn đóng cửa mãi đến năm 1965, khi nó được tái mở cửa như một viện bảo tàng, mà không phải như một nơi thờ phụng. Chỉ sau khi chế độ cộng sản ở Mông Cổ sụp đổ vào năm 1990, việc tự do tôn giáo mới được phục hồi và tu viện mới sinh hoạt trở lại.

Ngoài những ngôi chùa còn sót lại, điều làm du khách thích thú và chú ý tới địa điểm này chính là bức tường thành dài 400m. Nó được xây dựng từ xa xưa như là một bức bảo vệ những ngôi chùa bên trong. Đây là một nỗ lực nhằm chống lại sự tấn công của người ngoại tộc. Tuy nhiên sau này bức tường đã bị hư hại. Nó đã được xây bổ sung thêm 108 ngôi tháp với lối kiến trúc khá giống nhau.

Điều làm du khách thích thú và chú ý tới tu viện Erdene Zuu chính là bức tường thành dài 400m

Toàn bộ tu viện ban đầu được bao quanh bởi một bức tường có 108 bảo tháp, nhiều chuỗi hạt trong chuỗi tràng hạt của Phật giáo. Ngoài ra còn có nhiều vật tượng trưng cho nền độc lập của Mông Cổ. Thế nhưng, qua thời gian bị tàn phá, một số ít hiện vật còn tồn tại cho đến ngày nay. Tuy nhiên, với lối kiến trúc đẹp và độc đáo, nơi đây trở thành địa điểm tham quan nổi tiếng nhất của vùng cũng như là biểu tượng Phật giáo Mông Cổ.

Một số ít hiện vật còn tồn tại cho đến ngày nay tại tu viện Erdene Zuu

Một vật thể nổi tiếng khác tại tu viện Erdene Zuu là tảng đá Kharkhorin nổi tiếng. Tảng đá này được cho có khả năng đặc biệt là ngăn chặn những suy nghĩ nhục dục. Truyền thuyết cho rằng một vị Tăng sĩ phạm giới dâm đã bị nhận lấy hình phạt nặng nề là bị thiến, và tu viện đã cho làm tảng đá này để nhắc nhở những Tăng sĩ khác về những trách nhiệm và bổn phận của họ. Tảng đá này được đặt trên một ngọn đồi bên ngoài tường thành của tu viện.

Tảng đá Kharkhorin nổi tiếng đặt trên một ngọn đồi bên ngoài tường thành của tu viện

Ở tu viện Erdene Zuu, du khách có thể thấy những tranh vẽ, đồ trang trí và vật thể thiêu thùa có niên đại từ thế kỷ XV - XVII. Ngoài ra, còn có một thư viện lưu trữ những chữ viết hiếm và những ấn bản in bằng khuôn gỗ. Ở đây cũng lưu giữ những tác phẩm của nhà điêu khắc và họa sĩ Zanabazar (một người chuyên vẽ tranh minh họa kinh điển Phật giáo) vào thế kỷ XVII.

Bên ngoài tường thành có một ngôi chùa có tên là Laviran, mà nó nổi bật cả ở trong màu sắc và kích cỡ so với những chùa tháp ở khu vực tu viện Erdene Zuu. Ngôi chùa có màu vàng và trắng, khác với những công trình tôn giáo khác ở Mông Cổ thường thấy ngày nay là màu đỏ và màu xanh. Bên trong chùa Laviran, ta có thể nhìn thấy một bộ sưu tập về những di vật độc đáo tồn tại qua hàng thế kỷ. Tu Viện Erdene Zuu mở cửa miễn phí cho mọi người vào thăm quan cũng như lễ Phật, ngay ở bên ngoài cũng có một nhà trưng bày nho nhỏ về lịch sử của Mông Cổ.

Chùa Laviran ở ngoài tường thành tu viện Erdene Zuu

Nếu muốn cảm nhận cuộc sống du mục, hãy đến Mông Cổ một lần, đặc biệt là viếng thăm tu viện Erdene Zuu - biểu tượng Phật giáo Mông Cổ để thấy được giá trị cuộc sống luôn nằm ở những gì giản dị nhất.

Theo: VYC Travel

NGHỆ THUẬT THƯỞNG THỨC BÒ WAGYU

Được mệnh danh là tinh hoa trong ẩm thực Nhật Bản – thịt bò Wagyu có đặc trưng là những vân mỡ trắng phân bố xen kẽ các thớ thịt đỏ với tỷ lệ tương đồng.


Sự kết hợp của các chất béo cung cấp một hương vị phong phú và êm đằm đặc biệt cho thịt bò Wagyu so với thịt bò khác. Thuật ngữ Wagyu nghĩa là được nuôi theo phương pháp của Nhật Bản. Trên thực tế, với sự khan hiếm của bò Kobe, thì những loài bò Wagyu đẳng cấp cũng là sự thay thế hoàn hảo cho bữa ăn đẳng cấp của bạn. Để có được những khổ thịt Wagyu chất lượng, thì bò cần được nuôi đúng cách. Bên cạnh đó, nhằm cảm nhận được vị ngon thật sự từ loại bò nổi tiếng này, mời bạn hãy điểm qua những cách bên dưới để có thể tăng thêm vốn hiểu về món ăn độc đáo này.

Bò Wagyu cần được nấu thật chậm với lửa nhỏ

Tương tự như nấu thịt cừu, để cảm nhận được sự hòa quyện của vị béo kết hợp từ lớp mỡ trắng và những thớ thịt tan dần trong miệng. Chúng ta nên chế biến hoặc gọi món bò Wagyu hầm để những lớp mỡ tan chảy làm mềm thớ thịt. Với cách thưởng thức này bạn sẽ cảm nhận được hương vị phong phú cũng như cảm giác mềm mịn sâu lắng của miếng thịt. Cách này sẽ tốt hơn nhiều lần món bò hầm thông thường với độ dai hoặc cứng.

Omi cũng là một dạng bò Wagyu đẳng cấp

Với hầu hết khẩu vị phương Tây, thì loại bò này ít được biết đến. Thịt bò Omi là loại bò thượng hạng đến từ Shiga Prefecture. Nhiều tin đồn cho rằng, các tướng quân và lãnh chúa phong kiến ăn thịt bò Omi để chữa bệnh. Bò Omi rất khó mua. Chính vì vậy, nếu tại nhà hàng bạn đang dùng bữa có phục vụ món bò này, thì hãy thử qua để cảm nhận được hương vị đặc biệt của món ăn thượng hạng này.


Chọn lượng thịt vừa phải

Theo lời khuyên của đầu bếp Mỹ, David Walzog. Mỗi khi đến nhà hàng cao cấp. Tại đây sẽ có vô số những loại Wagyu cho bạn chọn lựa. Với các mức giá 220 USD cho 4 ounce. Và sau đó sẽ tăng dần nếu bạn gọi thêm với giá từ 55 USD/ounce. Với 4 ounce thịt bò Wagyu là bạn đã có thể có đủ những trải nghiệm tuyệt vời với món ăn tinh túy Nhật Bản.


Nên gọi món bò chín vừa (medium)

Nếu bạn hỏi những đầu bếp cách thưởng thức món bò Wagyu với độ chín nào phù hợp, thì medium là tuyệt nhất. Với nhiệt độ vừa phải món bò Wagyu sẽ có màu hồng trái ngược hoàn toàn với màu đỏ sống. Khi miếng thịt đạt đến độ hồng chín vừa. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận được vị thơm và dộ mềm hoàn hảo nhất.


Không nên sử dụng xốt cà chua

Nếu bạn thật sự muốn cảm nhận vị ngon hoàn hảo của miếng thịt Wagyu. Hãy nói không với xốt cà chua. Thêm loại xốt làm từ rượu whisky lâu năm với tên gọi là Shoyu. Thêm một ít muối và tiêu, là bạn đã có món chính ngon lành.

Thưởng thức Wagyu cùng vang Cabernet hoặc Bordeaux

Bạn đang tìm kiếm sự bổ sung hoàn hảo cho món chính bò Wagyu. Thì hai thức uống này sẽ mang đến sự cân bằng vị giác hoàn hảo nhất. Đồng thời cung cấp axit cho quá trình tiêu hóa tốt.

Zoe Pham

Sunday, June 28, 2020

ĂN CÂY NÀO RÀO CÂY NẤY

Truyền thống biết ơn và trân trọng những thành quả của người đi trước đã thấm nhuần vào máu thịt của người dân Việt Nam ta. Chúng ta đề cao tinh thần đó và tự hào vì thế hệ sau này vẫn giữ gìn thật tốt nó.



Câu tục ngữ “Ăn cây nào rào cây nấy” tuy ít được sử dụng trong đời sống hàng ngày nhưng ý nghĩa của nó thì rất đáng để tìm hiểu. Đây là câu tục ngữ đề cao lòng biết ơn và tấm lòng trân trọng những gì mà mình nhận được từ sự giúp đỡ của người khác.


“Ăn cây nào rào cây nấy”

“Ăn cây nào rào cây nấy” có ý khuyên nhủ con người khi ăn trái thơm quả ngọt ở một cây nào đó thì cần phải có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng cây đó để nó tiếp tục phát triển. Sâu xa hơn, ông cha ta nhắn nhủ mỗi người trong cuộc sống khi nhận được sự giúp đỡ hoặc hưởng thành quả từ bất kỳ ai, ta cần biết đền ơn đáp nghĩa, biết trân trọng, cảm tạ người đã cho ta những điều ấy. Đây là một câu tục ngữ ý nghĩa và nên được lưu truyền nhiều hơn cho thế hệ sau.

Trong cuộc sống, chúng ta không phải lúc nào cũng được ấm êm và bình yên. Đôi lúc, sóng gió ập đến và bạn không cách nào tự mình đứng lên được. Lúc này, bạn cần nhận được một sự giúp đỡ từ một ai khác. Người đó hỗ trợ bạn trong tình huống cấp bách, giúp bạn đi qua những khó khăn trong đời. Chúng ta cần bày tỏ thái độ biết ơn và ghi sâu trong lòng sự giúp đỡ ấy.

Mọi sự giúp đỡ trong cuộc sống này đều xuất phát từ tình cảm và lòng mong muốn của mỗi người đối với ta. Thế hệ đi trước có công vun trồng, cấy xới để đem lại quả ngọt cho con cháu mình cũng xuất phát từ sự thương yêu, duy trì bản sắc. Do đó, nếu con người ta không biết nhớ về cội nguồn, không biết đền ơn đáp nghĩa,…thì liệu sau này họ có còn nhận được sự trợ giúp, tin tưởng từ những người xung quanh hay không?


Lòng biết ơn cao quý

Những câu chuyện thần thoại ngày xưa, những con vật dù hung tợn nhưng khi được người cứu giúp vẫn ghi ơn trong lòng. Nó luôn thể hiện lòng biết ơn của mình bằng những hành động thiết thực. Dù chỉ là con vật nhưng chúng còn thấu hiểu được đạo lý đó. Vậy con người chúng ta có lý nào mà lại không hiểu?

Đôi khi, bạn vô tình làm việc tốt, bạn đã quên nhưng người được giúp cứ nhớ mãi. Họ luôn ghi nhớ món nợ ân tình đó trong lòng và mong sớm ngày tìm cơ hội để trả. Thật ra, chuyện đó với bạn không đáng gì nhưng với người khác nó cực kì ý nghĩa vì đến vào lúc mà họ cần nhất. Tôi từng mua giúp một cậu bé mười mấy tờ vé số vì trời đổ mưa to và nhận lại ánh mắt tôn kính mỗi lần cậu ấy nhìn thấy tôi. Nhiều năm sau, tôi gặp lại cậu bé và cậu ấy vẫn cúi đầu cảm ơn tôi như ngày xưa đó.

Xưa kia, tôi chẳng nghĩ gì nhiều nhưng lâu dần cũng nhận ra giúp người là niềm vui. Nhìn thấy người khác hạnh phúc, mình tự nhiên cũng cảm thấy hạnh phúc.

Kết cục của sự phản bội

Thế nhưng, chúng ta vẫn có thể bắt gặp những kẻ phản bội, xem nhẹ sự giúp đỡ và tấm lòng của người khác. Tất nhiên, kết cục của họ cũng sẽ chẳng tốt đẹp gì vời ở đời có luật nhân quả. Nhất là bây giờ, quả báo đến rất nhanh nên hãy cẩn thận nếu bạn luôn làm điều xấu.

Tôi có nghe một câu chuyện về người bạn của mình, bài học về lòng biết ơn và cách nhìn người. Bạn tôi quen một người bạn khác, hai người cũng xem như thân thiết vì hai đứa đều ở tỉnh lẻ lên thành phố đi học. Họ ở cùng phòng trọ và cũng hay trò chuyện cùng nhau. Cô bạn kia bảo rằng, gia đình cô ấy rất giàu, đi học cũng chỉ là thú vui thôi vì ba mẹ rất chiều chuộng mình. Bạn tôi chỉ cười và bảo cô ấy rất may mắn.

Sau này, cô ấy dọn ra ở riêng và vẫn giữ liên lạc với bạn tôi. Một ngày nọ, cô ấy khóc lóc đến và bảo mới chia tay bạn trai. Cô ấy muốn mượn bạn tôi ít tiền vì tiền đều bị bạn trai lấy sạch. Bạn tôi là sinh viên nghèo, làm thêm cũng chỉ đủ ăn nhưng nghĩ đến bạn lâm vào cảnh khổ nên giúp đỡ. Bạn tôi gom hết tiền và cho cô ấy mượn bốn trăm nghìn đồng. Kết quả, cô ấy không những không trả mà còn bêu rếu bạn tôi ở khắp nơi, bịa đặt và xúc phạm một cách nặng nề.


Đời có vay có trả

Ngày bạn tôi chạy đến bên tôi khóc lóc và tâm sự, tôi lại thêm một bài học về lòng người. Trên đời này, người tốt có nhưng kẻ xấu cũng không hiếm. Chúng ta chỉ cần sơ suất một chút là bị người ta lừa gạt ngay. Rất may, cô ta trở mặt nhanh chóng vì mấy trăm ngàn chứ không lừa một cái gì quý giá hơn. Bạn tôi từ ngày đó cũng cảnh giác hơn trong các mối quan hệ.

Sau này, chúng tôi biết được cô bạn năm xưa lại bị bạn trai dụ dỗ lấy tiền của gia đình làm thất thoát và tán gia bại sản. Lúc này bảo tôi không tin vào luật nhân quả là không được. Bởi vậy mới nói, chúng ta hãy sống lương thiện và sống đúng với lương tâm. Người tốt sẽ gặp chuyện tốt còn kẻ có tâm cơ sớm muộn cũng nhận trừng trị thích đáng mà thôi.

Người xấu dễ làm, người tốt mới khó làm. Người mà dám quay lưng phản bội cả những người từng giúp đỡ mình thì chúng ta lấy gì để tin tưởng họ sẽ thật lòng với ai. Người tốt được yêu quý còn kẻ xấu lại bị xa lánh. Vậy nên, việc chọn cách sống như thế nào tùy bạn quyết định.

Đoạn kết

Mong rằng, những thế hệ sau này sẽ tiếp nối truyền thống biết ơn cao đẹp của ông bà ta và tiếp tục phát huy nó. Chúng ta chỉ có một cuộc đời để sống vậy nên hãy chọn sống sao cho bản thân cảm thấy nhẹ nhõm và thoải mái nhất.

Phạm Kim Thoa

TRẤN VIỄN CỔ TRẤN (鎮遠古鎮) - THỊ TRẤN CỔ HIẾM HOI CHƯA BỊ THƯƠNG MẠI HÓA

Nhiều du khách đến những thị trấn cổ ngán ngẩm với cảnh tượng nhiều ngôi nhà biến thành cửa hàng buôn bán, mất hết hẳn nét cổ xưa.


Nói đến những thị trấn cổ đáng được ghé thăm ở Trung Quốc, nhiều người chỉ biết đến Ô Trấn, Chu Trang, Lệ Giang, Phượng Hoàng Cổ Trấn... Mặc dù phong cảnh ở đây rất đẹp, nhưng tất cả có một điểm chung là ngày càng bị thương mại hóa, lượng khách du lịch cũng không ngừng tăng lên. Thay vì không khí phố cổ yên bình thì những nơi này giống một khu phố thương mại náo nhiệt.


Vì vậy, có lẽ đến một thị trấn cổ ít ai biết đến, giữ nguyên được cảnh sắc ngày xưa là ước ao của nhiều du khách. Ở tỉnh Quý Châu có một thị trấn cổ như vậy, một nơi mà nền kinh tế địa phương không quá phát triển, phong cảnh tuyệt đẹp, đó là phố cổ Trấn Viễn.


Trấn Viễn là khu phố nổi tiếng lâu đời ở trên cao nguyên Vân Nam - Quý Châu, với lịch sử hơn 2.200 năm. Nơi này giống như một viên ngọc quý được bao quanh bởi những ngọn núi và một dòng sông hiền hòa uốn lượn.


Mặc dù thị Trấn Viễn không đông đúc như những thị trấn cổ khác, nhưng điều đáng mừng nhất là nơi đây không có không khí thương mại, không có cửa hàng bán đồ lưu niệm khắp mọi nơi. Những nét cổ xưa được lưu giữ còn nguyên vẹn cho tới ngày nay. Thị trấn này là nơi sinh sống của người Miao. Khi đi dạo quanh, du khách sẽ bắt gặp những cô gái Miao xinh đẹp, thường đeo đồ trang sức bằng bạc và mặc trang phục truyền thống.



Với hơn 2.200 năm lịch sử, Trấn Viễn là một trong những nơi hiếm hoi vẫn giữ được những con đường cổ tuyệt đẹp. Ngoài ra, nhiều cây cầu bằng đá cổ bắt ngang qua sông cũng có lịch sử hàng ngàn năm, rảo bước đi bộ ngắm nhìn và chạm tay vào những thứ cổ xưa như thế này khiến du khách rất thích thú.



Những ngôi nhà ở đây được bảo tồn rất tốt, phản ánh sự khéo léo và tài hoa trong kiến trúc của người Miao. Cảnh quan ở nơi đây không hề kém cạnh so với những thị trấn cổ nổi tiếng khác. Có lẽ vì ít người biết đến nên nơi này đã giữ được nguyên bản thị trấn ngày xưa.


Đến Trấn Viễn nên ở lại đêm một lần, du khách đặc biệt thích thú với việc leo lên ngọn núi gần đó để ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn cổ và sông Vũ Dương. Vào mùa hè, nước sông ở đây rất trong xanh và du khách có thể thuê thuyền dạo quanh thị trấn. Nếu tìm một thị trấn yên bình, ít người, ít bị thương mại hóa thì du khách nên đến Trấn Viễn một lần trong đời.

Phan Hằng (Theo Sohu)

BÍ ẨN TƯỢNG QUỶ NHỎ TRONG CÁC NHÀ THỜ TRUNG CỔ

Thành phố Lincoln, thủ phủ của hạt Lincolnshire, nước Anh, vốn nổi tiếng với những con đường, lâu đài và nhà thờ thời Trung cổ, nhưng bên trong thánh địa này còn có một thế lực xấu xa. Các du khách đến Nhà thờ lớn Lincoln có thể nhìn vào một chiếc tô có gương, ở đó họ sẽ nhìn thấy ánh đèn chiếu vào dáng vẻ nham hiểm của “Lincoln Imp” (Tiểu Quỷ Lincoln) mà không cần phải nghiêng cổ hay nheo mắt nhìn vào chỗ bóng tối.

Tiểu Quỷ Lincoln

Mặc dù có kích thước nhỏ bé, bạn cũng có thể thấy đó là một con quỷ trông xấu xí. Những cái chân móng guốc xẻ đôi, một cặp sừng bò sừng nhô ra từ mái tóc bù xù của nó, chân này vắt chéo qua chân kia, kèm theo một nụ cười gian xảo để lộ ra hàm răng sắc lẻm của nó.

Nhà thờ lớn Lincoln

Ngôi nhà thờ, từng là nơi cao nhất thế giới, có niên đại từ thế kỷ 11, và Dàn Hợp xướng Thiên thần ở đây được thánh hiến vào năm 1280, có khả năng xưa đến hơn 700 năm.

Dàn hợp xướng Thiên thần là dãy ban công dài dọc theo hai bên của bàn thờ, nơi dàn hợp xướng từng ngồi kín đáo trong các buổi lễ, tiếng hát tuyệt vời của họ vang lên qua các mái vòm kiến trúc kiểu gothic và lên trần nhà hình vòm ngoạn mục như thể phát ra từ chính chốn thiên đường.

Dàn hợp xướng Thiên thần không chỉ bao gồm khoảng cách hợp xướng với nền nhà, hay âm thanh dường như thần thánh. Các cửa sổ hình vòm được trang trí với những hình chạm khắc của 28 vị thiên thần mặc áo choàng tha thướt, Chúa Jesus và Đức Mẹ.Tranh vẽ Nhà thờ lớn Lincoln thế kỷ 17, với các ngọn tháp ở phía Tây

Hình tượng Lincoln Imp được giải thích bởi một số câu chuyện dân gian khác nhau được kể lại trong thế kỷ 14. Tương truyền vào một hôm, Quỷ dữ nổi hứng và cho những tiểu quỷ của mình ra ngoài chơi. Những con quỷ nhỏ hoành hành quanh các nhà thờ và nhà thờ lớn ở phía bắc nước Anh, và một con tiểu quỷ (về sau trở thành Lincoln Imp) lao vào bên trong và bắt đầu xé nát các đồ đạc. Phát hiện thấy các hình thiên thần được chạm khắc trên Dàn Hợp xướng Thiên thần, nó nói:

“Những thứ thật đẹp đẽ, một đống lông vũ mà ta sẽ nhổ từ đôi cánh của các ngươi và làm cho ta một chiếc ghế dài để nghỉ ngơi, sau khi ta đã mệt với trò chơi này”.
Nhưng vị nhỏ nhất trong số các thiên thần có đôi mắt thạch anh tím và mái tóc vàng đã bay lên trước bàn thờ và nguyền rủa quỷ rằng: “Loài quỷ vô đạo kia, ngươi hãy biến thành đá!”

Nhà thờ lớn Lincoln nhìn từ lâu đài Lincoln

Lincoln Imp không phải là con quỷ duy nhất được khắc vào những thành trì của Kitô giáo. Thậm chí nó cũng không phải là con quỷ duy nhất tại Nhà thờ lớn Lincoln. Ở trên cao về mặt phía đông bên ngoài nhà thờ còn có một hình quỷ sừng dài, những đường nét của nó đã bị biến mất trong thời Cải cách khi những người theo đạo Tin lành cực đoan cho rằng những trang trí nhà thờ như vậy có khuynh hướng sùng bái ngẫu tượng, họ gọi đó là sự tôn sùng những hình tượng giả tạo. Quan niệm này được biết đến trong những câu truyền khẩu dân gian như “Con quỷ nhìn xuống Lincoln”.

Một phiên bản khác của câu chuyện kể rằng, có hai con quỷ nhỏ chạy ùa qua Nhà thờ lớn Lincoln, và trong khi một con bị biến thành đá, con còn lại đã ẩn núp và trốn thoát. Nhưng sau đó nó bị dồn vào chân tường bởi một thiên thần ở nhà thờ Grimsby Minister, cách đó 44 dặm, và bị ăn đòn trước khi bị hóa đá tương tự, bức tượng mô tả tiểu quỷ bằng đá này còn nắm chặt lấy vết thương bị bầm tím ở thân sau của nó.

Những hình tượng kỳ lạ và biến dạng, từ các yêu ma, quỷ quái cho đến những con mèo (có liên quan đến ác quỷ), những con rắn và các quái vật cổ điển khác, những kẻ bất hảo đi lang thang được bao quanh bởi những tán lá gọi là Green Men), hoặc nửa người nửa thú, rất phổ biến trong kiến trúc các giáo đường vào thế kỷ 13.

Một Lincoln Imp ở trường Cao đẳng Lincoln Oxford

Imp (xuất xứ từ tiếng Anh cổ “Impa”, có nghĩa là “cái nhánh”) thường được sử dụng để nói về một “tiểu quỷ” cho đến thế kỷ 17, trước đó rất có thể chúng đã được gọi chung là những ác quỷ. Nhưng trong văn hóa dân gian hiện đại ban đầu, chúng đã được coi là tay sai của Quỷ dữ, thường được xem như những chiếc cầu nối giữa Satan và những kẻ đang phục vụ hắn.

Nếu nhìn kỹ, bạn có thể thấy trong một số công trình tôn giáo nổi tiếng nhất của Anh cũng có chứa những con quỷ tương tự. Tu viện Westminster ở Luân Đôn, nơi tổ chức các lễ đăng quang và các đám cưới hoàng gia, có một con quỷ mang theo một thày tu và một con khác đánh trống, cùng với vô số quái vật khác được khắc vào những băng ghế dài bằng gỗ có bản lề được lắp đặt vào thế kỷ 16.

Lincoln Imp

Nhà thờ thời trung cổ lớn nhất nước Anh, York Minister, có một tác phẩm điêu khắc nổi bật với cái tên báo điềm xấu là “Doomstone” (đá diệt vong), đó là một bức phù điêu đá vôi có từ thế kỷ 12, cho thấy những linh hồn bị tra tấn, họ bị đẩy vào một cái vạc do lũ quỷ canh giữ. Một cái miệng địa ngục cũng được miêu tả cùng với lỗ mũi của nó (!) Tất cả được làm sạch bởi những con cóc.

Trong khi đó, một imp cũng có thể được tìm thấy được khắc vào một cây cột trong hầm mộ của Nhà thờ Canterbury, nơi chỗ ngồi của vị thủ lãnh đạo Tin lành, Tổng Giám mục Canterbury.

Những mô tả về chúng trong các nhà thờ, cũng như tất cả những khuôn mặt và những sinh vật độc ác khác được khắc trên đá hoặc gỗ, đều được cho là tượng trưng cho tội lỗi, chúng đóng vai trò như một lời nhắc nhở liên tục đối với cộng đoàn các tín hữu rằng, ngay cả trong những môi trường thiêng liêng như vậy, họ cũng vẫn có thể bị sa vào chước cám dỗ.

Phù điêu Doomstone ở nhà thờ trung cổ York Minister


Cũng không phải là điều bất kính khi tìm thấy chúng trong các nhà thờ, đối với các Kitô hữu thời Trung cổ, thế giới là một nơi cực kỳ thiêng liêng, một chiến tuyến trong cuộc chiến giữa thiện và ác. Ma quỷ và những cạm bẫy của chúng ẩn nấp phía sau mọi bất hạnh và bàn tay của Thiên Chúa hiện diện sau mỗi chiến thắng.

Không nhất thiết phải có bất kỳ kế hoạch tổng thể nào đằng sau sự lựa chọn các sinh vật. Mặc dù các cảnh trong Kinh thánh, các vị thánh và các thiên thần đã nói về chính họ, những con quỷ, những tiểu quỷ và quái vật phải cảnh giác có nhiều khả năng là những chủ đề thuộc về nghệ thuật.

Những người thợ nề được ủy thác cho công việc xây dựng thường được cho quyền tự do để tô điểm cho các chi tiết nhỏ hơn khi họ thấy phù hợp và sẽ tự đưa ra các tác phẩm điêu khắc hoặc tác phẩm nghệ thuật mà họ đã từng thấy qua ở những nơi khác. Các loại hình khác nhau của điêu khắc nhà thờ có thể được tìm thấy vang vọng qua các ghi chú ngoài lề kỳ lạ và tuyệt vời của các bản thảo thời Trung cổ.

Thánh Bernard ở Clairvaux

Không phải tất cả các nhà thờ đều ấn tượng. Vị tu viện trưởng người Pháp, Thánh Bernard ở Clairvaux, người thường tranh luận về những nơi thờ phụng được trang trí đơn giản hơn, đã viết:

“Những quái vật tuyệt vời này đang làm gì trong những tu viện dưới con mắt của anh em? Ý nghĩa của những con khỉ ô uế, những sư tử man rợ kỳ lạ và những quái vật này là gì? Mục đích của người ta là gì ở đây, khi họ vào đặt vào những sinh vật nửa thú, nửa người này?”.

Phù điêu Lincoln Imp trên một ngôi nhà ở Farndale, North Yorkshire

“Tôi thấy một số hình tượng có một đầu hoặc một số đầu trong một cơ thể. Đây là một động vật bốn chân với cái đầu rắn, có một con cá có đầu với bốn chân, kế đến lại là một con vật nửa ngựa, nửa dê… Chắc chắn nếu chúng ta không thấy sượng sùng vì những điều phi lý đó, ít nhất chúng ta cũng nên hối tiếc về những gì chúng ta đã đầu tư cho chúng”.

Có lẽ có thể thiếu các dẫn chứng hoặc lý do, điều đó thường dẫn đến những câu chuyện nguồn gốc phức tạp để lý giải sự có mặt của một số trong những con thú này, nhưng với một số những hình tượng đầy vẻ đe dọa chẳng hạn như những con Lincoln Imp, chúng lại có những câu chuyện hậu thuẫn rất phù hợp.

Kiều Giang / Doanhnhan+