Làm người thì phải biết xấu hổ
Khổng Tử có câu: “Hành kỷ hữu sỉ”, nghĩa là phải biết dùng tâm xấu hổ để ước thúc hành vi của chính mình. Ngoài ra ông còn nói, “tri sỉ cận hồ dũng”, tức là người biết xấu hổ cũng gần với dũng cảm. Trên thực tế một người biết xấu hổ thì mới có thể tự cảnh tỉnh chính mình, mới có thể dũng cảm đối diện với sai lầm của bản thân, chiến thắng tự ngã. Đây là biểu hiện vượt qua cả sự dũng cảm.
Mạnh Tử từng nói: “Vô tu ác chi tâm, phi nhân dã”, ý là một người nếu không biết xấu hổ thì cũng không thể được coi là người.
Mạnh Tử cho rằng con người sinh ra vốn đã có lòng trắc ẩn, biết hạ mình khiêm tốn, biết xấu hổ. (Ảnh minh họa qua VNwriter)
Mạnh Tử nói rằng: “Nhân bất khả dĩ vô sỉ, vô sỉ chi sỉ, vô sỉ dã”, nghĩa là làm người không thể không biết xấu hổ, loại người không biết xấu hổ đúng thực là vô liêm sỉ.
Người không biết xấu hổ thì điều gì cũng dám làm
Nhan Chi Suy – nhà văn có tiếng thời Nam Bắc Triều, đã thuật lại một câu chuyện trong cuốn sách ‘Gia huấn’ của mình rằng:
Một viên quan nói với ông: “Tôi có đứa con 17 tuổi học hành đã thông tuệ. Tôi cho nó học tiếng nước Tiên Tri (tên một nước cũ thuộc Nội Mông Cổ ngày nay), tập gảy đàn tì bà, lớn lên cho nó theo hầu đám công khanh, thì thế nào cũng được sung sướng.”
Nhan Chi Suy nghe xong chỉ im lặng không trả lời. Sau về nhà, ông bảo với con cháu rằng: “Người này dạy con lạ thay. Nếu là ta thì dù có được phú quý đến đâu thì cũng không mong các con của mình làm như vậy.”
Người biết xấu hổ thì mới có thể không làm những việc không nên làm. (Ảnh minh họa qua Soha)
Thông thường những người mất hết liêm sỉ, họ chỉ lo xu nịnh để kiếm chác lợi lộc, tùy thời mà biến, nhìn đâu cũng chỉ thấy lợi ích, tiền tài, như thế không việc gì là họ không dám làm.
Nhà triết học Chu Hi từng nói: “Nhân hữu sỉ, tắc năng hữu sở bất vi”, tức là người biết xấu hổ thì mới có thể không làm những việc không nên làm.
Biết hổ thẹn thì mới không dễ làm điều sai trái
Dũng cảm để thừa nhận khuyết điểm của bản thân không phải là một việc dễ dàng. Một người khi nhìn thấy khuyết điểm của bản thân thì sẽ cảm thấy xấu hổ, từ đó mới có đủ dũng khí để thay đổi, như vậy thì cũng chưa phải là muộn. Ngược lại nếu không cảm thấy xấu hổ thì sẽ coi đó là vinh diệu, như vậy thì thật hết thuốc chữa.
Trong cuốn ‘Thân ngâm ngữ – trị đạo’, học giả Lữ Khôn vào triều Minh nói rằng: “Ngũ hình bất như nhất sỉ”, nghĩa là hình phạt nghiêm khắc không bằng cho người dân hiểu được một chữ ‘sỉ’ (xấu hổ). Nếu đạo đức con người đề cao, biết được thế nào là hổ thẹn, biết chuyện gì nên làm, chuyện gì không nên làm, như vậy mới có thể phân biệt đúng sai, thiện ác; cái này so với hình phạt nghiêm khắc thì còn hiệu quả hơn. Do đó người xưa chủ trương giáo hóa trước tiên, sau đó mới trừng phạt.
Xã hội ngày này nhìn đâu cũng thấy tham ô, tham nhũng, chẳng phải cũng vì không biết xấu hổ mà ra hay sao?
Theo: Epoch Times
No comments:
Post a Comment